Thứ Ba, 29/1/2019, 13:06
(TBKTSG) - Năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng văn học LiBeraturpreis của Đức với tác phẩm “Cánh đồng bất tận”; ra mắt tập thơ thứ hai, “Gọi xa xôi” và tập truyện thứ chín, “Cố định một đám mây”. Dịp cuối năm này, TBKTSG trò chuyện với tác giả của ba câu chuyện đời đang đi qua năm tháng ấy...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng sách tại Hội sách 2018 ở Đức. Ảnh: N.V.N |
* TBKTSG: Xin
bắt đầu với thơ. “Nguyễn Ngọc Tư quê quán phù sa/mẹ giấu cuống rốn dưới chân
cây đước”. Lời đề từ cho “Gọi xa xôi” nghe du dương mà cũng hết sức tinh nghịch
như “chị Tư Cà Mau” ngày nào. Chị gửi gắm những gì ở tập thơ này?
- Nhà văn Nguyễn
Ngọc Tư: Lúc gửi sách tặng, tôi nói nửa chơi nửa thiệt với bạn bè,
“Gọi xa xôi” là tập thơ cuối cùng của mình. Ít nhất là trong giai đoạn này. Tôi
thấy mình phơi bày trong thơ nhiều quá. Nếu như văn xuôi là thứ kín kẽ, thì thơ
lại là những lúc hở sườn. Và tôi không thích mình hiện hình theo cách ỉ ôi yếu
đuối kiểu vậy.
* Vậy những
lúc nào thì chị làm thơ trong khi vẫn miệt mài viết “Cố định một đám mây”?
- Tôi hay lấy thơ để trút
buồn, níu vào chúng thở than. Và tôi nghĩ cách đối đãi ấy thật không phải. Thơ
xứng đáng hơn vậy. Đó là lý do tôi quyết định dừng lại một thời gian, để những
bài thơ mình viết sáng lên theo cách của chúng.
“Cố định một
đám mây” có những phận người “ngầu” hơn, đau thương hơn những chuyện buồn
thương của “Cánh đồng bất tận” thuở 2005. Vì sao những thân phận này chỉ muốn
thoát ra và bay đi như những đám mây?
- Thoát ra và bay đi, là
bất khả, trong truyện của tôi. Vì vậy mà tên của cả tập, cũng là một hành động
vô nghĩa. Không ai có thể cố định một đám mây, một giấc mơ. Tôi nghĩ mình đi
quá chậm, những nhân vật mình luôn chịu đựng, nín nhịn, chờ đợi, họ có phản
kháng thì cũng là yếu ớt. Có lẽ nhân vật của tôi đã quen với nỗi đau. Thay vì
họ tìm cách hắt chúng đi, thì giữ lại mà nghiền ngẫm, nhâm nhi.
* Văn của chị
trong tập truyện này sắc lạnh, kỹ càng từng câu chữ nhưng đầy sức tưởng tượng;
khác với ngày xưa đôi khi trào cảm xúc. Dường như chị ngày càng khó hơn với
mình trong sáng tác?
- Tôi tiết chế một Nguyễn
Ngọc Tư trữ tình bằng nhiều cách. Kỹ thuật viết, câu chữ, những tầng nghĩa. Có
thể bây giờ tôi viết có ý thức, xưa thì bản năng. Đã bước khá xa qua cái tuổi
bốn mươi, tôi đâu thể viết mãi như hồi trẻ dại. Trời cho nhiều cỡ nào, mà không
rèn luyện học hỏi thêm, thì cũng cạn.
Vậy là cũng
như ngày xưa với “Cánh đồng bất tận” chị đã viết kỳ công trong gần bảy tháng
ròng. Và tới năm 2018 thì nó được giải thưởng văn học quốc tế của Đức. Nhưng
sao ngay sau khi nhận giải chị lại nói rất nhẹ nhàng,“giải thưởng là thứ nhà
văn nên quên đi”?
- Như tôi đã nói, quên thì
sẽ có thêm khoảng nghĩ trong đầu để viết những thứ mới. Ngồi mãi với cái vinh
quang của hôm qua, thì làm sao mà đi chơi chỗ khác. Không người nào có thể đi
nhanh khi mà liên tục ngoái lại đằng sau, và mang theo quá nhiều hành lý vô
nghĩa. Giải thưởng không giúp cho một tác phẩm sống sót sau hàng chục, hàng
trăm năm nữa.
* Câu hỏi sau
cùng này hơi tò mò. Người ta hay nói “văn là người”. Văn chương của Nguyễn Ngọc
Tư thay đổi nhiều như vậy; còn người, sao thấy tự bạch trên blog Sầu Riêng, tác
giả vẫn giữ y lời của 20 năm trước: “Đen, buồn, háo sắc và hơi khùng”?
- Chắc là nay mai tôi phải quay lại cái blog bị bỏ rơi suốt đó, để mà
xóa bỏ mấy chữ miêu tả về mình. Cũng không cần miêu tả gì nữa. Một dòng trống
không giờ hợp với tôi hơn. Giống như khi nhận được những lời chê khen, tôi
thường nghĩ ôi mình thật đa nhân dạng, đa tính cách.
* Đã đăng TBKTSG Online 20-1-2019:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét