Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Nông nghiệp không thể không chuyển đổi


Huỳnh Kim - Trung Chánh


(TBKTSG) - LTS: Nông nghiệp sáu tháng đầu năm tăng trưởng âm (đến cuối quí 3 có tăng trưởng trở lại); trụ đỡ cho nền kinh tế không còn vững. Gần đây chúng ta hay nói tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng cụ thể ta muốn cái gì, làm sao để đạt được... thì chưa rõ. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 27-9-2016, cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi để cạnh tranh và thích ứng với những biến đổi của xã hội, của thị trường... với tiêu đề: “Chuyển đổi nông nghiệp: tăng giá trị, giảm đầu vào”. Nông nghiệp Việt Nam đang và sẽ thực hiện tái cơ cấu như thế nào? TBKTSG trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân…


TBKTSG: Đến giờ, nói đến tái cơ cấu nông nghiệp, hình dung của ông là gì?




Ông Trần Hữu Hiệp.

- Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ:

Tái cơ cấu nông nghiệp chắc chắn không phải là việc phải đeo bám mục tiêu cường quốc xuất khẩu gạo hay lấy sản lượng lương thực làm thành tích, nhưng cũng không phải là việc bỏ bao nhiêu diện tích cây lúa theo cách “vẽ lại bản đồ cây trồng” để chọn con tôm, con cá theo suy nghĩ kiểu cũ - dựa vào “nguồn cung”, quên đi “hướng cầu”, mà phải bắt đầu từ đổi mới tư duy làm nông nghiệp.

Khó có thể có cuộc chuyển đổi lớn mang tính cải cách mạnh mẽ, trong khi vẫn còn đó những cản trở về chính sách đất đai, thiếu khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn, mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Không thể lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ lúa, muối, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật có tính đối phó ngắn hạn.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, trước tiên cần chuyển đổi tư duy làm chính sách mới thúc đẩy các mô hình làm ăn mới. Nông dân của ta đang miệt mài giải bài toán chi phí - lợi ích, kinh tế - môi trường, sinh kế - đời sống, kết nối hài hòa được các mắt xích của “hợp tác - liên kết - thị trường”.




GS.TS. Võ Tòng Xuân.

- GS.TS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ:

Trước tiên cần xác định mục tiêu rõ ràng về tái cơ cấu nông nghiệp. Theo tôi, đến năm 2020, sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu theo chuỗi giá trị trên cánh đồng lớn; quy mô diện tích sẽ tùy thuộc vào quy mô thị trường đầu ra của doanh nghiệp liên kết; nông dân trong hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ làm chuỗi giá trị cung ứng, trong lĩnh vực thủy sản sẽ là “cộng đồng nuôi cá, tôm xuất khẩu”. Mục tiêu đến năm 2030 cũng như vậy nhưng là với nền nông - công nghiệp xanh.


Ông Lê Minh Hoan.

- Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp:

“Linh hồn” của đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp là “hợp tác - liên kết - thị trường”, trong đó mọi hoạt động sản xuất của nông dân, kinh doanh của doanh nghiệp phải hướng đến thị trường, lấy thị trường làm mục tiêu, làm chuẩn mực. Mà nói đến thị trường là nói đến cạnh tranh, mà nói đến cạnh tranh là nói đến chi phí và lợi nhuận.

Do đó, Đồng Tháp đã và đang tập trung cho việc xây dựng những mô hình giảm chi phí, như mô hình giảm lượng vật tư đầu vào bằng cách thay đổi quy trình canh tác của GS. Võ Tòng Xuân; sử dụng phân bón thông minh tan chậm của TS. Nguyễn Thanh Mỹ. Bên cạnh đó, Đồng Tháp đẩy mạnh kinh tế hợp tác để thông qua mua chung sẽ giảm về giá vật tư đầu vào.

Như vậy, tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp cũng hướng tới ba mục tiêu là “giảm chi phí sản xuất - tăng chất lượng nông sản - đa dạng hóa các dòng sản phẩm chế biến”.



Ông Phạm Thái Bình.

- Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An (xuất khẩu gạo, ở Cần Thơ):

Vấn đề của nông nghiệp hiện nay không phải do chúng ta chỉ chú trọng vào cây lúa, không tập trung vào thủy sản, cây ăn trái. Mấy mươi năm nay ta vẫn hướng vào cả ba lĩnh vực đó. Nhưng chúng ta đã đầu tư không bài bản, cứ chạy theo phong trào, sản phẩm nào bán được thì chạy theo, kể cả các nhà khoa học và nhà quản lý, chứ không chỉ riêng người nông dân và doanh nghiệp.

Theo tôi, nông nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư bài bản, cây lúa vẫn phải phát triển, chứ không thể nói là lúa thừa rồi mà coi nhẹ lúa gạo được. Ví dụ với cây lúa, chúng ta phát triển mấy chục năm, xuất khẩu lúa gạo đứng nhì thế giới trong nhiều năm, nhưng đã có thương hiệu gạo nào ra trò chưa? Đến giờ, khi ký một loạt hiệp định thương mại tự do thì chúng ta không có mặt hàng nông sản nào cạnh tranh được với người ta!


TBKTSG: Vậy theo ông, để có thể tái cơ cấu nông nghiệp một cách thực sự, đúng trọng tâm và đạt mục tiêu, cần gỡ bỏ rào cản/nút thắt gì và cần bắt đầu từ đâu?



- Ông Trần Hữu Hiệp:

Lối mòn tư duy làm nông nghiệp truyền thống, chạy theo số lượng, quên giá trị như đang bị nhân lên, trở thành những tác động tiêu cực tích lũy trước sức ép cạnh tranh - hội nhập - biến đổi khí hậu.

Sức ì trong thể chế và nội tại của sản xuất nông nghiệp cần được phá băng. Quan hệ sản xuất, cơ chế chính sách được ca tụng một thời nhờ thành tựu của Đổi mới đã phát huy hết tác dụng mà chưa được thay đổi, bổ sung kịp thời. “Quán tính” của kinh tế nông hộ một thời được ca tụng nhờ có bước phát vượt bậc khi được cởi trói trước đây, nay đã mất “sức rướn”, bị lực cản bởi tính manh mún, nhỏ lẻ của nó.


- GS.TS. Võ Tòng Xuân:

Theo tôi, tái cơ cấu nông nghiệp nên được tiếp cận theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu. Thực sự, đó là chuyển đổi một phần diện tích lúa sang sản phẩm nông nghiệp khác có giá trị cao hơn.


- Ông Lê Minh Hoan:

Tư duy thị trường phải được định hình ngay trong tư duy quy hoạch và định hình cơ chế chính sách. Chính thị trường mới quyết định nuôi trồng, sản xuất cái gì, như thế nào và bán cho ai? Không thể duy ý chí, áp đặt chủ quan từ bên trên để đặt chỉ tiêu phải sản xuất bao nhiêu, kim ngạch xuất khẩu đạt bao nhiêu. Nói cách khác, không thể áp đặt trồng cây gì, nuôi con gì trong một thị trường luôn thay đổi, “trăm người bán, vạn người mua” mà chỉ có thể định hướng và phải luôn linh hoạt theo độ co giãn của thị trường.

Các chính sách của Nhà nước cũng phải hướng tới giúp người sản xuất nhận diện và thẩm thấu tư duy thị trường như đào tạo kiến thức thị trường, cung cấp thông tin, hỗ trợ giảm chi phí vận chuyển, bảo quản, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (đào tạo nhân lực, đầu tư kho bãi, nhà kho, nhà xưởng...).


TBKTSG: Ông hãy thử xác định lộ trình và sự “phân vai” trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp (Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm sao và nông dân làm thế nào).



- Ông Trần Hữu Hiệp:

Tái cơ cấu nông nghiệp phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn. Cần tập trung ba vấn đề mang tính xương sống. Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường. Hai là, tái cấu trúc nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ba là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân khởi nghiệp cùng với nâng cao tri thức kinh doanh nông nghiệp cho nông dân.


- Ông Lê Minh Hoan:

Với Nhà nước, phải thay đổi triệt để tư duy thị trường, từ đó định hình lại bộ máy tổ chức từ trung ương xuống tận cơ sở. Hệ thống hóa các chuẩn mực thị trường cho từng loại nông sản, xây dựng chiến lược quảng bá nông sản ra thị trường thế giới, khơi thông thị trường nội địa, tăng cường kiểm tra các vật tư đầu vào, có chính sách giảm chi phí lưu thông đối với các sản phẩm quốc gia chủ lực, chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho hợp tác xã như đã đề cập ở trên. Kiến tạo môi trường chính sách và pháp lý để tạo sự liên kết ổn định giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Với doanh nghiệp, thực hiện vai trò dẫn dắt định hướng thị trường mang tính chiến lược và dài hạn thay cho tư duy kinh doanh theo từng thương vụ, mùa vụ. Doanh nghiệp là xương sống, là mắt xích quan trọng nhất trong xây dựng chuỗi ngành hàng, từ đó xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia hay địa phương. Doanh nghiệp, thông qua thị trường, tham vấn cho Nhà nước và nông dân xây dựng các bộ tiêu chuẩn quy định kỹ thuật, xây dựng quy trình canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh, định hình quy mô sản xuất cho từng loại nông sản, xây dựng hệ thống logistics phối hợp với Nhà nước quảng bá hình ảnh doanh nghiệp qua đó quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.

Với nhà nông, phải xác định tăng cường hợp tác với nhau là giải pháp duy nhất để nâng cao năng lực, để tận dụng thế mạnh của “mua chung, bán chung”. Phải biết liên kết với doanh nghiệp một cách dài hạn, cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, từ đó góp phần xây dựng truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nông sản. Nâng cao năng lực, kiến thức thị trường, tiếp cận các công nghệ bảo quản, chế biến đơn giản để giảm dần bán nông sản tươi, tăng dần nông sản bảo quản, nông sản chế biến. Hướng dần đến hình thành nông dân chuyên nghiệp, doanh nghiệp hóa nông dân.


- GS.TS. Võ Tòng Xuân:

Từ mục tiêu đã nêu, tôi đề nghị chúng ta tiến hành từng bước, một cách chắc chắn, theo chuỗi giá trị của quy trình nông nghiệp công nghệ tiên tiến. Đầu tiên là cải tiến bản đồ quy hoạch, cần chỉ ra các đơn vị đất đai gắn liền cây trồng, vật nuôi thích hợp, sẵn sàng đem ra sử dụng khi có tín hiệu thị trường.

Kế tiếp, tiến hành ba bước đến tái cơ cấu: Thứ nhất là tìm và mở thị trường. Thứ hai, khi đã xác định được thị trường, tiến hành quy hoạch vùng thích hợp để tổ chức hạ tầng cho nông dân tham gia sản xuất nguyên liệu, không để nông dân làm tự phát như bấy lâu nay. Thứ ba, tìm cho được doanh nghiệp biết tổ chức chế biến sản phẩm có thương hiệu từ nguyên liệu trên đây, biết quản lý kinh doanh sản phẩm của dự án. Biện pháp thực hiện, theo tôi, cần xã hội hóa.

- Ông Phạm Thái Bình: Về chính sách, bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi cần làm gì để có sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, giảm chi phí để cạnh tranh với thị trường thế giới. Ví dụ nhiều hàng nông sản Việt Nam chưa có thương hiệu, cụ thể là gạo. Hiện trong nước nói không dùng gạo bẩn nữa, tức gạo mà trong quá trình sản xuất bị bón phân, phun xịt thuốc vô tội vạ. Thế thì làm sao, ai làm để có gạo sạch?

Rõ ràng doanh nghiệp và nông dân phải làm việc này, nhưng để doanh nghiệp và nông dân liên kết trồng được gạo sạch thì phải có cơ chế, chính sách của Nhà nước để thay đổi quy trình canh tác. Rồi phải có vùng nguyên liệu. Cái này tốn nhiều vốn, cũng phải có Nhà nước hỗ trợ. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Nhà nước bỏ tiền ra cho doanh nghiệp, mà Nhà nước tạo ra cơ chế, chính sách để doanh nghiệp làm ra được vùng nguyên liệu.


Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152278/

Không có nhận xét nào: