Báo DOANH NHÂN SÀI GÒN
XUÂN BÍNH TUẤT 2006
Một ngày cuối năm 2005, nhà thơ Lê Chí, cùng quê Cà Mau với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nói tôi viết một bài ngắn cho báo Doanh nhân Sài Gòn Tết năm nay về Nguyễn Ngọc Tư giùm vì anh đã nhận lời với báo mà hổng rành cô Tư lắm. Tôi nói, tôi chỉ quen cô Tư qua chuyện… đặt cổ viết bài mà thôi. Nhưng tôi cũng hẹn với anh Lê Chí là để thử xem rồi gọi điện thoại nói lại hết với Nguyễn Ngọc Tư như vậy, xong gởi cổ một mớ câu hỏi để có thêm thông tin mới. Hổng dè ngay hôm sau tôi nhận được hồi âm của tác giả truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, một phụ nữ 29 tuổi vừa làm “dậy sóng” trong làng văn nghệ nước nhà năm 2005, cũng với cái truyện này. Thấy nhiều thông tin cũng cũng hay hay, tôi bèn bỏ ý định viết bài và xin được chép lại y nguyên chuyện này gởi về tòa soạn.
- Nghe nói Tư không biết rõ ngày sanh tháng đẻ của mình, chỉ nhớ là sanh trong đêm nên Tư có nước da màu đen, nhưng mà có duyên. Tư có soi gương thấy mình dễ thương không?
Có chứ, em hay nghĩ mình tuy xấu nhưng có duyên ngầm. Có điều hơi cục mịch và không biết xử sự, hơi thất thường, sớm nắng chiều mưa. Khi em sinh con trai, thấy nó ốm nhằng, xấu òm, em lại nghĩ thương má, hồi nhỏ em xấu tệ, xấu đau xấu đớn, út mót mà. Chắc má cũng buồn… Giống như mình. Nhưng không sao, hồi nhỏ, ít nhất má cũng được tự hào vì em học khá giỏi, ở xóm trầm trồ khen hoài. Lớn lên cũng lại làm thêm nhiều chuyện… giỏi nữa, chắc là em đã bù đắp được rồi, cho má, cho ba.
- Hồi nhỏ Tư học hành ra làm sao?
Giỏi. Nhưng lên lớp 6 thì môn toán dở èm. Ông thầy mặt xanh lét ốm nhòng như bị nghiện, dạy lại lừ đừ nên có đứa bạn em… rượt ổng chạy dài. Ổng chạy, bỏ lại em với môn toán mất căn bản trầm trọng.
- Từ nhà tới trường, có băng qua những “cánh đồng bất tận” nào không?
Nhà em cách trường khoảng năm cây số, đi bộ. Nhằm bữa tan học gặp ba đi xe đạp về, ba rủ mà em không chịu lên xe, em nghĩa khí, em không thể để nhỏ bạn (mà em kêu bằng chế, dì, bà con xa) đi bộ một mình. Tụi nó cũng vậy.
- Có gặp cái anh nào tán tỉnh mình hay là gặp cái ông nào mà mình ấn tượng gì không?
Hồi đi học em như cây củi, khô đét, đen đúa, cứng cỏi như con trai, thằng nào đui mới dám xáp vô. Mà tuổi học trò ngày xưa khùng khịu lắm, khác bây giờ.
- Hay là ngoại, cha, mẹ… dạy cái gì mình quá nhớ thời học trò đó?
Lúc chưa đi học, em ở nhà ngoại. Một đôi lần em ăn cắp… tiền. Nguyên cái xóm chỉ ngoại em bán tạp hoá, kẹo bánh nên lấy tiền cũng chẳng làm gì, cũng trả lại, nhưng lâu lâu lại nhìn tủ tiền, thòm thèm. Có lẽ cuộc sống nghèo khó của gia đình lúc đó làm em có tâm lý muốn sở hữu một cái gì đó, thiết thực. Và bây giờ đôi khi thấy mình… ham tiền thì cũng hợp lý thôi.
Có một chuyện mà em hối hận suốt đời. Hồi chăm sóc ông ngoại, em bận nấu cơm, rồi cắt, bó rau rồiquẩn quanh với nhiều công việc khác mà em ít nói chuyện với ông ngoại. Nhà thì rộng, ông đi đứng khó khăn nên không thể lại đằng xóm chơi. Em nhiều khi quạu quọ, nhiều khi dọn cơm ra bỏ đó rồi đi chỗ khác. Nhiều khi ông ngoại hỏi chuyện này nọ, em nạt ngang. Khi ông ngoại mất, em nhận ra, kỷ niệm là thứ không thể chỉnh sửa.
- Nghe nói Tư đang học tiếng Anh?
Có, nhưng em đang tính nghỉ. Em không theo nổi. Chương trình học quá lạ lẫm, em lại có quá nhiều chuyện để làm. Ngoại ngữ là môn không thể vắng mặt, không nghỉ được, vì bỏ một buổi là không theo kịp. Vào học, nghĩa là đầu óc không thể thảnh thơi để nghĩ ngợi bất cứ cái gì, cứ lấm lét sợ ông thầy gọi bắt đọc mấy tiếng anh xì xồ. Học mới một tháng mà em bị stress rồi, ngủ trưa ngủ tối gì cũng không được, phải uống “Hoạt huyết dưỡng não” để ngủ, sụt mất hai ký lô.
- Ngoài việc ở Hội Văn nghệ Cà Mau, làm “nghị sĩ” của tỉnh, người ta giao cho Tư công chuyện gì vậy? Có lần Tư bảo “làm cho biết”, là làm sao?
Đó là công việc tệ nhất của em. Em luôn thấy ngán ngẫm mỗi khi vào kỳ họp. Em hoàn toàn không làm tròn trách nhiệm dân cử, cơ quan cũng phàn nàn sao chẳng thấy em nói gì ở diễn đàn cho văn nghệ sĩ dễ thở một chút. Nhưng em cảm thấy bất lực, em có cảm giác không chống được guồng máy đã gài chế độ chạy tự động. Đó, “làm cho biết” là vậy đó.
Em định xin ra khỏi Hội đồng Nhân dân nhưng người ta bảo, muốn ra cũng phải nghị quyết này nọ, mất công lắm, rốt cuộc, em là “nghị sĩ vật vờ”, “hội đồng ừ”.
- Nghe nói Tư thích nghe nhạc khi viết lách?
Không. Trước khi viết thì em nghe bài nào đó buồn buồn cho nó lắng bớt cảm xúc xuống chớ không thì nó nổi trôi hết. Còn khi viết thì không nghe gì hết.
- Nhà của Tư sát sông Cà Mau, rộn rã xuồng ghe suốt ngày đêm thì làm sao viết được?
Khi viết thì em không nghe thấy gì nữa. Cho nên ở bất cứ chỗ nào cũng viết được.
- Tư thích chơi với ai nhất? Có nhớ, có nghĩ lai rai tới ai không?
Em thích chơi với mình, trong một khoảng lặng nào đó. Nếu bạn bè là từng quen biết, ăn uống chung, tặng sách cho nhau thì em có đầy, nhưng một người bạn đúng nghĩa thì không. Người hiểu em cũng ít. Dường như một vài người gì đó có vẻ hiểu em, nhưng lại buột miệng là hiểu Tư quá trời. Vậy có nghĩa là không hiểu em gì hết, em rất bực khi cảm giác mình nghĩ gì làm gì anh kia cũng biết tỏng tòng tong, vậy thì em sống làm gì, mắc công. Vậy đó, tưởng hiểu, cuối cùng có hiểu gì đâu.
Về cái khoản “nhớ lai rai”, có phải anh hỏi lãng đãng một thứ tình ngoài vợ chồng? Có, nhưng một mình em quyết định và điều chỉnh nó. Ông nào dù dễ thương mấy mà sấn tới là em rút lui, em bỏ chạy. Em cần giữ khoảng cách an toàn, em chỉ chơi với những người mà mình thật sự tin tưởng, an tâm. Mà yêu thêm cũng chỉ là một trò chơi, và nó gây thương tổn cho rất nhiều người, vậy thì tại sao mình không chọn trò ít đau thương hơn, vui vẻ hơn.
- Tư thường lục lọi trong sách báo mỗi ngày ra làm sao?
Toàn đọc báo có hình nhiều, nhất là những báo điện ảnh và phụ nữ, thời trang. Đọc sách nhiều, chữ đã mòn con mắt em rồi. Nên với báo chí, em đọc những gì nhẹ nhàng thôi.
- Thích xem ti-vi chương trình gì nhất?
Hoạt hình.
- Không thích xem gì?
Phim Đài Loan.
- Có thích xem “Thu Cúc đi kiện”, “Đèn lồng đỏ treo cao”, “Anh hùng”, “Thập diện mai phục”… của Trương Nghệ Mưu không?
Không, xem thì thấy hay, nhưng không thích. Em thích phim tình cảm và hoạt hình Mỹ, nhiều phim nhân bản lắm. Anh xem “Nê-mô”, “Cô dâu ma” hay “Thời kỳ băng giá” chưa? Dễ thương lắm. Em rất thích Judy Low, vì anh này đẹp trai. Em vừa xem xong “Núi lạnh”, khóc đã đời luôn. Em cũng thích phim Hàn Quốc, cái cách người trong gia đình họ đối xử với nhau mới dễ thương làm sao.
- Nói một chút về “tủ sách Nguyễn Ngọc Tư” trong trang web của anh Trần Hữu Dũng (*) đi? Có hay lục lọi trong Internet như đọc sách thường ngày không?
Trang riêng này của thầy Dũng em vô có một lần. Bởi nó chứa tất cả những gì mà em đã biết, nên chẳng có gì để tò mò. Em sử dụng Internet chủ yếu là gửi và nhận mail, em sợ… tốn tiền nhiều. Mù tịt về Internet nhưng rành mấy trang web về điện thoại, nhất là khi chuẩn bị mua điện thoại… mới (em là chuyên gia mất điện thoại mà).
- Anh nên chấm hết bài viết mà anh Lê Chí nói dài cỡ hai ngàn chữ ấy về Tư ra sao đây?
Tết này em sẽ đi chơi mút mùa, bù lại năm trước mùng hai là thằng con nổi trái rạ tới rằm tháng Giêng, Tết trong căn nhà kín gió. Với lại năm nay, nhờ cánh đồng bất tận mà em có chút đỉnh tiền, phải làm sao cho tưng bừng chớ.
Ảnh: Võ Mạnh Hảo |
Tôi đã cẩn thận gởi bản thảo này để cô Tư coi lại. Và khi nhận hồi âm, tôi chú ý cổ không sửa mấy chữ “cánh đồng bất tận” sau cùng như là tên của cái truyện ngắn có nhiều dư luận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư./.
--------------------------
Bài đăng tại:
http://www.viet-studies.net/NNTu/HuynhKim_NNTu.htm
(*) Trang web “Văn hóa và giáo dục” của GSTS Trần Hữu Dũng (Đại học Wright State, bang Ohio, Mỹ) ở địa chí: www.viet-studies.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét