Lần đầu tiên Việt Nam có Festival Đờn ca tài tử quốc gia, diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu từ ngày 24 - 29.4. Cũng là lần đầu tiên, một bộ truyện tranh 3 quyển góp sức quảng bá du lịch cho một địa phương, ra đời nhân sự kiện lễ hội như vậy: Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu; Cao Văn Lầu và Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Đồng Nọc Nạng.
Ảnh bìa bộ truyện tranh 3 quyển ra đời nhân sự kiện Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 |
Từ dấu chân tài tử
Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu kể chuyện một nữ sinh quê Bạc Liêu học ở TP.HCM đưa một nam sinh viên người Pháp về thăm quê nhà trong mấy ngày ngắn ngủi. Vậy mà bạn đọc như hóa thân vào chính hai nhân vật này để sống chan hòa cùng Bạc Liêu xưa và nay với bao khám phá thú vị. Ta như được gặp lại công tử Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà bác vật Lưu Văn Lang, nhà văn Phi Vân, cụ Cao Triều Phát, cua-rơ Mã Kim So, anh hùng Lê Thị Riêng, hoa hậu Đặng Thu Thảo... Rồi chuyện về tháp cổ Vĩnh Hưng của nền văn hóa Óc Eo, di tích đồng Nọc Nạng, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ hội Quán âm Nam Hải, nhà thờ Tắc Sậy, chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ, khu du lịch Hồ Nam, cánh đồng muối, cánh đồng điện gió... và cả những món ẩm thực Bạc Liêu nổi tiếng như bún bò cay, cua rang muối, vọp nướng mỡ hành, rượu đế Công-xi...
Trang 18 là tranh vẽ cách điệu TP.Bạc Liêu bây giờ với chú thích: “Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa”. Trước khi dừng chuyện, người làm sách đã để cho chàng trai du khách Pháp ấy nói với bạn đọc như vầy: “Bạc Liêu xứng danh là nơi hội tụ tài tử. Không ít người quê nơi khác nhưng thành danh khi đến Bạc Liêu. Khi sống và cống hiến cho Bạc Liêu, các bậc tài danh này đã để lại những địa chỉ mà ngày nay là những điểm hẹn văn hóa”.
Đến những điểm hẹn văn hóa - lịch sử
Hai quyển kia là chuyện kể về hai trong số những điểm hẹn văn hóa - lịch sử ấy của Bạc Liêu.
Xem Cao Văn Lầu và Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, như được sống lại thời Nam tiến mở cõi của tiền nhân với những người “tiên phuông” làm thầy võ, thầy thuốc, thầy đờn, thầy văn. Và từ đó đã ra đời một thầy đờn Cao Văn Lầu tài hoa với bản Dạ cổ hoài lang danh tiếng, như viên ngọc quý của dòng nhạc tài tử Nam Bộ vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tới trang 21, bạn sẽ gặp GS-TS Trần Văn Khê với lời đề nghị, nên “Đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Điều này sẽ làm cho lớp trẻ hiểu, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, để mỗi người đều góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và biết trân trọng môn nghệ thuật này”.
Còn với cánh đồng Nọc Nạng, nhân dịp Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, xin mời bạn đến thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia này, hiện ở ấp 4, xã phong Thạnh A, H.Giá Rai; và đừng quên mang theo tập truyện tranh Đồng Nọc Nạng.
Cả ba câu chuyện này, đều được Hữu Tâm, một họa sĩ khuyết tật ẩn danh ở đất Cần Thơ, thể hiện đầy hồn phách qua nét vẽ chân phương, cổ điển theo dòng hội họa truyền thống phương Nam.
Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140422/dat-bac-lieu-huu-tinh-nguoi-bac-lieu-men-khach.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét