Huỳnh Kim
GS.TS. Võ Tòng Xuân |
(TBKTSG) - Nhân Chính phủ vừa ban hành nghị quyết
chuyên đề về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
thích ứng với biến đổi khí hậu, TBKTSG trao đổi vớiGS.TS. Võ Tòng Xuân xung
quanh việc thực hiện nghị quyết này.
TBKTSG: Theo giáo sư, điểm mới của nghị quyết này là gì?
GS.TS. Võ Tòng
Xuân: Đây là một chuyển biến lớn
trong suy nghĩ của lãnh đạo, căn cứ trên kinh nghiệm hơn 40 năm nay. Nghị quyết
này sẽ đảo ngược lại tình thế trước đây. Ví dụ, toàn đồng bằng đang được thiết
kế theo chính sách cũ là an ninh lương thực; cái gì cũng phải lo cho an ninh
lương thực, cho cây lúa, nên cấu trúc hạ tầng cũng như việc tổ chức các ban
ngành từ tỉnh, huyện, cho tới người nông dân chỉ để sản xuất lúa là chính.
Chính sách an ninh lương thực hơn 40 năm qua đã đưa tới một thành công lớn là
chúng ta thoát được hiểm họa thiếu đói, tiến tới xuất khẩu gạo, đưa nước ta vào
tốp 10 nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Sâu hơn là chúng ta đạt được ổn định
xã hội; nhờ nông nghiệp, nhờ cây lúa mà xã hội ổn định, chính trị cũng ổn định.
Nhưng mặt bất cập của chính
sách này là nó giết hết những sáng kiến làm giàu cho người nông dân, làm giàu
cho ĐBSCL. Chúng ta cứ làm lúa bất chấp những điều kiện thiên nhiên, điều kiện
môi trường. Ví dụ, chúng ta thấy nước mặn là không làm lúa được, cho nên bằng
mọi cách, tốn bao nhiêu tiền cũng phải ngăn mặn, đưa nước ngọt từ trên xuống,
tốn rất nhiều tiền ngân sách, tiền vay quốc tế. Cuối cùng thì ngày nay đồng
bằng này vẫn nghèo, nghèo hơn những vùng khác; và người nông dân, nhất là nông
dân trồng lúa, vẫn nghèo hơn những tầng lớp khác trong dân chúng.
Vậy
cần bắt đầu thay đổi từ đâu, thưa ông?
- Thứ nhất là thay đổi tư
duy của lãnh đạo. Thấy rằng làm giàu cho nông dân là phải biết lợi dụng các
điều kiện thiên nhiên của ĐBSCL. Từ đó, tạo điều kiện cho bà con làm giàu, chứ
không phải làm ăn như trước đây, làm ra chỉ để ăn.
Kế tiếp là thay đổi tư duy
của người nông dân. Người nông dân muốn khá lên thì không thể làm theo kiểu cũ,
nhất là làm manh mún. Chẳng hạn, đất đai rất manh mún, động tới cái bờ cơm nếp,
cái miếng ruộng nhỏ của mình thì không chịu. Nếu tư duy của nông dân cứ như thế
thì đồng bằng này không bao giờ mới được. Mà không mới, thì ai cứ đứng ở chỗ
nấy, làm ra có ăn thôi, rồi đem ra ngoài chợ làng bán; và nếu để thương lái đi
gom hàng cho các nhà doanh nghiệp bán, thì nó là một món hàng hỗn tạp các thứ.
Như cây lúa, thương lái đi qua một con kênh đã mua được mấy chục giống lúa dồn
hết vô một sà lan. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải lấy lúa của các thương lái
như thế thì không bao giờ chúng ta có gạo có thương hiệu, có chất lượng. Mà gạo
không thể truy nguyên được nguồn gốc thì cũng không thể nào bảo đảm với người
tiêu dùng đó là gạo sạch, là thực phẩm an toàn.
Thứ ba là doanh nghiệp cũng
phải thay đổi tư duy. Nhiều doanh nghiệp đang sống bằng cách lo lót, chụp giựt,
tranh thủ để chiếm đất hay mua hàng không đúng chất lượng. Ví dụ với gạo, mặt
hàng quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay, tuy giá trị không cao nhưng đụng
tới hàng chục triệu người nông dân. So với gạo của Thái Lan, gạo của mình không
bằng về chất lượng vì gạo Thái Lan là gạo lúa mùa, mình là gạo lúa cao sản.
Nhưng cái tôi muốn nói là ở Thái Lan, các nhà xuất khẩu gạo có hiệp hội xuất
khẩu gạo và người ta làm đồng lòng. Giá cả đi theo chất lượng của nhà nước đưa
ra, gạo ai đạt được chất lượng đó thì bán theo giá của hiệp hội. Họ không chơi
kiểu đi lòn, kiểu phỗng tay trên như nhiều doanh nghiệp mình hay làm do không
tôn trọng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, làm hại chính sản phẩm của mình.
Nhưng
như thế là đụng tới chuyện quản lý của Nhà nước?
- Các ban ngành chức năng
của Chính phủ và các tỉnh phải làm nghiêm chỉnh lại. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phải quản lý được các loại nông dược lưu hành trong đất
nước này. Hay các tỉnh, trước hết phải làm quy hoạch lại, ví dụ phải giảm diện
tích lúa ở những nơi đất không thích hợp để nuôi trồng cái khác, làm tăng lợi
tức của nông dân, như nghị quyết này đã nói.
Hay như nghị quyết đề ra giải pháp chuyển quy hoạch từ sống chung với lũ
qua chủ động sống chung với lũ, với ngập nước, với nước lợ, nước mặn, thì phải
tùy điều kiện nước ngọt để quy hoạch nuôi trồng cho thích hợp, xem nước mặn,
nước lợ cũng là tài nguyên làm giàu của nông dân. Ví dụ quy hoạch lại vùng nuôi
tôm thì phải dồn điền đổi thửa, đầu tư khoa học... để không còn nuôi tôm theo
kiểu tự phát, làm cho bệnh tôm lan truyền.
* Đã
đăng TBKTSG Online 26-11-2017:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét