Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

ĐBSCL sẽ có bệnh viện đột quỵ

(TBKTSG Online ) - Sáng 20-7, Công ty TNHH Đầu Tư Y tế Việt Cường đã khởi công xây dựng Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (Can Tho Stroke International Services - SIS Cần Thơ), tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Đây là bệnh viện đột quỵ đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dự kiến sẽ hoàn thành vào quí 3-2018.

Lễ khởi công Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ ngày 20-7. Ảnh: Huỳnh Kim

Bệnh viện này có quy mô 200 giường (giai đoạn đầu 60 giường), rộng 4.000 mét vuông, tổng kinh phí đầu tư 240 tỉ đồng. Bệnh viện này sẽ hoạt động theo mô hình bệnh viện chuyên khoa đột quỵ tim mạch, kết nối xử trí đột quỵ cho bệnh nhân ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL không thể di chuyển kịp lên TPHCM.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, chủ đầu tư dự án, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ với tỷ lệ tử vong, tàn phế còn cao và khả năng can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện còn hạn chế. Tại các bệnh viện lớn ở TPHCM, có tới 97% bệnh nhân đột quỵ do đến muộn sau 6 giờ.
Bác sĩ Cường, Chủ tịch Chi hội can thiệp thần kinh TPHCM, cho biết ngoài điều trị, Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ còn thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng phát triển công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa đột quỵ và đào tạo chuyên sâu về can thiệp nội mạch DSA.
Lễ khởi công Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ ngày 20-7. Ảnh: Huỳnh Kim
Theo ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ, mỗi năm ĐBSCL có hơn 10.000 người bị bệnh đột quỵ; phần lớn phải chuyển lên TPHCM bằng đường bộ mất hơn 4 tiếng, việc vận chuyển này đã làm tăng trường hợp tử vong, tàn phế.

 Ông Tâm đề nghị, sau khi hoạt động, Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ cần tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, đào tạo nguồn lực y tế chuyên sâu và hợp đồng khám chữa bệnh qua dịch vụ bảo hiểm y tế cho người dân.
Huỳnh Kim

* Đã đăng TBKTSG Online 20-7-2017:

Không có nhận xét nào: