Trung Chánh
Ông Trương Quang Hoài Nam (đứng), Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Trung Chánh. |
(TBKTSG Online) – “Đưa đoàn đi nước ngoài xúc tiến, kêu gọi đầu tư là tốt, nhưng không thể nào bằng mời họ (doanh nghiệp) đến tìm hiểu về văn hóa, kinh tế và được nghe chính những doanh nghiệp đã đầu tư chia sẻ. Theo tôi, đó mới là cách giới thiệu, kêu gọi đầu tư khôn ngoan”, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, nhận định.
Trưa nay 1-11, phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu “Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam-Nhật Bản lần 2 tại Cần Thơ” được tổ chức tại địa phương này, ông Trương Quang Hoài Nam, cho rằng rằng sự khác biệt về văn hóa là rào cản lớn trong thu hút vốn đầu tư của Nhật vào Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
Theo ông Nam, những năm qua, Cần Thơ đã đầu tư rất nhiều về hạ tầng giao thông, xây dựng khu công nghiệp, y tế, giao dục…, để hỗ trợ các nhà đầu tư, “Nhưng, chính sự khác biệt về văn hóa như đã nói khiến cho việc thu hút đầu tư chưa thật sự như mong muốn”.
“Vậy làm sao để doanh nghiệp Nhật biết đến và hiểu thêm về Cần Thơ?”, ông Nam nêu câu hỏi và cho rằng việc đưa đoàn đi nước ngoài để xúc tiến, mời gọi đầu tư là tốt, nhưng không thể nào bằng mời doanh nghiệp Nhật trực tiếp đến tìm hiểu văn hóa, kinh tế và được nghe chính những doanh nghiệp đã đầu tư chia sẻ. “Theo tôi, đó mới là cách giới thiệu, kêu gọi đầu tư khôn ngoan”, ông cho biết.
Ông Sasaki Noriyuki, Tổng giám đốc Tập đoàn Brainworks Asia, cho rằng trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia được doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư nhiều nhất, nhưng chủ yếu lại tập trung ở TPHCM và Hà Nội. “Còn với khu vực ĐBSCL thì hầu như rất ít, bởi những thông tin về khu vực này chưa được doanh nghiệp chúng tôi (Nhật Bản) biết đến”, ông Sasaki Noriyuki giải thích.
Thực tế, theo thừa nhận của ông Nam, đầu tư của Nhật vào Cần Thơ thời gian qua rất là khiêm tốn. “Nếu như Cần Thơ thu hút được 1 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, thì từ Nhật chỉ khoảng 2,5 triệu đô la Mỹ thôi”, ông Nam dẫn chứng.
Tuy không đưa ra những con số cụ thể, nhưng ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng trong chín tháng đầu năm 2016, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ tư có số vốn và số dự án đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. “Ngoại trừ Long An, thì các tỉnh phía dưới này (của ĐBSCL) hầu như không có doanh nghiệp Nhật nào đầu tư vào”, ông cho biết.
Tuy nhiên, theo dự báo của ông Sasaki Noriyuki, với việc truyền tải thông tin lặp đi, lặp lại về ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng thông qua chương trình giao lưu văn hóa thương mại Việt Nam-Nhật Bản tại Cần Thơ, thì sự nhận biết của doanh nghiệp Nhật về ĐBSCL sẽ nhiều hơn, qua đó, đầu tư của Nhật vào đây sẽ tăng lên thời gian tới. “Chúng tôi đang triển khai các hoạt động này với niềm tin chỉ 2-3 năm nữa, doanh nghiệp Nhật sẽ biết, quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào ĐBSCL”, ông cho biết.
Chương trình giao lưu văn hóa thương mại Việt Nam- Nhật Bản lần 2 tại Cần Thơ sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13-11 với quy mô 70 gian hàng, trong đó, có 20 gian hàng giới thiệu văn hóa, sản phẩm Nhật Bản và 50 gian hàng của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình lần này sẽ diễn ra hai sự kiện quan trọng, gồm Hội nghị đầu tư thường niên vào ĐBSCL lần thứ IV với chủ đề “Cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển kỹ thuật thông minh” diễn ra vào ngày 11-11 và hội thảo “Kinh doanh châu Á-đem uy tín Nhật Bản vào kinh doanh” được tổ chức vào ngày 12-11.
Bài đăng tại:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét