Nhà thơ Lê Minh Quốc, đồng hương Quảng Nam của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vừa cho ra mắt cuốn sách do anh biên soạn: “Nguyễn Nhật Ánh – hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” (NXB Kim Đồng ấn hành). Sách như một lời “giải mã” về Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn đang có bút lực sung mãn và được hàng triệu bạn đọc trẻ yêu thích.
Trong vòng 28 năm, từ 1984-2012, Nguyễn Nhật Ánh đã cho ra đời 112 tác phẩm văn học gồm thơ, truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp bút. Trong đó, riêng bộ truyện thiếu nhi “Kính vạn hoa” 54 tập đã được NXB Kim Đồng in hơn một triệu bản. Đây cũng là nhà văn tuổi trung niên (năm nay anh 58 tuổi) nhận được nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” nhận Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009, Giải Văn chương ASEAN 2010 và Gỉải sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2009; “Kính vạn hoa” được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học năm 2002; “Chú bé rắc rối” nhận Giải Văn học Trẻ hạng A của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1990; “Tôi là Bêtô” nhận Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2008…
Sách của anh cũng được bạn đọc nước ngoài chọn, như “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” được dịch sang tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Hàn; “Mắt biếc” dịch sang tiếng Nhật; “Cô gái đến từ hôm qua” được dịch sang tiếng Nga và được đưa vào giáo trình dạy tiếng Việt tại ĐH Moscow và nhiều trường ĐH khác ở Nga. Ngoài ra, nhiều tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim và truyện tranh như “Nữ Sinh”, “Bồ câu không đưa thư”, “Buổi chiều Windows”, “Chú bé rắc rối”, “Thằng quỷ nhỏ”, “Kính Vạn hoa”, “Bong bóng lên trời”, “Những chàng trai xấu tính”, “Trước vòng chung kết”…
Nguyễn Nhật Ánh còn là nhà báo chuyên viết bình luận bóng đá (bút danh Chu Đình Ngạn) trên báo Sài Gòn giải phóng - nơi anh đang làm việc; giữ mục “Vườn hồng” chuyên tư vấn tình cảm (bút danh Anh Bồ Câu) trên báo Thanh Niên. Nhà văn một thời là thanh niên xung phong và nhà giáo này hiện cũng là chủ quán ăn đặc sản món Quảng Nam mang tên Đo Đo và chủ tiệm sách Kính vạn hoa ở TP.HCM.
Trong cuốn sách, nhà thơ Lê Minh Quốc đã kể những câu chuyện nhẹ nhàng về Nguyễn Nhât Ánh từ tuổi thơ cho tới năm 2012. Sách cũng sưu tầm nhiều bài viết của các bạn văn ở trong và ngoài nước ngoài kèm với nhiều hình ảnh minh họa, niên biểu tác phẩm, phụ lục thơ, tạp bút, bình luận thể thao, tư vấn tình cảm và cả những lời tâm huyết của Nguyễn Nhật Ánh về quan niệm sống và sáng tác. Xin trích:
Nguyễn Nhật Ánh: “Tôi tin điểm mạnh của văn chương nằm ở khả năng thẩm thấu. Bằng hình thức đặc thù của mình, văn chương góp phần mài sắc các ý niệm đạo đức nơi người đọc một cách vô hình. Được nuôi dưỡng bởi văn chương chân chính, trẻ em lớn lên sẽ biết yêu thương đồng bào, đồng loại, biết dị ứng và chống lại cái xấu, cái ác, biết yêu tự do”. “Mỗi dân tộc đều có thể treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương”. “Theo đuổi công việc viết văn là chấp nhận sống dưới áp lực thường trực từ nhiều phía. Áp lực của độc giả. Áp lực của sự đổi mới. Áp lực của sự vượt qua chính mình”. “Mỗi nhà văn đều tự nhiên có một nhà phê bình trong người… Chẳng hạn, tại sao anh chọn từ này mà không chọn từ kia, dùng lối diễn đạt này mà không dùng lối diễn đạt kia… Chất lượng văn chương của một nhà văn tùy thuộc vào chất lượng phê bình của chính nhà văn đó”.
Bạn văn trong nước: “Bí quyết tạo nên sự thành công kỳ lạ của Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là ở khả năng nắm bắt tâm lý lứa tuổi học trò” (Nhà thơ Trần Đăng Khoa). “Có thể nói mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như một chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ thú vị, mỗi háo húc mỗi say mê; khi làm ta bật cười, khi làm ta rưng rưng, hoặc ngồi lặng đi suy ngẫm” (Nhà văn Nguyễn Quang Lập). “Sử dụng thành thạo và thể hiện được sự trong sáng, phiêu linh, giàu có của tiếng Việt là tài năng của nhà văn... Trong số đó, có Nguyễn Nhật Ánh”. (Nhà thơ Lê Minh Quốc). “Đã vào tuổi ngũ tuần, sức sáng tạo từ con người này vẫn không có dấu hiệu dừng lại… Nguyễn Nhật Ánh là thế. Một nhà văn lương thiện, chân chính. Những giọt mồ hôi rơi trên trang viết hôm nay của anh cũng hệt như giọt mồ hôi trên lưng áo của anh thanh niên đạp xích lô năm 1976, và đẫm chiếc áo xanh những năm sau đó trên các công – nông trường gió bụi. Mồ hôi của sự lao động bao giờ cũng giống nhau”. (Nhà thơ Đỗ Trung Quân, 2005).
Bạn văn nước ngoài: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phản chiếu thế giới kỳ diệu của tuổi thơ và trí tưởng tượng phong phú của con trẻ, những điều mà người lớn không bao giờ biết tới hay không bao giờ nghĩ đến, đó là đời sống thật của trẻ em, nơi có mọi điều tốt lành mà chúng ta cần học hỏi” (Emme Achara - nhà xuất bản Nameebooks - Thái Lan). “Giọng văn trong “Mắt biếc” rất hay và nhẹ nhàng. Câu chuyện tình cảm trong sáng. Sau khi đọc truyện này, tôi bỗng muốn đi Việt Nam” (Nhà thơ Takatsuki Fumiko - Nhật). ■
* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên 26-3-2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130326/giai-ma-nguyen-nhat-anh.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét