Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Chữ nghĩa Nam bộ

   
 

Sau Từ điển từ ngữ Nam bộ; Ấn tượng văn hóa vùng đồng bằng Nam bộ; Văn chương miền sông nước Nam bộ; Đặc trưng văn hóa Nam bộ qua phương ngữ; Tiếng Sài Gòn... TS Huỳnh Công Tín cho ra mắt tiếp Chuyện chữ nghĩa (NXB Văn hóa - Văn nghệ, tháng 7.2014), dày 189 trang, giá 45.000 đồng.


 

Sách gồm 131 bài viết ngắn, như những câu chuyện nhỏ, giải thích 131 từ ngữ đời thường gắn với cuộc sống, sinh hoạt của người dân Nam bộ. Tác giả chọn những phương ngữ Nam bộ phổ biến, hình thành trong quá trình cha ông ta rời miền Bắc, miền Trung đi mở đất phương Nam từ hơn 300 năm trước.

Tỉ như từ Áo chim cò, tác giả giải thích: “Áo chim cò trong phương ngữ Nam bộ chỉ các trường hợp sau: 1. áo mặc có hình chim cò in trên nền vải; 2. áo có nhiều hoa văn, đường vẽ in trên nền vải; 3. áo có nhiều màu sắc rực rỡ, lòe loẹt”. Và: “Hiện tượng mặc áo chim cò không đến mức phải bị phê phán, dù xuất hiện ở đâu. Tuy nhiên, nói người mặc áo chim cò là có hàm ý chê “quê mùa, dân ruộng vườn”,“không biết thời trang”; với người lớn tuổi mặc áo chim cò còn bị chê là không hợp tuổi tác”.

Hay với từ Ăn cơm hớt ở nghĩa bóng có ý nói “người nhanh nhẩu trả lời, nói thay cho người khác hay giành nói trước một điều gì người khác định nói”. Tác giả dẫn một câu nói đời thường làm thí dụ: “Ai có hỏi mày đâu mà mày tài khôn trả lời. Đồ ăn cơm hớt!”. Nghĩa khác: “Quán ngữ ăn cơm hớt còn hàm nghĩa “giành phần trước, chiếm phần của người khác”, khi một người chưa đến phiên được nhận hoặc không có tiêu chuẩn nhưng vẫn tranh lấy mất phần của người khác”.

Ta vẫn thường nghe hoặc đọc nhiều từ Nam bộ khác như Anh Hai, Ba Tàu, Ba rọi, Bắt địa, Búng, Bưng, Cầu khỉ, Chành, Chém vè, Có giang, Dậm cá, Dân cậu, Dân chơi miệt vườn, Dân hàng xáo, Dân thương hồ, Dân tứ chiếng, Đá cá lăn dưa, Khỉ dọc, Loạn cào cào, Miệt dưới, Miệt trên, Mùa len trâu, Nấu cù lao, Tắc chàng hảng, Tân cổ giao duyên, Thị thiềng, Trất, Xà neng… Trong cuốn sách này, mỗi từ như vậy thường được cắt nghĩa từ ngữ, lấy thí dụ thực tế, rồi “chốt” lại cho dễ hiểu. Tỉ như từ Tắc chàng hảng được chốt lại như vầy: “Như vậy tắc chàng hảng là con rạch đi tắt, nhưng lại có hình dạng chia hai, giống như người đứng dạng hai chân ra, mà dân Nam bộ quen gọi là “đứng chàng hảng”. Lâu dần lối đi tắt chàng hảng trở thành địa danh Tắc Chàng Hảng”.

Là người gắn bó tha thiết và say mê tìm hiểu, phổ biến văn hóa Nam bộ, TS Huỳnh Công Tín đã giải thích thêm về sự ra đời của cuốn sách này: “Qua các mục “chuyện” này, bạn đọc sẽ hình dung được tính đặc thù của vùng đất phương Nam - một vùng đất sông nước, nông nghiệp, biết tận dụng những cái thiên nhiên ban tặng với sự cố gắng cần cù của đôi tay lao động và đầu óc thực tế mà tạo được một vùng đất không chỉ có lúa, cá, trái cây, lại còn có cả nếp sống “Văn minh miệt vườn”, với những tao đàn văn chương và những danh nhân khoa học, văn hóa không làm hổ danh đất “Chín Rồng”. Đó còn là lối tư duy và cách thể hiện ngôn từ mang “tính riêng”, thiên hẳn về lối tư duy hình ảnh, gắn sát với thực tiễn môi trường, mang một tâm lý “thủ thường”, chú trọng hiệu quả công việc hơn những phát kiến viễn vông”.


Bài đã đăng tại:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140909/chu-nghia-nam-bo.aspx


Không có nhận xét nào: