Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói gì tại Đại học Cần Thơ?


Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Thăm trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vào chiều ngày 10-8, nói chuyện với hơn 1.000 thầy cô giáo và sinh viên nhà trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, chất lượng đào tạo phải được xã hội công nhận.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ giới thiệu trường với
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 10-8.

Sau khi nghe GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường ĐHCT, báo cáo ngắn về 52 năm hoạt động của nhà trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “ĐHCT hoàn toàn có thể định vị với vai trò là nơi khởi nguồn các ý tưởng sáng tạo, phát kiến, khởi nghiệp. Trường nên mạnh dạn thay đổi sứ mệnh phụng sự xã hội, thông qua đổi mới trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu sáng tạo”.

Để làm được điều đó, Thủ tướng đã “đặt hàng chất lượng” với ĐHCT ba việc chính: sự cam kết của trường; sự công nhận của xã hội; và chất lượng giáo dục được kiểm định. “Đào tạo theo nhu cầu thị trường đang đặt ra gay gắt, anh không thể đào tạo cái anh có mà phải đào tạo cái xã hội đang cần”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, để nâng cao chất lượng giảng dạy trong bối cảnh hội nhập, giảng viên phải có trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đặc biệt là trình độ tiếng Anh và trình độ chuyên môn sâu. “Tôi xin nhắc lại là nhiều sinh viên ra trường không có khả năng thích ứng và hòa nhập được với thị trường lao động, một phần do năng lực của sinh viên yếu nhưng đằng sau đó là trách nhiệm của giảng viên, của những người thầy. Ta phải làm rõ trách nhiệm này để nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Thủ tướng nói.

Về thu nhập của thầy cô giáo, Thủ tướng yêu cầu: “Tôi đề nghị bên cạnh bảo đảm chất lượng giảng dạy và học tập, ĐHCT cần có kế hoạch bảo đảm thu nhập và đời sống cho giảng viên, để giảng viên không phải lo “chạy sô” mà tập trung nghiên cứu cập nhật kiến thức. Cần xóa bỏ suy nghĩ bận giảng dạy, quên nghiên cứu”.

Theo ông, không ít giảng viên có khả năng và tâm huyết nghiên cứu khoa học nhưng do khó khăn trong cuộc sống nên phải dạy thêm hoặc làm nhiều việc không theo sở trường, thậm chí có khi làm những việc trái với lương tâm, chỉ để kiếm sống. “Cần xem đây là vấn đề then chốt bởi nếu không thì những mục tiêu như đẳng cấp quốc tế hay những giá trị cao mà nhà trường đặt ra sẽ phi thực tế”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng mong rằng ĐHCT là đại học khởi nghiệp, nghiên cứu, chứ không chỉ là “đại học giải quyết việc làm”. Ông đề nghị đến năm 2020, chậm nhất là 2025, ĐHCT đứng vào nhóm trường đại học hàng đầu ở châu Á. Trong 5 năm tới, ĐHCT cũng phải tự cam kết về số lượng bằng xác minh, sáng chế; về số dự án khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên; về số đề tài, công nghệ chuyển giao thành công cho doanh nghiệp.

Về mối liên kết với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ĐHCT nên là đầu mối tổ chức các diễn đàn thường niên về phát triển giáo dục đại học ở vùng này.

Riêng với vấn đề tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, Thủ tướng mong rằng ĐHCT là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. “Chính phủ đưa ra chính sách, nhưng hơn ai hết, sinh viên, giảng viên trong trường chính là một cơ quan nghiên cứu thực hiện nghị quyết này với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành”, ông nói.

Nhấn mạnh với sinh viên ĐHCT, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ: “Sinh viên không chỉ là công dân toàn cầu mà còn mang bản sắc văn hóa Việt Nam, yêu quê hương đất nước. Sinh viên ĐHCT cần có ý thức giữ gìn truyền thống cha ông, truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, giữ gìn non sông bờ cõi. Trước mắt, sinh viên ĐHCT không để bị kẻ xấu lôi kéo, kích động trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh đất nước”.     



Theo GS.TS Hà Thành Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, sau 52 năm thành lập, ĐHCT đã đào tạo 98 chuyên ngành bậc đại học, 45 chuyên ngành thạc sĩ, 16 chuyên ngành tiến sĩ. Số sinh viên theo học năm nay gần 47.000 người, ngang với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM.

ĐHCT đứng trong tốp đầu các trường đại học của Việt Nam về số lượng công bố quốc tế. Theo xếp hạng Webo, ĐHCT xếp thứ 3 của Việt Nam; thứ 57 của khu vực Đông Nam Á; 701 của châu Á và thứ 2.704 trong số gần 12.000 trường đại học và học viện đại học trên thế giới.



* Đã đăng TBKTSG Online 11-8-2018:



Không có nhận xét nào: