Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

VCCI Cần Thơ: Nhà đầu tư nên đẩy mạnh làm ăn ở ĐBSCL



Trung Chánh


Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp các địa phương trong vùng và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh là một trong những lợi thế của ĐBSCL. Trong ảnh là cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua còn nhiều hạn chế. Thế nhưng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vẫn khuyến khích các doanh nghiệp nên nhanh chân đầu tư vào đây.

Tại buổi tọa đàm “Xúc tiến đầu tư-thương mại Việt-Pháp” tổ chức ở thành phố Cần Thơ vào chiều hôm qua,15-9, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết đây đây là vùng có nguồn nguyên liệu nông, thủy sản phục vụ cho nhu cầu chế biến lương thực, thực phẩm rất dồi dào và ổn định với trên 25 triệu tấn lúa, chiếm trên 56% sản lượng cả nước; 3,62 triệu tấn thủy sản, chiếm 57% sản lượng cả nước với kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra lần lượt đạt gần 3 và 1,7 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Ngoài ra, theo ông Lam, đây cũng là vùng có diện tích sản xuất rau quả và cây ăn trái lớn với 300.000 héc ta, gồm xoài, chôm chôm, thanh long, măng cụt, sầu riêng…

Một điểm sáng khác, theo ông Lam, ĐBSCL là thị trường tiêu dùng có sức tăng trưởng nhanh với tốc độ trung bình đạt 19,6%/năm trong giai đoạn 2001-2015, chiếm 19-20% so với cả nước, một con số khá ấn tượng.

Còn xét về lao động và chi phí tiền lương, theo VCCI Cần Thơ, ĐBSCL cũng là một nơi rất đáng để đầu tư, bởi có nguồn nhân lực đông đảo với 10,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 19,5% so với cả nước với mức chi phí tiền lương áp dụng từ vùng II trở xuống vùng IV, tức mức lương tối thiểu đang áp dụng hiện hành chỉ từ 3,1 triệu đồng (vùng II) xuống 2,4 triệu đồng/tháng (vùng IV). Và con số dự kiến áp dụng từ năm 2017 cũng chỉ từ 3,32 triệu đồng xuống 2,58 triệu đồng/tháng, được xem là khu vực có ưu thế hơn so với các vùng, miền khác.

Theo ông Lam, đó chỉ là những lý do điển hình, cho thấy các nhà đầu tư nên đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này. Còn theo một nghiên cứu do VCCI Cần Thơ và Tổ chức GIZ (Đức) thực hiện vào năm 2015, thì có đến tám lý do các nhà đầu tư nước ngoài nên nhanh chóng "làm ăn" ở khu vực này.

Cụ thể, đó là: tăng trưởng kinh tế của vùng khá mạnh; môi trường đầu tư lý tưởng; kết nối giao thông trực tiếp và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; thị trường tiêu dùng có sức tăng trưởng rất nhanh với 17 triệu dân; nguồn lao động dồi dào; ngành nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp phát triển ổn định; biến đổi khí hậu đang diễn ra, nhưng đây là cơ hội cho các nhà đầu tư và cuối cùng là cơ hội mở rộng còn nhiều triển vọng.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Phú Hòa, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 cùng với các hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết sẽ tạo tiền đề cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, nhất là nhóm hàng nông, thủy sản.

Còn ở góc độ của một nhà đầu tư, ông Jean Luc Voisin, Tổng giám đốc Công ty Vườn trái Cửu Long (Cần Thơ), một doanh nghiệp Pháp đầu tư vào nông nghiệp ở ĐBSCL, cho rằng cần biến Cần Thơ thành trung tâm chế biến rau quả, bởi với sản lượng rau quả của vùng lớn buộc phải có công nghệ thu gom, chế biến hoàn chỉnh, thì mới mong sản phẩm có chất lượng, dễ dàng xuất khẩu tươi sang các thị trường. “Từ sự quan tâm này, các nhà đầu tư sẽ thấy được điều kiện thuận lợi hơn và sẽ tham gia làm ăn ở khu vực này nhiều hơn”, ông nói.

Bài đã đăng btại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151476/

Không có nhận xét nào: