Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

GS. Nguyễn Ngọc Trân: “Tại sao lại coi nước mặn là kẻ thù?”


Trung Chánh


Tại sao lại xem nước mặn là kẻ thù mà không phải là lợi thế để phát huy? Trong ảnh ông Nguyễn Ngọc Trân phát biểu với báo chí bên lề hội thảo sáng nay, 15-9. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thời gian qua, có không ít ý kiến đề xuất nên nhanh chóng xây dựng các giải pháp công trình để ngăn mặn, trữ ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, giáo sư Nguyễn Ngọc Trân đã đặt ngược vấn đề: “Tại sao chúng ta lại coi nước mặn là kẻ thù?”.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo chuyên đề “Môi trường, biến đổi khí hậu và nông/ngư nghiệp” được tổ chức sáng nay, 15-9, tại thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10, giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, cho rằng bên cạnh việc phải có nhận thức rõ hơn nước không còn là vô tận nên phải sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, thì cũng cần phải coi nước mặn không phải là kẻ thù.

“Không phải nước mặn tới đâu, thì mình tìm mọi cách chặn, đuổi nó ra, mà mình phải chung sống với nó như từng chung sống với lũ”, ông Trân cho biết.

Theo ông Trân - nguyên Chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983-1990), đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - chỗ nào bà con nông dân đã quen canh tác có nước ngọt, thì giữ. Còn những chỗ không thể chống mặn, thì phải chung sống với nó, “đừng coi nước mặn là một kẻ thù, mà phải coi nó là một dạng tài nguyên, như một số nước đã làm”, ông khuyến cáo.

Ông đặt vấn đề, trong lưu vực sông Mê Kông gồm có sáu nước, nhưng chỉ duy nhất ĐBSCL là tiếp giáp với biển, đây là một nét đặc thù, “thì tại sao từ thách thức này, mình không biến nó thành lợi thế, là thời cơ để phát triển, mà phải chống nó?”, ông nêu câu hỏi.

Theo ông Trân, ngoài những tác động tiêu cực đối với ĐBSCL do việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông, thì những nguyên nhân nội tại của vùng cũng đã hủy hoại dần vùng đất màu mỡ này.

Dẫn chứng cho điều mình nói, theo ông, thứ nhất, việc quản lý khai thác tài nguyên bất hợp lý, nhất là rừng ngập mặn vùng ven biển và rừng tràm ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, đã đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, đa dạng sinh học và khiến các vùng đất ngập nước trở nên nghèo kiệt hơn; thứ hai, khai thác cát dọc sông Tiền, sông Hậu không quản lý được cũng làm trầm trọng hơn sự thâm hụt của các lớp trầm tích, nhất là trong bối cảnh các đập thủy điện ở thượng nguồn được dựng lên ngày càng nhiều; thứ ba, khai thác nước ngầm quá mức cũng đã làm cho mặt đất ĐBSCL bị sụt lún.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập về môi trường ở ĐBSCL, cho biết 11 đập thủy điện dòng chính dự kiến ở hạ lưu sông Mê Kông sẽ có tác động rất nghiêm trọng đối với ĐBSCL cả về nước, phù sa và thủy sản.

Cụ thể, ông Thiện dẫn báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược năm 2010 của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC), thì sau khi 11 đập này hoàn tất, tải lượng phù sa lơ lửng của sông Mê Kông sẽ chỉ còn 42 triệu tấn/năm, tức chỉ bằng 25% số lượng trước năm 1994 và khi đó sạt lở sẽ dữ dội hơn.

Theo ông Thiện, các số liệu về phù sa nói trên là chưa tính đến cát, sỏi di chuyển ở đáy sông, cho nên, không biết các đập ở Trung Quốc đã chặn bao nhiêu cát, sỏi và sự thiếu hụt này vài chục năm nữa mới cảm nhận được ở ĐBSCL vì cát sỏi di chuyển vài chục năm mới đến ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, các nghiên cứu cho đến nay đều thống nhất rằng, khi tất cả 11 đập ở hạ lưu vực hoàn tất, thì 100% cát, sỏi sẽ không còn về ĐBSCL. “Khi đó, đoạn bờ biển nhiều cát ở vùng cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, sẽ sạt lở dữ dội. Ngoài ra, khi 11 đập ở hạ lưu hoàn tất, 100% cát trắng ở ĐBSCL cũng sẽ không còn”, ông Thiện cho biết.

Để ứng phó với những tác động ở trên, theo ông Trân, cần phải thay đổi nhận thức, thứ nhất, phải xem nước sông Mê Kông là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực; thứ hai, sự khan hiếm nước ngọt và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai, chứ không như trước đây nữa; thứ ba, tại vùng phải chung sống với nước mặn, xem nước mặn là một dạng tài nguyên cần được khai thác; thứ tư, vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển phải đặt trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định, và thứ năm là phải khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước. “Đó là những điều kiện tiên quyết để ĐBSCL phát triển và đi tới”, ông Trân nhấn mạnh.

Một số gợi ý hợp tác Việt-Pháp trong ứng phó biến đổi khí hậu

Tại hội thảo hôm nay, ông Nguyễn Ngọc Trân đã nêu một số gợi ý về nội dung hai bên có thể hợp tác như sau:

Thứ nhất, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước các sông quốc tế, tiêu chuẩn của các quốc gia, tiêu chuẩn của châu Âu; thứ hai, trao đổi kinh nghiệm, cơ chế sử dụng nguồn nước lưu vực các sông, hợp tác trong trữ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nước ngọt, phát triển nông nghiệp thông minh, ít phát thải khí nhà kính; thứ ba, hợp tác giữa các địa phương có vùng nước ngọt, mặn về quy hoạch phát triển, sản xuất, du lịch, quy hoạch dân cư, cung cấp nước ngọt; thứ tư, xử lý nước thải, biến nước thải, nước biển thành nước ngọt ở các quy mô khác nhau nhằm phục vụ sản xuất và đời sống; thứ năm, trao đổi kinh nghiệm từ bảo vệ bờ biển, các cửa sông; thứ sáu, hợp tác nghiên cứu các nhóm cây, con trên các vùng lợ, mặn; và thứ bảy, hợp tác trong việc xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, chịu lực và bền trong môi trường nước mặn.

Bài đã đăng
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/151448/

Không có nhận xét nào: