Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Thiếu giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch Việt- Pháp?



Trung Chánh


Thiếu vắng giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch Việt-Pháp. Trong ảnh là một góc Chợ Nổi Cái Răng, Thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Hợp tác kinh tế và du lịch là một chuyên đề rất quan trọng diễn ra trong khuôn khổ của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10. Thế nhưng, tại hội nghị lại thiếu vắng giải pháp để thúc đẩy mối liên kết, hợp tác này.

Hàng trăm đại biểu của Việt Nam và Pháp với cả chục tham luận được trình bày tại hội nghị chuyên đề “Hợp tác kinh tế và du lịch” đã diễn ra vào chiều nay, 14-9, tại Thành phố Cần Thơ, một sự kiện chính trong khuôn khổ của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 10 vừa được khai mạc sáng cùng ngày.

Thế nhưng, điều khiến không ít người phải tiếc nuối, đó là hầu như trong số cả chục tham luận đến từ nhiều địa phương trong cả nước, thì hầu như không một diễn giả nào nói lên được những “điểm nghẽn”, những "nút thắt" đã cản trở việc hợp tác về kinh tế và du lịch giữa hai nước thời gian qua cũng như giải pháp để tháo gỡ.

Thực tế, tuy nhìn nhận lạc quan về triển vọng hợp tác giữa hai nước, nhưng theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch, nếu như năm 2011 có 211.444 khách Pháp đến Việt Nam, chiếm 3,51%/tổng lượng khách quốc tế, thì đến năm 2015, lượng khách Pháp đến Việt Nam đạt 211.636 người, tức chỉ tăng 192 người so với năm 2011. Dù tăng về số người, nhưng tỷ lệ chỉ còn 2,66% so với tổng lượng khách quốc tế đã đến Việt Nam trong năm 2015.

Còn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Pháp, tại phiên khai mạc sáng nay, 14-9, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ - địa phương trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - cho biết tính đến nay, mới có 5 dự án FDI của Pháp vào địa phương với tổng vốn đăng ký đầu tư chỉ gần 5,3 triệu đô la Mỹ và có 2 dự án ODA nhận tài trợ từ Chính phủ Pháp với tổng mức đầu tư là 38,76 triệu euro.

Như vậy, với hội nghị chuyên đề “Hợp tác kinh tế và du lịch” với sự tham dự đông đảo của các đại biểu trong và ngoài nước, thì lẽ ra đây sẽ là cơ hội để chỉ ra "điểm nghẽn" và giải pháp giải quyết “điểm nghẽn”,  bắt tay tăng thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch. Thế nhưng, các địa phương tham dự lại trình bày những vấn đề rất quen thuộc, thậm chí đến mức nhàm chán như về vị trí địa lý, dân số, diện tích sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi…

Là đơn vị tham luận đầu tiên sau phần phát biểu khai mạc của hội nghị này, ông Nguyễn Tự Trọng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hải Phòng, cho rằng sản phẩm chủ lực của địa phương có 36.000 héc ta lúa chất lượng cao với sản lượng hàng năm 230.000 tấn; rau an toàn thực phẩm có bắp cải, dưa hấu, dưa chuột, cà chua, khoai tây…, với diện tích 3.500 héc ta.

Tương tự, về tình hình chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng được ông liệt kê một loạt với các logic như trên.

Không riêng gì Hải Phòng, những tham luận tiếp theo cũng được các địa phương dự hội nghị “đọc” từ báo cáo đã được chuẩn bị sẵn từ trước, chứ không hề có được giải pháp nào để giải quyết những khó khăn vướng mắc như đã nêu ở trên.

Trao đổi với TBKTSG Online về câu hỏi vì sao với một hội nghị quan trọng như thế này, lại thiếu những giải pháp để tăng thu hút đầu tư vào du lịch cho vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho rằng việc kết nối giữa các địa phương Pháp và các tỉnh/thành Việt Nam, thì trong khuôn chuyên để về “kinh tế và du lịch” của hội nghị hôm nay chỉ là bước để giới thiệu về tiềm năng, lợi thế giữa các địa phương với nhau thôi. “Chứ còn đi vào thật sự để kết nối, thì cũng cần phải có cái sự ngồi lại giữa các bên, rồi có những chương trình, những dự án cụ thể mới có thể triển khai được. Còn ở đây, trong hội thảo này, chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu những thông tin giữa các địa phương với nhau, giữa các tỉnh thành với nhau để có sự hiểu biết thôi”, ông Sơn cho biết.

Thiết nghĩ với một hội nghị hoành tráng với sự tham dự của nhiều tỉnh/thành trong cả nước và có sự tham gia của đại biểu quốc tế, mà chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu những thông tin giữa các địa phương với nhau là điều rất đáng tiếc.

Tăng cường hợp tác y tế và giáo dục Việt - Pháp


Cũng chiều nay, 14-9, trong khuôn khổ hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt – Pháp tại Cần Thơ, hai thành phố Hà Nội và Toulouse đã chủ trì hội thảo chuyên đề về hợp tác giáo dục và y tế.


Tới năm 2020, hai lĩnh vực này sẽ được 40 địa phương hai nước tiếp tục đẩy mạnh. Ví dụ, tỉnh Tiền Giang đề nghị Pháp hợp tác nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang (do Pháp xây dựng từ năm 1923) lên qui mô 1.000 giường, kinh phí 2.300 tỉ đồng; TP. Cần Thơ đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực phục vụ dự án trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ (do Chính phủ Pháp tài trợ vốn ODA 19,5 triệu euro) đã hoạt động từ tháng 1-2016.


Tiếp tục dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội sẽ cử 70 công chức, viên chức y tế và quản lý nhà nước sang Pháp học. Riêng TP. Rennes sẽ giúp Hà Nội đào tạo mỗi năm khoảng 40 công chức chuyên về quản lý hành chính, tài chính, tài nguyên - môi trường, xây dựng - đô  thị, nông nghiệp.


Các đại diện từ Hà Nội, Cần Thơ và Tiền Giang báo cáo tại hội thảo cũng đều đề nghị các đối tác Pháp tăng cường hỗ trợ đào tạo tiếng Pháp cho ngành y tế và giáo dục ở Việt Nam. Đại diện phía Pháp cho biết sẽ sớm mở một trung tâm đào tạo tiếng 

Pháp tại TP. Cần Thơ vì Cần Thơ đang có khoảng 5.000 người muốn học tiếng Pháp trong số khoảng 10.000 người có đang có nhu cầu này tại vùng ĐBSCL.

Huỳnh Kim


Bài đã đăng tại:

Không có nhận xét nào: