(KTSG Online) – Tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022 đang diễn ra ngày cuối ở Cần Thơ, có tới bảy gian hàng “máy bay nông nghiệp” tiếp thị nông dân miền Tây. Chủ một gian hàng nói: “Cạnh tranh dữ quá, nhưng nông dân có lợi”.
Nhiều gian hàng không xài chữ “phương tiện bay không người lái” hay
drone, mà in hẳn chữ “máy bay nông nghiệp” trong tài liệu và trên gian
hàng để bà con nông dân dễ nhớ. Một máy bay loại này, có thể làm ba việc
là gieo hạt, rải phân bón, phun thuốc.
Anh Trần Văn Minh Tiến, phụ trách kỹ thuật ở Công ty Nicotex Cần Thơ, cho biết so với lao động thủ công, máy này có thể giúp giảm 30 % chi phí về phân, thuốc, lúa giống, 50-60% tiền công lao động; bà con ít bị độc hại và chủ động với thời tiết hơn.
Theo ông Đỗ Trường Giang, chủ gian hàng Nicotex, so với năm ngoái, giờ các công ty sản xuất máy bay nông nghiệp mở đại lý tại miền Tây ngày càng nhiều. Ông nói: “Cạnh tranh dữ quá, nhưng nông dân có lợi. Trước mình làm dịch vụ bay một hecta 350.000 đồng, giờ có nơi chỉ còn 120.000 đồng nên không làm nữa, để cho nông dân tự sắm máy làm dịch vụ này có lợi hơn”. Nicotex Cần Thơ bán hai loại máy hiệu dji với giá từ 300 đến 370 triệu đồng/bộ. Chín tháng đầu năm nay, công ty đã bán được hơn 70 máy cho nông dân ở An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.
Theo anh Hiếu, khách hàng của anh chuộng máy XAG P100 vì P100 tích hợp 3 trong 1 vừa rải phân, rải giống, phun thuốc. Với tải trọng thùng rải 40 kg và thùng phun 40 lít nước, thêm máy tích hợp động cơ li tâm nên không bị kén thuốc, mọi loại thuốc đều dùng được hết và tốc độ bay lên đến 13,8 m/s, cao nhất đối với các dòng máy bay không người ở Việt Nam hiện nay.
“Làm thủ công so với drone, thí dụ phun thuốc, mỗi ngày một người chỉ phun được 5 hecta lúa trong khi hai người sử dụng drone thì phun được 50 hecta, lại về sớm hơn mà khỏi phải lội ruộng, chỉ việc ngồi bên trong bờ kênh xem máy bay là được”, anh Hiếu nói.
Cũng như ở các gian hàng vừa kể đều bán sản phẩm drone nhập từ Trung Quốc, anh Liêm đánh giá nhu cầu tới đây của bà con nông dân với sản phẩm này là cao vì xu hướng làm nông thời nay cần công nghệ cao, sản phẩm chất lượng, tăng lợi nhuận. Tuy vậy anh Liêm băn khoăn giá drone chưa phù hợp với đa số nông dân và chi phí thay thế linh kiện cao với tỷ lệ hao mòn tới 10%.
“Hy vọng hãng Top X Gun cải tiến tối ưu máy bay nông nghiệp để giảm giá thành xuống còn 270 triệu đồng một bộ và mình có chính sách giúp nông dân mua trả góp được thì tốt quá”, anh Văn Thanh Liêm nói.
Hội chợ này có gian hàng của Viện Lúa ĐBSCL, giới thiệu “Máy bay không người lái HLD-18”, do Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hoà Lạc sản xuất. Tài liệu bướm giới thiệu sản phẩm này ghi: “HLD-18 dễ sử dụng, chi phí thấp không gây ô nhiễm môi trường, khả năng tải 10 kg; có thể thực hiện các nhiệm vụ cung cấp thuốc men, đồ cứu hộ nhanh chóng, kịp thời; hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, phun thuốc bảo vệ thực vật; trình sát, giám sát mục tiêu biển, đảo; hỗ trợ phòng chống buôn lậu, ma tuý, bảo vệ biên giới…”.
Chủ gian hàng này cho biết Viện Lúa ĐBSCL đang sử dụng 10 máy HLD-18 này phục vụ cho việc phun thuốc bảo vệ hàng trăm hecta lúa tại Viện. “Giá cả thì không biết vì loại máy này chưa được thương mại hoá”, vị này nói.
Xin khép câu chuyện này tại gian hàng của Công ty TNHH Kỹ thuật ZenMuse Singapore với câu slogan tiếp thị to đùng: “ZenMuse – chuyên gia về máy bay không người lái nông nghiệp chuyên nghiệp”. Chị Nguyễn Thuỳ Trang, nhân viên tiếp thị của gian hàng, cho biết công ty mở gian hàng này để tìm đại lý, chuẩn bị ngày 16-11 này khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại khu Vincom, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Chị trao cho chúng tôi tờ bướm, ghi rõ hồ sơ công ty với hai dòng máy giá 285 triệu và 310 triệu đồng/bộ. Tài liệu này in rõ những dòng chữ to, bên cạnh ảnh sản phẩm: “Mua máy không đồng – Miễn phí đào tạo – Dịch vụ cho thuê – Chất lượng tốt – Dễ dàng tháo lắp – Miễn phí sửa chữa – Đào tạo mở tiệm – Chiếc khấu cao – Đào tạo nhân viên – Đơn hàng liên tục – Bảo hành kỹ thuật trọn đời – Cho thuê và kinh doanh”.
Không trả lời thẳng câu hỏi của chúng tôi về đánh giá tính cạnh tranh của thị trường drone tới đây ở Việt Nam, chị Trang sôi nổi: “Zen Muse muốn phát triển rộng ra cả vùng ĐBSCL. Khả năng là vô hạn, có cầu là có cung”.
Đã đăng trên: KTSG Online
https://thesaigontimes.vn/may-bay-nong-nghiep-tiep-thi-nong-dan-vung-dong-bang/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét