(SGTT) – Trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần
Thơ năm 2022, chiều ngày 2-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NN & PTNT) TP Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác đảm bảo
an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương
giữa TP Cần Thơ với các tỉnh, thành phố năm 2022 và ký kết hợp tác giai
đoạn 2022-2025.
Quang cảnh hội thảo chiều 2-11-2022 tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
Theo Ban tổ chức, hội nghị này nhằm tạo sức lan tỏa, tăng cường năng
lực giao thương các loại hàng hóa nông lâm thủy sản; hỗ trợ giao dịch
thương mại điện tử nông lâm thủy sản và ứng dụng triển lãm nông nghiệp
thực tế; bảo đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm
thủy sản giao thương giữa Cần Thơ và các tỉnh, thành phố khác giai đoạn
2023-2025.
Báo cáo của Sở NN & PTNT TP Cần Thơ cho biết công
tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) gắn với nâng cao chất lượng nông
lâm thủy sản và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần gia tăng tổng
sản phẩm khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2022 ở
Cần Thơ lên 3,29%.
Cần Thơ hiện có có 561 hecta lúa sản xuất theo
tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hơn 500 hecta cây ăn trái và rau màu làm
theo chuẩn VietGAP. Thành phố đã xây dựng và quản lý 46 mã vùng trồng
của 16 đơn vị đối với nhãn, vú sữa, xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ,
Úc, Trung Quốc, EU. Về thuỷ sản, có hơn 282 hecta nuôi theo tiêu chuẩn
VietGAP, BMP, BAP, ASC. Trong 274 trang trại chăn nuôi, có bốn mô hình
liên kết sản xuất theo chuỗi và bốn mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận
VietGAHP.
Cần Thơ cũng phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn và đã có 92 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.
Trong
giao thương, đang có 53 sản phẩm nông lâm thủy sản giao thương giữa Cần
Thơ với 12 tỉnh, thành trong nước và đề xuất 32 sản phẩm của các địa
phương trong nước có tiềm năng giao thương với Cần Thơ.
Ký kết hợp tác giao thương giữa Cần Thơ với các địa phương chiều 2-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Các địa phương đã gửi danh sách hơn 460 sản phẩm OCOP, sản phẩm có
tiềm năng đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm nông
lâm thuỷ sản an toàn và sản phẩm chủ lực đặc trưng vùng miền từ các địa
phương giới thiệu với Cần Thơ để phối hợp kế hoạch giao thương trong
thời gian tới.
Giai đoạn 2022-2025, có 14 tỉnh, thành sẽ ký kết
hợp tác giao thương với TP Cần Thơ trong lĩnh vực này. Chiều 2-11, đại
diện các Sở NN & PTNT và Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng và các tỉnh
Vĩnh Long, Sóc Trăng, Long An, Lâm Đồng, Bạc Liêu, An Giang, Trà Vinh đã
ký kết trước với Cần Thơ.
Ngoài ra các đơn vị này cũng đã ký kết
Biên bản ghi nhớ phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử và ứng dụng
triển lãm nông nghiệp thực tế ảo (Virtual Exhibition) với Công ty TNHH
Truyền thông số MekongExpo.
Theo đó, các bên hợp tác thúc đẩy giải
pháp số hóa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp
tiêu biểu và một số sản phẩm đặc trưng tại ĐBSCL. Các bên sẽ thúc
đẩy phát triển hệ sinh thái số bền vững; tư vấn giải pháp chuyển đổi số
cho người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, giúp tăng thu
nhập nhờ hiệu quả kinh doanh qua sàn thương mại điện tử.
Ông
Nguyễn Thanh Thống, Tổng Giám đốc Công ty MekongExpo, cho biết trong hai
năm tới, sàn https://mekongexpo.vn/ hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp cho nông
dân, làng nghề, tổ hợp hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hội phụ nữ có sản
phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu đặc trưng vùng miền trong cả nước, từ các
thành phố lớn đến các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Miền Trung,
Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL và đưa thông tin sản phẩm lên sàn
https://mekongexpo.vn/.
“Mục tiêu cốt lõi của chúng tôi là triển
khai các lớp tập huấn thương mại điện tử đến từng từng tỉnh, huyện thông
qua việc kết hợp với các nhân tố trẻ từ Đoàn TNCS tại địa phương. Từ
nay đến hết quý 3 năm 2023, Công ty MekongExpo quyết tâm thực hiện triển
khai thương mại điện tử cho toàn khu vực ĐBSCL”, ông Thống cam kết.
Ký kết hợp tác giữa Công ty MekongExpo với các địa phương chiều 2-11-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục
trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) phụ trách Văn phòng Điều phối
nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, cho rằng để việc ký kết hôm nay trở
thành hiện thực, cần có ba yếu tố liên hoàn.
Một là, sự lựa chọn chuỗi nông sản an toàn, chất lượng tham gia ký kết giao thương cần mang đậm sự khác biệt của địa phương.
Hai, sản phẩm phải được bảo đảm ổn định về thời gian, số lượng, đồng đều, chất lượng, giá cả.
Ba
là, phải có sự quan tâm thật sự đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Cả ba yếu tố này phải được thực hiện đồng bộ giữa người sản xuất, doanh
nghiệp, cơ quan quản lý, người tiêu dùng và rất cần được truyền thông
lan toả.
“Phải xem công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao
chất lượng nông lâm thuỷ sản giao thương vừa là trách nhiệm vừa là lương
tâm của người sản xuất, doanh nghiệp, người quản lý và cả người tiêu
dùng”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Mục tiêu chương trình ký kết giao thương
–
Số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn
của thành phố Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL và các địa phương khác trong
nước giai đoạn 2022-2025: ít nhất 250 chuỗi. – Số chuỗi giá trị ngành
hàng thực phẩm nông, lâm, thủy sản của ĐBSCL với các tỉnh, thành phố
trong cả nước đạt chuẩn mực quốc tế: ít nhất 30 chuỗi cung ứng thực phẩm
nông, lâm, thủy sản an toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét