Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Phú Quốc, cuối mùa biển động



Ông Hai Bé “chốt lại” câu chuyện Phú Quốc đang đón đầu “dự án đặc khu kinh tế” với mấy lời ngắn ngủi: “Bây giờ biển cạn kiệt hết, phải đi khơi đánh mới có ăn. Phú Quốc giờ làm du lịch mạnh lắm, tiền vô nhiều. Nhưng Phú Quốc cần giữ lại cây xanh, không giữ thì mai chiều này không có nước uống đâu”.

Ông Nguyễn Văn Bé (Hai Bé) - Ảnh: Kim Đính

 Tiềm năng

Tuần trước, ngày nào mưa cũng mờ mịt trên đảo Phú Quốc. Sóng ầm ào suốt chiều dài bờ Tây đảo, hướng vịnh Thái Lan. Hiếm thấy bóng dáng du khách dám xuống biển tắm. Ông Nguyễn Văn Bé, 81 tuổi, dân cố cựu Phú Quốc, nói: “Giác này là cuối mùa Nam, Phú Quốc sắp chuyển gió Đông”.

Ông Hai Bé sống ở Bà Kèo từ thời “ông cố tôi quê Cà Mau ra, tới tôi là đời thứ tư, ở đây chỉ toàn bùn lầy cỏ cây”. Anh Phạm Mỹ, người con rể ông Hai, là chủ khu nghỉ dưỡng (resort) Sao Biển nằm trên “miếng đất Bà Kèo” ấy, tiếp lời cha: “Hồi năm 1988, ra khỏi bờ chừng trăm mét đã câu được mực, giờ thì tàu 40 ngựa phải đi ba tiếng mới có”.
  
Bà Kèo giờ là khu phố 7 thuộc thị trấn Dương Đông, đang mọc lên san sát những  khách sạn, nhà hàng, resort. Sao Biển có 49 bungalow từ hơn chục năm rồi, giờ đang xây thêm một khu khách sạn ba tầng 31 phòng, hai tháng nữa đón khách. Anh Mỹ nói 6 tháng đầu năm nay, Phú Quốc đón gần 268.000 du khách, doanh thu 1.014 tỉ đồng, tăng hơn cùng kì năm ngoái 52%; riêng khách quốc tế tăng hơn 34%. Giờ chuẩn bị làm đặc khu kinh tế, chưa biết chuyện gì sẽ đến, nhưng khắp nơi trên đảo đang rần rần đầu tư làm du lịch. Trên hai con đường chính của thị trấn, Trần Hưng Đạo và 30 tháng 4, mọc lên hàng chục khách sạn mới do người dân Phú Quốc đầu tư. Còn nhà đầu tư lớn, phần nhiều từ nước ngoài về và từ đất liền ra.


Sát nách Sao Biển, một nhà đầu tư quê Ninh Bình vừa mua lại gần ba héc ta đất xây Godavi Phuquoc Resort & Spa. Cách đó không xa, hai doanh nhân từ Cần Thơ và Sài Gòn hùn nhau thuê khu khách sạn Kim Nam Phương đã xuống cấp, đầu tư 32 tỉ đồng làm lại thành Orange Resort. Họ thuê 15 năm, giá 2 tỉ đồng/năm trong 5 năm đầu với “bài toán”, như lời một trong hai nhà đầu tư ấy: “Mình không có 200 tỉ để mua 8.600 mét vuông đất này, nhưng thuê 15 năm, với cái đà du lịch này, chỉ 7 năm tới, mình thu hồi vốn”.
 
Trước bãi biển Sea Star Resort ngày 7-9-2014 (Ảnh: Kim Đính)
 
Dưới mưa dầm và gió mạnh, hàng chục công nhân vẫn cặm cụi làm việc ở hai công trình này. Cả ba khu Sao Biển, Godavi, Orange vốn có chung bờ cát trắng nối lên Dinh Cậu và chạy dài xuống phía Nam đảo. Tiếc là mặt cát mịn màng ấy giờ đây không còn liền lạc bên nhau nữa.

Bãi biển trước Godavi Resort (Phú Quốc)
Chỗ công trình Godavi, bờ cát đã lõm xuống hơn một thước vì như lời anh Lâm, nhân viên bảo vệ một resort gần đó: “Tối họ đưa xe cạp ra lén móc cát lên đổ cho cao ráo mặt tiền; lấy cả ngàn khối cát mà hổng thấy ông tài nguyên môi trường lên tiếng”. Anh Mỹ nói: “Phú Quốc hiện nay lộn xộn về qui hoạch, xây dựng không phép; còn môi trường thì rác thải, phế liệu tùm lum”.
  
Lộn xộn, ngổn ngang

Chờ lúc dứt mưa, chúng tôi đi quanh thị trấn rồi lên Bắc đảo tìm hiểu chuyện này. Những “vựa phế liệu” mới xuất hiện gần đây trên đảo. Chỉ riêng Dương Đông đã có hơn chục vựa. Ở một đoạn hơn trăm mét trên đường Trần Hưng Đạo, đã thấy ba vựa phế liệu đổ tràn ra lộ. Trong con hẻm chật ở khu phố 1, đường 30 tháng 4, có một vựa phế liệu chất cao như núi. Bác tài tên Dương Quý, nói: “Dân làm nhà, sửa chữa khách sạn, thứ gì cũng đổ ra lộ, đụng đâu thải đó. Rác thải sinh ra phế liệu, đem về Rạch Giá bán”.
 

Bãi rác chính trên đảo Phú Quốc

Một vựa phế liệu trên đường Trần Hưng Đạo – Phú Quốc


  
Lên tới Gành Dầu, ngay ở cửa ngõ vào khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc đang xây dựng là bãi rác chính của đảo Phú Quốc rộng 50 héc ta nằm cặp lộ, bốc mùi không chịu nổi. Anh Dương Quý nói: “Bãi rác này nằm trùm lên một dự án du lịch 200 héc ta nên dự án này bất động. Mỗi ngày Phú Quốc có từ 70 - 80 tấn rác thải chở lên đây. Đã có một người muốn làm nhà máy xử lý rác thải trên đảo nhưng không hiểu sao, họ vừa chuyển ra đầu tư ở Đà Nẵng”.
 
Một góc công trường khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc ngày 9-9-2014
 
Tới “đại công trường” Vinpearl Phú Quốc đang thi công, chợt nhớ lời ông Hai Bé, “Phú Quốc cần giữ lại cây xanh”. Cặp lộ, ẩn sau một lớp rừng còn thưa thớt là một sân golf dài cả cây số vừa làm xong. Không xa là những khu khách sạn, công viên nước…  còn ngổn ngang xây dựng. Không rõ có bao nhiêu vạt rừng bị mất đi trong số 304 héc ta đất dành cho dự án này. “Vinpearl Phú Quốc nhắm tới đặc khu kinh tế, là dự án du lịch lớn nhất ĐBSCL hiện nay. Hàng ngàn công nhân đang làm ngày làm đêm để kịp khai trương vào đầu tháng 11 tới và tổ chức thi hoa hậu quốc gia”, bác tài Dương Quý nói.
  
Quay về Dương Đông, chúng tôi ghé khu Saigon Phuquoc Resort & Spa 4 sao, nơi mở đầu loại hình này trên đảo và nay đang chuẩn bị dự án nâng cấp thành Saigon Phuquoc Hotel & Resort 5 sao, sẽ xong vào cuối năm 2017. Ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Phú Quốc, cho biết hai năm nay Phú Quốc có thêm 500 phòng khách sạn và tới sang năm có năm khách sạn 5 sao với khoảng 2.000 phòng.

 
Chương trình đào tạo nhân lực du lịch của Saigon Phuquoc Resort & Spa

Thế nhưng, ông Mai bức xúc: “Hãy khoan nói chuyện quản lý đặc khu kinh tế. Nguồn lực ở đâu cho khách sạn đây? Không chuẩn bị cho nên gần đây có người dám xộc cả vào khách sạn Sài Gòn Phú Quốc hứa trả lương gấp đôi để tuyển nhân sự”. Phần mình, chuẩn bị cho dự án mới, và cho cả đảo, Saigon Phuquoc Resort đang liên kết với trường Cao đẳng nghề Kiên Giang và Elite Hospitality Group thuộc Viện đào tạo khách sạn & lưu trú Hoa Kỳ, mở các chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
  
Tàu tránh biển động ở sông Dương Đông

Rời sông Dương Đông trước cảnh hằng trăm tàu đánh cá đang đậu san sát bên nhau tránh biển động, chúng tôi ghé UBND huyện Phú Quốc. Phó chủ tịch huyện, ông Huỳnh Quang Hưng, nhắc tới những “cú hích” gần đây với Phú Quốc như sân bay và cảng biển quốc tế; điện cáp ngầm ra đảo; đường trục Bắc - Nam - quanh đảo; tài nguyên rừng và biển còn hoang sơ… rồi nói: “Do phát triển nóng, 5 năm gần đây, khối lượng công việc của huyện Phú Quốc không thua một tỉnh nhưng cơ chế và bộ máy làm việc vẫn như của một huyện bình thường”. Ông Hưng nói tiếp: “Trước tiên tôi đề xuất trung ương có cơ chế đặc biệt cho nguồn nhân lực Phú Quốc”■

Tụi tôi khó tìm được thứ gì để làm trong khi trời cứ mưa hoài. Cho nên tôi nghĩ nếu muốn hấp dẫn du khách thì Phú Quốc nên có vài thay đổi thích ứng khi thời tiết xấu. Mặt khác, Phú Quốc cần thận trọng đừng để phát triển du lịch quá nhanh. Tôi nghĩ đây sẽ là vấn đề đối với thiên nhiên đáng yêu trên đảo.

Tụi tôi yêu những bờ biển ở Phú Quốc lắm nhưng thật đáng tiếc là chỗ nào cũng có rác.

Nadine & Jonas

(Trích ý kiến của hai du khách Đức nghỉ tại Sao Biển Resort, ngày 9-9-2014)

***

It was hard for us to find something to do while it was raining. So I think if the island wants to be more touristic there should be some alternatives for bad weather. On the other hand, Phu Quoc has to be careful that tourist sector is not growing too fast. I think this will be a problem for the lovely nature on the island.

We loved the beach but it’s a real pity that there is so much garbage everywhere.

Nadine & Jonas


* Bài đã đăng tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 25-9-2014:
http://www.thesaigontimes.vn/120461/Phu-Quoc-cuoi-mua-bien-dong.html

Không có nhận xét nào: