Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Việt Linh chuyện và truyện: “Để con người không trơn tuột”


 

Ảnh bìa cuốn tạp bút Việt Linh chuyện và truyện (*)  do cố đạo diễn NSND Hồng Sến chụp năm 1969. Khi đó Việt Linh 17 tuổi đang ngồi bên cha Việt Tân tại một căn cứ cách mạng trong chiến khu. Bây giờ thì chị Việt Linh đang sống với chồng, một giáo sư kinh tế người Việt cùng cô con gái tại Paris - Pháp, vẫn theo nghiệp đạo diễn và viết lách mà dường như cái nghề viết nó đang bè bạn với chị nhiều hơn. 

Mới ra mắt chưa đầy tháng, cuốn sách dày hơn 430 trang, giá 132.000 đồng đã được tái bản. Đó là những “câu chuyện trần gian” nho nhỏ chị Việt Linh chiêm nghiệm ở trong nước và ngoài nước từ năm 2006 tới giờ, sau tạp bút Chuyện mình, chuyện người xuất bản năm 2008. Có 104 chuyện kể ngắn gọn, mà dường như chuyện nào đọc xong cũng dễ làm cho mình dừng lại ngẫm nghĩ một chút, suy tưởng một chút vì sự tinh tế và tính khái quát về ý nghĩa của chuyện. Xin trích một số đoạn văn trong sách: 


 “Người đàn bà mà cuộc đời tóm gọn trong hai từ “kháng chiến” đã khiến khán phòng vỗ tay rầm rập khi nói: “Người đấu tranh không bao giờ thua. Chúng ta chỉ thua khi chúng ta đầu hàng. Kể cả khi chúng ta chết đi thì chúng ta cũng thắng, bởi chúng ta đã giành được nhân phẩm”. (Buổi phim xao động).


“Anh nhắc hoài hai chữ tự do như nuối tiếc một lạc thú đánh mất. Chính khao khát tự do này khiến anh chọn nghề phụ trách bar rượu trên xe lửa xuyên châu Âu. Để được lang bang. Để càng thấy vô thỏa. Anh nói anh luôn bị ý nghĩ tự do ám ảnh”. (Chiều chiều ra đứng ngỏ sau).

“Người đàn ông phố thị lập tức khiến tôi chú ý bởi sắc diện phong lưu khác xa nghề may túi lam lũ của anh, và bởi anh... ở trần”. (Người ở trần).

“Chị ào tới ôm anh. Làm sao không ôm một người bạn đã… chết 30 năm, giờ chợt trở về!? Anh không ôm chị, bởi như xưa, anh biết chị chưa bao giờ yêu anh. Chị yêu người khác”. (Cố nhân).

“Mới đó mà đã 18 năm kể từ ngày hai bác cháu cùng đi chọn cảnh, mà dấu vết duy nhất còn lại là tấm ảnh này. Máy xấu, ảnh lem nhem nhưng vẫn thấy ba “nhân vật”. Hòn phụ tử đã rơi, Sơn Nam đã đi, chỉ còn lại con quỷ với tương tư bà Chúa”. (Bà chúa của Sơn Nam).

“Em vừa 82 tuổi. Người em co rút lại, không nặng hơn 45 kí lô, nhưng em vẫn xinh đẹp, duyên dáng, gợi tình... Năm mươi tám năm chúng ta sống cùng nhau và anh đang yêu em hơn bao giờ hết”. (Gừng cay muối mặn).
“Trở lại câu hỏi của em, rằng nếu thật sự năm 2012 là năm cuối cùng của thế giới đương đại, thì mỗi chúng ta sẽ lựa chọn cách sống nào trong thời gian cuối đó? Tôi nghĩ nỗi lo kia không thực tế, nhưng nếu để vui, tôi chọn cách đón xuân của Nhân kiều”  (Nhân kiều).

Đọc Việt Linh chuyện và truyện, người ta dễ nhớ lại những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của đạo diễn Việt Linh: Nơi bình yên chim hót; Phiên tòa cần chánh án; Gánh xiếc rong; Dấu ấn của quỷ; Chung cư; Mê thảo – thời vang bóng. Và nói như nhà văn Dạ Ngân kể: “Sau Chuyện mình, chuyện người, chúng ta bắt đầu có thêm nhà văn - nhà báo Việt Linh, trong lúc các đạo diễn viết được văn xuôi khá hiếm. Càng xa cái ghế đạo diễn nàng càng chăm chú với ngòi bút”. Và Dạ Ngân hi vọng: “Tôi vẫn mong đến lúc nào đó Linh sẽ viết được tiểu thuyết. Sao lại không chứ? Bởi như một người bạn Pháp nhận xét: “Chừng như cuộc đời mỗi người Việt Nam là một câu chuyện dài”. 

Đọc những câu chuyện này ở Mỹ khi sách vừa ra đời vào cuối tháng 3-2012, nhà văn Lý Lan, cũng đang sống xa nhà như Việt Linh, viết trên blog của mình: “Viết là công việc đơn độc của một người. Ly hương là con đường cùng văn hóa. Người viết ly hương phải tìm cách nhập vào đại lộ văn hóa xứ người, ngược lại sẽ bị lạc lỏng và lãng quên ở cuối con đường cùng văn hóa của mình, nhất là ngôn ngữ của mình. Nhưng người đàn bà tha hương viết bằng tiếng mẹ đẻ là một nỗ lực sống còn tâm linh: viết hay là chết lụi tâm hồn. Lớn hơn một thôi thúc của nhu cầu, viết bằng tiếng mẹ đẻ đối với người đàn bà tha hương là một bản năng sống”. 

Còn với tác giả, Việt Linh tâm sự: “Khi viết tôi không nghĩ đến địa lý, hay cái gì đó tương tự. Tôi chỉ nghĩ đến những gì liên quan tới con người, ngay cả khi tôi nói về con cá. Và con người rất chung chung, ngay cả khi họ có tên, có quốc tịch. Tôi nhìn thấy thế giới ngày một “phẳng”, nhưng tôi tin không bao giờ nó “phẳng” đến tận cùng. Nó sẽ vẫn còn những hố, những hang hốc... Để chi? Để con người không trơn tuột, để nghệ sĩ còn có chuyện làm, để nghệ thuật còn ý nghĩa”.

***************
(*) Việt Linh chuyện và truyện - NXB Trẻ - quý 1/2012.

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

THAM GIA CÔNG ƯỚC RAMSAR, TRÀM CHIM ĐƯỢC GÌ?





Tràm Chim  (gần 7.500 hecta, trong đó gồm khoảng 1800 ha rừng tràm, còn lại là đồng cỏ ngập nước theo mùa, đầm lầy sen súng, và mặt nước) là nơi duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái cho cả vùng Đồng Tháp Mười, và là vùng đất ngập nước tiêu biểu của ĐBSCL.  Về đa dạng sinh học, Tràm Chim có 231 loài chim (trong đó quý nhất là chim hạc), 191 loài thực vật, và khoảng 150 loài cá nước ngọt.  Đồng cỏ ngập nước theo mùa ở Tràm Chim mang tính đa dạng sinh học cao. Lúa ma mọc hoang dã ở Tràm Chim là sinh cảnh tốt cho cá, chim và là nguồn gien cần bảo tồn. 

Lúa ma ở Tràm Chim


Vườn Quốc gia Tràm Chim vừa được Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới. Dịp này, TBKTSG đã phỏng vấn Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN,  chuyên gia sinh thái với hơn 20 năm kinh nghiệm về bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL…

 
Th.S Nguyễn Hữu Thiện

TBKTSG: Theo ông, vì sao Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar của thế giới? 
- Th.S NGUYỄN HỮU THIỆN: Tràm Chim xứng đáng với danh hiệu Ramsar vì thỏa mãn được 8 trong số 9 tiêu chí của Ramsar. Ngoài ra, tổ chức BirdLife còn xếp Tràm Chim là một trong các “Vùng chim quan trọng” (IBA - Important Bird Area) ở Việt Nam. Ngày nay gần như toàn bộ cảnh quan Đồng Tháp Mười xa xưa đã biến mất, chỉ còn sót lại một vài khu quan trọng như Tràm Chim ở Đồng Tháp, Láng Sen ở Long An.  Việc gìn giữ các khu còn lại như thế có ý nghĩa nhiều mặt về đa dạng sinh học, sinh thái, du lịch, văn hóa, nghiên cứu khoa học. Tràm Chim cũng là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng xung quanh và đặc biệt là nơi giữ lại hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa cho các thế hệ mai sau chiêm ngưỡng và suy ngẫm về công lao của tiền nhân mở cõi ở vùng đất phương Nam này.


TBKTSG: Hệ sinh thái đất ngập nước của Tràm Chim có gì đặc biệt so với các khu Ramsar khác?
- Đây là một trong những mảnh cuối cùng còn sót lại của Đồng Tháp Mười xa xưa, một cánh đồng hoang rộng tới gần một triệu héc-ta, trải dài từ Đồng Tháp qua Tiền Giang và Long An ngày nay. Đồng Tháp Mười xưa là thiên đường của muôn loài, kể cả cá sấu và khỉ. Có những địa danh ở Đồng Tháp Mười xưa còn gợi lại hình ảnh hoang dã này như là Bưng Sấu Hì là vùng bưng trũng ngày xưa có nhiều sấu, hay kênh Cà Dâm, và gò Lâm Vồ đặt theo tên loài cây Cà Dâm và cây Lâm Vồ mà ngày nay hiếm thấy. Đồng cỏ của Tràm Chim là loại cảnh quan khó tìm thấy ở nơi đâu khác trong lưu vực Mekong.  Ngoài ra, cánh đồng lúa ma ở Tràm Chim là diện tích lúa ma còn sót lại lớn nhất ở ĐBSCL.
Đặc biệt ở Tràm Chim có quần thể sếu đầu đỏ hàng năm đến sinh sống trong mùa khô, từ khoảng tháng giêng dương lịch khi mực nước bắt đầu cạn trong đồng cho đến đầu mùa mưa vào khoảng cuối tháng năm. Sếu đầu đỏ chính là chim hạc mà ta thường thấy tượng loài chim này đứng trên lưng rùa trong các chùa chiền của Việt Nam. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hạc được xem là linh thiêng; người sống có đức độ thì khi qua đời sẽ được chim hạc đến rước linh hồn về trời, tức là “cưỡi hạc quy tiên”.

TBKTSG: Như vậy, cái lợi của việc Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar là gì?
- Được công nhận là Ramsar là một cơ hội tốt cho công cuộc bảo tồn đất ngập nước ở Tràm Chim. Một khu đất ngập nước được Ramsar công nhận có tầm quan trọng quốc tế thì cái lợi đầu tiên là danh tiếng của khu đó và kể cả của quốc gia cũng sẽ được tăng lên nhờ được nhắc đến nhiều hơn ở các diễn đàn quốc tế về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước. Tràm Chim được xem là khu Ramsar thứ 2000 của thế giới.  Con số 2000 cũng sẽ gây được sự chú ý đặc biệt cho Tràm Chim.  Ngoài ra, khi thành khu Ramsar, Tràm Chim sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia về chuyên môn cũng như cho việc áp dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Tràm Chim sẽ có cơ hội nhận được những khoản hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ nhỏ của Công ước Ramsar và tăng sự chú ý của các quỹ bảo tồn khác.

TBKTSG: Đã từng làm việc nhiều năm tại Tràm Chim, theo ông, các nhà khoa học đã giúp giải quyết được những vấn đề chính nào ở Tràm Chim?
- Trong những năm qua, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học khoa học tự nhiên Tp.HCM, Tổ chức Bảo vệ hạc quốc tế (ICF), Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF)… và của rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Nhờ đó chúng ta đã giải quyết được những vấn đề quan trọng đe dọa đến hệ sinh thái của Tràm Chim, trong đó quan trọng nhất là việc thí điểm thành công việc thực hiện quản lý nước phù hợp, duy trì chế độ thủy văn hai mùa, tuân thủ theo quy luật tự nhiên của Đồng Tháp Mười. Người dân địa phương cũng đã được tổ chức thành nhóm để sử dụng tài nguyên một cách có kiểm soát bên trong vườn quốc gia.


TBKTSG: Nhưng dường như các nhà khoa học vẫn chưa yên tâm với vấn đề “nước nôi” ở Tràm Chim?
- Vấn đề lớn nhất đe dọa hệ sinh thái Tràm Chim mà hiện nay vẫn chưa được giải quyết đó là các đê bao xung quanh Tràm Chim quá cao theo kiểu “chống lũ triệt để”. Các đê này được nâng vào năm 2003 lên cao đến 4-5 mét trên mặt đất nhằm trữ nước quanh năm bên trong Tràm Chim để phòng cháy. Hệ thống đê bao thấp khoảng 2 mét so với mặt đất xung quanh Tràm Chim như trước năm 2003 là cần thiết để duy trì độ ẩm thích hợp, bù cho lượng bốc hơi mặt thoáng, thoát hơi qua lá, và thấm qua đê trong mùa khô. Trong bối cảnh thủy văn toàn vùng Đồng Tháp Mười đã thay đổi, nếu không có hệ thống đê bao thấp xung quanh thì vào mùa khô, mực nước sẽ xuống thấp hơn mặt đất khoảng 1,5 đến 2 mét thì cây cỏ sẽ chết khô. Hệ thống đê bao thấp trước 2003 vẫn cho nước lũ tràn qua được. Tuy nhiên từ khi hệ thống đê bao này được nâng cao lên thì Tràm Chim bị cách ly với môi trường bên ngoài.
Vì nước lũ không tràn qua đê được nên trứng cá và cá con từ nước sông Mekong chỉ vào được Tràm Chim một cách rất hạn chế qua các cửa cống. Lượng cá giảm cũng kéo theo sự suy giảm số lượng chim nước vì thiếu thức ăn. Nếu tình trạng đê cao này kéo dài thì lượng cá bên trong sẽ nghèo kiệt và số lượng chim nước ở Tràm Chim chắc chắn sẽ suy giảm theo thời gian.
Giải pháp cho vấn đề này có thể là hạ thấp cao trình một số đoạn đê xuống như trước đây hoặc xây một số tuyến đập tràn để cho nước có thể tràn qua trong mùa lũ để mang vào trứng cá và cá con và tạo điều kiện cho xác bã thực vật bên trong phân hủy tốt hơn để cải thiện môi trường nước và cũng để giảm rủi ro cháy với cường độ cao. Chúng ta cũng cần chú ý là chuyện cháy định kỳ hàng năm với cường độ thấp là một yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái đất ngập nước như ở Tràm Chim.

TBKTSG: Xin cảm ơn ông



Tràm Chim Ramsar


Ramsar là gì?            Công ước Ramsar là một công ước liên chính phủ được ký vào ngày 2-2-1971 ở thành phố Ramsar (Iran) và có hiệu lực từ năm 1975 với mục đích khuyến khích bảo tồn và sử dụng khôn khéo hay bền vững các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
            Hiện nay Ramsar có gần 160 quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 50 từ năm 1989. Trên thế giới hiện có 2000 khu Ramsar (Tràm Chim là khu Ramsar thứ 2000) với tổng diện tích khoảng 190 triệu héc-ta, lớn hơn tổng diện tích của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và Thụy Sĩ cộng lại.
            Ramsar có tất cả 9 tiêu chí để công nhận, được chia thành hai nhóm tiêu chí chính bao gồm (a) sự độc đáo và hiếm có của vùng đất ngập nước (b) tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nhấn mạnh đến cá và chim nước.
            Các cam kết chính của một quốc gia thành viên Ramsar là: quốc gia đó phải đưa ít nhất một khu đất ngập nước thành khu Ramsar khi gia nhập công ước; quy hoạch sử dụng đất của quốc gia phải có xem xét, cân nhắc về bảo tồn đất ngập nước và khuyến khích việc sử dụng khôn khéo đất ngập nước; thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, nằm trong hay ngoài danh sách Ramsar; hợp tác quốc tế liên quan đến việc thực hiện công ước, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nguồn nước, các loài có phạm vi xuyên biên giới.
          Công ước Ramsar không phải là một ràng buộc pháp lý mà chủ yếu dựa vào sự kỳ vọng thực hiện các cam kết ấy. Một số quốc gia đã đưa những cam kết Ramsar vào hệ thống pháp luật của chính mình để tuân thủ tốt hơn.
===================================
Mời xem thêm trên TBKTSG Online:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/73122/