Lâu nay, du khách từ ĐBSCL muốn ra Côn Đảo phải về TP.HCM đi tàu hoặc máy bay. Ngày 1-6-2011, hãng VASCO khai trương chuyến bay Cần Thơ – Côn Đảo với máy bay ATR-72 đời mới, giá vé 1,2 triệu đồng/lượt. Từ nay, chỉ sau 40 phút bay, người từ Cần Thơ đã có thể “tắm mình” trong thiên nhiên hoang sơ và chiêm nghiệm dòng lịch sử - tâm linh an tịnh ở Côn Đảo.
* Ngọc trong đá
Trong bài “Những bóng ma và biển xanh sâu thẳm” đăng ở mục Travel Asia & Australia trên Thời báo Tài chính hồi tháng 3-2011, du khách Claire Wrathall viết: “Trước 1975, Côn Đảo là một nhà giam tàn khốc của chế độ thuộc địa. Hơn 20.000 tù nhân bị giam trên hòn đảo hoang sơ này đã chết. Dù đã thành dĩ vãng, nhưng ở Côn Đảo có những hồi ức lạnh người về quá khứ dã man. Có một tấm biển đồng tưởng nhớ 914 tù nhân khổ sai đã chết khi họ xây dựng cầu tàu Côn Sơn. Hơn 350 người tù đã chết khi xây cầu Ma Thiên Lãnh gần đồn điền Sở Rẫy. Đi bộ leo dốc xuyên khu rừng nhiệt đới rậm rạp, bạn sẽ đến nơi được phát quang để giam cầm và nghiền nát tù nhân. Sau đó là tổ hợp 11 nhà giam, cái lâu nhất do người Pháp xây từ năm 1862, và 4 trong số đó giờ là bảo tàng chứng tích cho những điều kinh hoàng ở đây. Địa ngục trần gian - cụm từ này không phải là nói quá”. Đó là cái nhìn của một người nước ngoài trong số hàng trăm du khách ngoại quốc đang đến với Côn Đảo.
Cây bàng ở Côn Đảo
Tới Côn Đảo mùa hè này, nếu không thích tự khám phá, bạn có thể được người hướng dẫn du lịch đưa đi thăm hết thảy những di tích lịch sử ấy - trong tiếng ve ngân vang khắp núi rừng, dưới bóng râm của những tàng cây bàng cổ thụ trăm tuổi đang đứng trầm tư giữa những chòm bằng lăng tím trẻ trung rực rỡ. Và khi đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, thắp nén nhang nơi mộ chị Võ Thị Sáu đang yên nghỉ bên hàng nghìn chiến sĩ cách mạng dưới bóng núi chập chùng, chắc hẳn bạn sẽ có những phút giây vô cùng xúc động, lặng lẽ và riêng tư, như câu chuyện tôi sắp kể tiếp dưới đây.
Hè năm ngoái, một doanh nhân 28 tuổi ở TP.HCM đi Côn Đảo về đã viết một bài tạp bút đăng ở tạp chí Văn hóa Phật giáo. Tôi nhớ đoạn bạn ấy cảm nhận về lịch sử Côn Đảo như là nhìn thấy ngọc ở trong đá vậy: “Cảm giác bình an, hạnh phúc hiển hiện trong tim của mỗi người chúng tôi trong suốt bốn ngày ở đảo. Ngay cả giữa cái bí hiểm, rờn rợn trong không khí tâm linh của những dãy nhà tù hay những dải đất nghĩa trang cũng chẳng khiến chúng tôi sợ hãi, mà chính nó còn làm cái yêu thương chớm nở cho miền đất này nằng nặng hơn. Vài giọt nước mắt len lén lăn chảy theo câu chuyện kể của cô hướng dẫn du lịch về đời sống tù ngục, về sự bất khuất, về sự thành thánh của những con người mà tôi nghĩ trái tim của họ chắc phải bằng ngọc rất sáng, về cái nghĩa của người vợ với chồng, về những tâm hồn cao thượng. Nỗi e ngại bàng bạc về ma cỏ mà lắm người ở đất liền thêu dệt đã bốc hơi đâu mất. Chỉ còn lắng đọng cái thổn thức của tình thương và sự cao quý trong những câu chuyện lịch sử nơi đây”. Vị du khách ấy còn trân trọng ví Côn Đảo như “một bậc Thiền sư”.
* Hoang sơ dân dã
Con đường nhựa duy nhất quanh co phía bờ Đông sẽ đưa bạn từ sân bay Cỏ Ống về thị trấn rồi chạy thẳng xuống Bến Đầm ở phía Nam đảo. Bờ Tây đảo không có đường và núi thường dốc, tuy vậy bạn cũng có thể lội bộ cắt rừng để đến tắm tại bãi Đầm Trầu hay bãi Ông Đụng là nơi gần như hoang sơ tuyệt đối. Cũng như ở bờ Tây, những bãi cát dài trắng phau mịn màng ở bờ Đông là nơi bơi lặn lý tưởng để phục hồi sức khỏe. Có nơi như ở bãi Đất Dốc, từ tháng 12-2010 đã mọc lên khu nghỉ dưỡng 5 sao của tập đoàn Six Senses của Thái Lan với giá phòng lên tới 790 đôla/ngày.
Bằng lăng tím ở Côn Đảo
Nếu bạn nóng lòng muốn “dạo quanh một vòng” trước khi tới tận nơi, người hướng dẫn du lịch sẽ trải tấm bản đồ Côn Đảo ra, lần lượt giới thiệu tiếp với bạn về danh lam thắng cảnh trên đảo. Ra hòn Bảy Cạnh để bơi lội, ngắm san hô, xem vích đẻ trứng trên cát, thăm ngọn hải đăng được xây từ năm 1884. Ra hòn Tài leo núi, xem khỉ, ngắm cảnh, tắm biển, lặn san hô và xem rùa lên bãi đẻ trứng. Ra hòn Trứng vào chiều tà hay bình minh, bạn sẽ say mê với cảnh từng đàn chim lớn bay quanh hòn vì đây là nơi cư trú của nhiều loài chim biển. Quay trở vô bãi Lò Vôi, nơi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, bạn sẽ thích thú với việc cắm trại, tắm biển khi triều lên và xem san hô khi triều xuống. Hoặc đến bãi Nhát đối diện với đỉnh Tình Yêu ở hòn Bà là nơi ban ngày nước biển xanh mênh mông một màu ngọc bích và là địa điểm tuyệt vời để chiều chiều ngồi ngắm hoàng hôn buông xuống giữa đại dương. Chỉ cần thuê một chiếc xe gắn máy với giá 120.000 đồng/ngày hoặc thuê tàu giá 2,5 triệu đồng/tua, bạn có thể thưởng ngoạn được những vẻ đẹp hoang sơ ấy của Côn Đảo.
Bãi Nhát và đỉnh Tình Yêu ở phía xa.
Bạn sẽ đặt phòng tại các nhà nghỉ như Phi Yến, Anh Đào… với giá phòng khoảng 350.000 đồng hay tại khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo, Sea Travel, Côn Đảo Resort… với giá từ 45 đến 120 đôla/ngày. Mấy chỗ này đều có chung bãi tắm tên là An Hội dài khoảng ba cây số chạy vòng xuống vách núi phía Nam với bờ cát trắng mịn và khi bạn lội ra xa vài chục mét, nước biển trong xanh vẫn chưa ngập tới vai. Đi chơi đã quay trở về, bạn có thể ăn hải sản tươi ngon tại chính các nhà hàng nơi bạn nghỉ hoặc tại những quán ăn có tiếng như Tri Kỉ, Thu Tâm, Thu Ba, Phương Hạnh, Yến Vân… và chắc chắn bạn sẽ gọi món ốc vú nàng để thưởng thức đặc sản của riêng Côn Đảo.
Dạo chơi thị trấn một vòng, dù đi ban ngày hay ban đêm, bạn dễ nghe thấy lòng mình nhẹ nhàng thanh thản. Đường sá phong quang, ngăn nắp, cây xanh nhiều, không xả rác, không có người ăn xin. Người dân Côn Đảo hiền hòa, mến khách và hết sức dân dã; ở chợ quán không thấy ai nói thách. Đặc sản ở chợ Côn Đảo là món hạt bàng sấy khô hoặc ướp đường béo ngậy; du khách thường mua làm quà, một hủ 70.000 đồng.
Ở đầu chợ Côn Đảo có một tiệm vàng khá lớn nhưng lạ là thường không thấy có người trông coi. Hỏi ông xe ôm gần đó, ổng nói rằng, “trên đảo chẳng ai thèm trộm cướp đâu mà lo”./.
- Côn Đảo gồm 16 hòn đảo; hòn lớn nhất tập trung hầu hết dân cư (khoảng 5.500 người) của quần đảo với 3 khu vực chính: Cỏ Ống ở phía Bắc, thị trấn Côn Sơn ở trung tâm và Bến Đầm ở phía Nam.
- Côn Đảo cách cửa sông Hậu 83 km, cách Vũng Tàu 185 km, cách TP.HCM 230 km; nằm trong vùng biển nước sâu, trên trục đường hàng hải quốc tế, giữa ngư trường chính của cả nước.
- Côn Đảo rộng 76,78 km2, chủ yếu là đồi núi (6.238 ha đồi núi, chiếm 88,4% diện tích tự nhiên); núi Thánh Giá cao nhất, 577 m.
- Mỗi năm Côn Đảo đón hai mùa gió: gió mùa Đông Bắc (cuối tháng 10 đến tháng 4 năm sau) và gió mùa Tây Nam (từ đầu tháng 5 đến tháng 10). Côn Đảo có nhiệt độ ôn hòa nhất trong vùng biển ven bờ nước ta; nhiệt độ trung bình là 27,8 độ C.
- Côn Đảo có Vườn Quốc gia, với 1.057 loài thực vật, 135 loài động vật rừng và 1.321 loài sinh vật biển, trong đó có nhiều loài quí hiếm như lát hoa, sóc đen Côn Đảo, bồ câu Nicoba, rùa xanh (vích), đồi mồi, dugong…
============================Bài đã đăng tại:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét