Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

MÙA ĐÔNG



Người hướng dẫn viên du lịch Trung Hoa nói tiếng Việt sành sỏi: “Dù Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng dịp này chúng tôi mong quí vị du khách hãy quên chuyện đời nay mà nhớ chuyện đời xưa. Vì chuyến này chúng ta sẽ thăm Vạn lý trường thành và Thập tam lăng cách Bắc Kinh trong vòng 50 dặm. Sau đó lại quay về Bắc Kinh thăm Di Hòa Viên. Rồi quí vị muốn hiểu người Trung Quốc hôm nay ra sao thì tùy hỉ”…


1.

Anh ta nói tiếp trên chuyến xe rời Bắc Kinh lên phương Bắc: “Dẫu là dã sử hay là chính sử thì chuyện nàng Mạnh Hương và Tần Thủy Hoàng Đế cũng là câu chuyện mà người Trung Quốc muốn kể cùng du khách”.


Hơn hai ngàn năm trước, nàng Mạnh Hương xinh đẹp tuyệt trần, cùng bao người vợ quê khác, đã tiễn chồng ra đi xây dựng Vạn lý trường thành. Rồi một ngày kia, nàng được tin chồng đã bỏ thây nơi rừng núi trường thành. Thương nhớ chồng khôn xiết, Mạnh Hương khóc suốt ba ngày ba đêm. Và không hiểu làm sao, những đêm đẫm lệ của nàng đã làm bức tường thành nơi ấy đổ sụp.

Tần Thủy Hoàng biết chuyện, đòi chém Mạnh Hương. Nhưng khi gặp nàng, vị đế vương bỗng đem lòng yêu say đắm, đòi triệu nàng về cung. Mạnh Hương là người đẹp thông minh, nàng nghĩ kế đòi Tần Thủy Hoàng cho làm tang lễ chồng ba ngày ba đêm thì nàng mới về cung. Sau ba ngày tang lễ, Mạnh Hương lại xin vua cho nàng được tới Vạn lý trường thành viếng chồng lần cuối. Tần Thủy Hoàng lại chìu nàng lần nữa. Nhưng khi tới nơi người chồng yêu dấu bỏ mình, nàng Mạnh Hương xinh đẹp và thủy chung đã gieo mình tự vẫn.

Trong cái lạnh không độ, ngẩng nhìn trời xanh trên đỉnh núi Yến Sương, tôi cùng bao khách hành hương đến từ khắp nơi trên trái đất, bắt đầu lặng lẽ bước lên từng bậc đá ngàn xưa mà ngẫm nghĩ tới người nay. Chẳng có ai leo nổi 5.700 km dãy trường thành hiểm trở vắt ngang đỉnh trời phương Bắc Trung Hoa. Cũng không có mấy người leo hết 1.480 bậc đá nơi cổng Cư Dung Quan này. Có những bậc đá đã mòn dấu chân người cỡ nửa gang tay. Phải chăng cái ý chí chinh phục đất trời và lòng người theo kiểu cường quyền, rồi cũng phôi pha như vậy?

Nhớ chuyện nàng Mạnh Hương, mới hay, đã sanh ra trong vòm trời này, làm kiếp người trong cõi nhân gian này, thì lòng nhân nghĩa và tình yêu, bao giờ cũng là điều bất tử. Dù cho, triều đại có đổi thay, chính thể có đổi thay, nhưng muôn thuở, tình yêu và lòng nhân nghĩa vẫn không bao giờ thay đổi.


2.

Cách Vạn lý trường thành không xa, dưới chân dãy Yến Sương, là vùng lăng tẩm rộng 40 cây số vuông của 13 triều đại vua nhà Minh, có tên Thập tam lăng.



Trong Thập tam lăng, tới giờ, người ta mới chỉ khai quật được ngôi mộ của vua Vạn Lịch, vua nhà Minh thứ 13, mà nay du khách gọi là khu Định Lăng. 12 vị vua kia, dù đã biết rõ địa điểm chập chùng trong núi Yên Sương, nhưng vẫn chưa ai tìm được lối vào đích xác của từng hầm mộ để mà khai quật.

Hầm mộ vua Vạn Lịch được xây từ 425 năm trước, khi vua đang trị vì ở tuổi 21, năm 1590 thì xây xong. 30 năm sau khi nhà vua băng hà, mới được an táng vào đây và xóa sạch mọi dấu vết khu hầm mộ. Mãi tới năm 1956, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới tìm được đường vào và khai quật mộ. Quần thể khu Định Lăng giờ được bảo tồn hoành tráng và kỳ vĩ giữa những cánh rừng tùng bách đại ngàn. Riêng hầm mộ, ở cách mặt đất 27m, với đầy đủ thành quách cùng những lối đi bí mật và tất cả đều được xây bằng đá.

Theo lối vào đầy bóng tối, lòng lữ khách cứ trầm tư trước nơi yên nghỉ đầy quyền năng của vua chúa ngày xưa. Quan tài của vua Vạn Lịch cùng quan tài hai hoàng hậu vẫn đang nằm trên nền đá, tựa vào vách đá, lạnh lẽo bên 26 hòm chứa bao trân châu vàng bạc chôn theo.

Chợt tự hỏi lòng: cũng là biểu hiện của khát vọng được tồn tại vĩnh cửu, nhưng sao dưới lòng đất kia, con người ta lại âm thầm cô quạnh đến thế, còn trên mặt đất này, những thân tùng bách xa xưa vẫn xanh um dạt dào sinh nở cùng với đất trời này?

Leo lên Vạn lý trường thành đối diện với trời xanh, rồi lại bước xuống dưới cõi âm u mặt đất đi tìm thế giới người xưa trong dòng thời gian hơn hai ngàn năm lẻ, tôi cứ nghĩ tới một điều: phải chăng, cái quí nhất là được sinh ra làm một kiếp người – một kiếp người biết yêu thương nhau và tránh xa thù hận.


3.

Mới chớm đông mà có đêm Bắc Kinh đã âm ba độ. Ấn tượng nhất trong lòng du khách phương Nam, lại là những hàng cây mùa đông rụng lá đẹp lạ kỳ ở hai bên những con đường thành phố. Bắc Kinh có ba loài cây xanh rất riêng. Cây bạch dương tượng trưng cho người đàn ông, cây liễu tượng trưng cho người đàn bà và cây ngân hạnh tượng trưng cho hạnh phúc của hai người nam và nữ. Lạ là cây ngân hạnh luôn sống có đôi, nếu một trong hai cây đực hoặc cái chết đi thì cây kia sớm muộn cũng chết theo, mặc dù không chung gốc.

Ta cố tìm một chiếc lá ngân hạnh nhưng không thể vì cây chỉ còn những cành trơ, đan tay nhau dệt nên mùa đông hạnh phúc. Ta nhặt một chiếc lá bạch dương vừa bay theo ngọn gió đông, nghĩ rằng sẽ theo ta về lại quê nhà vắng bóng bạch dương.


4.

Vào Di Hòa Viên đi tìm Từ Hi Thái Hậu. Di Hòa Viên, công viên hoàng gia rộng nhất thế giới, tới 290 hecta. Di Hòa Viên đã có từ 250 năm trước gồm quần thể kiến trúc nhà nghỉ cung đình và chùa chiền quanh hồ nhân tạo Côn Minh bao phủ núi Kim Sơn. Chủ nhân Di Hòa Viên là Từ Hi Thái Hậu.



Từ Hi Thái Hậu là một trong hai người đàn bà lừng lẫy nhất lịch sử Trung Hoa. Người kia là Võ Tắc Thiên đời Đường. Đó là hai người đàn bà “tự mình làm vua”.

Xưa, nàng là cô gái đẹp Mãn Châu tên Tiểu Lan, sớm mồ côi cha, cùng mẹ và ba em trai lên Bắc Kinh sinh sống. Một ngày kia, Tiểu Lan tròn 16 tuổi và đã được vua Hàm Phong, vua nhà Thanh thứ bảy, tuyển vào cung. Mà câu chuyện hoàn toàn không ngẫu nhiên, bởi vì Tiểu Lan là một người con gái “không chịu thua ai bao giờ” trong cuộc đời này.

Ngày ấy, nàng đã hối lộ vị quan thái giám cận kề nhà vua để được tiếp cận vua. Ngày ấy, vua Hàm Phong đi dạo chơi trong Viên Minh Viên. Giữa đường vua chợt nghe vẳng lên giọng hát du dương. Tìm tới nơi, vua sững sờ trước một thiếu nữ mặc toàn xiêm y màu đỏ đang đứng giữa đầm sen hồng say sưa hát.

Thế là sáng hôm sau, nàng Tiểu Lan đã hóa thành Lan Quí Nhân, ở trong cung vua.

Lan Quí Nhân và Hàm Phong sanh được người con trai. Khi Hàm Phong qua đời, người này mới lên sáu tuổi và được phong làm vua, hiệu Đồng Trị. Kể từ đó, Tiểu Lan – Lan Quí Nhân trở thành Từ Hi Thái Hậu.

Do vua Đồng Trị còn nhỏ, Từ Hi Thái Hậu quyết thay vua nhiếp chính. Bà đã giết tám vị đại thần chống lại ý mình để thực hiện quyền hành. Mỗi khi vua thiết triều, Từ Hi Thái Hậu luôn ngồi bên bức rèm sau lưng vua để ra quyết định; nhà vua chỉ cần lặp lại lời của mẹ. Đây là chiến thuật “buông rèm nhiếp chính”.

Nhưng mới 19 tuổi, vua Đồng Trị đã mất. Từ Hi Thái Hậu đưa người cháu mới bốn tuổi tên Quang Tự lên kế vị và tiếp tục “buông rèm nhiếp chính”. Nhưng rồi vua Quang Tự thực hiện “bách nhật duy tân” – 100 ngày cải cách, đụng đến quyền hành Từ Hi Thái Hậu. Bà đã giết các đại thần ủng hộ vua và giam lỏng nhà vua trong Di Hòa Viên, tự mình cầm quyền cho tới khi vua Quang Tự mất lúc mới hơn 30 tuổi. Ba năm sau, Từ Hi Thái Hậu cũng qua đời. Nhưng trước khi mất, bà đã đưa Phổ Nghi mới ba tuổi lên ngai vàng. Phổ Nghi là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa…

… Lạ là hết thảy những chuyện này cứ hiện lên trong mỗi bước chân lữ khách tìm đến những nơi mà ngày xưa Từ Hi Thái Hậu nghỉ ngơi trong Di Hòa Viên. Mà nơi đâu cũng ẩn hiện cốt cách của người đàn bà đẹp đầy quyền uy này.

Tỉ như chuyện Từ Hi Thái Hậu là người có nhiều bí quyết dưỡng sinh: nàng rất thích uống sữa và chỉ thích uống sữa người và nàng rất thích tắm bằng sữa bò. Hoặc nàng đã có sáng kiến dùng ngọc thạch để làm đồ massage da mặt; dùng ngọc trai nước ngọt nuôi trong hồ Côn Minh cho chế thành biệt dược ngọc trai để uống… Nhờ vậy mà dù chồng chết ở tuổi 27 và có nhiều tình nhân, nhưng tới hơn 60 tuổi, da nàng vẫn đẹp như thuở còn là thiếu nữ Tiểu Lan. Và Từ Hi Thái Hậu đã sống tới tuổi 74.

Hoặc tỉ như chuyện ta bước tới vườn hoa mẫu đơn trong Di Hòa Viên. Mẫu đơn là “quốc hoa” của người Trung Quốc vì nó tượng trưng cho quyền quí, và là loài hoa mà Từ Hi Thái Hậu yêu quí nhất.

Nơi đây, đã từng xảy ra một câu chuyện vô cùng lãng mạn kiểu Từ Hi Thái Hậu – Tiểu Lan.

Sáng hôm ấy, Từ Hi Thái Hậu, sau khi tắm xong, chỉ khoác một tấm áo mỏng manh rồi đi dạo đến vườn hoa mẫu đơn. Theo sau nàng là chàng thái giám Lý Liên Anh, người nghệ sĩ tài hoa mà nàng yêu nhất trên đời. Giữa vườn mẫu đơn rộn ràng hương sắc, chợt một làn gió thổi qua làm bay đi tấm áo khoác mong manh trên người Thái Hậu. Chàng thái giám giật mình nhặt lấy tấm áo, cúi đầu dâng trả chủ nhân. Từ Hi Tiểu Lan cất giọng: “Nhà ngươi đã nhìn thấy gì trong vườn hoa mẫu đơn đang lộng lẫy?”. Lý Liên Anh, không một phút chần chừ suy nghĩ, đã tâu: “Thưa Thái Hậu, thần vừa nhìn thấy một đóa mẫu đơn màu đen đẹp nhất trong vườn mẫu đơn đầy hương sắc sáng nay”.

Ai cũng biết, hoa mẫu đơn làm gì có màu đen. Nhưng đó là một câu trả lời thông minh và nghệ sĩ của một người mà Từ Hi Thái Hậu yêu quí nhất. Nên không có luật lệ nào của triều đình Mãn Thanh buộc Từ Hi phải xử tội chém đầu với vị quan thái giám Lý Liên Anh. Bởi giả như Lý Liên Anh tâu “không thấy gì” hoặc nói rõ đã thấy gì, đều mang tội “khi quân”, phải bị chém đầu.

Tình yêu và uy quyền, một lần nữa, đã chiến thắng giữa cõi đời này.


5.

Hàng bạch dương trước khách sạn Hòa Bình Lý giữa nội ô Bắc Kinh, chiều nay sau khi ta ghé thăm nàng Tiểu Lan trở về, hàng bạch dương mạnh mẽ ấy đã trút hết lá để đón mùa đông. Nhìn những thân bạch dương cường tráng vươn lên bầu trời đông phương Bắc trong chiều hoàng hôn đang xuống, ta, người lữ khách phương Nam, đã tìm thấy một sức mạnh mới cho những mùa sau.

Rồi mùa đông này sẽ giá buốt hơn. Nhưng mùa đông ấy sẽ trôi qua. Mùa xuân sẽ tới. Ta là thân bạch dương vươn mình trong nắng mới. Là sức mạnh và tình yêu suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. /.


Thứ Tư, 24 tháng 12, 2008

Gởi mình



Sắp hết năm rồi
Năm 2008 buồn thương chân thật
Ta mở hết lòng mình cùng trái đất
Cùng bạn bè lòng tốt niềm tin
Và ta điêu linh
Chỉ một mình ta biết
Chỉ một mình ta đau
Thôi thì làm nhát chổi cuối năm
Tự quét hết thương đau ra ngoài vũ trụ
Xóa hết e-mail hận tình tự phụ
Vệ sinh đất trời xuân hạ thu đông
Vệ sinh hoài nghi lòng dạ bềnh bồng
Ở lại chính mình cô đơn huynh đệ
Nhẹ nhàng phục sinh cỏ hoa giun dế
Nhát chổi u sầu chiều lạnh cuối năm
Vũ trụ rầy rà ô nhiễm mênh mông
Làm sao quét hết được lòng ích kỉ
Hành tinh xanh mơ hồ mộng mị
Ngày mới sắp trôi qua
Năm 2009 bao la
Bình an
Ở lại




Cần Thơ, chiều 23-12-2008

__________________
The Kiss - Gustav Klimt

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2008

Cánh đồng gió lẻ

1.
Tập truyện thứ chín của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ và chín truyện ngắn khác (trong đó có truyện Gió lẻ mang phong cách khác lạ so với truyện Cánh đồng bất tận nổi tiếng lâu nay), đã được nhà xuất bản Trẻ in 10.000 bản ngay đợt đầu. Lập tức, nhiều cơ quan báo chí đã phỏng vấn tác giả. Có một câu trả lời như là tự sự của nhà văn: “Bạn đọc cứ trải chiếu ở cái chỗ Cánh đồng bất tận và muốn tôi ngồi uống rượu mãi ở đó. Trong khi tôi muốn đi và thực sự đã đi rồi. Tại sao tôi cứ luẩn quẩn ở cánh đồng đó trong năm năm, mười năm và hai ba mươi năm nữa, mà không được đi uống rượu, ngắm cảnh ở không gian khác. Tôi biết, cái chỗ tôi muốn tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng, nhưng tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi”.
2.
Trong chuyến đi chơi đầm Thị Tường ở Cà Mau gần đây với mấy người bạn sinh viên Hàn Quốc và sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, nhà thơ Ha Jea Hong - người dịch Cánh đồng bất tận sang tiếng Hàn năm ngoái, có khoe với người viết, là Cánh đồng bất tận tiếng Hàn bán chạy lắm và đã được tái bản. Lúc đó, Gió lẻ chưa in xong. Tôi hỏi, nếu đọc Gió lẻ mà thích thì anh có dịch sang tiếng Hàn nữa không. Ha Jea Hong bảo, nếu nó “hay như một bài thơ” thì sẽ dịch. Lại hỏi, truyện mà “hay như thơ” thì làm sao dịch, Ha vẫn nói tiếng Việt: “Dịch tốt!”.
Nhà thơ Hàn Quốc này cũng chỉ trội hơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vài tuổi.



3.
Đầu tuần tới, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ nhận giải thưởng Văn học ASEAN (Southeast Asian Writers Award) năm 2008 tại Bangkok, Thái Lan. Đây là giải thưởng được Hoàng gia Thái Lan lập ra từ năm 1979 và trao tặng hàng năm cho các nhà văn, nhà thơ uy tín ở Đông Nam Á.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là tác giả trẻ nhất (năm nay 32 tuổi), được Hội Nhà văn Việt Nam đề cử giải thưởng này với tác phẩm Cánh đồng bất tận. Trước đó, có 11 nhà văn, nhà thơ Việt Nam được tặng giải thưởng Văn học ASEAN: Trần Văn Tuấn (2007), Lê Văn Thảo (2006), Inrasara (2005), Đỗ Chu (2004), Bằng Việt (2003), Nguyễn Kiên (2002), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Khải (2000), Hữu Thỉnh (1999), Ma Văn Kháng (1998) và Tố Hữu (1996).
Người nhận giải chỉ có hai phút để đọc diễn từ (*) tại buổi lễ. Nguyễn Ngọc Tư đã chuẩn bị một bài viết dài đúng 300 chữ. Chị nói về sức mạnh của những giọt nước mắt. Đọc bài này, tôi lại nghĩ tới Gió lẻ…

_________
(*) Trích “Diễn Từ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đọc tại lễ nhận giải thưởng Văn học ASEAN 2008:

Tôi hay nghĩ về sức mạnh của những giọt nước mắt. Chúng trong trẻo, giản dị nhưng lại gây rung cảm sâu sắc. Những tối, trên bản tin truyền hình, tôi nhìn thấy một em bé, hay một phụ nữ ở xứ sở xa xôi nào đó đang khóc, vì chiến tranh, vì bạo lực, hay vì thiên tai… và những giọt nước mắt lay động bất cứ ai nhìn thấy chúng, bất chấp biên giới, màu da, thể chế chính trị, ngôn ngữ hay những cách biệt văn hóa khác.

Tôi nghĩ, nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt, hay gần giống như thế, bởi văn học vẫn còn rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước những biến cố của cuộc đời, tôi luôn ao ước những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước mắt. Khi ấy, trong lòng các bạn, tôi không còn là cô gái Việt Nam viết về Việt Nam, mà là một nhà văn viết về thân phận con người, như các bạn.

Với tuổi đời còn non trẻ và ngơ ngác, những tác phẩm của tôi chưa có được sức mạnh của nước mắt, nhưng tôi vẫn đang cố gắng hết mình.

=========================================
Ảnh chân dung NNT: Trương Công Khả

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

Nhớ ông Sơn Nam


Ông thầy
Nhà văn Sơn Nam là ông thầy dạy tôi viết báo từ trong cuộc sống. Trước năm 1975, nhà tôi ở chung con hẻm nhỏ với nhà văn trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM. Tôi vào bộ đội rồi chuyển sang nghề báo. Phóng sự đầu tiên tôi nhờ ổng đọc, viết về đảo Phú Quốc gởi báo Quân đội nhân dân, hồi năm 1986. “Chú Tám dạy tôi viết báo với”, tôi nói, và cho tới giờ, tôi vẫn thực hành lời dạy viết báo của nhà văn Sơn Nam từ dạo đó: “Cố gắng viết ngắn, câu nào cũng có thông tin”.
Một lần khác, vào năm 1993, tôi theo nhà văn vào xã Tây Phú thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Trong khi chúng tôi cứ loay hoay với mấy cái báo cáo tổng kết về chuyện đi khai hoang vùng tứ giác, thì nhà văn Sơn Nam đã lội lòng vòng quanh chợ xã. Quay về, ông chỉ hỏi anh bí thơ xã mấy câu mà nghe xong thấy… quá nể: “Có gái giang hồ vào tứ giác tìm tình yêu hay không?”; “Có người nông dân bất mãn? Có anh cán bộ cường hào?”; “Điện thoại bàn đã gọi ra quốc tế nhưng sách báo về xã sao thấy còn ít quá?”… Khi nghe anh bí thơ xã kể chuyện bà con nông dân lập miếu Thần Nông, 17 tháng 3 âm lịch hằng năm họ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên và cây lúa, nhà văn Sơn Nam nói: “Đó là đạo. Làm ruộng là đạo, giữ đất là đạo. Khuyến nông tức là cách giữ đạo làm nông, thì dân mới giàu mạnh được. Tôi lội chợ Tây Phú, thấy có đánh bi-da, có tiệm vàng, có cái kéo rèn từ Phú Tân đưa qua, có bộ xa-lông tre lấy mẫu từ Mộc Hóa, có cô bán quán quê Đồng Tháp, có thầy giáo quê Thanh Hóa… Người tứ xứ về tứ giác sinh cơ lập nghiệp, thì cần giữ cái đạo làm người, thì kinh tế thị trường ở đây mới nên bộ mặt nông thôn mới”. Khi ghé thăm chùa, thăm khu di chỉ văn hóa Óc-Eo, cánh nhà báo chúng tôi lăng xăng hỏi nhà chùa đủ chuyện thì nhà văn Sơn Nam lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ Phật, cúng dường nhà chùa và bố thí cho người nghèo chung quanh chùa.
Đó là những bài học làm báo và làm người nhớ đời của tôi.

Giản dị
Lần nào gặp, tôi cũng thấy ông giản dị, lạc quan và hầu như nói chuyện gì với ông tôi cũng học được nhiều điều bổ ích. Sơn Nam là một nhà văn nổi tiếng nhưng tôi thấy người ta rất dễ tiếp xúc và chuyện trò với ông. Ở nhà, trong quán cà phê, giữa cuộc họp… hay bất cứ đâu, hễ rảnh rang là ông sẵn sàng la cà với mọi người, nhất là với giới bình dân. Có lần tôi về Sài Gòn ghé thăm khi ông đang nằm trên giường bệnh. Ông gầy lắm, da bọc xương, nhưng nói chuyện thì tỉnh táo, ánh mắt vui. Ông khuyên tôi nên coi bộ phim “Mê-kông ký sự” mà theo ông thì còn gặp được những hình ảnh văn hóa gốc của nhiều dân tộc thiểu số chưa bị “con người hiện đại” can thiệp. Ông nói vẻ lạc quan lắm: “Nếu còn sống được tới 85 tuổi, tôi sẽ viết tiếp câu chuyện này, ở hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu của đồng bằng sông Cửu Long”.
Tôi đang giữ tập truyện “Hương Rừng Cà Mau” do Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần đầu tiên sau ngày giải phóng, tháng 11-1986, in giấy vàng khè, giá 25 đồng, có chữ ký tặng bằng bút bi màu đỏ của nhà văn Sơn Nam. Tôi cũng đang treo bên kệ sách, bút tích của nhà văn Sơn Nam chép bài thơ thay lời tựa tập truyện “Hương Rừng Cà Mau”. Lần đó, tôi nhớ vào ngày 15-1-2001, sau khi ghé thăm báo Cần Thơ, nhà văn về nhà tôi chơi. Sau đó, ông chép lại bài thơ vào mặt sau một tờ lịch lớn và ký tặng vì biết tôi rất thích bài thơ đó. Tôi tò mò hỏi chú viết bài thơ trong hoàn cảnh nào,ông nói: “Viết từ năm 1961, trong nhà tù Phú Lợi; hồi đó chính quyền Sài Gòn bỏ tù cái tội mình vẫn theo kháng chiến”.

Nhân nghĩa
Trung tuần tháng 3-1990, nhà văn Sơn Nam về Cần Thơ để chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu về chùa Nam Nhã. Lúc này ông đã 64 tuổi, thường xuyên đi về miền Tây. Biết tôi đã chuyển qua làm ở báo Quân khu 9 và cộng tác với mấy tờ báo ở Sài Gòn, Hà Nội, ông nhắn tôi đi uống cà phê đêm rồi về nhà tôi chơi. Lâu ngày gặp nhau, không hiểu sao tôi vẫn muốn nghe ông nói chuyện về miền Tây, về đồng bằng sông nước mà khi đó dù đã cưới vợ quê gốc Cần Thơ, lúc nào tôi cũng thấy mình thiếu cái… cốt cách miền Tây. Tôi còn nhớ đã hỏi ông như thế này:
- Cái cốt cách người đồng bằng mình, theo chú Tám, là sao?
Ông trả lời:
- Cái cốt cách người Việt Nam mình là nhân nghĩa. Ông vua mà không nhân nghĩa thì sẽ bị cái nhân nghĩa của nhân dân “cách cái mạng”. Hàng xóm có đám ma, mình góp tiền lo đám, dù người đó lúc còn sống mình không ưa. Không phải chỉ ông vua chết, mình mới cúng. Người ăn mày chết, mình cũng cúng. Đứa trẻ chết, mình cúng. Người ăn cắp, người đói chết, mình cúng. Xưa, công chúa Thuận Thiên than lạnh với cha, vua Lý Thánh Tông họp quần thần bảo: Trẫm thương dân như thương công chúa. Công chúa mặc hai lớp áo cung đình còn than lạnh, huống hồ là muôn dân của trẫm bị cầm tù vì nghèo vì dốt. Nay trẫm lệnh phải phát đủ quần áo để muôn dân được ấm. Đó không phải là mị dân, cái gốc của nó là nhân nghĩa Việt Nam.
Ông còn nói thêm về cái hiện trạng sống thiếu nhân nghĩa xung quanh ta. Tôi giật mình nghĩ lại mình. Lúc đó là đã mười bốn năm kể từ ngày ba tôi mất. Lúc đó, đời lính đã tạm yên, không còn ra mặt trận 979 nữa, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện thờ phượng ba tôi, tất cả để một mình mẹ già của tôi ở Sài Gòn lo nhang khói. Mà hai vợ chồng tôi lúc đó là đảng viên, lúc nào cũng nghĩ mình sống có ích, có nghĩa với dân với nước! Có ngờ đâu, có những lúc thấy tâm hồn trống vắng cô đơn kì lạ mà không làm sao hiểu nổi. Như là đêm hôm đó, tôi lập cập tiễn ông già 64 tuổi ra khỏi căn nhà “gia binh” già nua của mình, gió đêm lạnh ngắt./.

Ảnh: HK

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

Cũ & mới

Hãy tìm đến tận đáy của vấn đề” là lời khuyên tôi tâm đắc trong cuốn “Đưa tin thời toàn cầu hóa” (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin - 2004) mỗi khi tôi viết báo. Chuyện kể sau đây, nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2008, cũng nằm trong ý nghĩa đó…

* Học nghề

Chuyển từ lính pháo binh sang làm báo Quân khu 9 từ năm 1985, tới giờ, tôi học nghề báo từ nhiều nguồn: những bài báo của mình đã được biên tập, những bài báo hay của đồng nghiệp, những khóa đào tạo chính qui, và những bài học từ cuộc sống.

Năm 1985, nước nhà đang còn chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Tại một khóa học viết báo ở Hà Nội, đại tá Phạm Phú Bằng, tức nhà báo Phạm Hồng - trưởng phòng Văn hóa văn nghệ báo Quân đội nhân dân, không giảng nhiều về lý thuyết, chỉ yêu cầu tôi đọc và có nhận xét về mỗi số báo Quân đội nhân dân ra hằng ngày. Ông chia sẻ ý kiến sau khi lắng nghe tôi nhận xét về một bản tin, tấm ảnh hoặc một bài phóng sự. Ông nói: “Để khi tác nghiệp, anh có thể tìm ra cách thể hiện của riêng mình”.

Đợt đó, đi thực tế một tuần lễ tại biên giới tỉnh Hà Giang, tôi viết phóng sự “Gửi về đồng đội phía Nam” đăng báo Quân đội nhân dân. Cái “riêng” tôi tải được trong bài báo này là thông điệp về sự khác nhau và giống nhau giữa cuộc chiến của quân dân ta ở địa đầu phương Bắc và cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam chống quân diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia.

Hôm rời điểm tựa Một Ngàn, tôi đi cùng chuyến xe đưa một tử sĩ trở về thị xã Hà Giang. Xe phóng điên cuồng trên con đường độc đạo để né đạn pháo rót qua từ hướng Bắc. Mỗi lần quan tài xóc lên là máu từ bên trong lại lặng lẽ ứa ra. Ba người lính đưa bạn về, nom dữ dằn và lạnh lùng như… người rừng. Và đã xảy ra một chút xô xát ở trạm gác cuối cùng trước khi vào hậu cứ, vì người lính gác đòi kiểm tra xe coi có ai bỏ ngũ hay không. Tôi bị ám ảnh về cái sự lạnh lùng khủng khiếp đó giữa những người đồng đội ở ngay trong cuộc chiến. Nhưng không thể nào tải được trong một bài báo, lại đăng trên báo quân đội. Tôi “chuyển thể” qua tuần báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Bài thơ văn xuôi “Chiến tranh và tôi” ra đời trong dịp đó. Tôi xin chép ra đây, như một kỉ niệm làm báo, của một thời thiếu mất hòa bình:

Chiếc xe Gát chở thi hài người lính lao điên cuồng xuống Hà Giang trên con đường độc đạo bị nã pháo suốt ngày đêm. Ba người lính đưa bạn về, mặt mày nhăn nhó lạnh lùng giận dữ. Tôi quặn người sau những cú xốc đứt hơi nẩy lửa – mà mỗi lần, máu từ kẽ ván quan tài lại nhứt nhối ứa ra! Tôi lặng lẽ khóc thầm giữ chặt đầu quan tài và hãi hùng nhìn khuôn mặt ba người lính vẫn lạnh lùng giận dữ.

Xe thoát chết dừng trước barie trạm gác. Hai người lính mang quân phục chỉnh tề lạnh lùng đòi thi hành phận sự kiểm tra. Một người lính rách bươm trên xe tôi lạnh lùng chỉ tay quát tháo: “Này kẻ tuyến sau! Bay muốn kiểm tra xương máu hay muốn hóa máu xương?”. Tôi kinh hoàng buốt nhói trong tim.

Trời ơi chiến tranh! Sao mi nỡ làm con dao hai lưỡi? Mi tôi luyện cho ta dũng cảm phi thường giữa trận đánh quyết tử sáng nay. Mi lại hóa ta lạnh lùng chai đá trước máu của chính bạn mình giữa chập choạng tối nay. Rồi đây hẳn là ta sẽ dạn dày trước kẻ ăn xin, trước người hát rong và trước cả mẹ của ta khi người đã già nua lâm trọng bịnh. (Hà Giang, tháng 7-1985).

Cuối khóa đào tạo phóng viên quân đội vào giữa năm 1987 tại Bắc Ninh, tôi đi thực tế nửa tháng trên biên giới Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn với hành trang là lời nhắn gởi của thầy Phạm Hồng: “Nghề báo, nên hỏi mười để viết một”.

Mặt trận Lạng Sơn hoàn toàn khác mặt trận Hà Giang đầy lửa đạn: bên đây bộ đội ta phải đối mặt với một cuộc chiến tranh tâm lý. Ngày ngày, loa phóng thanh từ bên kia biên giới ra rả những chương trình phát thanh “hậu phương quân đội” chĩa vào các điểm tựa của bộ đội ta. Giọng của cô “Ngọc Ánh” lúc nào cũng ngọt ngào: “Các đồng hương Bắc Ninh thân mến”, trong khi có những trung đội của ta, cả năm trời chưa ai về phép vì phải bám trụ ngày đêm trên từng điểm cao biên giới. Chưa kể, hàng tuần có những chiếc máy bay nhỏ không người lái bay lòng vòng trên các điểm chốt để thả những “túi quà” tỉ như những chiếc khăn tay vẽ lã lướt hình các cô gái Trung Quốc.

Chuyến này, tôi đã “hỏi” đầy một cuốn sổ tay và mấy cuộn phim để hoàn thành bài phóng sự đăng hai kỳ trên báo Quân đội nhân dân: “Yên tĩnh ở hướng Chi Ma”.

Tôi cũng học nghề từ một người thầy khác, dù ông không dạy tôi giờ nào trên giảng đường. Đó là nhà văn Sơn Nam, tác giả tập truyện ngắn nổi tiếng “Hương rừng Cà Mau”.

Năm 1993, Hội Văn nghệ tỉnh An Giang mở trại viết. Nhà văn Sơn Nam nói chuyện về kinh nghiệm viết văn, xong ông theo một tốp đi thực tế ở vùng tứ giác Long Xuyên. Ngồi xe ôm, ông luôn nhắc: “Chạy chậm thôi nghen”, vì ông không biết chạy xe hai bánh mà chỉ thích đi bộ.

Ở xã Tây Phú thuộc huyện Thoại Sơn, trong khi chúng tôi cứ loay hoay với mấy cái báo cáo sơ kết, tổng kết về chuyện đi khai hoang vùng tứ giác, thì nhà văn Sơn Nam đã lội lòng vòng quanh chợ xã. Quay về, ông chỉ hỏi anh bí thơ xã mấy câu mà nghe xong thấy… quá nể: “Có gái giang hồ vào tứ giác tìm tình yêu hay không?”; “Có người nông dân bất mãn? Có anh cán bộ cường hào?”; “Điện thoại bàn đã gọi ra quốc tế nhưng sách báo về xã sao thấy còn ít quá?”…

Nghe anh bí thơ xã kể chuyện bà con nông dân lập miếu Thần Nông, 17 tháng 3 âm lịch hằng năm họ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên và cây lúa, nhà văn Sơn Nam nói: “Đó là đạo. Làm ruộng là đạo, giữ đất là đạo. Khuyến nông tức là cách giữ đạo làm nông, thì dân mới giàu mạnh được. Tôi lội chợ Tây Phú, thấy có đánh bi-da, có tiệm vàng, có cái kéo rèn từ Phú Tân đưa qua, có bộ xa-lông tre lấy mẫu từ Mộc Hóa, có cô bán quán quê Đồng Tháp, có thầy giáo quê Thanh Hóa… Người tứ xứ đã về vùng tứ giác này sinh cơ lập nghiệp, thì ta cần giữ cái đạo làm người. Có như vậy kinh tế thị trường ở đây mới nên bộ mặt nông thôn mới”.

Khi ghé thăm chùa, thăm khu di chỉ văn hóa Óc-Eo, trong lúc cánh nhà báo chúng tôi lăng xăng hỏi nhà chùa đủ chuyện thì nhà văn Sơn Nam lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ Phật, cúng dường nhà chùa và bố thí cho người nghèo chung quanh chùa.

Chuyến đi đó, chúng tôi học được từ nhà văn Sơn Nam nhiều chuyện. Cả trong chuyện viết báo, mà cho tới giờ, với tôi, ông là người thầy với lời dạy ngắn gọn, dễ nhớ nhưng khó thực hành: “Cố gắng viết ngắn, câu nào cũng có thông tin”.

Cái chuyện “viết ngắn, có thông tin” này thực sự là chuyện hấp dẫn. Đợt tham gia hai tuần lễ học làm phim, chụp ảnh và viết phóng sự xuyên biên giới ở sáu nước hạ lưu sông Mekong, do tổ chức Inter Press Sevice (IPS) của Mỹ mở tại Thái Lan (9-2006) và kết tại Campuchia (3-2007), tôi càng “ngộ” ra điều này. 40 nhà báo từ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc dự khóa học, dù thảo luận và tác chiến nhiều đề tài khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở một điểm: phải biết cách làm cô đọng câu chuyện mà vẫn tải được nhiều thông tin. Các tác phẩm báo viết được chọn in trong tuyển tập cuối khóa, thấy rõ mỗi người một vẻ nhưng lại có cái chung là câu văn ngắn, đoạn văn ngắn và ăm ắp thông tin.

Cũng tại khóa học này, chúng tôi chia sẻ tâm huyết với nhau những đề tài xuyên biên giới. Một tác phẩm báo chí giá trị trong thời buổi này luôn có tính “xuyên quốc gia”. Từ chuyện cúm gia cầm, mại dâm, ma túy, phá rừng, khai thác sông Mekong, giáo dục, du lịch… đến chuyện mậu dịch biên cương, các nhà báo đều nhận thấy: nếu không biết hợp tác để cùng phát triển thì không một quốc gia riêng lẻ nào trong vùng giải cho tốt được những bài toán đó.

* Tai nạn

Sự kiện hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) bị bắt hôm 12-5-2008 vì chuyện tác nghiệp về vụ án PMU 18, làm tôi nhớ lại ba lần “tai nạn nghề nghiệp” của mình.

Lần đầu vào tháng 10-1989, sau khi phát hành báo Quân khu 9 số đặc biệt nhân dịp rút quân tình nguyện Việt Nam về nước sau 10 năm giúp bạn Campuchia. Trước đó khi ở Mặt trận 979, nhờ một đồng nghiệp Campuchia phiên dịch, tôi đã phỏng vấn Đại tướng Bu-Thoong, lúc đó là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Campuchia - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội cách mạng Campuchia. Nội dung bài báo được cấp trên ở Hà Nội cho là “phỏng vấn theo luận điệu BBC”. Số báo đó được lệnh phải thu hồi nhưng không kịp vì nó đã đến tay bộ đội hơn một tuần lễ. Tôi bị khiển trách và sau đó, ít được cử đi tác chiến những đề tài hấp dẫn như vậy. Thực ra bài báo ấy ra đời không có chuẩn bị trước mà do tôi tình cờ gặp Đại tướng Bu-Thoong ở gần Phnôm Pênh, lúc bộ đội Việt Nam sắp rút về nước. Bây giờ đọc lại, tôi thấy cái không khí thời sự lúc đó quả là “nóng” thật, thí dụ mở đầu cuộc phỏng vấn, nó đã như vầy:

- Liệu quân Pôn Pốt có thể gây ra nội chiến không sau khi quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết?

- Nội chiến lớn thì không thể xảy ra. Chúng chỉ có thể đánh lẻ tẻ, như phục kích, gài mìn, gây chiến tranh tâm lí ở nội địa. Ở biên giới thì chúng mở hành lang, đánh điểm tựa như hiện nay. Cũng có điểm tựa bị đánh chiếm, nhưng bộ đội chúng tôi đánh lấy lại được, không để mất.

- Thế còn lòng dân, họ có còn sợ quân Pôn Pốt không?

- Dân ở những nơi hẻo lánh thì còn sợ. Ví dụ chúng có ập vào nhà giữa đêm thì họ sợ. Nó xin gạo, xin bò-hóc, họ có thể cho gạo, cho bò-hóc, nhưng sau đó họ tìm cách đánh lại hoặc tố giác với chính quyền. Chớ còn dân ở các phum xã khác thì không sợ vì họ đã thấy được thế và lực của mình hiện nay. Mấy trận vừa rồi ở Bần-tia Miên-chây, Xiêm Riệp đã chứng tỏ điều đó, quần chúng đã cùng với bộ đội của mình bắt sống hơn 70 tên địch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn luôn đề phòng, có kế hoạch sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu của địch.

Lần thứ hai, tôi “gặp nạn” sau khi báo Tuổi Trẻ Xuân 1992 đăng bài “Về đâu chất xám miền Tây?” chỉ vì có một đoạn mở đầu như thế này: “Hồi cuối năm về Minh Hải, tôi nhận được một thông tin buồn: tỉnh không cho Đài Phát thanh & truyền hình Minh Hải phát bài nói của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt tại Đại hội Đảng bộ tỉnh vòng 2. Ông Võ Văn Kiệt đã nhận xét thẳng những nguyên nhân ảnh hưởng sự phát triển của Minh Hải, trong đó có việc Minh Hải chưa biết trọng dụng chất xám. “Một đất nước muốn phát triển, không thể không trọng dụng những trí thức, trọng dụng nhân tài, cả chuyên gia trong nước và ngoài nước” – ông Kiệt nhấn mạnh”.

Lúc đó, đây là cơn sóng gió trong làng báo Minh Hải mà người tạo ra sự kiện cấm đoán ấy chính là ông Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải. Với tư cách Khu ủy viên Quân khu 9, ông đã yêu cầu Quân khu điều tra quá trình tác nghiệp của tôi và động cơ tôi viết bài ấy cho báo Tuổi Trẻ. Báo Quân khu 9 đã cử người đi Minh Hải tìm hiểu và xác nhận đó là sự thật. Tuy nhiên tôi vẫn bị “hành” rất mệt mấy tháng liền vì đã cộng tác “tự do” với báo chí ngoài quân đội. Còn với báo Tuổi Trẻ thì anh Nam Đồng, lúc đó là Phó Tổng biên tập, đã tính cử người về Minh Hải làm việc để “bảo vệ cộng tác viên” nhưng sau lại thôi.

Đã hơn 16 năm trôi qua từ sự kiện ấy, giờ đây (tháng 5-2008), tôi nghĩ, những chuyện kiểu như vậy khó có thể xảy ra trong làng báo chí nước nhà.

Lần thứ ba, tôi bị kỉ luật nặng: cảnh cáo, giam quân hàm một năm vì đã “viết báo để lộ bí mật quốc phòng”. Đó là bài “Nhìn lại cuộc diễn tập phòng chống biểu tình gây rối, bạo loạn ở TP. Cần Thơ” đăng báo Quân khu 9 (số 343 tháng 7-1992). Bây giờ đọc lại bài báo này, tôi thấy mình thật ngây ngô và đáng trách. Viết cái gì mà như là tường trình lại toàn bộ “bí quyết” của cuộc diễn tập phòng chống biểu tình gây rối, bạo loạn – chuyện mà khi đó, chưa thấy tờ báo nào ở trong nước đả động tới.

Thí dụ một đoạn “nhẹ” nhất trong bài, ghi lại ý kiến tại cuộc rút kinh nghiệm diễn tập hôm 5-7-1992: “Phòng chống biểu tình gây rối bạo loạn” là loại hình và nội dung diễn tập. Nhưng các đại biểu nhấn mạnh chưa thấy phòng, chỉ diễn tập chống. Đồng chí Bùi Hữu Trí, Chủ tịch huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) nói: “Cần phân biệt rõ việc quần chúng đấu tranh vì quyền lợi chính đáng (ví dụ vì đất đai, cháy chợ Cần Thơ; vì chính sách hậu phương ta làm chưa tốt…) với việc kích động đấu tranh, xuyên tạc sự thật của kẻ xấu. Những tình huống đặt ra về đối tượng gây rối, nội dung gây rối… diễn tập này làm chưa rõ. Như vậy dễ dẫn đến xử trí nhập cục kẻ xấu với quần chúng, sai chủ trương của Đảng, làm phản tác dụng diễn tập. Bình thường, ta phải có chủ trương đúng, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của quần chúng, chăm lo tốt đến đối tượng chính sách, sửa kịp thời những sai trái trong quản lí nhà nước của địa phương”.

Khi đó, tôi đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình, dù có thanh minh rằng, tôi viết theo chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan chủ quản báo Quân khu 9 - đại tá Nguyễn Dân Nam, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 9, người đã cùng tôi theo dõi trọn hai ngày diễn tập. Bài học tôi thấm thía sau vụ này: là nhà báo, tự anh phải hiểu luật; không thể dựa vào ý kiến của thủ trưởng để cho đó là chân lý.

Sau những tai nạn bình thường này, tôi tự rút ra một “cẩm nang viết báo” cho chính mình với mấy lời độc thoại nôm na như thế này:

- Báo chí là gì?

- Báo chí là thông tin.

- Thông tin cái gì?

- Thông tin sự thật.

- Làm sao có thông tin?

- Tìm tới tận đáy của vấn đề.

- Thông tin như thế nào?

- Thông tin kịp thời và bổ ích.

- Viết như thế nào?
- Cố gắng viết ngắn, câu nào cũng có thông tin.

* Miền Tây

Miền Tây Nam bộ của Việt Nam chằng chịt sông rạch, đầy ắp nắng gió, nghĩa tình và... rượu đế. Có lẽ vì vậy nên cánh nhà báo chúng tôi, sau mỗi chuyến đi công tác, thường nghe trong con người mình nó lâng lâng tình cảm. Những tình cảm cay đắng ngọt bùi.

Nhớ hồi năm 1993, tôi cỡi xe Honda cánh én "phi" một mạch từ Cần Thơ tới Châu Đốc, vượt sông Hậu rồi sông Tiền ra biên giới Tây Nam thuộc tỉnh Đồng Tháp để viết phóng sự về huyện mới Tân Hồng ở dọc biên giới với Campuchia. Làm việc xong với UBND huyện, tôi ôm một mớ số liệu về diện tích khai hoang và năng suất làm lúa thuộc hạng nhất nhì vùng biên giới Tây Nam hồi ấy. Lại cắt đường ruộng từ thị trấn Xa Rài ra cửa khẩu Dinh Bà trong lãng đãng không khí nghèo khó và buôn lậu. Cái háo hức lúc đầu về thành tích khai hoang làm lúa trúng mùa ở biên giới tự dưng tan dần trước cảnh dân tình nghèo khó dù chỗ nào đi qua cũng thấy lúa tràn đồng.

Trên đường rời cửa khẩu về, xe bị xì bánh sau. Gần bốn giờ chiều mà trời biên giới vẫn nắng gắt. Ngặt một cái, xóm làng hai bên đìu hiu, khô khốc và suốt hơn bốn cây số đường quê, không có chỗ nào vá xe. Dẫn bộ rã người mới hiểu ra rằng, thiếu dịch vụ tới mức này thì cái điều người dân nói với mình từ sáng tới giờ quả là "chân lý": dù có làm lúa trúng cũng không cứu nổi cái nghèo.

Về gần tới thị trấn, có một điểm vá xe. Nhà như chòi. Chỉ có ông chủ gầy gò đeo kiếng cận và con chó vàng đang nằm thiêm thiếp ngủ dưới cái vỏ xe treo lủng lẳng. Té ra ông chủ từng là thầy giáo từ Cao Lãnh lên đây dạy học cả chục năm rồi. Vợ và đứa con gái nhỏ đi ruộng chưa về. Tôi khoe về những con số khai hoang của huyện. Ông chủ lầm lì vá xe. Nửa giờ sau tôi chia tay ông thầy giáo già trước tuổi. Ông đòi tôi phải uống với ông một ly "xây chừng" rượu đế, rồi nói: "Tôi quý chú em. Nhớ ly rượu này, đừng có say xỉn mà nghèo đói. Tôi chỉ xin lưu ý chú em một chuyện mà lâu nay tôi ngẫm nghĩ hoài, chắc là trúng: xứ sở mình có làm lúa giỏi tới đâu cũng khó giàu có được".

Chuyến công tác đó, rời vùng Đồng Tháp Mười, tôi đi tiếp ba ngày nữa về vùng tứ giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Xong tôi viết bài “Đồng bằng ơi!” gửi đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tôi nhớ cái "tứ" tôi gửi gắm trong bài báo đó là đồng bằng sông Cửu Long ơi, người ở đâu trong đất nước mình khi mà đi đâu cũng chỉ thấy người ta ca... "bài ca cây lúa"?

Còn đây là chuyện tác nghiệp trong mùa lũ lụt đồng bằng.

Lụt lội ở miền Tây không giống như ở miền Trung quê tôi. Quê Quảng Nam của tôi, tới mùa lũ lụt, chỉ cần qua một đêm nước dâng tràn bờ sông Thu Bồn, là đã thấy "đỉnh lũ" và bao nhiêu cảnh tang thương kéo dài hàng tháng trời. Mùa lụt lội ở miền Tây, dân địa phương kêu là mùa nước nổi. Con nước từ sông Mekong tràn đồng Campuchia rồi tràn qua biên giới Tây Nam và... lừ đừ tràn ngập ruộng đồng các tỉnh trong vùng từ hai dòng sông Tiền, sông Hậu, kéo dài vài tháng. Các tỉnh ở thượng nguồn ngập trước, An Giang, Đồng Tháp, Long An... rồi tới Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang. Năm lụt lớn, thậm chí mấy tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau cũng bị nước tấn công.

Tôi nhớ nhất kỷ niệm tác chiến trong hai mùa nước nổi ở miền Tây. Năm 1994, báo Tuổi Trẻ nhờ tôi "làm gấp" một bài khi hay tin nước đã tràn đồng mấy huyện đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Tôi đón xe đò tới Châu Đốc vào quãng 11 giờ trưa. Nhìn cảnh nước đã lé đé bờ sông thị xã và mênh mông trước mặt, tôi tạt vào bưu điện Châu Đốc fax về (lúc đó chưa có e-mail) đề nghị tòa soạn cho "rao" trước, mời bạn đọc đón xem phóng sự trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật bài “Lũ lụt ở hướng An Giang".

Sau đó, tôi vọt qua huyện An Phú, cùng mấy anh ở huyện đội chạy vỏ lãi khắp nơi, chỗ nào cũng mênh mông đồng nước, không biết đâu là sông Tiền, sông Hậu, đâu là ruộng vườn trước đó. Thích nhất là gặp được một đám cưới trên hai chiếc vỏ lãi đang ngược lên biên giới. Giữa trùng trùng nước lụt đỏ ngầu phù sa, bà con mình vẫn thảnh thơi che dù đỏ, dù xanh, rộn ràng mâm lễ đi rước dâu bằng vỏ lãi.

Tối bữa đó trời mưa tầm tã, tôi về tới Sài Gòn khoảng gần 11 giờ khuya và thức viết xong bài phóng sự kèm với chùm ảnh rước dâu, kịp sáng bữa sau gửi Tuổi Trẻ Chủ Nhật như đã hứa.

Tới mùa nước nổi năm 2000, miền Tây Nam bộ chịu một trận lụt tồi tệ; nước "ngâm" từ tháng 7 tới tháng 12. Cả đồng bằng chịu không thấu, tỉnh nào cũng chờ cứu trợ. Tôi kể lại câu chuyện này để chia sẻ một kinh nghiệm nho nhỏ: tác chiến ở miền Tây Nam bộ, xin các bạn chớ chủ quan khi đi ghe xuồng, nhất là vỏ lãi (tắc ráng), một loại ghe nhỏ có gắn “máy đuôi tôm” rất thông dụng của người dân miền Tây sông nước.

Lần đó vào quãng tháng 10-2000, chúng tôi đi cứu trợ ở huyện Hòn Đất trong vùng tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang. Như mấy lần trước, chúng tôi thuê vỏ lãi để đi tới những trường tiểu học đang lênh láng giữa đồng nước.

Đi chung đợt này, ngoài cánh nhà báo còn có một anh bạn doanh nhân làm cho một công ty liên doanh với Đức. Anh chàng này mê nghề báo và lúc nào cũng lủng lẳng máy chụp ảnh trước ngực, giống như tôi. Ra tới giữa kinh Mướp Giăng đang cuồn cuộn chảy, thấy chiếc vỏ lãi mình thuê nhỏ quá, sợ không an toàn, chúng tôi quyết định tấp vào bờ đổi vỏ lãi lớn hơn.

Tôi và nhà doanh nghiệp này sang ghe sau cùng. Anh bạn tưởng vỏ lãi trống người là khó lật, anh đứng chồm ra mé ngoài vỏ lãi để chụp hình. Đứng bên này, tôi chỉ kịp la lên "Coi chừng lật vỏ!" thì chiếc vỏ lãi đã nghiêng úp về phía anh bạn. Nhờ gốc con nhà lính, tôi kịp phản xạ phóng mình lộn một vòng qua chiếc vỏ lãi lớn đang áp mạn kề bên. Khi đứng lên, tuy hơi ê người, tôi đã kịp đưa máy ảnh bấm được một kiểu, cảnh anh bạn đang… lủm chủm lội vô bờ.

Cái tin ảnh hi hữu đó, tôi gửi đăng trên tờ Saigon Times Weekly. Sau đó, anh bạn tôi nhận được e-mail từ Úc của một người bạn, bảo rằng, trong lũ lụt miền Tây, hổng ngờ có nhà doanh nghiệp quá ư là... lãng mạn.

Còn bạn tôi thì trả học phí một chầu rượu đế cho bài học: không phải chiếc ghe nào ở xứ mình cũng giống… chiếc ghe nào! ./.

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2008

Yên tĩnh

Mùng sáu Tết đi làm lại sau năm ngày bỏ gia đình đi ra với biển Vũng Tàu, nghe lòng thanh tịnh hơn trước những công việc đầu năm lúc nào cũng cần nhiều thông tin nóng.

Năm ngày ở trọ sát biển cùng cậu con trai 19 tuổi. Bạn của cha là biển và sách. Bạn của con là biển, phim hoạt hình và vài chuyến leo núi với thằng bạn học ở Vũng Tàu. Mỗi chiều tối nghe hai mẹ con gọi nhau: “Con tắm biển đã lắm, leo núi cũng đã, mẹ khỏe không?”. “Mẹ với bà ngoại yên tĩnh tha hồ coi phim Tết. Hai cha con nhớ đừng tắm đêm, lạnh lắm!”.

Xa nhau mà gần nhau, mà riêng tư, ấm áp quá chừng!

Như vậy là gia đình đã ở bên nhau cả năm trời rồi. Cũng chừng ấy thời gian của sự gần nhau hòa trộn trong bao nhiêu âm thanh giao tiếp của cuộc đời. Và tới ngày Tết mình lại tiếp tục “sum họp gia đình” với những cái “đồng hồ sinh học” của mỗi người khác nhau. Như vậy liệu có phải là dư thừa quá đáng hay không? Và như vậy có phải là mình đã ích kỉ quá với nhau? Cha và con đều thích biển, vợ và mẹ đều thích phim tivi. Thì mình hãy tặng cho nhau những niềm riêng yên lặng ấy khi mỗi người có được vài ngày nghỉ việc trong cuộc sống này.

Chiều ba mươi Tết, bãi sau biển Vũng Tàu vắng hoe. Mùng một cũng vắng. Mùng hai, mùng ba, mùng bốn bắt đầu đông người trở lại, đa phần từ Sài Gòn ra. Nhưng mỗi ngày hai cữ chơi đùa với sóng biển, ngắm mặt biển mênh mông dưới bầu trời bao la, không nghĩ ngợi gì về cuộc mưu sinh đã kéo dài 365 ngày qua, nghiệm thấy rằng cái quí nhứt của tâm hồn là sự yên tĩnh.

Và cũng tự thấy rằng những lời nhắn tin qua điện thoại chúc Tết nhau, tỉ như “Mừng năm Mậu Tý / Tài lộc như ý / Đến với…” dường như nó chỉ là một trò chơi… truyền thống khách sáo. Không nhắn tin kiểu như vậy chắc cũng chẳng phật lòng ai; ngược lại, có khi làm cho người nhận tin nhắn khó chịu hổng chừng. Dường như nó lại tiếp tục khua cho tan đi sự yên tĩnh sâu lặng hiếm hoi trong tâm hồn mình, giữa cuộc sống đang đầy ứ âm thanh nhân tạo hôm nay.

Cũng những con sóng bạc đầu xô nhau chạy vào bờ cát. Nhưng lặng nhìn kỹ mà xem, mỗi con sóng có một vẻ đẹp riêng, một hình hài riêng, một tiếng sóng riêng. Và cũng chỉ là những cơn sóng ì ầm trên lòng biển yên lặng bao la và bí ẩn. Nó khác xa với nhịp sống của 365 ngày qua quanh ta - cái bí ẩn và thế giới nội tâm mỗi con người dường như đã bị dòng âm thanh cuồng nộ của cuộc mưu sinh cuốn trôi đi mất.

Sau năm ngày bỏ gia đình đi ra với biển và về với chính mình, giờ đây, cũng đối diện với bao công việc ồn ã mỗi ngày, lại nghe lòng mình bình thản, nhẹ nhàng và tự tin hơn hồi trước Tết./.


Thứ Năm, 31 tháng 1, 2008

Đất




Ta nghèo bởi ta chưa hiểu đất


Đất sinh sôi ta sống chai lì


Đất bao dung ta thiếu lòng tha thứ


Đất mở đường ta lầm lũi bước đi