Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

“Xin nhận nơi này làm quê hương”


Vợ chồng ông bà Duy Mỹ-Remy, chủ đầu tư Bô Resort ở Phú Quốc. 


(TBKTSG Online) - Trên bãi Ông Lang ở phía bắc đảo Phú Quốc, có một khu du lịch nghỉ dưỡng mang cái tên lạ: BÔ Resort. Nhà nghỉ ở đây “mọc” rậm rạp giữa rừng đồi, toàn là nhà gỗ mua lại của dân địa phương. Chủ nhân là cặp vợ chồng Việt – Pháp, Duy Mỹ và Remy. Họ mua hơn hai héc ta đất năm 1996, xây resort năm 2000 và năm 2003 bắt đầu đón khách. Chị Duy Mỹ kể:

- Sau những năm hối hả, tất bật với công việc và hầu như phải di chuyển thường xuyên ở nhiều nơi trên thế giới, tôi thèm được sống chậm. Một lần tình cờ, vừa từ Pháp về Việt Nam, tôi đến Phú Quốc, lúc đó một tuần chỉ có hai chuyến bay. Trời! Cảm giác như mình vừa khám phá một vùng đất mới toanh. Phú Quốc hấp dẫn và thu hút hồn tôi đến kỳ lạ. Tôi gần như muốn quên hẳn những nơi phồn hoa ồn ào náo nhiệt của phố thị. Trước cảnh vật hoang sơ của Phú Quốc, tôi tự hỏi hay là mình bị đối lập với cái xã hội hối hả mà mình đang sống. Tôi băn khoăn và do dự. Nhưng rốt cuộc tôi cũng đã tìm ra giải pháp cho mình khi đặt chân đến bãi Ông Lang này và quyết định bỏ nghề làm phim hoạt hình cho một hãng ở Pháp.

Bãi tắm tại BO (Bãi Ông Lang)

* Chắc là người dân địa phương giúp anh chị nhiều trong buổi ban đầu ấy?
- Xây dựng resort, trước tiên tôi muốn mình phải hiểu và gắn bó được với người dân và văn hóa địa phương. Thí dụ phải giữ lại những căn nhà gỗ của dân đánh cá. Tôi nghĩ, mai sau khi người ta có điều kiện xây nhà bằng gạch thì những ngôi nhà gỗ này sẽ mất đi. Tôi muốn giữ lại cái hồn của người Phú Quốc.


Tôi mua dần những cái nhà gỗ mà người dân dỡ bán đi, rồi học cách bố trí căn nhà của họ. Chẳng hạn, họ giải thích cái cửa sơn màu xanh là để cho nó sáng lên, muỗi không đậu vào, nghe rất lạ! Dần dà rồi cũng có được 15 căn nhà, mon men từ trên sườn đồi ra tới biển. Những căn nhà này tạo cho du khách một không gian sống mộc mạc nhưng tiện lợi. Có nhiều khoảng trống đón gió và mở cửa ra biển, ra rừng để tạo sự gần gũi với thiên nhiên. Giường ngủ cũng theo kiểu địa phương. Tôi không mua cái gì từ Sài Gòn ra cả. Phòng tắm thì trừ vài cái rôbinê, còn chỗ đứng tắm cũng lát những hòn đá của Phú Quốc, hơi gồ ghề nhưng cho cảm giác như được mát-xa bàn chân. Trong nhà không có ti vi, máy lạnh. Điện thoại thì chỉ có ở lễ tân.


Khi dựng nhà, hai vợ chồng tôi bàn tính rất kỹ chuyện chặt cây. Chẳng thà mình dời cái nhà đi một tí chứ cây, nhất là cây lớn, thì không bao giờ đốn bỏ. Cây và hoa rừng chung quanh có rất nhiều như tràm, mò cua, mật cật, đủng đỉnh, bứa, hoa mua, hoa sim, tứ quý, phù dung, anh đào, cà ri, và có cả trâm ổi là loài dụ bướm về rất nhiều. Có bướm thì có sâu, có chim về. Cân bằng sinh thái. Sáng ra nghe chim hót vang lừng.

* Sao chị lại đặt tên là BÔ Resort?
- Bởi vì nơi đây thật là đẹp, tôi không đủ từ để diễn tả hết cái đẹp của nơi chốn này. Beau, tiếng Pháp là Đẹp, nhưng tôi đã cách điệu thành chữ BO, dễ phát âm cho người Việt cũng như người nước ngoài và thêm cái dấu mũ như hình cái nón lá thành chữ BÔ vì với tôi, biểu tượng cái nón lá này là rất Việt Nam. Nhìn logo và gọi tên BÔ Resort  dễ nghĩ tới và nhớ ở trong lòng những con người bình dị, đơn sơ, mộc mạc, cho đến cây cỏ, hoa lá, cảnh vật… mọi thứ đều đẹp đối với riêng tôi ở đây. Và vì tôi rất hãnh diện và tự hào mình là người Việt Nam.


* Vậy chị có “triết lý kinh doanh” gì cho BÔ Resort không? 
- Thiên nhiên và văn hóa bản địa là nền tảng trong việc kinh doanh của tôi. BÔ Resort được hình thành với ý niệm “gần với thiên nhiên và mở ra tầm nhìn”, làm sao cho du khách nghỉ ở đây có cảm giác như đang được... tắm mưa ở ngoài trời vậy. Các bungalow là những nhà gỗ đơn sơ. Trên chiếc giường nệm êm ái... ta  nhìn ra được khắp nơi cỏ cây hoa lá... và gió biển lùa vào, vỗ về một giấc ngủ nồng nàn.  


Nguồn khách của BÔ Resort, phần đông là khách châu Âu và được biết qua mạng Internet hoặc công ty du lịch ở các nước. Đặc biệt, loại hình du lịch này có rất đông khách nước ngoài và các tổ chức làm việc tại TPHCM và Hà Nội hưởng ứng cái thông điệp gắn với thiên nhiên mà chúng tôi muốn truyền tải.


* Khách tới đây rồi có quay lại nhiều không?
- Khách của BÔ Resort là những người muốn tạm rời xa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt của phố thị, để được gần gũi với thiên nhiên. Mùa cao điểm từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm, BÔ Resort thường không còn nhà trống. Nhiều người tình cờ đến rồi quay trở lại ở dài ngày. Có một cô nhà văn đến ở và viết xong chương kết cuốn tiểu thuyết. Có một nhà làm phim người Đan Mạch, mỗi năm qua ở mấy tháng. Có một du khách người Anh viết thư muốn tới đây để nghiên cứu động vật hoang dã của Phú Quốc.


Khách thường thích tắm biển, đi câu mực, đọc sách, tham quan khắp đảo, thăm rừng nguyên sinh, xem sinh hoạt của người địa phương như đánh cá, trồng tiêu, làm nước mắm... Phục vụ cho nhu cầu ăn uống của du khách, chúng tôi chú trọng nhất vấn đề vệ sinh và khai thác món ăn Việt Nam. Thí dụ như ăn món gỏi cá trích Phú Quốc kèm với nhiều rau rừng và dừa nạo, khách rất thích. Rồi món xà lách chế biến với rau càng cua và đậu rồng...

* Vậy là anh chị hài lòng với việc kinh doanh ở đây? 
- Việc kinh doanh của BÔ Resort đạt hiệu quả cao. Trip Advisor đã bình chọn BÔ Resort là nơi hấp dẫn nhất Phú Quốc với rất nhiều khách hàng đã viết comments trên những trang mạng này. Chúng tôi dự định sẽ nâng cấp lên đến 30 phòng, khi sân bay quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động và hạ tầng cơ sở Phú Quốc được nâng cấp.


* Anh Remy có mê Phú Quốc như chị không? Anh chị có tính sẽ đầu tư làm ăn ở đâu nữa không?
- Anh Remy, cũng như tôi, ngay từ đầu bị hút hồn bởi vẻ đẹp hoang sơ của Phú Quốc. Giờ đây với cái tuổi về hưu, chúng tôi xin nhận nơi này làm quê hương. Từ thung lũng Sillicon đến Phú Quốc – đó là một câu chuyện đẹp và lãng mạn của Remy. Lúc Remy từ bỏ công việc của ảnh ở Sillicon Valley thì ngành công nghệ thông tin đang ở giai đoạn cao trào. Để rồi, cùng về với vùng đất này, khai phá, dò dẫm từng bước, làm quen với tiếng Việt và nhiều phong tục, tập quán xa lạ, mới mẻ... Nhưng rồi với bầu nhiệt huyết và lòng quyết tâm, chúng tôi tự tin, dám nghĩ dám làm. Anh Remy lo việc quảng bá BÔ Resort trên mạng (www.boresort.com) và chăm sóc khách hàng. Còn tôi thì lo chuyện kinh doanh và kiêm luôn việc giới thiệu ẩm thực Việt Nam với khách nước ngoài đến lưu trú tại đây.





Giờ đây, BÔ Resort sắp tròn tròn 10 tuổi. Chúng tôi đã gây dựng được thương hiệu, và rất vui là khách thập phương đã biết đến nơi chốn này như một điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình du lịch của mình trên thế giới.



* Thế chị có muốn góp ý gì cho Phú Quốc khi nơi đây đang được quy hoạch thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo lớn của Việt Nam?
- Theo tôi thì chính quyền cần phải có tầm nhìn và chiếc lược trong quy hoạch phát triển kinh tế huyện đảo bao gồm cả ở góc độ kinh tế - chính trị. Các ngành nghề của người địa phương cần được bảo tồn, thí dụ như bảo tồn kỹ thuật làm nước mắm Phú Quốc. Chính quyền cũng cần có quy hoạch hợp lý cho diện tích trồng tiêu và hỗ trợ cho nông dân sống được bằng nghề trồng tiêu truyền thống của Phú Quốc.

Chính quyền cũng nên có những chương trình tập huấn, tuyên truyền để người dân hiểu thấu đáo, không hủy hoại môi trường thiên nhiên của đảo hoặc khai thác đến tận diệt nguồn hải sản ngoài khơi Phú Quốc.

***


... Cuối câu chuyện, chị Duy Mỹ khoe có gần 20 người dân Phú Quốc đang làm việc tại BÔ Resort  Chị nói: “Họ biết hết, con chim đó tên gì, khi nào nó kêu thì nước lớn, gió mùa này ra sao. Tôi học được rất nhiều từ họ và chính họ là người truyền đạt cho du khách khắp nơi trên thế giới những nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình”.

* Mời đọc thêm tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn:

Không có nhận xét nào: