Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Như sen hồng Đồng Tháp


Về với Đồng Tháp người ta thường nhắc tới sen như một nét đẹp tinh hoa của tỉnh biên giới đồng bằng. Bộ tuyển tập dày gần 900 trang này, như là những đóa sen hồng Đồng Tháp. Đó là 115 tác phẩm đạt “Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu”, do NXB Hội Nhà văn và Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp ấn hành vào cuối năm 2012.




Những “đóa sen hồng” này thuộc 6 chuyên ngành: văn học, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật và văn nghệ dân gian; là kết quả tuyển chọn từ cả nghìn tác phẩm được sáng tác từ trước 1975 đến năm 2011. Khác nhiều tỉnh thành trong nước thường in riêng các tác phẩm chuyên ngành, Đồng Tháp in chung, giúp người đọc thưởng thức được “cái đẹp Đồng Tháp” ở nhiều vẻ khác nhau. Đây là sáng tác của các tác giả chuyên và không chuyên, ở khắp mọi miền đất nước, miễn là “có giá trị cao, phản ánh phong phú và chân thật mọi mặt đời sống xã hội, thiên nhiên, con người Đồng Tháp”  như mục đích của giải thường đề ra.

Ở giải lần 1 (năm 2006), trong 62 tác giả nhận giải, có nhiều tên tuổi nổi tiếng sống ngoài Đồng Tháp. Văn học có Nguyễn Bính, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Đức, Nguyễn Khải, Nguyễn Đức Mậu, Lê Giang, Lê Chí, Anh Động, Nguyễn Hữu Hiệp… Sân khấu có Thanh Nha, Phi Hùng, Thanh Huyền… Nhiếp ảnh có Lâm Tấn Tài, Lê Chí Hải… Âm nhạc có Hoàng Việt, Trịnh Công Sơn, Xuân Hồng, Lư Nhất Vũ… Mỹ thuật có Huỳnh Phương Đông, Thanh Châu, Phạm Mười… Trong tỉnh thì có Thu Nguyệt, Lê Ngọc, Nguyễn Huỳnh Hiếu, Thai Sắc, Hữu Nhân, Trần Quốc Toàn, Trọng Quí, Nguyễn Phước Thảo… (văn học); Thanh Tùng, Đặng Tiền Duyên, Nguyễn Chơn Thuần, Bạch Phần… (sân khấu); Nguyễn Văn Long, Phạm Khiêm, Vũ Loan, Phạm Đức, Nguyễn Duy Trung… (âm nhạc); Bùi Bé Tư, Khắc Hiếu, Lâm Viên… (nhiếp ảnh); Trần Công Hiến, Nguyễn Đắc Nguyên, Nguyễn Quang Trình, Dương Quản Đại, Nguyễn Thành Thu, Nguyễn Oanh… (mỹ thuật).

Tới giải lần 2 (năm 2011), trong số 53 giải thưởng, tác giả trong tỉnh đã chiếm ưu thế. Có 5 giải A, ngoài nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam và nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc ở ngoài tỉnh, 3 giải còn lại thuộc về các tác giả Đồng Tháp trưởng thành sau 1975 là Nguyễn Thị Kim Tuyến (văn học), Phạm Khiêm (âm nhạc) và Nguyễn Oanh (mỹ thuật). Mấy chục giải thưởng khác, ngoài 6 giải của tác giả ngoài tỉnh, còn lại tất cả đều thuộc về người Đồng Tháp.

Bất kể trong hay ngoài tỉnh, những tác phẩm đoạt giải đều cho thấy Đồng Tháp đẹp và “quyến rũ” dường nào. Thí dụ như giải đặt biệt (lần 1), tác phẩm thơ được trao cho thi sĩ Nguyễn Bính với tác phẩm độc đáo mà nay ít người biết, đó là bài thơ “Đồng Tháp Mười” sáng tác năm 1949 với 4 câu mở đầu mô tả địa thế Đồng Tháp:

Bảy trăm nghìn mẫu đất
Sớt chia bốn tỉnh miền Nam
Khăng khít biên thùy Chùa Tháp
Nằm trong tay trái Cửu Long Giang


Hay như giải A thơ (lần 1) được trao cho tác giả Thu Nguyệt với tập thơ “Điều thật”. Nữ sĩ Thu Nguyệt giờ đang sống tại TP.HCM và chắc rằng vẫn tha thiết ở trong lòng hình ảnh quê nhà năm xưa:

Con mương nhỏ mỗi chiều tôi nghịch nước
Có chú lìm kìm cắn khúc ca dao
Mười năm qua không đắp không đào
Lá tre rụng, con mương sâu thành cạn
Chú lìm kìm năm xưa bỏ bạn
Xuôi ngược đâu rồi theo lời mới dân ca


Đồng Tháp vẫn duy trì giải thưởng mang tên chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, 5 năm xét thưởng một lần. Theo lời giới thiệu của cuốn sách này, Nguyễn Quang Diêu người làng Tân Thuận, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh). Ông sinh năm 1880, tham gia phong trào Đông Du, từng bị Pháp bắt giam và đày sang đảo Guyane (Nam Mỹ) và vượt ngục sang Trinidad (thuộc địa Anh), sang Washington (Mỹ) rồi về Trung Quốc, Hồng Kông hoạt động cách mạng. Cuối đời, ông về làng Vĩnh Hòa (Tân Châu) dạy học và mất tại đây năm 1936. Nguyễn Quang Diêu đã đóng góp cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm thơ, được học trò tập hợp thành sách, như: “Cảnh Sơn Nguyễn Quang Diêu thi văn sưu tập” (chữ Quốc ngữ), “Cảnh Sơn thi tập”, “Cảnh Sơn thi tập chi nhứt” (chữ Nôm và chữ Hán)…■


* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên 2.4.1013:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130402/nhu-sen-hong-dong-thap.aspx

Không có nhận xét nào: