Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Cuốn sách “nhất nghệ tinh”



“Với cuốn sách này, như cựu giám đốc Vinappro Lê Tùng Hiếu, người từng học ở Đức nhận xét, một thợ cơ khí ngồi ở ĐBSCL có thể mở cửa hàng cơ khí, và biết kinh doanh thế nào”, TS Nguyễn Xuân Xanh, đồng dịch giả, đã nói như vậy về cuốn sách Chuyên ngành cơ khí, vừa được NXB Trẻ và Quỹ Thời báo kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation) phối hợp với Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại CHLB Đức (VSW) ấn hành. Sách dày 625 trang, giá 560.000 đồng.



20 chuyên gia thuộc VSW từng làm việc lâu năm trong môi trường kỹ nghệ ở Đức đã mất hơn 2 năm để dịch và hiệu đính cuốn sách này, từ nguyên tác tiếng Đức Fachkunde Metall - được viết bởi 9 đồng tác giả là những kỹ sư và giáo viên chuyên ngành người Đức. Đây là cuốn sách dạy nghề bán chạy nhất của NXB chuyên ngành nổi tiếng Europa-Lehrmittel, đã được dịch ra 20 thứ tiếng và hiện đang dùng trong  chương trình giảng dạy của hầu hết các trường kỹ thuật tại CHLB Đức.



Vì sao lại chọn sách Đức để dịch? Những người làm sách cho biết: “Nước Đức nổi tiếng thế giới về cơ khí máy móc với hệ thống dạy nghề vừa học vừa làm rất thiết thực, điều này thể hiện rõ trong sách học nghề của họ mà điển hình nhất là tủ sách nghề của NXB Europa-Lehrmittel mà chúng tôi đã mua bản quyền để xuất bản tại Việt Nam lần này”. Đây là cuốn đầu tiên trong “Tủ sách học nghề Nhất Nghệ Tinh”, nhằm “đáp ứng phần nào nhu cầu cấp bách về lực lượng công nhân lành nghề được đào tạo bài bản cả về lý thuyết lẫn thực hành tại Việt Nam”. 2 cuốn sẽ ra đời tiếp theo thuộc về lĩnh vực điện và chất dẻo.

Trong lời giới thiệu sách, PGS-TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) và TS Horst Sommer, Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ), cùng nhấn mạnh: “Vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam đã phê duyệt danh mục các nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư đạt cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế, trong đó có các nghề thuộc lĩnh vực cơ khí. Bởi vậy, chúng tôi rất vui mừng giới thiệu cuốn sách Chuyên ngành cơ khí bằng tiếng Việt... Tất cả các thông tin cơ bản về kỹ thuật kim loại đều được thể hiện trong cuốn sách này”. Ngay sau ngày sách phát hành (9.4), văn phòng GIZ tại Hà Nội đã đặt mua 200 cuốn để tặng các trường dạy nghề ở Việt Nam. 

Chuyên ngành cơ khí có 8 chương, nói về quản lý chất lượng, kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật máy và thiết bị, kỹ thuật tự động hóa, kỹ thuật công nghệ thông tin, kỹ thuật kiểm tra độ dài và kỹ thuật điện. Ngoài ra, sách còn có 13 phần thực tập và thư mục thuật ngữ bằng 3 thứ tiếng Việt, Đức và Anh. Tất cả các nội dung này được trình bày gọn gàng, khoa học và đặc biệt là ở bài nào cũng đều có kèm bảng vẽ kỹ thuật, bảng biểu và hình minh họa in 4 màu rất dễ hiểu. 

Cụ thể, có 8 đối tượng mà quyển sách này nhắm đến: công nhân chuyên về cơ khí công nghiệp và chế tạo dụng cụ; công nhân chuyên về sản xuất; công nhân chuyên về gia công cắt gọt kim loại; kỹ thuật viên đồ họa; quản đốc và kỹ thuật viên; người có kinh nghiệm thực hành trong kỹ nghệ và thủ công; thực tập sinh và sinh viên; giáo viên trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Là đồng dịch giả, TS Nguyễn Xuân Xanh cho biết: “Xã hội Việt Nam vẫn chưa trọng lao động tay chân có kỹ thuật, tổ chức, mà vẫn còn trọng vọng hư danh, bằng cấp. Chăm lo đào tạo những thợ chuyên nghiệp, kỹ sư hiện đại, xem trọng vai trò của họ, có những chính sách lương bổng xứng đáng, đó là mệnh lệnh bức thiết hiện nay”. Ông kỳ vọng: “Nếu xuất bản xong loạt này, Việt Nam sẽ có khoảng năm sáu ngàn trang sách dạy nghề theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, góp phần cho các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam có giáo trình, tư liệu hiện đại nhất, đúng chuẩn quốc tế trong việc đào tạo nghề chất lượng cao, giúp các sinh viên, thợ thủ công có điều kiện nâng cấp tay nghề”.

Về phần mình, dù không theo nghề cơ khí, nhưng sau khi đọc, chúng tôi thấy, quyển Chuyên ngành cơ khí này như một cuốn “cẩm nang nghề” mà người thợ cơ khí yêu nghề nào cũng có thể thủ đắc để “nhất thân vinh” theo cách “nhất nghệ tinh”. ■



Bài đã đăng trên báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130528/cuon-sach-nhat-nghe-tinh.aspx

Không có nhận xét nào: