Huyền khúc Đồng Tháp Mười là tuyển tập thơ ra đời nhân đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2012-2017. Khép lại gần 250 trang sách với 154 bài thơ của 46 tác giả, có thể chia sẻ với nhận xét của Tao Đàn ở phần giới thiệu sách: “Huyền khúc Đồng Tháp Mười như là một khúc hát ngân vang vào quá khứ và vọng dài tới tương lai”.
Dường như nhà thơ Thai Sắc đã nhìn lại quá khứ từ trên đỉnh tháp canh Vườn quốc gia Tràm Chim Tam Nông khi mở đầu bài thơ Huyền khúc Đồng Tháp Mười: Dạo xanh đỉnh rừng tràm nguyên sinh/ Lấm tấm móc đơn móc kép/ Trắng cánh cò/ Nốt lặng đen/ Ký ức/ Hồng hoang Đồng Tháp Mười / Vương quốc hòa âm lửa. Chất phác hơn trong Vùng quê tôi sinh ra, Nguyễn Hòa Hiệp viết: Tôi sinh ra giữa một vùng quê/ Giăng trắng cánh đồng cơn mưa mùa lũ/ Chồng cố vịn tay chèo qua cuộc sống/ Vợ ru con bềnh bồng hoàng hôn. Cũng trong mùa nước nổi ấy, Lê Minh Hùng cảm thức thành Mùa nước - mùa em. Anh nhìn thấy: Em lội ruộng lộ tròn bắp trắng/ Phù sa sông Tiền thoa mấy ngấn son. Rồi kể tiếp: Mùa nước lên đồng mênh mông trăng/ Giữa khuya khoắt đã ồn ào chợ nổi/ Cá linh đổ làm tóc em rối/ Lấp lánh đầy ghe sao chổi mang về. Với Nguyễn Giang San, trong Tam Nông đêm gió chuyển, chợt thảng thốt: Bất ngờ gặp giữa Tam Nông/ Ánh trăng trĩu chín đầu bông lúa vàng. Còn với nhà thơ Hữu Nhân, trong Tôi lớn lên trên cánh đồng này III, anh mở đầu: Cánh đồng phía sau nhà tôi có từ thời dòng sông lở bồi theo từng mùa lúa trổ; và day dứt ở cuối bài: Nợ với đất đai này cả đời tôi không sao trả hết/ Cánh đồng phía sau nhà vẫn cõng mãi thơ tôi.
Vùng Đồng Tháp Mười thuộc hai tỉnh Đồng Tháp và Long An. Chắc là cảnh cộ trâu (trâu kéo lúa) bên Long An cũng giống cảnh này bên Đồng Tháp, như cái nhìn của Lê Minh Hùng hồi năm 2009: Rải rơm vàng giữa ruộng thành đường/ Cộ trâu xếp đầy bao lúa thơm/ Anh trai quê nằm cao ngất ngưởng/ Lấy roi tre khèo vành trăng non. Độc đáo hơn là tình cảm này: Người mời trâu uống nước mía tươi/ Cho chân cứng rướn hơi thật khỏe. Còn nhà văn Trần Quốc Toàn đã Ghi trên thuyền rước dâu ở Đồng Tháp cảnh này: Con sông đã đỏ phù sa/ Chở con thuyền cưới đỏ hoa đỏ cờ/ Ô môi nở đỏ đôi bờ/ Ngày lành in thắm một tờ lịch hoa.
Ở những vùng quê đó, bây giờ ra sao? Nguyễn Giang San kể vào năm 2011: Quê mình giờ khát lũ lắm em ơi/ Hôm nước tràn đồng mẹ mừng khôn kể/ Mấy năm rồi thiếu phù sa đỏ/ Cha trét xuồng chỉ úp ở vườn sau/ … Anh cắm sào dưới đám mây sẫm màu / Ngắm đàn ròng ròng vẫy đuôi về quá khứ (Dưới đám mây sẫm màu). Bạn trẻ Ngọc Điệp, trong bài Học trò vùng quê, đã ghi lại cảm xúc trong mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2008: Lớp học kề chân ruộng lúa/… Tay cầm bút cứng đơ mỗi vụ vào thu hoạch/ Học trò vùng quê kỹ thuật cấy trồng thạo hơn lý thuyết của thầy cô.
Và cái tình Đồng Tháp Mười ấy vẫn đang trôi chảy trong những người con xa quê hay đang sống giữa quê nhà với những tâm thức khác nhau. Với Trần Minh Tạo: Mỗi sáng mở mail/ gặp một dòng sông lặng lẽ mênh mông chảy qua trước mắt/ … anh sợ mình sẽ cháy mất! (Dòng sông chảy qua màn hình computer). Với Lê Minh Chánh: Mười năm vót cọng dừa bện chổi/ Đi chán về ôm chổi quét sân/ Quét sạch chiều cho hoa nắng rụng/ Rồi nhìn mỏi mắt một sân không… (Màu hoa cũ). Với nữ sĩ Thu Nguyệt: Vách lòng ướt đẫm giọt tuôn/ Mái tim chống chếch gió luồn rát môi/ Mưa xong, gió cũng đi rồi… / Lều ta, buồn vẫn cứ ngồi co ro! (Lạnh lì). Với Thai Sắc: Dáng đứng nông phu/ Từ vạch nhịp/ Nối đều khoảng cách/ Giữ cho bản sonate Đồng Tháp Mười/ Dào dạt muôn sau. Riêng bạn Ngọc Điệp, chơn chất tình cảm học trò tuổi thanh niên: Từ trên cánh đồng/ Học trò vùng quê nung nấu niềm mơ ước/ Đổi mới làng quê. Đổi mới tương lai. ■
Bài đã đăng trên báo Thanh Niên
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130730/doc-sach-dong-thap-tho%E2%80%A6-30-7-2013.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét