Quang cảnh buổi họp chiều nay tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ |
(TBKTSG Online) - Đại diện tổ hợp đầu tư Hàn Quốc tại TP.HCM gồm ba công ty Woojin Construction, Kunhwa Engineering and Construction và Hyundai Rotem trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chiều nay, 12-8, đã đề xuất dự án xử lý rác thải tập trung kết hợp phát điện cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Choi Hyeong Suk, Giám đốc Woojin Việt Nam, đại diện tổ hợp này tại TP.HCM, cho biết Hyundai Rotem, Woojin và Kunhwa là ba công ty có kinh nghiệm và năng lực tài chính lớn của Hàn Quốc trong đầu tư về năng lượng, xử lý môi trường rác thải, nước thải tại một số nước trong đó có Việt Nam. Nay tổ hợp này muốn đầu tư làm nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung kết hợp phát điện cho khu vực ĐBSCL theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
“Chúng tôi muốn làm nhà máy tại tỉnh Hậu Giang để xử lý rác thải tại các tỉnh, thành phố lân cận như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu,” ông Choi Hyeong Suk nói.
Trong tờ trình gửi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Choi Hyeong Suk cho biết “công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến hiện nay là phương pháp đốt”. Tuy nhiên, với qui mô nhỏ lẻ (dưới 500 tấn rác/ngày) thì thường dự án xử lý chất thải rắn không bảo đảm tính khả thi về mặt tài chính “nên rất khó thu xếp vốn cho dự án”.
Do vậy, theo ông Choi Hyeong Suk: “Tổ hợp chúng tôi có sáng kiến gom rác tập trung ở các tỉnh thành lân cận để xây dựng một nhà xử lý rác qui mô lớn, dùng công nghệ tiên tiến, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường. Sáng kiến này đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn ở Hàn Quốc hơn 30 năm qua về xử lý chất thải rắn”.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng nói rõ cần có diện tích đất khoảng 150 hecta và sẽ lập dự án nghiên cứu khả thi sau khi được đồng ý về chủ trương xây nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện cho vùng ĐBSCL tại Hậu Giang.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hoan nghênh đề xuất này. Ông Quang cho biết việc xử lý rác thải của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết vì hàng ngày có hàng nghìn tấn rác thải chưa được xử lý dứt điểm. Chỉ riêng nội ô thành phố Cần Thơ, mỗi ngày thải ra hơn 500 tấn, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) thải khoảng 250 tấn rác nhưng chưa có nhà máy xử lý tiên tiến.
Cuối buổi làm việc chiều nay, ông Nguyễn Phong Quang và đại diện UBND hai tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu đã đưa đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đi khảo sát thực tế tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), nơi dự định sẽ chọn thực hiện dự án.
Ông Choi Hyeong Suk cũng cho biết tổ hợp ba công ty Hàn Quốc này đang thực hiện dự án điện gió tại Trà Vinh (350 MW, 750 triệu đô la Mỹ); đang khảo sát dự án điện gió tại Bạc Liêu (350 MW, một tỉ đô la Mỹ); chuẩn bị nhận giấy phép đầu tư dự án điện gió 120 MW tại Bến Tre; đã thực hiện dự án xử lý nước tại Long Xuyên (An Giang); tại Cần Thơ đã thực hiện dự án cung cấp nước tại huyện Vĩnh Thạnh và dự án Vườn Ươm công nghiệp công nghệ Cần Thơ – Hàn Quốc.
Bài đã đăng tại:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét