Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Hạn-mặn 2016: giải pháp thích ứng về lâu dài


Nguyễn Hữu Thiện


Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đối mặt với những thách thức và cơ hội mới, rất cần xem xét lại chiến lược an ninh lương thực để tránh chỉ tập trung vào cây lúa, tăng sản lượng bằng mọi giá. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) - Tình trạng hạn - mặn gay gắt năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hiện tượng El Nino cực đoan. Vậy ĐBSCL nên ứng phó như thế nào về lâu dài?

Không nên lấy hiện tượng cực đoan năm nay làm chuẩn cho chiến lược lâu dài.

Trước tiên cần phải phân biệt hiện tượng cực đoan và khuynh hướng lớn của nhiều năm. Hiện tượng hạn - mặn gay gắt năm nay là hiện tượng cực đoan, hiếm xảy ra, ít nhất là 90 năm nay mới có lần đầu (thật ra con số 90 tròn trịa là vì ta chỉ có số liệu từ năm 1926 do Pháp để lại). Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những hiện tượng cực đoan được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Ví dụ hiện tượng 100 năm mới có một lần có thể xảy ra 20 năm một lần.

Nhưng dù gì đi chăng nữa, hiện tượng cực đoan không phải là khuynh hướng chung. Ngoài những năm có hiện tượng cực đoan sẽ là “khuynh hướng bình thường”. “Bình thường” ở đây có nghĩa là khuynh hướng diễn biến biến đổi khí hậu mà ta đã biết, nước biển dâng, nhiệt độ tăng...

Do năm nay tình trạng hạn - mặn gay gắt gây ra nhiều thiệt hại cho người dân nên chính quyền địa phương không thể ngồi yên, báo chí, dư luận cũng không thể đứng ngoài, và Chính phủ phải có hành động khẩn cấp. Cả xã hội lao vào vòng xoáy “phải làm điều gì đó” ngay. Hành động khẩn cấp là hoàn toàn đúng, cần thiết. Tuy nhiên, đối với chiến lược thích ứng lâu dài, không nên lấy tình hình của năm cực đoan, chưa khẳng định là khuynh hướng, như năm nay, làm chuẩn. Một chiến lược lâu dài nên dựa vào khuynh hướng chung nhiều năm, có dự trù chi cho tình huống cực đoan.


Thay đổi để thích ứng


Như đã đề cập ở trên, trừ những năm cực đoan, còn lại là những năm nằm trong khuynh hướng biến đổi khí hậu chúng ta đã biết là nhiệt độ ngày càng tăng, nước biển dâng cao dần dần, xâm nhập mặn xâm lấn dần.Vùng ven biển ĐBSCL có thể chia làm ba vùng, độ dày mỏng tùy theo địa hình, vị trí gần hay xa nguồn nước sông Cửu Long. Rìa nhất là vùng mặn quanh năm; kế tiếp là vùng nước lợ với sáu tháng ngọt, sáu tháng mặn; trên đó là vùng ngọt. Khuynh hướng hiện nay là hai vùng ngoài đang lấn dần vào vùng trong. Khuynh hướng này khó cưỡng lại.

Đối phó với những thay đổi thì có nhiều cách lựa chọn, hoặc là kiên cố chống lại sự thay đổi để duy trì tình trạng hiện tại; hoặc rút lui; hoặc thay đổi theo để phù hợp và tận dụng cơ hội mới. Thông thường, khi biết một khuynh hướng không thể chống lại, thay đổi theo cũng là cách thích ứng tốt. Vậy đối với vùng mặn hẳn và vùng nước lợ, không nên cố gắng duy trì hệ thống canh tác ngọt suốt năm mà nên thích nghi. Theo đó vùng mặn hẳn nên canh tác mặn quanh năm, vùng lợ nên có hệ thống canh tác mặn trong mùa mặn và canh tác ngọt trong mùa ngọt.


Hành động thích ứng cũng phải tính thiệt hơn



An ninh lương thực không chỉ là tự cung tự cấp mà miễn sao mọi người có thể tiếp cận được lương thực bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, có thể do dùng tiền mua mà có.


Thích ứng cần có nguyên tắc và mục tiêu rõ ràng. Không nên thấy hiện tượng gì vội đi chống hiện tượng đó, như chữa triệu chứng chứ không phải chữa bệnh. Thích ứng nên theo “nguyên tắc không hối tiếc”, ưu tiên thực hiện những hành động dù sao cũng tốt, ít khả năng sai, ít tác động ngược, không gây hại, có thể thay đổi được. Cũng cần phải tính toán thiệt hơn, chi phí bỏ ra phải nhỏ hơn lợi ích mang lại, xét cả về kinh tế, xã hội, môi trường, tại chỗ và trên toàn đồng bằng, hiện tại và lâu dài. Giải pháp công trình lớn là giải pháp đắt đỏ, có khả năng làm đảo lộn hệ tự nhiên của đồng bằng rất lớn, có rủi ro phải “hối tiếc” cao, cần phải hết sức thận trọng.


Cần xem lại chiến lược an ninh lương thực


Chiến lược an ninh lương thực hiện nay của Việt Nam là chiến lược tự túc, nghĩa là tự sản xuất và tích trữ, không phải mua hoặc dựa vào nguồn ngoài. Chiến lược này được thực tiễn hóa bằng cách tập trung vào cây lúa và tối đa hóa sản lượng.

Việc mở rộng diện tích nông nghiệp và tăng đến hai vụ lúa/năm trong những năm đầu sau chiến tranh và những năm thiếu đói sau đó để đáp ứng nhu cầu là hoàn toàn cần thiết. Từ năm 1989, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo, không còn đói nữa. Trong 15-20 năm trở lại đây, sản lượng lúa của ĐBSCL tiếp tục tăng mạnh chủ yếu qua tăng vụ. Khó hình dung việc đất phải quay vòng ba vụ ở vùng ngập lũ sâu, canh tác lúa trong mùa khô ven biển, xuất khẩu gạo 7-8 triệu tấn/năm, đứng hàng nhất nhì thế giới về lượng xuất khẩu gạo ở phân khúc thấp giá rẻ, là vì an ninh lương thực cho quốc gia.

Còn về vai trò an ninh lương thực với thế giới, thiết nghĩ, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia là rất cần thiết, nhưng đối với một nước nghèo như Việt Nam, tự gán cho mình vai trò an ninh lương thực cho thế giới (không được ai phân công và cám ơn), trong khi người nông dân canh tác lúa không thoát nghèo được thì cần xem lại.

An ninh lương thực cũng cần được hiểu là không chỉ trong 10 hay 20 năm, mà phải lâu dài, cho đời con, cháu mãi mãi về sau, theo đó cần phải giữ gìn sức khỏe của đất, không làm cạn kiệt sức đất. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, cây lúa cần mười mấy chất, phân bón chỉ cung cấp vài ba chất, còn lại cây lúa phải lấy từ kho trong đất. Vậy sự màu mỡ của đất là hữu hạn và phân bón không thể thay thế sự màu mỡ của đất về lâu dài.

Trong khi ĐBSCL xuất khẩu gạo, thì một số tỉnh phía Bắc vẫn đôi khi bị “đứt bữa” thì xem ra sự tối đa hóa sản lượng chưa thực sự là lời giải cho an ninh lương thực. An ninh lương thực không chỉ là tự cung tự cấp mà miễn sao mọi người có thể tiếp cận được lương thực bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, có thể do dùng tiền mua mà có.

Vì danh nghĩa an ninh lương thực, cây lúa lâu nay rất được ưu ái về chính sách, kể cả những hỗ trợ lớn về công trình đê bao rất tốn kém mà người sản xuất không phải chi trả nhiều, vì vậy không được hạch toán vào bài toán kinh tế.

Canh tác lúa ba vụ trong đê bao khép kín ở vùng lũ như Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên về lâu dài làm cạn kiệt đất, gây mất an ninh lương thực cho đời con cháu sau này; giảm khả năng trữ lũ, tạo ra nghịch cảnh là vào mùa lũ trong đồng không có nước nhưng thành phố thì ngập lênh láng, và giảm khả năng đẩy mặn trong mùa khô khi nước lũ không vào đồng mà chảy hết ra biển.

Canh tác lúa trong điều kiện khắc nghiệt trong mùa khô ven biển rủi ro thiếu nước rất cao mà lợi nhuận lại thấp, không phù hợp về kinh tế, nhưng người dân nghèo đã quen cây lúa và cũng muốn “an ninh lương thực” cho chính mình nên vẫn bám cây lúa, được tiếp sức bởi những hỗ trợ của Nhà nước vì danh nghĩa “an ninh lương thực”. Ở vùng ven biển, vẫn có thể canh tác lúa vào mùa mưa khi có nước ngọt, còn vào mùa khô thì nên chuyển sang canh tác mặn. Thực tế người dân cũng đã sáng tạo để tạo ra sự kết hợp hài hòa trong hệ thống canh tác luân canh tôm - lúa, tôm vào mùa khô và lúa vào mùa mưa.

Vậy trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đối mặt với những thách thức và cơ hội mới, rất cần xem xét lại chiến lược an ninh lương thực để tránh chỉ tập trung vào cây lúa, tăng sản lượng bằng mọi giá, chịu rủi ro cao do điều kiện khắc nghiệt ở những nơi và những mùa không phù hợp mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực đời con cháu về sau.


Có thể biết trước để né



Đối với những năm cực đoan như năm nay, tốt nhất là không nên đương đầu mà nên né tránh thiệt hại (thay đổi lịch thời vụ hoặc tránh xuống giống) và chủ động phản ứng trước (tích cực trữ nước ngọt cho sinh hoạt). Ngoài hệ thống cảnh báo hiện đại, rất lâu trước Tết, chúng ta hoàn toàn có thể biết trước chuyện hạn hán năm nay khi thấy mùa nước nổi không về. Vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười hàng năm ngập đến ba mét, nhưng mùa lũ vừa qua chỉ ngập đến đầu gối, cũng là sự kiện hiếm có 80-90 năm qua.

Và trong khi chúng ta bận bịu đối phó với hạn - mặn, cũng xin đề phòng La Nina sẽ gây mưa lũ lớn trong mùa tới khi hết El Nino.


Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/144657

Không có nhận xét nào: