Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

PTT Vương Đình Huệ: Đầu tư giao thông thủy ĐBSCL thiếu và yếu



Trung Chánh


Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đầu tư giao thông thủy ở ĐBSCL thời gian qua còn thiếu và yếu.  Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Giao thông thủy nội địa được xác định là lợi thế đặc biệt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giúp giảm giá thành vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của vùng; song trong 5 năm qua, việc đầu tư vào lĩnh vực này ở ĐBSCL đã thiếu lại còn yếu.

Đó là nhận định mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra trong phần kết luận hội nghị chuyên đề “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL" do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức sáng nay (22-8) ở Cần Thơ.

Theo ông Huệ, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 16-1-2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong vòng 5 năm trở lại đây, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.

Cụ thể, chỉ tính riêng khối lượng công trình đã đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng đã đạt khoảng 47.000-48.000 tỉ đồng, với những dự án lớn như cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Rạch Miễu, Năm Căn…, giúp khơi thông và kết nối được các địa phương trong vùng và giữa ĐBSCL với các vùng miền khác.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng nhìn nhận đối với lĩnh vực giao thông thủy nội địa, việc đầu tư vào lĩnh vực này ở ĐBSCL thời gian qua còn thiếu và yếu.

Theo đó, trong 4 lĩnh vực về giao thông, gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển (hàng hải) và hàng không, thì việc đầu tư còn nặng cho đường bộ khi trong 5 năm qua có đến 89% vốn đầu tư tập trung cho hạ tầng lĩnh vực này. "Trong khi đường thủy nội địa là ưu thế của ĐBSCL, chả có nơi nào trên đất nước Việt Nam có được, mà đầu tư vào đây trong 5 năm vừa rồi chỉ có 1,7% thôi”, ông cho biết.

Trong khi đó, bài trình bày tại hội nghị của ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ GTVT, cho biết giai đoạn 2010-2016 ĐBSCL đã hoàn thành được 46 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư là 76.462 tỉ đồng, trong đó đường bộ chiếm 79%, đường biển chiếm 13%, đường hàng không chiếm 7% và đường thủy nội địa chỉ 1% trên tổng mức đầu tư giai đoạn này.

Không chỉ thiếu về vốn đầu tư, Phó thủ tướng còn cho rằng đầu tư vào hạ tầng giao thông thủy nội địa thời gian qua cũng hết sức thiếu đồng bộ, mà cụ thể là giữa đầu tư và duy trì triển khai, bảo trì…, thực hiện chưa tốt. “Kho bãi cho giao thông vận tải hàng hóa, phương tiện bốc xếp rồi công tác quản lý, điều hành giao thông thủy cũng vậy”, ông Huệ dẫn chứng.

Đối với vận tải biển, theo số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải như đã nêu ở trên, thì có khá hơn so với đầu tư vào đường thủy nội địa, nhưng cũng không khả quan mấy, cho nên khả năng vận chuyển hàng xuất khẩu phải nhìn nhận là còn rất kém.

Dẫn chứng cho điều này, Phó thủ tướng cho biết hiện có 80% lượng hàng hóa của ĐBSCL vẫn phải vận chuyển về khu vực TPHCM và Đông Nam bộ để đưa đi tiêu thụ (xuất khẩu) và trong 80% này thì có đến 70% đi bằng đường bộ (bằng xe tải), chỉ 30% được vận chuyển bằng đường thủy, làm gia tăng áp lực lên đường bộ và tăng chi phí, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, ông Huệ cho biết.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, dù được xác định là lĩnh vực thế mạnh, nhưng trong giai đoạn 2016-2020 tới, kế hoạch của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đưa ra trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư được trình bày tại hội nghị, thì lĩnh vực giao thông thủy nội địa cũng chỉ có 12 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 11.827 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ở các lĩnh vực trong giai đoạn này ở ĐBSCL là 104.636 tỉ đồng; lĩnh vực hàng hải có 23 dự án với tổng mức đầu tư là hơn 18.000 tỉ đồng, trong khi đó, lĩnh vực đường bộ vẫn chiếm đa số với 39 dự án với tổng mức đầu tư trên 73.000 tỉ đồng; còn lại là lĩnh vực hàng không với hơn 1.700 tỉ đồng.

Trước vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát lại thứ tự ưu tiên cho hợp lý trong bối cảnh tình hình ngân sách có hạn như hiện nay.

Cụ thể, đối với lĩnh vực đường bộ, cần tập trung vào các dự án như Quản Lộ-Phụng Hiệp đi qua Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau;  Quốc lộ 60 qua Trà Vinh, Sóc Trăng; cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng-Trà Vinh; cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang-Bến Tre; cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang-Vĩnh Long; đường Nam sông Hậu nối Cần Thơ đi Bạc Liêu; đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ…

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần quan tâm hơn đến hệ thống logistics vùng ĐBSCL. “Chúng ta thấy tình hình phát triển vùng bình bình thế này, nhưng không khéo 3-5 năm nữa kinh tế xã hội có đột phá nhanh, thì hạ tầng logistic không chạy theo kịp như hiện nay, cho nên chúng ta cần có bước tính toán từ nay đến năm 2020”, ông Huệ đề nghị.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/150372/

Không có nhận xét nào: