Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Để biển đảo và biên giới Tây Nam hòa bình, phát triển


(TBKTSG Online)- Hôm nay, 29-9, tại Cần Thơ, lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo “Tuyên truyền về biên đảo và biên giới vùng Tây Nam bộ”.
Quang cảnh hội thảo tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ hôm nay, 29-9-2016.

Theo Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng (Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 Hải quân), vùng biển Tây Nam giáp ranh với 4 nước là Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Đây là khu vực nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có nhiều tàu thuyền thường xuyên qua lại và cũng là nơi làm ăn sinh sống của hàng chục vạn ngư dân Việt Nam với nghề đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản. Đây cũng là khu vực phát triển mạnh về du lịch, vận tải biển và các hoạt động kinh tế khác. 

“Về pháp lý, trên vùng biển Tây Nam hiện nay, Việt Nam mới phân định được biên giới biển với Thái Lan; còn lại đang tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết, như vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia (trên 8.797 kilô mét vuông); vùng chồng lấn Việt Nam – Malaysia (khoảng 2.800 kilô mét vuông); vùng chồng lấn giữa 3 nước Việt Nam - Thái Lan - Malaysia (650 kilô mét vuông)”, ông Tỷ nói.


Đại tá Nguyễn Duy Tỷ phát biểu tại hội thảo “Tuyên truyền về biên đảo và biên giới vùng Tây Nam bộ” ngày 29-9-2016.

Thời gian qua, theo Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, tình hình quốc phòng, an ninh trên vùng biển Tây Nam cơ bản ổn định, kinh tế xã hội phát triển khá; tuy nhiên vẫn còn nổi lên bốn vấn đề:

Thứ nhất, những diễn biến chính trị phức tạp của các nước trong khu vực đã làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biển Tây Nam ngày càng nóng lên. Rõ nhất là các hoạt động kích động, bài xích người Việt Nam tại Campuchia (hiện chỉ riêng các tỉnh ven biển Campuchia giáp Việt Nam, bà con Việt Kiều tại Campuchia đã có hơn 211.000 người với hơn 2.800 tàu cá các loại).

Thứ hai, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển vẫn còn diễn ra. Việc khai thác thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ và các phương pháp đánh bắt khác gây hủy hoại môi trường biển, tranh chấp ngư trường rất phức tạp, tập trung nhiều ở vùng biển ven bờ, ven các đảo của ta và vùng biển giáp ranh với Campuchia, vùng nước lịch sử giáp bờ biển tỉnh Campốt, gần các đảo của Campuchia và vùng biển giáp ranh giữa Campuchia - Thái Lan. Trong năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, có 5 vụ tàu cá Việt Nam bị tàu nước ngoài bắn do tranh chấp ngư trường, làm chết một người, bị thương bảy người.

Thứ ba, tăng tình trạng tàu cá ngư dân các nước vi phạm vùng biển của nhau để đánh bắt hải sản trái phép, nhất là tàu đánh cá Việt Nam. Trong năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, đã có 162 vụ tàu cá của nước ta sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị các lực lượng quản lý biển của nước ngoài bắt giữ với 329 phương tiện, bị phạt tiền trên hai tỷ đồng. Ngoài ra, đã có hơn 32.000 lần tàu, thuyền ngư dân ta sang vùng biển Campuchia đánh bắt hải sản, trong đó một số lượng không nhỏ có hiệp đồng đánh bắt bất hợp pháp với một số lực lượng chức năng Campuchia. 

Thứ tư, tình hình an ninh chính trị trên đảo Phú Quốc, có thời điểm diễn biến tương đối phức tạp sau khi có sự đầu tư mạnh của các công ty trong, ngoài nước vào Phú Quốc phát triển các dự án du lịch như gia tăng lao động tự do đến đảo làm ăn, sinh sống; tăng tội phạm về trật tự xã hội; tăng đầu cơ, mua bán, sang nhượng đất trái phép, chặt phá rừng... 

“Thời gian tới, dự báo tình hình còn nhiều diễn diến hết sức phức tạp, nhất là khi Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng trên biển Đông và Camuchia bầu cử HĐND năm 2017 và bầu cử Quốc hội vào năm 2018”, Đại tá Nguyễn Duy Tỷ nhấn mạnh và đề xuất một loạt giải pháp phối hợp giữa trong và ngoài nước để bảo đảm vùng biên giới và biển đảo Tây Nam bộ hòa bình, phát triển.

Riêng với Chính phủ, ông nói: “Đề nghị Chính phủ đàm phán sớm ký kết phân định vùng biển với các nước trong khu vực để có cơ sở pháp lý trong quản lý vùng biển Tây Nam và đàm phán, ký kết hiệp định nghề cá với chính phủ các nước có chung biên giới trên biển khu vực biển Tây Nam, tạo hành lang pháp lý cho tàu cá Việt Nam hoạt động hợp pháp, hạn chế đến mức thấp nhất tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Tăng cường phương tiện cho các lực lượng chức năng quản lý biển các loại tàu thuyền có công suất lớn, tốc độ cao, khả năng chịu đựng sóng gió tốt để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm của nước ngoài, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, đối phó có hiệu quả với âm mưu lấn chiến chủ quyền biển, đảo của ta”.

Giải pháp kinh tế và truyền thông


@ Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại trực tiếp với các địa phương Campuchia giáp biên với ta, coi trọng hình thức các khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới; có các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các dự án đầu tư bằng hình thức FDI, ODA và viện trợ phi chính phủ vào khu vực biên giới; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sang các tỉnh giáp biên của Campuchia; ưu tiên nâng cấp các tuyến đường giao thông nội địa tới các cặp cửa khẩu đã được hai nước hoạch định.


(Lê Tuấn Khanh – Vụ trưởng Vụ Campuchia & Lào - Bộ Ngoại giao)


@ Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về kết quả công tác quản lý biên giới; thông tin chính xác, có tính thuyết phục về hệ thống cột mốc phân giới đất liền Việt Nam – Campuchia giúp các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế hiểu đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.


(PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Người Làm Báo).

Không có nhận xét nào: