Vừa trở về cùng nhóm chuyên gia Mekong sau nửa tháng công tác ở Mỹ theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, đã trao đổi với chúng tôi xoay quanh việc hợp tác tới đây giữa hai bên đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
* Thưa ông, có phải chuyến công tác này là sự tiếp nối của sự hợp tác lâu nay giữa hai bên ngay sau khi Mỹ có chính quyền mới?
- Đúng vậy. Trung tuần tháng 2-2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mời các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ và nhóm chuyên gia hiểu biết về lưu vực sông Mekong đến Mỹ theo khuôn khổ Chương trình Trao đổi Quốc tế các Nhà Quản lý (International Visitor Leadership Program - IVLP), hoạt động theo Đạo Luật Fulbright-Hays. Mỗi năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chọn lựa một số các nhà quản lý hàng đầu, các nhà khoa học có chuyên môn và uy tín đến Hoa Kỳ để có cơ hội gặp gỡ các vị trong chính phủ, các nhà quản lý chuyên môn hoặc các giáo sư đại học ở các lĩnh vực khác nhau.
Nhóm chúng tôi được Tòa Đại sứ Hoa Kỳ lựa chọn tham dự theo Dự án Sáng kiến Hợp tác Nghiên cứu Hạ lưu sông Mekong (Lower Mekong Research Collaboration Initiative). Đây là cơ hội để các nhà khoa học hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm qua các chuyến viếng thăm đến các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu khoa học và trường đại học lớn ở một số bang của Hoa Kỳ.
Nhóm các nhà khoa học Việt Nam đi thăm một vùng bảo tồn đất ngập nước thuộc đồng bằng hạ lưu sông Mississippi - Hoa Kỳ (tháng 2-2017). Ảnh: LAT cung cấp. |
* Vậy nội dung có gì mới không, thưa ông?
- Đoàn các nhà khoa học Mekong đã đến Washington DC thăm và làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tìm hiểu về thể chế và hệ thống chính quyền Hoa Kỳ, thăm và trao đổi với Văn phòng Hợp tác Khoa học và Công nghệ (STC), Văn phòng Quản trị Đại dương, Môi trường và Khoa học (OES), Trung tâm Quốc gia về Quản trị Đại dương và Khí quyển (NOAA), Trung tâm Dự báo Thời tiết và Khí hậu, dự Trao đổi Quốc gia về Các Gắn kết Toàn cầu.
Phía Hoa Kỳ đã hướng dẫn đoàn đi thăm vùng New Orleans, bang Louisiana thuộc hạ lưu của con sông Mississippi, nơi có cấu trúc đồng bằng tương tự như hạ lưu sông Mekong để nghe trình bày các hệ lụy do tác động của cơn bão Katrina, hiện tượng xâm nhập mặn và lún sụt đồng bằng do yếu tố cả về thiên tai lẫn nhân tai. Đoàn cũng được đến Vicksburg, Mississippi thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật của Liên đoàn Kỹ sư Quân đội Hoa Kỳ (USACE), xem các nghiên cứu kỹ thuật về tua-bin phát điện và khả năng di chuyển của cá qua công trình nhà máy thủy điện.
Chúng tôi cũng được dịp thăm và làm việc với Trung tâm Nghiên cứu và Phòng Thí nghiệm của các Trường Đại học Arkansas và Đại học California Riverside. Ở những nơi này, chúng tôi được lãnh đạo nhà trường tiếp và giới thiệu các hoạt động chuyên môn và đối ngoại, đồng thời phía Việt Nam cũng đã khái quát quy mô hoạt động của Trường Đại học Cần Thơ và thuyết trình các vấn đề quan tâm hiện nay ở ĐBSCL như canh tác nông ngư nghiệp, môi trường, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn và các mối đe dọa xuyên biên giới từ lưu vực sông Mekong như các đập thủy điện, thủy sản, phù sa, chuyển nước…
Chuyến đi của chúng tôi thật sự có nhiều điều thú vị và ấn tượng, mặc dầu trước đó chúng tôi cũng đã có những trao đổi khoa học qua e-mail, tài liệu, hay hội thảo với các nhà khoa học Mỹ. Tuy nhiên, nhờ "tai nghe, mắt thấy" qua tham quan, trao đổi thực tế, chúng tôi được thấy vấn đề rộng hơn để có thể đối chiếu, so sánh lại điều kiện của Việt Nam. Điều thú vị là chúng tôi trao đổi kinh nghiệm các vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với các bất thường của thiên tai và các giải pháp kỹ thuật phụ trợ.
* Kết quả hợp tác tới đây, theo ông, có khả quan hơn lâu nay không?
- Phía Trường Đại học Cần Thơ và phía các cơ quan khoa học và trường đại học của Mỹ đã cam kết đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và mở rộng các khả năng hợp tác qua các dự án nghiên cứu cụ thể, tổ chức trao đổi học thuật cho các cán bộ nghiên cứu và sinh viên hai bên cho các năm tới.
Trong năm nay, cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ phải chuẩn bị các đề cương hợp tác qua các dự án nghiên cứu, dự trù nguồn kinh phí và nhân lực. Chúng tôi cũng dự trù đón các đoàn khoa học Mỹ sang thăm và làm việc ở ĐBSCL. Tùy tiến trình phê duyệt dự án thì các năm kế tiếp sẽ thực hiện các hạng mục.
Phía Trường Đại học Cần Thơ cũng sẽ dự trù triển khai một Bảo tàng hoặc Khu trưng bày Lịch sử Tự nhiên vùng ĐBSCL với sự hỗ trợ và tư vấn của Chính phủ và các trường đại học Hoa Kỳ. Các dự kiến này có tính khả thi về mặt kỹ thuật thì tương đối cao, vấn đề còn lại các thủ tục mang tính hành chính của mỗi bên.
* Điều gì ông kỳ vọng nhất sau chuyến đi trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp ở ĐBSCL?
- Với cá nhân tôi, dù điều kiện kinh tế và xã hội giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ có khác biệt và đồng chịu những thay đổi mang tính vĩ mô về thiên nhiên, môi trường, kinh tế, chính sách. Chính phủ mới của Hoa Kỳ có những thay đổi cơ bản trong chính sách môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu nhưng với thiện chí hợp tác và chia sẻ giữa các cơ quan khoa học Hoa Kỳ và Việt Nam, kể cả các cá nhân các nhà khoa học Mỹ gốc Việt, chúng ta có thể nhận được các kết quả nghiên cứu từ thực tiễn mang vào áp dụng, có vận dụng thực tế, cho vùng ĐBSCL nói riêng và lưu vực sông Mekong nói chung trong bối cảnh có nhiều thay đổi về tự nhiên, biến đổi khí hậu và thị trường kinh tế.
Tôi hy vọng các nhà khoa học trẻ và sinh viên ở ĐBSCL sẽ có cơ hội sang Hoa Kỳ, cũng như sinh viên Mỹ sang Việt Nam để học tập và trao đổi, không chỉ riêng ở mảng khoa học và quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, kinh tế khí hậu, ứng phó với rủi ro thiên tai mà còn có dịp hiểu hơn về văn hóa, xã hội và cải tiến các kỹ năng Anh ngữ, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét