Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Chuyên gia quốc tế đề xuất ba giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL

Huỳnh Kim
Thứ Sáu,  23/11/2018, 09:16 


(TBKTSG Online) - ĐBSCL có thể tránh được sự gia tăng của nguy cơ thiên tai do phát triển thiếu bền vững nếu áp dụng được ba giải pháp về bảo tồn, di dời và quy hoạch từ đất liền ra tới biển.

ĐBSCL: Thêm nhiều dự án thích ứng với biến đổi khí hậu


Quang cảnh hội thảo "Hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL" tại Cần Thơ.
Ảnh: Huỳnh Kim

Đó là đề xuất của tiến sĩ Andrew Wyatt, Quản lý chương trình Mekong thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại hội thảo “Hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL” do báo Tuổi trẻ tổ chức tại Cần Thơ chiều ngày 22-11.

Theo TS Andrew Wyatt, với vùng hấp thu lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, cần phải bảo tồn và khôi phục bằng cách chuyển sang các mô hình nông nghiệp dựa vào lũ để hấp thu được nước lũ và giảm sụt lún, bảo đảm nguồn nước ngầm và bồi đắp phù sa.

Với các vuông tôm thâm canh thiếu bền vững, ông đề xuất nên di dời ra xa vùng ven biển và thay thế bằng mô hình tôm - rừng để bảo vệ bờ biển. Làm được như vậy sẽ hạn chế việc bơm nước ngầm gây sụt lún, giúp duy trì độ cao của đồng bằng và đối phó phần nào với nước biển dâng nhờ có phù sa bồi đắp.

Về quy hoạch vùng phòng hộ bờ biển ĐBSCL, theo ông cần phải tránh cách tiếp cận tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, “Không nên xây dựng hệ thống đê kè bảo vệ mà cần hướng đến giải pháp mạnh hơn là khoanh vùng phòng hộ; như vùng biển Đông ở Cà Mau nên áp dụng hệ thống canh tác tôm - rừng đồng thời với việc duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt vùng 500m rừng ngập mặn ngoài đê ven biển”.

Cũng theo ông hiện nay ĐBSCL đang đứng trước những thách thức khẩn cấp về phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. Đó là việc quản lý lũ thiếu bền vững do hệ thống đê bao cao làm gia tăng rủi ro của thiên tai và có thể đẩy các rủi ro này sang nơi khác về vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu. Ví dụ từ năm 2000-2011, dự trữ lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên và Tháp Mười giảm 50%, từ 9.200 tỉ m3 xuống còn 4.700 tỉ m3 nước do bao đê làm lúa vụ 3.

Thứ hai việc sử dụng đất thiếu bền vững liên quan đến việc quản lý không tốt nguồn nước ngầm và phù sa. Vấn đề này đã gây ra tình trạng sụt lún đồng bằng nhiều gấp đôi so với nước biển dâng.

Vấn đề khẩn cấp thứ ba của ĐBSCL, đó là việc thiếu quy hoạch đầy đủ về vùng biển. Việc này đã làm tăng rủi ro thiên tai do các cơn bão lớn và nước biển dâng.

TS Andrew Wyatt dẫn chứng, hệ thống rừng ngập mặn ven biển hiện nay không đủ khả năng chống chọi với nước biển dâng do mất nguồn phù sa từ thượng nguồn về đã gây xói lở bờ biển và làm mất đi nhiều cánh rừng ngập mặn. Ngoài ra, chương trình củng cố, nâng cao hệ thống đê biển hiện nay của Nhà nước là không đủ khả năng giúp bờ biển chống chịu được với thiên tai.

“Nhiều vùng ven biển ở ĐBSCL không có đủ 500m rừng ngập mặn để bảo vệ đê biển, trung bình mới chỉ 100-200m ngoài đê”, ông nói.

Mô hình sinh kế để thích ứng với biến đổi khí hậu của các địa phương ở ĐBSCL hiện nay thiếu bền vững. “Sinh kế nông nghiệp dựa vào lũ là giải pháp dựa vào tự nhiên tốt nhằm giảm thiểu tác hại của lũ. Ví dụ như các mô hình lúa - cá, lúa mùa, mô hình tôm - rừng… mà nông dân nhiều nơi ở ĐBSCL đã áp dụng cần được bảo tồn và phát triển”, TS Andrew Wyatt nhấn mạnh.

* Đã đăng TBKTSG Online 23-11-2018:

Không có nhận xét nào: