Chủ Nhật, 13/1/2019, 09:51
(TBKTSG) - Bước vào năm mới 2019, trường Đại học
Cần Thơ (ĐHCT) đã đưa ra lời mời gọi với mong muốn các doanh nghiệp và các địa
phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt hàng nhà trường để ứng dụng công
nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản trong xu thế của cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0 hiện nay.
Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu một số mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 của nhà trường hôm 28-12-2018. Ảnh: Huỳnh Kim |
Tại một hội thảo mới đây về đề tài này,
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường ĐHCT, nói: “Chúng tôi sẵn sàng liên
kết với các doanh nghiệp và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện các mô hình,
các dự án cụ thể để nông dân có thể ứng dụng được công nghệ 4.0. Mong các địa
phương và doanh nghiệp đặt hàng bài bản với ĐHCT”.
Theo GS. Hà Thanh Toàn, nhiều nhà khoa học đã
cảnh báo là đất đai vùng ĐBSCL đang trong quá trình thoái hóa do thâm canh nông
nghiệp, chạy theo số lượng và sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc hóa học trong
thời gian dài. Đây là lý do để ĐHCT đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu ứng dụng
công nghệ 4.0 vào nông nghiệp cho ĐBSCL để có chuỗi sản phẩm sạch, chất lượng
cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, đồng
thời gia tăng lợi tức cho nông dân.
Ông cho biết, ĐHCT đã có những mô hình thực
tế cả về nông nghiệp, thủy sản và môi trường trong khi nhu cầu của các địa
phương đang tăng. Do vậy, đây là lúc các bên cần đẩy mạnh hợp tác để giúp nông
dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Theo TS. Lương Vinh Quốc Danh (khoa Công
nghệ, ĐHCT), quy mô thị trường nông nghiệp thông minh trên thế giới từ 5,1 tỉ
đô la Mỹ năm 2016 dự báo sẽ đạt 15,34 tỉ đô la vào năm 2025. Riêng ở Việt Nam,
dù Chính phủ đang chủ trương “chuyển từ nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp
hữu cơ, nông nghiệp thông minh” nhưng đa số nông dân vẫn quen canh tác, nuôi
trồng theo kinh nghiệm, truyền thống; sự liên kết giữa nghiên cứu, quản lý với
chuyển giao, ứng dụng còn rời rạc. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn
là quy mô nhỏ, không tập trung, trên 97% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và
nhỏ, thậm chí rất nhỏ.
Ông Danh cho biết ĐHCT đang cùng một số doanh
nghiệp và các địa phương ở ĐBSCL, ở Lâm Đồng ứng dụng hiệu quả nhiều loại hình
công nghệ 4.0, thông qua điện thoại thông minh, trong làm vườn, trồng lúa, nuôi
tôm cá, chăn nuôi gia súc. Các thiết bị và công nghệ 4.0 do ĐHCT lắp đặt và ứng
dụng phần nhiều là “Made in Vietnam”, phù hợp thực tế, giá thấp hơn giá hàng
nhập khẩu.
Thí dụ, thiết bị giám sát độ ẩm của đất “từng
phút một” để qua đó lập trình thời gian tưới nước cho vườn cam ở Bình Thủy (Cần
Thơ) đã tiết kiệm được 25% nước tưới. Thiết bị giám sát thông số môi trường ao
nuôi tôm cá từ điện thoại di động đã giúp nhiều người nuôi ven biển ĐBSCL phát
hiện sớm nguồn nước ô nhiễm, kịp ngăn thủy sản chết hàng loạt, giúp giảm chi
phí nhân công và tiền điện. Thiết bị tự động hóa chăn nuôi gia súc đã giúp một
đàn bò ở Lâm Đồng tăng lượng sữa, xử lý thức ăn thừa, khai thác sữa hợp lý.
Những công nghệ khác trong trồng rau thủy canh, trồng dưa lưới nhà màng, chiếu
sáng đèn LED cho thanh long... giúp tăng sản lượng, chất lượng và rút ngắn thời
gian canh tác.
Riêng việc ứng dụng thiết bị bay không người
lái (UAV) giám sát ruộng lúa ở Định Thành hợp tác với tập đoàn Lộc Trời (An
Giang) từ năm 2015, tuy đem lại nhiều kết quả tốt nhưng theo ông Danh hiện đang
gặp khó vì Thông tư 36/CP về quản lý thiết bị UAV, nên phải dừng chương trình
ứng dụng này.
Theo PGS.TS. Lê Văn Vàng (Trưởng khoa Nông
nghiệp, ĐHCT), nhà trường đã cùng với Công ty Murata (Nhật Bản) sử dụng hệ
thống cảm biến tự động quan trắc độ mặn trong đất và nước để phục vụ canh tác.
Công việc này đang được làm tại Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, áp dụng
với lúa, cây ăn trái và cả lúa - tôm. Các kết quả quan trắc đã giúp cho bà con
nông dân biết quản lý nước, điều chỉnh thời vụ và thời điểm sử dụng nước hiệu
quả hơn, từ đó tăng được lợi nhuận.
Riêng với lĩnh vực thủy sản, khoa Thủy sản
trường ĐHCT đang ứng dụng công nghệ lọc sinh học và tuần hoàn nước tại một số
địa phương ĐBSCL đối với tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá
điêu hồng, cá trê vàng, cá bớp, cá chình, cua biển… Theo GS.TS. Nguyễn Thanh
Phương, Phó hiệu trưởng ĐHCT, nhà trường sẵn sàng hợp tác tập huấn, chuyển giao
công nghệ tuần hoàn này cho các đơn vị, doanh nghiệp, cả trong sản xuất và nuôi
thương phẩm.
Về việc ứng dụng cơ giới hóa trong chuỗi giá
trị nông nghiệp công nghệ cao, theo TS. Trương Chí Thành (Viện Nghiên cứu nông
nghiệp Yanmar Việt Nam), ĐHCT và Viện Yanmar đang hợp tác ứng dụng kỹ thuật cấy
lúa sử dụng mạ khay mật độ cao; kỹ thuật cấy lúa kết hợp bón vùi phân; sử dụng
máy gặt đập liên hợp thế hệ mới với hệ thống định vị thông minh SA-R.
Tất cả những mô hình này, theo GS. Hà Thanh
Toàn, trường ĐHCT sẵn sàng thực hiện theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và
địa phương với những ký kết cụ thể, trong đó nhà trường bắt đầu luôn từ việc
đào tạo nguồn nhân lực ngay trong thực tế, yếu tố quyết định cho sự thành công.
Về vấn đề này, TS. Lương Vinh Quốc Danh đề nghị các đối tác của mình hợp
tác bốn việc: tăng cường đào tạo người biết ứng dụng công nghệ cao, đổi mới
giáo trình giảng dạy; tạo điều kiện về vốn, thuế, tập huấn cho doanh nghiệp nhỏ
và vừa, trang trại, hợp tác xã; tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu, quản lý và
chuyển giao ứng dụng; tăng đầu tư cho nghiên cứu sử dụng công nghệ phù hợp thực
tiễn và hạ giá thành. “Không thể có nông nghiệp 4.0 với nguồn nhân lực 0.4”,
ông Danh nhấn mạnh.
* Đã đăng TBKTSG Online
13-1-2019:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét