Huỳnh Kim
(TBKTSG) - Tuần rồi, UBND tỉnh Hậu Giang và Đài
Truyền hình Hậu Giang (HGTV) đã phối hợp với TBKTSG tổ chức hội thảo “Giúp nông
dân làm nông thông minh”. Sau đây là một số ý kiến tại hội thảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu (giữa), xem thiết bị làm nông thông minh của Công ty Rynan bên lề hội thảo ở Hậu Giang ngày 8-3-2019. Ảnh: Huỳnh Kim |
Ông Lê Tiến Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Hãy
đi cùng nhau
Trong bối cảnh cuộc cách
mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh và tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh
Hậu Giang đã xác định hướng đi riêng, đó là phát triển nông nghiệp xanh với mô
hình làm kinh tế theo hướng bền vững, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên
kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics.
Tỉnh đã thành lập khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ diện tích 5.200 héc ta với
nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0,
nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản.
Hội thảo này góp phần giúp
Hậu Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu để phát triển sản xuất
nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới, trong đó, ưu tiên đầu tư cho
thủy sản, rau quả, lúa gạo.
Việc xây dựng mô hình nông
nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ 4.0 là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, để làm
được, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, các
doanh nghiệp, ngân hàng và người nông dân, trong đó nông dân là chủ thể. Người
nông dân phải có khát vọng làm giàu, tinh thần khởi nghiệp, sự cầu thị và niềm
tin thành công.
Bà con nông dân cần mạnh
dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang làm theo hướng
dẫn của chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước. Bà con cần chủ
động tự học, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đừng ngại
đổi mới. Đồng thời bà con nông dân cũng là người bạn đồng hành, là đối tác tin
tưởng của doanh nghiệp. Bởi vì “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa, hãy
đi cùng nhau”.
PGS.TS. Nguyễn Duy Cần - Trưởng Khoa Phát triển nông
thôn, trường Đại học Cần Thơ: Đồng hành mới thành công
Vấn đề thay đổi tư duy
và đồng hành của các bên liên quan là chìa khóa của thành công. Làm
nông thuần túy chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp thời 4.0, người nông dân cần
nhất là thay đổi tư duy, làm theo chuỗi mới hiệu quả. Cá nhân thì không làm
được, phải theo tổ chức hoặc hợp tác xã. Ví dụ nông dân Nhật Bản làm lúa hữu cơ
trong hợp tác xã, từ trồng lúa đến chở gạo ra siêu thị, nông dân tự làm hết.
Hậu Giang cần ưu tiên đầu
tư cho hợp tác xã, là đơn vị tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ cao,
cần đầu tư đủ lớn để vận hành được, không đầu tư dàn trải. Trường
Đại học Cần Thơ có khoa Phát triển nông thôn đóng trên địa bàn tỉnh
Hậu Giang, thuận lợi trong trao đổi, hợp tác phát triển, đặc biệt
trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.
Khoa đề xuất làm đầu mối cho
các hoạt động hợp tác, tư vấn, nghiên cứu triển khai ứng dụng công
nghệ cao ở Hậu Giang.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch tập đoàn Rynan Holdings
JSC: Mục đích cuối cùng là giúp nông dân làm giàu
Chuyện “nước, phân, cần,
giống” khi làm lúa của bà con nông dân miền Tây nhiều nơi đang gặp khó. Nước bị
xâm nhập mặn; phân bón không hiệu quả; thiếu lao động do đô thị hóa và bản thân
người nông dân không muốn con em mình làm nông; giống lúa cho gạo giá trị không
cao; dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Thí dụ, khi bón phân đạm, chỉ 30-40% hấp
thụ vào cây lúa, còn lại bị thất thoát.
Để giúp nông dân canh tác
lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, ở Trà Vinh, Công ty Rynan đang làm phân bón
thông minh nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thời gian bón ít, phân nở từ từ
vào đất. Cũng ở Trà Vinh và Đồng Tháp, Rynan đang cùng nông dân thực hiện quan
trắc nước thông minh. Bà con không cần ra đồng mà có thể ngồi nhà dùng điện
thoại thông minh kiểm tra độ mặn ngọt của nước để xứ lý tưới tiêu.
Các mô hình này giúp nông
dân giảm được hơn 30% lượng nước tưới, hơn 40% lượng phân đạm, hơn 30% tiền
công, hơn 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, hơn 40% lượng khí nhà kính và tăng
năng suất 10-20%, tăng doanh thu 100% với mô hình canh tác lúa - vịt.
Chúng tôi đang hướng tới
cánh đồng thông minh, canh tác thông minh với thiết bị do người Việt Nam sáng
chế. Mục đích cuối cùng là giúp bà con nông dân tăng lợi nhuận, làm giàu trên
mảnh đất của mình. Sau hội thảo này, Rynan sẽ làm tiếp với bà con nông dân Hậu
Giang.
|
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Nông
trại sinh thái (Ecofarm): Sẵn sàng hợp tác
Ecofarm Long An cung ứng
các sản phẩm, chế phẩm sinh học công nghệ cao trong việc giải quyết vấn đề dinh
dưỡng, hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh sinh học, thảo dược cho vật nuôi, cây trồng.
Ecofarm Đồng Tháp sản xuất cây trồng công nghệ cao, hướng dẫn, đào tạo, tập
huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và nông
nghiệp hữu cơ.
Ecofarm Kiên Giang làm ra
những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm thảo dược và kinh doanh thương mại
điện tử. Ecofarm Phú Quốc tư vấn, thiết kế, thi công các mô hình du lịch nông
nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hoa viên cây
cảnh. Econuti thì sản xuất, chế biến một số loại thực phẩm sinh thái - hữu cơ
theo đơn đặt đặt hàng.
Như vậy, hoạt động của hệ
thống Ecofarm có thể đáp ứng được mong đợi của bà con nông dân cũng như của
lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về thực hành nông nghiệp thông minh. Ecofarm sẵn sàng
chia sẻ thông tin, nguồn lực với các đơn vị, doanh nghiệp và nông dân Hậu
Giang; tham gia thực hành nông nghiệp thông minh thông qua các dự án hợp tác,
đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào các dự án nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch
tại Hậu Giang và sẵn sàng tư vấn, chuyển giao một phần hoặc trọn gói các công
nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp thông minh.
Ông Trương Chí Hào, Giám đốc điều hành Công ty Chế
biến nông sản Tiến Thịnh: Bắt tay nhau bền vững
Thành lập ở Hậu Giang từ
năm 2015, Công ty Tiến Thịnh chuyên mua và chế biến các loại trái cây nhiệt đới
để xuất sang châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc. Tất cả đều có sự hợp tác,
đầu tư và quản lý từ trồng đến chăm sóc theo tiêu chuẩn của các nước phát
triển.
Tạo được sản phẩm tốt theo
yêu cầu thị trường chính là tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Nếu một trong các khâu bị bẻ gãy thì rủi ro sẽ ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm.
Sự liên kết giữa người cung cấp, nhà máy sản xuất và thị trường sẽ tiết kiệm
thời gian, tạo ra sản phẩm chất lượng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Nếu doanh nghiệp liên kết
sản xuất với nông dân nhỏ lẻ thì mối quan hệ ràng buộc lỏng lẻo, khó chế tài
khi nông dân không tuân thủ hợp đồng đã ký. Nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó
khăn khi bị nông dân “bẻ kèo”, bán nông sản cho người khác do giá thị trường
đột biến tăng cao. Do đó, nông dân và doanh nghiệp cần bắt tay nhau bền vững.
Doanh nghiệp nên giữ vai
trò chính là áp dụng công nghệ mới, hướng dẫn và giám sát quá trình sản xuất
của nông dân, cung ứng “đầu vào” và bao tiêu “đầu ra” cho hợp tác xã hoặc tổ
chức sản xuất nông nghiệp được chọn lựa trong vùng nguyên liệu. Cơ quan quản lý
nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách thuế, đất đai,
các chương trình khuyến nông. Từ đó, thay đổi nhận thức, tư duy, cách nghĩ,
cách làm của các thành viên và hợp tác xã.
Xây dựng sự gắn kết giữa
các nhà cung cấp và công ty, tạo ra chuỗi giá trị nông sản là một trong những
chính sách quan trọng mà công ty đang hướng tới theo phương châm: sản xuất xanh,
chất lượng vàng.
Bà Nguyễn Kim Thùy: Chủ cơ sở chế biến cá thác lác Kỳ
Thư: Liên kết sạch từ nông hộ đến trang trại
Ngoài việc chủ động nguồn
cá nguyên liệu từ ươm giống, nuôi thương phẩm đến chế biến, chúng tôi liên kết
với hộ nông dân và trang trại để chủ động việc chế biến theo chuẩn an toàn vệ
sinh thực phẩm.
Với nông dân, mỗi hộ nuôi
từ 200-300 mét vuông mặt nước. Nguồn cá giống sạch do cơ sở Kỳ Thư cung cấp,
nông dân nuôi theo quy trình sạch do cơ sở đề ra với nguyên tắc sản phẩm sạch
bệnh, an toàn thì cơ sở sẽ mua hết theo giá cao nhất của thị trường. Với trang
trại, chúng tôi hợp đồng với 3 trang trại, hàng năm mỗi nơi cung ứng trên 100
tấn cá thác lác nguyên liệu.
Mình làm ăn chân chính,
chất lượng thơm ngon lại đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm thì khách
hàng sẽ tin tưởng. Chuyện rất đơn giản nhưng thực tế là vậy trong thời làm nông
thông minh.
Truy xuất nguồn gốc ngày càng cấp bách
Gần đây, sản phẩm vào thị trường TPHCM cũng đã được yêu cầu truy xuất
nguồn gốc. Do vậy, để hỗ trợ sản phẩm ra thị trường, việc sử dụng công nghệ
blockchain là thực sự cần thiết khi vấn đề truy xuất nguồn gốc ngày càng cấp
bách.
* Đã đăng TBKTSG Online Online
15-3-2019:
* Mời xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét