Sáng
ngày 8-3-2019, Hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh”, do UBND tỉnh Hậu
Giang phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Đài Truyền hình Hậu Giang tổ
chức tại Đài Truyền hình Hậu Giang, đã thu hút hơn 150 đại biểu đại diện các
nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông…
Bài & ảnh: Huỳnh Kim
Chủ
tịch UBND tỉnh Hậu Giang (giữa) xem trưng bày thiết bị làm nông thông minh của
Công ty Rynam bên lề hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh”.
|
Theo ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư
Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hội thảo nhằm góp phần thực hiện chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Hậu Giang cần chuyển từ nền nông
nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch
vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp”.
Ông Châu cho biết, Hậu Giang đang đẩy
mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững
và xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang được
đẩy mạnh. Từ năm 2019, tỉnh thúc đẩy các mô hình làm kinh tế xanh, hướng tới
nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền
tảng logistics, trong đó ưu tiên đầu tư cho thủy sản, rau quả, lúa gạo. Tỉnh đã
thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ rộng
5.200ha, với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông
nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, trên
thực tế nhiều hộ nông dân vẫn còn lúng túng trong việc tham gia ứng dụng các
công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 và cần thêm chính sách phù hợp để sản
xuất theo chuỗi, bảo đảm nâng cao giá trị và thu nhập.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà
doanh nghiệp đã trình bày những giải pháp ứng dụng phù hợp các công nghệ mới
trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, hướng tới làm nông thông
minh để giúp nông dân Hậu Giang có thể làm giàu từ ruộng vườn, thích ứng với
biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng
Khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, với Hậu Giang, bên cạnh các
giải pháp cụ thể từ sự chỉ đạo, vấn đề thay đổi tư duy và đồng
hành của các bên liên quan là chìa khóa của thành công. Ông kiến nghị
Hậu Giang ưu tiên đầu tư cho hợp tác xã là đơn vị tiềm năng của ứng dụng
công nghệ cao và cần đầu tư đủ lớn để vận hành được, không đầu tư dàn
trải theo số lượng. “Trường Đại học Cần Thơ có Khoa Phát triển nông thôn
đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thuận lợi trong trao đổi, hợp tác
phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Khoa đề
xuất làm đầu mối cho các hoạt động hợp tác, tư vấn, nghiên cứu triển
khai ứng dụng công nghệ cao ở Hậu Giang” - PGS.TS Nguyễn Duy Cần nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Tổng Giám đốc
Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm), cho biết Ecofarm đã từng hỗ trợ
các dự án dưa hấu VietGAP, chanh không hạt VietGAP ở Hậu Giang. “Tới đây,
Ecofarm sẽ đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào các dự án nông nghiệp thông minh kết
hợp du lịch tại tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin,
nguồn lực với các đơn vị, doanh nghiệp và bà con nông dân tỉnh Hậu Giang” - ông
Quang nói.
Sau một buổi sáng chủ trì và trả lời
nhiều câu hỏi tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho chúng
tôi biết, hội thảo đã góp phần giúp cho cả nhà lãnh đạo, nhà quản lý và người
nông dân Hậu Giang có nhận thức mới trong đầu tư làm nông nghiệp thông minh.
Phải giúp nông dân biết ứng dụng tối đa tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin
trong hợp tác, liên kết để đảm bảo sản phẩm làm ra bán được và bán được với giá
cao.
Chủ tịch Lê Tiến Châu giao các sở,
ngành triển khai thực hiện các nội dung chính mà hội thảo đặt ra. Riêng với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, ông Châu yêu cầu sở này phải
phối hợp với các viện, trường trong và ngoài nước, các công ty, doanh nghiệp để
thực hiện trình diễn, thử nghiệm đưa vào sản xuất, ứng dụng các thành tựu khoa
học công nghệ 4.0 trong nông nghiệp nhằm giúp nông dân, hợp tác xã ứng dụng vào
thực tế. Ngoài ra, sở phải nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ
quản lý về ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp. Tỉnh cũng giao Sở Khoa học
và Công nghệ Hậu Giang phối hợp với các viện, trường, công ty, doanh nghiệp,
nhà khoa học thực hiện đặt hàng nghiên cứu hoặc tổ chức chuyển giao, ứng dụng
các kết quả nghiên cứu phù hợp điều kiện của Hậu Giang.
“Lãnh đạo tỉnh sẽ vận dụng tối đa các
chính sách hiện có để thúc đẩy các việc này. Sắp tới tỉnh sẽ ban hành văn bản
cụ thể hóa những nội dung này, như với các chính sách mà ngân hàng đang tạo
điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi
cũng như vấn đề khởi nghiệp, vấn đề liên kết sản xuất trong làm nông thông
minh” - ông Châu chia sẻ.
Sau 15 năm thành lập, Hậu Giang hiện đã có đường
giao thông thủy, bộ kết nối với cả vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Năm 2018, nông
dân Hậu Giang đã làm ra 1,3 triệu tấn lúa, hơn 300.000 tấn trái cây, gần 70.000
tấn thủy sản các loại. Ngoài gạo, nhiều đặc sản chế biến của Hậu Giang đã được
xuất khẩu như cá thác lác, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, dưa
lê, thanh long…
Đã đăng Báo Cần Thơ 8-3-2019:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét