Huỳnh Kim
Thứ Tư, 10/2/2021, 12:15
(TBKTSG Xuân AL) - Trong mưa lạnh những ngày cuối năm, giữa rừng núi Trường Sơn thuộc huyện Tây Giang của Quảng Nam và Hướng Hóa của Quảng Trị, gặp được những niềm hy vọng cho một cuộc sống bình an sau bão lụt kinh hoàng đã trút xuống miền Trung hồi giữa năm.
Mô hình Cột cờ biên giới Trường Sơn Việt - Lào, trung điểm của đường biên giới quốc gia phía Tây Tổ quốc, cách Mũi Cà Mau 1.284km, cách Lũng Cú 1.280km. |
Cột cờ biên giới Trường Sơn
Dọc đường 14 từ Đà Nẵng lên Tây Giang, cứ bị ám ảnh bởi những vạt núi sạt lở còn đỏ ối hai bên đường. Những dãy núi xanh, vực sâu trập trùng trong gió lạnh leo dần lên độ cao gần 1.600 mét so với mực nước biển, vẫn không khỏa lấp được nỗi ám ảnh này. Bà con người Cơ Tu nói con đường núi này giờ còn được gọi là nhánh Tây đường Hồ Chí Minh.
Gặp lại anh Bh’riu Liêc sau lần chia tay hồi cuối năm 2009 đi cùng Văn phòng TBKTSG ở Đà Nẵng lên Tây Giang hỗ trợ học sinh bị bão ngày ấy. Anh Bh’riu Liêc giờ là Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện kiêm Trưởng ban vận động Quỹ Nghĩa tình biên giới huyện Tây Giang. Vẫn sôi nổi như xưa, anh nói cơn bão số 5 vừa rồi là chưa từng có với miền Trung, đã làm thiệt hại mấy trăm tỉ đồng của người dân Tây Giang vì núi lở vùi lấp hoa màu, nhà cửa, đường sá, dù không có ai thiệt mạng.
Không có người chết là nhờ từ năm 2010, huyện đã vận động được bà con Cơ Tu rời bờ suối lên sống cộng đồng trong những làng mới. Anh Bh’riu Liêc giải thích: “Người Cơ Tu từ bao đời nay vẫn giữ được văn hóa rừng. Sống cộng đồng làng cũng là để giữ rừng. Rừng Tây Giang còn thì người Tây Giang còn. Tiếc là chỉ có người Cơ Tu giữ rừng mà những nơi khác không giữ rừng thì Tây Giang còn khổ”. Rồi anh đổi đề tài sang ước mơ làm du lịch cho bà con Cơ Tu với một dự án khá độc đáo. Theo anh, chỗ biên giới Lào cách trung tâm huyện lỵ Tây Giang 55km và nằm giữa hai đầu đất nước Việt Nam, nên Tây Giang đang ấp ủ dự án xây một cột cờ biên giới Trường Sơn ngay chỗ đó để khai thác du lịch, như với cột cờ Lũng Cú và cột mốc Mũi Cà Mau. Xin trích nội dung “Thư ngỏ” vận động kinh phí cho dự án này, do anh Bh’riu Liêc vừa gửi e-mail cho chúng tôi:
“Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có 8/10 xã giáp với hai huyện Kạ Lừm và Đăk Chưng, tỉnh Sê Koong (Lào). Nếu lấy điểm từ Cột cờ Mũi Cà Mau ở cực Nam ra đến Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) ở cực Bắc thì trung điểm của đường biên giới quốc gia phía Tây nằm ngay tại thôn Cha’nốc, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (Cha’nốc cách Mũi Cà Mau 1.284km, cách Lũng Cú 1.280km)”.
Bữa ấy, trong chuyến khảo sát hỗ trợ bà con Tây Giang phục hồi sản xuất sau bão số 5, đại diện TBKTSG, Câu lạc bộ Saigon Times, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và chính quyền Tây Giang, đã lập “bộ tứ” chia sẻ việc vận động thực hiện dự án này. Trở về đồng bằng hôm đó, ám ảnh chúng tôi không còn là cảnh núi lở đỏ ối nữa mà là ánh mắt nâu tươi sáng đầy hy vọng của người con dân tộc Cơ Tu, anh Bh’riu Liêc, với câu nói với theo: “Người Cơ Tu vẫn quyết giữ văn hóa rừng như xưa”.
Nụ cười Vân Kiều ở Trường Sơn. Ảnh: Huỳnh Kim |
Nụ cười Vân Kiều ở Trường Sơn. Ảnh: Huỳnh Kim |
“Chụp cái nụ cười của mình đây”
Bãi đất trống lưng chừng núi ở thôn Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sáng hôm ấy được dựng lều làm “Lễ ký kết thỏa thuận tài trợ xây nhà tình thương và khởi công xây dựng - sửa chữa 20 ngôi nhà” cho 20 hộ dân Hướng Phùng, nơi đã bị cô lập hoàn toàn do mưa bão dài ngày trút xuống miền Trung hồi tháng 10-2020. Cách đó chừng 10 cây số, ngoài đường 9 từ Quảng Trị lên, là nơi 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337, Quân khu 4 đã hy sinh sáng sớm 18-10 do bị vùi lấp trong đất đá sạt lở giữa đêm trong chuyến đi mở đường để cứu trợ bà con Hướng Phùng.
Chỉ xuống bãi đất, nhìn quanh dãy Trường Sơn với ngọn núi giáp biên giới Lào cách đó không xa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hướng Phùng, anh Phan Ngọc Long, nói: “Đứng ở đây thì nước lũ hôm đó ngập tới gần đầu gối tôi. Còn thôn làng ở quanh đây thì nhiều nơi bị đất đá núi sạt lở chôn lấp, cả xã bị cô lập với huyện”.
Anh Long cho biết một nửa trong số 5.828 người dân Hướng Phùng là bà con dân tộc Vân Kiều, cùng với bà con người Kinh sống nhờ trồng cà phê, lúa nước, làm rẫy, nuôi cá. Nhưng sau trận mưa bão ấy, đã có 35 héc ta lúa, 20 héc ta hoa màu, ao cá bị vùi lấp, hơn 40 căn nhà bị sập, tài sản mất trắng. “Nhà báo và doanh nghiệp từ Sài Gòn lên giúp đỡ bà con như vậy là quý lắm vì Hướng Phùng là xã nghèo của Hướng Hóa. Hy vọng Tết này bà con có nhà mới để ở”, anh Long nói với chúng tôi sau khi cùng đại diện TBKTSG và Công ty Coteccons tham gia lễ khởi công dự án trị giá hơn 1,6 tỉ đồng này.
Trong gió núi lạnh căm của ngày cuối năm, ngồi dự lễ khởi công cùng nhiều gia đình khác, một chị người Vân Kiều cố tình hạ cái khẩu trang xuống và kêu nhà báo “chụp cái nụ cười của mình đây”. Một chị khác xưng tên là Nây, kéo nhà báo tới xem căn nhà sàn của mình rồi khoanh tay làm dáng cười tươi để “chụp một tấm ảnh”. Gần đó, trên một ụ mối, hai cô bé Vân Kiều đứng nép vào một thân cây rừng và cười rất tươi với người khách đồng bằng mới quen.
Những nụ cười tươi và những ánh mắt đen lay láy ấy lại ám ảnh người về, như những niềm vui nho nhỏ, mặc dù dọc đường 9 qua Khe Sanh, hai bên vách núi không thiếu cảnh sạt lở từ hồi bão lụt vẫn còn kia.
Đã đăng trên: TBKTSG Online
https://www.thesaigontimes.vn/313075/cuoi-nam-gap-giua-truong-son-.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét