Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

Chuyện rừng sim Phú Quốc

Người đàn ông ấy quê gốc Chợ Gạo, Tiền Giang. Năm 1979 vào bộ đội hải quân tới năm 1983 giải ngũ, lên đảo Phú Quốc dạy học rồi cưới vợ, lập nghiệp luôn trên đảo. Sau nhiều năm gắn bó với nghề làm dịch vụ du lịch, bây giờ anh lại “chủ xị” một dự án bảo tồn rừng sim mà theo lời giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân, như “một kiểu sử dụng đất rừng Phú Quốc”.

GSTS Võ Tòng Xuân và Ô. Trịnh Công Phát tại ĐH An Giang

Chỉ còn 500 héc ta sim

“Tôi thấy cây sim rừng của Phú Quốc rất đặc biệt, khác hơn những loại sim trong đất liền ở miền Trung và miền Bắc. Nhiều sản phẩm độc đáo chỉ có Phú Quốc mới có được từ cây sim. Và dân nghèo cũng nhờ cây sim để thoát nghèo. Vì vậy tôi đã giúp cho anh Trịnh Công Phát xây dựng đề án “Xây dựng mô hình bảo tồn, nghiên cứu phát triển cây sim rừng đảo Phú Quốc”. Chủ yếu để lập ra cho được một kiểu sử dụng đất rừng Phú Quốc, vừa bảo vệ môi trường rừng, vừa tạo ra của cải phi gỗ để giúp dân nghèo xóa đói giảm nghèo, vừa sản xuất ra đặc sản Phú Quốc đem lại nguồn thu cho ngân sách”.

Đó là nội dung chính trong lá thư viết từ Đại học An Giang hôm 2-9-2008 của giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân gởi ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Cuối lá thư, Giáo sư Xuân nhấn mạnh: “Tôi và một số nhà khoa học chuyên ngành sẽ tiếp tay với Kiên Giang thực hiện đề tài này”.

Trước đó, vào cuối tháng 7-2008, giáo sư Xuân đã cùng với tiến sĩ thực vật học Nguyễn Thanh Bình ở Đại học Cần Thơ, có bốn ngày khảo sát cây sim trong sinh thái rừng Phú Quốc và quan sát hoạt động kinh doanh du lịch của gia đình Trịnh Công Phát. Anh Phát kể: “Khi chuẩn bị xây dựng vùng nguyên liệu cho rượu sim Phú Quốc, tôi tìm đến thầy Xuân để trình bày ý tưởng của mình, sau đó mời thầy ra Phú Quốc. Qua khảo sát thực tế, thầy Xuân đã đồng ý cùng tôi xây dựng dự án này và giới thiệu cho tôi một số nhà khoa học khác để cùng nghiên cứu một số đề tài phục vụ cho việc xây dựng mô hình phát triển cây sim”.

Sau chuyến đi đó, giáo sư Xuân đã chấp bút viết dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn, nghiên cứu phát triển cây sim rừng đảo Phú Quốc”. Chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân Sơn Phát của gia đình anh Phát. Chủ trì nghiên cứu khoa học là giáo sư Xuân. Dự án điểm này sẽ triển khai trên 6 hécta đất ở ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh mà anh Phát đã mua lại, kéo dài trong 12 năm. Trong đó, từ 2009-2011, lo xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư. Tới năm 2013, xong việc nghiên cứu, bảo tồn giống sim rừng và thử nghiệm các biện pháp thâm canh, xen canh. Cuối năm 2020 phải xong việc đánh giá, nhân rộng mô hình và chuyển giao cho cộng đồng. Kinh phí của dự án là 6 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của gia đình anh Phát 2,5 tỉ còn lại là vốn vay và huy động từ nhiều nguồn khác.

GSTS Võ Tòng Xuân và TS Nguyễn Thanh Bình tại Phú Quốc tháng 7.2008

Đọc đề án, tôi chú ý tới mục “Tính cấp thiết phải xây dựng dự án”. Tác giả viết: “Việc phát triển các khu dân cư, khu du lịch, sân golf… có thể tạo ra nguy cơ xoá sổ cây sim ở Phú Quốc. Hiện nay trên đảo diện tích rừng sim còn rất ít, khoảng 500 héc ta. Trái sim rừng lại là nguyên liệu chính tạo thành rượu sim đặc sản của Phú Quốc”. Để giúp tôi hiểu rõ hơn, anh Phát mở laptop, gõ Google Earth, kéo bản đồ do NASA mới chụp toàn cảnh khu Rạch Hàm rồi giảng giải từng nơi sẽ được qui hoạch cho dự án.

Ông Trịnh Công Phát với TS. Jeffery T. Burkhart
tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, Phú Quốc.

Anh Phát nói, Sở Nông nghiệp và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Kiên Giang đang cùng giáo sư Xuân và doanh nghiệp Sơn Phát, chuẩn bị một hội thảo tại Phú Quốc trong quí 1 năm 2009, để giới thiệu dự án này cùng với chuyện lo thương hiệu cho cây tiêu Phú Quốc.

Ăn chắc mặc bền

Khu dự án bảo tồn sim nằm gần bìa rừng Hàm Ninh, phía hạ lưu suối Tiên. Những trảng sim lúp xúp tím ngắt một màu hoa mọc dài theo triền suối. Buổi chiều ghé đây, du khách như lạc vào chốn rừng hoang; nghe tiếng suối chảy trong tiếng chim hồng hoàng kêu nhau về tổ, tiếng vượn hú vang xa và tiếng rừng cây xào xạc.

Năm 2007, anh Phát bỏ ra hơn một tỉ đồng mua lại khu đất này từ những người dân nghèo chuyên ghề đi rừng và hái trái sim. Anh nói: “Nơi đây như một khu sinh cảnh rừng chung của đảo, có đủ rừng, đồi, núi, suối, sim. Có thể nghiên cứu nhiều loại cây khác nhau mà không phải đi xa”. Anh kỳ vọng, khi dự án mở ra, hơn bốn chục hộ dân nghèo ở ấp Rạch Hàm sẽ được tham gia. Và họ không chỉ có lợi từ việc hái trái sim đi bán như hiện nay mà mỗi kí “giá trời cho” đã được 15.000 đồng. Riêng việc chọn trồng những loại cây xen canh trong trãng sim hay dưới những tán rừng, anh Phát tin là các nhà khoa học sẽ đem về cho bà con thêm nhiều nguồn lợi. Anh thuộc lòng tên của chúng: hà thủ ô đỏ, hà thủ ô trắng, mỏ quạ, huyết rồng, sâm hồng, sâm mây, bí kỳ nam… có giá trị dược liệu cao. Hay hàng chục loại lan rừng cần được bảo tồn như lan đuôi chồn, đuôi phụng, lan giáng tiên, cánh cò, lan đoản kiếm, trường kiếm…

Nếu một ngày nào đó Phú Quốc không còn rừng sim thì hòn đảo này sẽ ra sao? Trong cảnh lãng mạn của rừng chiều, tự dưng anh Phát hỏi tôi như vậy. Tôi chưa biết trả lời ra sao thì tự anh đã thốt ra những lời rất mực đăm chiêu: “Thì Phú Quốc sẽ mất đi một vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên đã ban tặng”. Lại nói: “Chưa có một loại cây rừng nào giống như cây sim, vừa làm đẹp cho cảnh quan, vừa góp sức gìn giữ môi trường sinh thái, vừa tạo công ăn việc làm cho người nghèo mà cũng là một đặc sản du lịch cho địa phương”.

Trái sim Phú Quốc

Nom ông thầy-giáo-cựu-chiến-binh này có vẻ lãng mạn quá. Vậy mà anh và gia đình đang sở hữu hai thương hiệu khá nổi tiếng ở Phú Quốc: khu nhà hàng Vườn Táo và rượu Sim Sơn. Đó là cả một câu chuyện dài mà như lời anh đã tự tổng kết: “Tôi kinh doanh ăn chắc mặc bền”. Hiện nay anh Phát, chị Sơn và hai cậu con trai đang làm chủ 6 héc ta vườn bên bờ sông Cửa Lấp thuộc xã Dương Tơ, cách khu dự án này hơn 10 cây số. Nơi đó có ngày đón hơn 500 du khách với hàng chục món ăn ngon lành lạ miệng như gỏi cá trích, bún kèn, lẩu hoa sim, cơm ghẹ, mắm cá cơm…

Nhà hàng Vườn Táo ở Dương Tơ, Phú Quốc

“Ngày giải ngũ lên đảo dạy học tôi chỉ có hai bàn tay trắng”, anh Phát nhớ lại rồi kể tiếp: “Bắt đầu từ việc gánh nước tưới rau. Từ vườn rau lên 300 cây táo đầu tiên của đảo. Từ vườn táo lên vườn ổi, vườn mận, lên nhà hàng và xưởng rượu Sim Sơn. Lấy ngắn nuôi dài. Bây giờ là dự án rừng sim”.
Trịnh Công Phát năm nay 48 tuổi, tuổi Sửu. “Năm Kỷ Sửu này, có lo lắng gì không?”. Tôi hỏi, anh trả lời dứt dạt: “Không! Mình ăn chắc mặc bền”.

________________________________

Vườn Táo: www.vuontao.com

1 nhận xét:

Dân Gian Tùy Tiện nói...

Tôi thích bài viết này cua? anh lăm'. Ngày vê` Việt Nam tôi nhất định phai? đi thăm Vươn` Táo. Nhưng~ bài viết cuả anh vê` GSTS Võ Tòng Xuân và ĐBSCL thật hưu~ ích và thú vị. Xin cảm ơn anh Kim.
NTM.