Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Lời tri ân với Trà Vinh





Sóng bủa Cồn Ngao” (NXB Hội Nhà văn, tháng 9.2012) là tập truyện ký thứ 3 trong số hơn 30 tác phẩm in riêng gồm thơ, văn và sách nghiên cứu văn hóa lịch sử địa phương của tác giả Trần Dũng (hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh). 

9 trong số 10 bút ký trong tập sách này là những câu chuyện có thật về đất và người Trà Vinh. Phần nhiều là chuyện về những nhân vật, sự kiện của ngày hôm nay gắn với bao số phận, sự kiện (đôi khi đã thành giai thoại) của mảnh đất quê nhà đã trải bao thăng trầm từ thuở cha ông khai phá cho tới thời chiến tranh rồi thời hòa bình. Và cũng giống như những người dân gắn bó máu thịt với quê hương mình, tác giả luôn cảm thấy mình như là người trong cuộc.

Để rồi, sau mỗi câu chuyện, tác giả thường giữ lại cái tình đất, tình người ấy bằng những ý riêng như muốn là một “bài học cuộc đời” gởi tới người đọc. Thí dụ như trong “Đêm hội bông lau” kể chuyện săn cá bông lau ở cù lao Tân Qui, lúc đầu tác giả kể: “Ngồi trên ghe trôi lững lờ, tôi dõi tầm mắt ra tư bề chung quanh và bất ngờ nhận ra mình đang lạc vào đêm hội hoa đăng trên dòng sông Sau. Đêm càng sâu, dưới làn sương mỏng và ngọn bấc se lạnh, những chiếc đèn bình trên hàng chục chiếc ghe tỏa ánh sáng màu trong xanh cùng hàng trăm ánh đèn lồng mỏng manh, yếu ớt trước gió cứ thấp thoáng khi ẩn khi hiện, khi tỏ khi mờ, như thực như hư… Tôi được một đêm bảng lảng thức mây khói sóng cùng hơn trăm con người xóm hạ bạc Khém Lớn”. Tới chừng nghe chính người Tân Qui kể lại chuyện săn cá bông lau trong thời chiến, tác giả kết: “Bềnh bồng sóng nước đêm hoa đăng trên sông Sau, tôi nhận ra một điều không mới nhưng vô cùng cần thiết trong cuộc sống: lẽ công bằng. Từ những hay dở, những thành bại trong thực tế công việc hàng ngày, người dân xóm hạ bạc Khém Lớn Tân Qui luôn hướng tới để giữ lấy sự cân bằng giữa đúng và sai, giữa cho và nhận, vừa mình vừa người, thậm chí chắc người mà lép mình một chút cũng không sao. Công bằng với bà con lối xóm, công bằng với người khuất mày khuất mặt, công bằng với môi trường thiên nhiên hào phóng mà cay nghiệt”. 

Nhân chuyện Trà Vinh từ thị xã “lên” thành phố, Trần Dũng viết: “Tôi đã đọc ở đâu đó, những lưu dân người Việt đầu tiên trôi giạt đến đất phương Nam là những người tứ cố vô thân… Chắc thế hệ những người khai phá vùng hiểm địa bên Vàm Trà Vinh cũng nằm trong số đó. Nhưng vàm sông sóng dữ đâu là nơi dành cho người yếu bóng vía hay những phường giá áo túi cơm. Dòng sông cất tiếng sóng, kể tôi nghe những người con bình dị thân yêu và nghĩa khí oai hùng của mình…”. Để rồi dẫn tới một đoạn kết như vầy: “Vẫn biết tử sinh, vong tồn là quy luật của muôn con người, của thiên nhiên, của trời đất. Ngay trên mặt sông Long Bình trước mắt, sóng sau đè sóng trước, dòng nước xuôi chảy hôm nay đâu phải là dòng nước của ngày hôm qua. Ngay trên tán lá của ngàn cây cổ thụ trụ vững như cột thép giữa nội ô thành phố, lớp lớp chồi non vẫn ngày đêm thay thế bao cội già nhánh cỗi”. 

Chuyện về cồn Ngao, cái cồn mặt ngó ra biển, hai bên và sau lưng là sông, khu căn cứ địa hồi đánh Mỹ đuổi Tây của Trà Vinh - là điển hình của dòng bút ký này. Tác giả đi theo ông Bảy Neo, người xã đội trưởng thời chống Mỹ, thăm cồn Ngao. Thế rồi cồn Ngao hiện ra mồn một, từ “mối lương duyên ban đầu giữa cánh lưu dân với vùng lạc địa”, tới lúc cồn “đủ sức nuôi chứa chúa tôi Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu”… dài cho tới thời buổi hôm nay. Và tác giả chọn hình ảnh này để dừng lại câu chuyện: “Giữa cơn sóng bủa, người đàn ông mà máu mình và đất cồn Ngao đã trộn lẫn vào nhau ấy dõi cặp mắt hướng về trường trung học cơ sở Hiệp Thạnh. Ngôi trường miền biển trông khá khang trang, nằm đúng vị trí ranh giới ba ấp Chợ, Bàu và Cây Da giờ ra chơi trắng một màu áo hồn nhiên, sôi nổi”. (Sóng bủa Cồn Ngao).

* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên 25-12-2012.

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Thơ của một người lính trở về



Phan Bá Linh là một người lính trở về trong đoàn Quân Tình nguyện Việt Nam giúp bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn-pốt (1979-1989). Hồi đó, thơ của anh đã đăng lai rai trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và một số tờ báo. Bẵng đi mấy mươi năm, cứ ngỡ anh đã gác bút về Cần Thơ “làm vườn” như bao đồng đội khác. Hổng dè anh vẫn lặng lẽ sáng tác; và đã cho ra mắt hai tập thơ “Tay cầm tháng giêng” (NXB Quân đội nhân dân 12-2011) và “Bình minh giữa nắng chiều” (NXB Hội Nhà văn, 3-2012). 




Tay cầm tháng giêng” gồm 47 bài thơ kể chuyện cuộc sống, quê nhà, tình yêu, kỷ niệm… với những nỗi niềm riêng của một người trong cuộc. Đôi khi là bộc bạch thẳng thừng: Thơ không thể nuôi ta sống / Ta phải lo kiếm sống để nuôi thơ / Mười ngón tay chai bươn chải giữa giang hồ / Chén cơm đổi bằng mồ hôi nước mắt / Ta là kẻ đầu trần chân đất / Bạn rất nhiều nhưng rất cô đơn (Thơ và tôi). Có khi mộc mạc: Tôi về nơi tôi được sinh ra / Để quỳ xuống lạy những người đã khuất / Mẹ yên ngủ giấc dài trong đất / Có nghe chăng tiếng bước con về (Quê nhà đẹp nhất). Đôi khi nghe thật chông chênh: Từ lâu em ơi ta đã là xa lạ / Từ lâu ta không còn của nhau / Mưa nơi anh không làm em lạnh (Chông chênh). Có lần qua sông Hậu, anh nhớ: Tôi nhớ năm tôi vào bộ đội / Tuổi còn trẻ quá để yêu đương / Biên giới Tây Nam mùa nước nổi / Đầu nguồn sông Hậu đẫm tang thương /…Tôi soi bóng xuống dòng sông mật / Để nhắc mình sống thật Người hơn / Dòng sông thấm máu người đã khuất / Nên vườn thơm, ruộng lúa xanh rờn (Sông mật).  

Năm 2010, thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn về, anh viết: Có một thời ta sống thật là ta / Đêm cõng bạn băng rừng tìm đơn vị / Quãng đời ấy sao mà thương mà quý / Đất nước đang chiến tranh (Mặc tưởng). Liền đó, anh ngậm ngùi viết bài “Dấu lặng”: Có người lính trở về nhặt lại những ước mơ / Thời gian thổi tuột tầm tay với / Chỉ còn mẹ già ngồi đợi / Chỉ còn vợ con ngồi đợi / Lúc sang trang là đối diện với cơ hàn. Để rồi tới giữa năm 2011, anh lạnh lùng độc thoại: Có lúc chúng ta buộc phải làm kịch sĩ / Mới mong tồn tại ở đời / Đấy là sự lựa chọn bất đắc dĩ / Là nỗi đau, nỗi nhục làm người /…Không ai mang theo quyền lực xuống mồ / Nhưng sẽ mang tình yêu vào giấc ngủ /…Những tính toán tầm thường sẽ bị bỏ rơi / Những chiếc mặt nạ sẽ bị bỏ rơi (Mặt nạ).   

Còn trong tập “Bình minh giữa nắng chiều”, Phan Bá Linh chọn ra 65 bài thơ viết trong hai năm nay; vẫn đong đưa những nỗi niềm của một người lính xuất ngũ nhưng dường như đã nghe vọng về hai tiếng “bình an”. Dù sao, người cựu chiến binh ấy đã qua cái tuổi trung niên và đang chiêm nghiệm ý nghĩa tồn tại của chính mình. Trong bài “Tự tại”, anh viết: Để được chính mình là điều không dễ / Tôi đã đi qua vô số sai lầm /…Trên những con đường đi qua / Tôi nâng niu những trải nghiệm / và quẳng hết những kinh nghiệm / Để mỗi bước đi luôn tươi mới tương lai / Quá khứ là đôi giày đã rách không dùng lại / Tôi nỗ lực hết mình cho hiện tại / nhưng luôn trong tư thế chia tay / Hãy nghĩ đến ngày mai / Ngày mai / Tôi vẫn tuyệt đối cô đơn như mãnh thú / Tự tại trên đôi chân của mình / Phía  trước là bình minh.  

Rồi người lính trở về ấy, như muốn chia sẻ với mọi người một trải nghiệm bình an nho nhỏ, qua bài thơ này: Đồng tiền như cá giữa sông / Muốn bắt được phải có kỹ năng / Hãy bơi ra và gom lại / Đấy là cuộc vật lộn cam go / Nếu thu được một lượng vừa phải / Bạn còn khả năng để quay lại bờ / Quá mải mê / Bạn sẽ quên mình đang ở giữa dòng sâu / Sóng / Gió / Dòng chảy vây quanh / Không biết dừng / Sức bạn cạn dần / Cơ hội quay lại mong manh / Nơi đón bạn về sẽ là đáy dòng sông. (Kiếm tiền).   
         


* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên ra ngày 18-12-2012

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Một cái nhìn văn chương Nam bộ



 “Đồng bằng Nam bộ không chỉ có lúa gạo, cây trái, cá, tôm mà còn có cả thơ văn, đạo nghĩa…”. Tiến sĩ Huỳnh Công Tín (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã chọn lời đề từ như vậy cho tập “Văn chương miền sông nước Nam bộ” do NXB Chính trị quốc gia ấn hành vào tháng 11.2012.



Sách gồm 14 chuyên luận tác giả viết trong những năm gần đây, khi còn giảng dạy tại Trường ĐH Cần Thơ và khu trú trong cái nhìn “thơ văn gắn với đạo nghĩa” của một nhà giáo mê văn hóa vùng châu thổ Cửu Long. Đó là dòng văn chương yêu nước thời kháng Pháp của những “người xưa” như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị; là dòng văn chương phong hóa - tâm lý xã hội - lịch sử Nam bộ của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Phi Vân, Sơn Nam, Nguyên Hùng. Có một chương dành riêng khảo sát về ca từ những bài vọng cổ của nghệ sĩ Viễn Châu. Với văn chương Nam bộ thời hiện đại, tác giả chọn hai nhà văn nữ là Dạ Ngân và Nguyễn Ngọc Tư để viết hai chương“Hồn quê Nam bộ qua tản văn Dạ Ngân” và “Nguyễn Ngọc Tư – hiện tượng văn chương đất Mũi”. Chương cuối, “Dấu ấn đồng bằng sông nước trong thơ”, tác giả “lướt qua” một số bài thơ của Trịnh Bửu Hoài, Lê Tân, Kim Ba, Hồ Thanh Điền, Phù Sa Lộc, La Quốc Tiến, Thanh Giang, Nguyễn Hoàng Triều… từng đăng trên tạp chí văn nghệ Bông Sen.

Tiến sĩ Huỳnh Công Tín thường tiếp cận tác giả bằng cách đọc hầu hết tác phẩm của họ và nhiều tài liệu tham khảo để khái quát thành chủ đề riêng cho từng chuyên luận. Thí dụ: “Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX qua cái nhìn Hồ Biểu Chánh”, “Nam bộ xưa qua cách viết Bình Nguyên Lộc”, “Sơn Nam – nhà Nam bộ học”, “Nguyễn Hùng – cây viết Nam bộ thời chống Pháp”. Ông cũng tìm kiếm hồn cốt văn chương Nam bộ của các tác giả qua sự nghiền ngẫm tác phẩm / sự kiện nổi tiếng của họ. Thí dụ với bài phú “Hoài cổ” của nhà thơ Võ Trường Toản ở đất Gia Định thời Nguyễn Ánh, Huỳnh Công Tín viết: “Ở đây, nhà thơ muốn “ôn chuyện cũ” để giáo huấn người đời “lòng nhân nghĩa”. Trong sự thăng trầm, biến đổi của xã hội, chỉ có lòng nhân nghĩa mới là cái trường tồn đích thực”. Hoặc viết về cuộc bút chiến bằng những bài “họa thơ” của Phan Văn Trị với Tôn Thọ Tường, tác giả kết: “Tuy không  trực tiếp đánh giặc, nhưng với những sáng tác yêu nước và đặc biệt là với vai chính trong cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị xứng đáng được liệt vào hàng ngũ các thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào Nghĩa binh Nam bộ kháng Pháp thời bấy giờ”. Hay như với Phi  Vân, chọn tên ba tác phẩm nổi tiếng của nhà văn này để đặt tên cho chương 5 là “Đồng quê – dân quê – tình quê”, bạn đọc hiểu ý ông muốn nhấn mạnh như lâu nay trong văn giới thường đề cao, Phi Vân là “nhà văn đồng quê” chính hiệu của Nam bộ.

Tới thời nay, viết về nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, Tiến sĩ Huỳnh Công Tín càng tỏ ra “mê Nam bộ” hơn khi nhận xét như vầy: “Ở góc nhìn một người Nam bộ, vốn quan tâm tới lĩnh vực từ ngữ Nam bộ trong sáng tác văn chương, tôi vẫn nghĩ chị là nhà văn hiếm, vì còn giữ được cái cốt cách diễn đạt của người Nam bộ trong sáng tác”.


♥ Mời đọc thêm trên báo Thanh Niên:    
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121211/mot-cai-nhin-van-chuong-nam-bo.aspx

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Truyện tranh Công tử Bạc Liêu





Đây là cuốn truyện tranh đầu tiên về công tử Bạc Liêu, do NXB Trẻ phối hợp với Công ty Thông tin Lữ hành Mekong (Metinfo) ở Cần Thơ, ấn hành vào đầu tháng 12-2012. Với sự biên tập kỹ càng của nhà thơ Phạm Sĩ Sáu ở NXB Trẻ, câu chuyện được kể lại khá hấp dẫn bằng 93 tranh vẽ của họa sĩ Hữu Tâm trên nền tư liệu của nhiều sách báo cổ kim về một nhân vật lịch sử độc đáo của xứ Nam kỳ lục tỉnh.

Thí dụ ở trang 12 có ba bức tranh kể chuyện công tử Bạc Liêu là người Việt Nam đầu tiên sắm máy bay riêng. Họa sĩ Hữu Tâm vẽ công tử Trần Trinh Huy đứng tựa vào cánh máy bay, chân dẫm lên bản scan tờ báo Le Courrier Saigonnais xuất bản năm 1932 đưa tin: “Công tử Bạc Liêu mua máy bay và làm sân đáp trong sở điền của ông tại miệt Cà Mau”. Kèm đó là lời kể: “Trước đệ nhị thế chiến (1939-1945) vài năm, việc Ba Huy mua máy bay để di chuyển và thăm ruộng là sự kiện chấn động dư luận thời ấy. Hóa đơn ghi rõ: “Đây là chiếc máy bay đầu tiên thuộc chủ quyền tư nhân của xứ Nam kỳ”.



Truyện tranh mở đầu với cảnh nông dân đang khai hoang: “Đến cuối thế kỷ XVIII, Bạc Liêu cũng như khắp vùng Nam bộ vẫn còn hoang vu, cư dân thưa thớt. Về sau, nhờ chính sách khẩn hoang của triều đình nhà Nguyễn mà lưu dân di cư đến sinh sống ở vùng đất mới Bạc Liêu ngày càng đông”. 

Sách khép lại với tranh chân dung công tử Bạc Liêu bên khu nhà lưu niệm cùng hai bản đồ chi tiết chỉ đường đến nhà công tử và nội ô thành phố Bạc Liêu với lời thuyết minh: “Cuộc đời dâu bể, gia tộc Trần Trinh được nhắc tới bằng những giai thoại nổi tiếng với danh xưng công tử Bạc Liêu, có nhiều chuyện thật – giả lẫn lộn; nhiều sự thật bị lãng quên. Một thời gian, ngôi nhà như một chứng nhân im lìm, trầm mặc bên dòng sông nước lớn, nước ròng thắm phù sa. Hiện nay, khu nhà được đưa vào khai thác du lịch với mong muốn làm sống lại những nét vàng son của công tử Bạc Liêu một thời vang bóng”. 

Về việc làm cuốn truyện tranh này, ông Trần Kim Đính, giám đốc Công ty Metinfo, nói: “Trong những chuyến khảo sát, chuẩn bị cho việc quảng bá tiềm năng và sản phẩm du lịch ở Bạc Liêu do sở văn hóa - thể thao - du lịch tỉnh này tổ chức, chúng tôi thu thập được nhiều tài liệu, chuyện kể từ nhân chứng sống liên quan đến những giai thoại độc đáo về Hắc công tử Trần Trinh Huy. Điều may mắn khi thực hiện ấn phẩm này là bên cạnh nguồn tài liệu phong phú, chúng tôi còn được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ở Bạc Liêu, Cần Thơ và TP.HCM giúp đỡ”. Ông Đính cũng cho biết, Metinfo chọn loại hình truyện tranh nhằm phục vụ cho du khách và người đọc thời nay vốn ưa thích sự thuận tiện và đây là một sản phẩm trong bộ truyện “tham quan ĐBSCL qua tranh” của công ty Metinfo.

Phần mình, chúng tôi chỉ mong sản phẩm mới lạ này như một món quà lưu niệm cho du khách gần xa đến với Bạc Liêu và cả vùng ĐBSCL thân thiện.  


♥ Mời xem thêm trên báo Thanh Niên Online:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121204/truyen-tranh-cong-tu-bac-lieu.aspx

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Đi chợ



Đi chợ như kiểu của hai vợ chồng nhà báo Lương Minh – Các Ngọc, thiệt là công phu; bởi không chỉ đi mua sắm, thăm thú chợ búa mà còn để viết báo, viết sách. Sau cuốn “Đời chợ” in năm 2000, tháng 10-2012, anh chị cho ra mắt tiếp cuốn “Chợ tỉnh - chợ quê”, do NXB Hội Nhà văn ấn hành.




Lần này anh chị kể chuyện về 116 cái chợ ở khắp ba miền đất nước; chuyện nào cũng có hình ảnh minh họa và vài phác thảo thú vị về nét văn hóa xã hội của địa phương liên quan tới chợ. Thí dụ như ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hai cái “chợ lạ”, đó là chợ hột Cái Mơn ở Chợ Lách (Bến Tre) và chợ rơm Tân Hòa ở Lai Vung (Đồng Tháp). Dù chợ hột chỉ hoạt động từ sau Tết nguyên đán đến tháng 4 âm lịch nhưng bán đủ loại hột như hột xoài, hột sầu riêng, hột chôm chôm, hột cam, hột quýt… Và theo như tác giả, thì: “Phát sinh chợ hột từ khi nhu cầu trồng cây ăn trái các tỉnh miền Đông Nam bộ tăng vọt, tại Cái Mơn có một vài hộ thu mua các loại hột về bán cho các nhà vườn ươm cây. Những trái xoài, sầu riêng, chôm chôm được người tiêu dùng ăn xong bỏ hột, dân quét rác ở các chợ trên TP. HCM gom lại bán cho vựa hột ở chợ Hòa Bình và từ đây lại chuyển về cho các vựa ở chợ hột Cái Mơn. Hột xoài thì bán tính thiên, hột sầu riêng tính ký, hột cam, hột quýt thì bán đong từng lít”. (Chợ lạ ở ĐBSCL).

Đi chợ Dương Đông ở Phú Quốc hồi tháng 1-2005, tác giả kể: “Đặc biệt, khách du lịch nước ngoài đến chợ Dương Đông, họ không mua đồ khô mà mua thực phẩm tươi sống như thịt heo, rau quả, hải sản cùng với soong nồi để nấu ăn trong ngày. Một chị bán cá nói rằng khách nước ngoài đến Phú Quốc đều muốn tự khám phá nét độc đáo của hòn đảo này, thế nên 90% khách tự tổ chức lấy bữa ăn, thông thường họ chỉ ăn sáng ở khách sạn theo tiêu chuẩn, còn trưa chiều thì đi chơi đến đâu nấu ăn ở đó”.

Đi chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) vào một ngày giữa tháng 5-2011, tác giả nhìn thấy sức sống lan tỏa từ nơi này: “Hiện nay, dọc hai bên bờ sông cặp chợ nổi Cái Răng hình thành nhiều vựa trái cây, chuyên đóng hàng đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, lên Đà Lạt, Tây Nguyên bằng xe tải. Mỗi ngày, thương lái chở trái cây từ các nơi tập trung về chợ nổi, đổ hàng lên bờ cho các vựa”.

Kể câu chuyện “Chợ Sài Gòn: giữ thêm đẹp đất, đẹp người”, tác giả viết: “Sài Gòn khi mới ra đời đã được định hình là chợ, là đầu mối giao thương phía Nam Việt Nam và với vài nước miền Nam châu Á. Với tiểu thương, chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của đất và người Sài Gòn”.

Cùng là nhà báo (Lương Minh làm ở Thời báo Tài chính Việt Nam, Các Ngọc làm ở báo Sài Gòn Tiếp thị), nên hai tác giả, trong “Lời nói đầu” cuốn sách của mình, đã đồng lòng gởi nhận xét này tới bạn đọc: “Theo cái nhìn của nhiều người đi chợ, thích tìm hiểu văn hóa chợ, chúng tôi nhận thấy chợ truyền thống rất phù hợp với người Việt Nam, nên dù có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại thì chợ vẫn tồn tại trong cuộc sống của người Việt Nam”.

♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121127/di-cho.aspx

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Bồng bênh mở đất



Nghỉ hưu, nhà thơ Hồ Thanh Điền (quê An Phú, An Giang - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), tuyển 60 bài thơ làm thành tập Bồng bênh tím (NXB Hội Nhà văn và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang ấn hành, tháng 6.2012). Anh níu cái tên dân gian bồng bênh tím của loài lục bình để viết bài thơ chọn làm tên tập thơ - như muốn tìm lại dấu vết tiền nhân đi mở đất: Sông chảy / lục bình trôi / ngàn đời châu thổ /…bầu trời trong / đáy sông trong.




Hai mươi năm trước, nhà thơ Đynh Trầm Ca (quê miền Trung) từng sống ở An Giang và viết một câu thơ hay: Lục bình vừa trôi vừa trổ bông. Nay nhà thơ Hồ Thanh Điền nhìn  dòng trôi ấy qua nhiều sắc màu của trời đất phương Nam: Lục bình ngược xuôi / sông trôi bao thuở / chở mặt trời sớm / đỏ lòm màu nắng / chở vầng trăng chiều / chưa kịp sáng / chở cơm mưa đêm / còn thấm lạnh / chở yêu thương / đứt đoạn hững hờ /…Đây bãi chờ / đây bến đợi / thương hồ dừng lại / trổ bông công phượng / lục bình ơi! (Bồng bênh tím).

Tác giả kể tiếp câu chuyện dài mở đất với những câu thơ bình dị mà nặng lòng: Ba trăm năm trước / từng tốp người đi / những đợt sóng ngầm / phương Nam, phương Nam… / ba trăm năm / mười thế hệ / chưa một người về quê /…Tôi thế hệ thứ mười / ba lần qua bắc miền Trung / qua Nghệ An, qua Quỳnh Lưu… / chợt nhận ra giọng nói mình đã khác (Những người lưu xứ).

Đến nay, đã là mấy lớp hậu sinh cắm sào giữ đất: Mùa mưa lênh láng nước dâng /…Cây lúa thần nông không mọc ở kinh Thần Nông được (Kinh Thần Nông); Đêm tôi nằm nghiêng đón gió / Hơi hớm đồng bằng chen vào hơi thở / Lơ mơ giấc ngủ tay cầm con cá con cua (Đồng Tứ giác); Tràm mấy úa / em mấy long đong / hình như lá / hình như nước / cuốn đời ta lận đận (Trà Sư mùa nước nổi). Đôi khi là một sản vật của vùng đất mới: Không mọc ngày nắng gắt / không mọc ngày mưa dầm /…Anh đến em sau vài cơn mưa nắng / đột nhiên như nấm mối mọc sau vườn (Nấm mối). Lúc leo lên đỉnh núi Cấm giữa đồng bằng, kẻ hậu sinh lại nhìn thấy… biển của thời Nam tiến: Điện Bồ Hong / Hình như gió biển / …Ai gõ be xuồng / Ta và đá lắt lư say (Đỉnh gió)

Và có những lần độc thoại: Ta vịn bóng đời đi suốt / Rơi hết tuổi thơ trên đường xa / Thời gian, thời gian sót nhánh tre già (Về quê); Bài thơ viết vội thay nhang / Kính người xương cốt trăm năm vơi đầy / Chắp hai tay mở hai tay / Giật mình ngỡ có khói bay gió lùa (Ngàn năm Mo So)

Để rồi từ phương Nam, những lúc đi ngược về phương Bắc, nhà thơ mang hồn cốt  lục bình trôi như nhớ cố hương: Ngàn xưa ai lạnh buốt ngàn sau / Bạch Đằng, Bạch Đằng, đời không bão (Qua Bạch Đằng giang); Hình như ta uống hết sông Gâm / Hình như em không là em nữa / Hình như đêm không còn thắp lửa / Để ta về thuở trước mấy ngàn năm (Thoáng chạm Nà Hang)


♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121120/bong-benh-mo-dat.aspx

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Ai ơi bưng bát cơm đầy…



Từ hàng nghìn năm qua và hàng nghìn năm tới, chắc chắn hạt gạo vẫn là nguồn lương thực ổn định trong thực đơn của người Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa tới giờ, người Việt Nam gọi bữa ăn là bữa cơm. Hằng triệu người dân các nước khác, chắc hẳn cũng vẫn cần có cơm gạo dài lâu.

Với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến cuối thế kỷ thứ 20, vùng này đã trở thành nơi giữ vai trò chính bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và giúp Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Năm 2011, dù bị lũ lụt nặng, ĐBSCL đã làm ra trên 51% trong hơn 41 triệu tấn lúa của cả nước và chế biến xuất khẩu được hơn 90% trong số hơn 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả nước. Tới tháng 11-2012, xuất khẩu gạo của nước ta đang dẫn đầu thế giới và có thể xuất được 7,7 triệu tấn vào cuối nay năm, theo VFA.

Nhưng rồi câu chuyện sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL trong tương lai sẽ ra sao khi mà vùng châu thổ này đang và sẽ là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất về biến đổi khí hậu của trái đất? 

Đọc cuốn sách “Sản xuất lúa và tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” (do NXB Tổng hợp TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn ấn hành, tháng 10-2012), có thể giúp ta tìm được câu trả lời. 



Sách do hai nhà giáo và cũng là nhà khoa học đang làm việc tại trường Đại học Cần Thơ - PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ và TS Lê Anh Tuấn - biên soạn. PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ giới thiệu tổng quan về sản xuất lúa, tài nguyên giống lúa, các mô hình canh tác lúa và về vai trò của nông dân trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. TS Lê Anh Tuấn giới thiệu về điều kiện tự nhiên vùng ĐBSCL, bức tranh chung về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu và việc thích nghi với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Trong chương cuối, hai tác giả cùng đưa ra nhận định về tương lai của câu chuyện sản xuất lúa ở ĐBSCL trong thời biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Cuốn sách như một cẩm nang kiến thức phổ thông về sản xuất lúa và biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, rất cần cho những ai quan tâm tới đề tài này.

Đọc xong cuốn sách, chợt nhớ tới câu ca dao: 

Ai ơi bưng bát cơm đầy 
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

Từ bao đời nay, câu ca dao ấy nhắc ta nhớ tới công lao làm ra hạt gạo của bao người, mà trực tiếp là của nhà nông. Và phải chăng, câu ca dao ấy cũng ẩn chứa nỗi lo về mùa màng lúa gạo khi mà ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên trái đất sẽ chẳng chừa một ai, nếu ta không lường trước được bao điều “cay đắng”? 

♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên ra ngày 13-11-2012

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Mía đường – nhìn từ một hội thảo quốc tế




Trở về từ hội thảo quốc tế tại Ấn Độ “Những lĩnh vực mới trong nghiên cứu cây mía” (15 đến 18-10), GS-TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo, cho biết: “Đây là dịp để nắm được toàn bộ khung cảnh nghiên cứu khoa học về cây mía, qua đó chúng tôi thấy rất rõ trình độ cây mía của Việt Nam còn thua xa các nước khác trên thế giới”.

Tại hội thảo này, Tiến sĩ S.K. Dutta, Phó Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu khoa học nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) cho biết, mặc dù số nhà máy đường đã tăng từ 30 (năm 1930) lên 560 (năm 2012), nhiều địa phương trong nước vẫn cần thêm nhà máy đường. Tiến sĩ N. Vijayan Nair, Viện trưởng Viện Chọn tạo giống mía (SBI) của Ấn Độ cho biết trong 100 năm qua, viện đã cho ra đời khoảng 2.500 giống mía. SBI cũng đã nghiên cứu đặc tính di truyền của giống mía từ thập kỷ 1990 và đang nghiên cứu công nghệ biến đổi gen mía. Tiến sĩ Nair lưu ý các quốc gia sản xuất đường sẽ đối đầu với thách thức lớn trong tương lai. Đó là nhu cầu tiêu thụ đường ăn sẽ tăng 50% trong năm 2030 nên rất cần có giải pháp khoa học công nghệ thích hợp. Ông cũng nói, biến đổi khí hậu sẽ tác động xấu đến sản lượng mía bất kỳ ở vùng trồng mía nào trên trái đất. Các chuyên gia khí hậu dự đoán sản lượng mía sẽ giảm 20% mỗi khi nhiệt độ bình quân tăng 1 độ C.

Phía sau đoàn là bụi cỏ Erianthus arundinaceus đối tượng đang được dùng lai tạo với mía trồng để chọn ra những giống mía có giá trị cao hơn mía trồng hiện nay.
(Ảnh & chú thích: GS Võ Tòng Xuân)


Bên lề hội thảo, giáo sư Võ Tòng Xuân còn gặp riêng nhiều đoàn để tìm hiểu thêm kinh nghiệm sản xuất mía đường. 

Brazil (đang dẫn đầu thế giới về sản xuất mía đường), có Mạng lưới Nghiên cứu giống mía Brazil (RIDESA) gồm 10 trường đại học liên bang. 20 năm qua, RIDESA tạo được 59 giống mía cao sản, (chiếm 59% giống mía ở Brazil). Năm 2011, RIDESA có thêm 2 giống mía chịu khô hạn và kháng bệnh rĩ sắt. Ngoài RIDESA, Brazil còn có Trung tâm Kỹ thuật cây mía (CTC) và Viện Nông học Campinas (IAC). CTC đang giữ bộ sưu tập giống mía lớn nhất của Brazil, cung cấp miễn phí những gen mía cho bất cứ nhà khoa học nào. Năm 2011, CTC cho ra đời thêm 2 giống mía chịu hạn. CTC cũng đang thử nghiệm tạo giống mía được biến đổi gen để tạo giống mía chịu hạn tốt. Viện IAC đang chọn tạo giống mía chịu hạn và chịu ngập để đối phó với tình huống biến đổi khí hậu. Vài con số về vụ mía 2011-2012 tại Brazil: Năm 2010 có 330 nhà máy đường; sản lượng mía 631 triệu tấn (tăng 2% so năm 2011) / 9,65 triệu ha (tăng 8% so năm 2010) - 46,6% dành sản xuất đường, 53,4% làm rượu ethanol; sản lượng đường 39,6 triệu tấn (tăng 1,45 triệu tấn so năm 2010); năng suất mía bình quân 71 tấn/ha; lượng đường thu hồi là 140,23 kg/tấn mía; xuất khẩu 27,3 triệu tấn đường.  

Úc (nước đang cung cấp đường thứ 3 thế giới) đã xuất khẩu 2,8 triệu tấn đường vụ mùa 2011-2012 nhờ sản lượng 4,5-5 triệu tấn đường làm từ 32-35 triệu tấn mía (366.000 ha). Chữ đường của Úc đạt từ 13,9% đến 14,5%. Vụ mùa 2012-2013 Úc đã xuống giống 380.000 ha, tăng 14.000 ha. Nghiên cứu về mía đường để phục vụ cho nông dân chủ yếu do Công ty BSES (tư nhân, do hệ thống các nhà máy đường và nông dân lập ra) và Tổ chức CSIRO (nhà nước) lo. Úc hiện có 4.000 nông trại mía và 24 nhà máy đường. Phần lớn nông trại làm khoảng 100 ha, nhiều nông trại làm tới 1.000 ha. Nông trại Úc áp dụng hầu hết cơ giới trong trồng trọt và thu hoạch; nhưng lao động ngành trồng mía có khoảng 6.000 người.

Thái Lan, vụ mùa 2011-2012, nông dân trồng 1,4 triệu ha mía, sản lượng 100-105 triệu tấn mía, năng suất bình quân 77,3 tấn/ha. Với tỉ lệ thu hồi 104,3 kg đường/tấn mía, tổng sản lượng đường Thái Lan lên đến 11 triệu tấn; đã xuất khẩu 9 triệu tấn, đứng hàng thứ 2 thế giới. Lượng tiêu thụ đường bình quân đầu người của Thái Lan (40 kg/người) xếp thứ 3 thế giới. Thái Lan phát triển giống mía bắt đầu từ Trung tâm Suphanburi ở U Thong; tiếp đó là trường Đại học Nông nghiệp Kasetsart chi nhánh ở Kamphaeng Saen (vùng mía miền Bắc) và Kanchanaburi (vùng mía miền Trung), Khoa Nông nghiệp trường Đại học Khon Kaen, Khoa Nông nghiệp trường Đại học Chiang Mai, và một số trung tâm vùng của Bộ Nông nghiệp. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp Thái Lan tổ chức thí nghiệm cấp quốc gia “Đánh giá giống mía triển vọng từng vùng trồng mía” để các nhà máy đường áp dụng. Thái Lan hiện có 47 nhà máy đường; dự kiến sang vụ 2012-2013 sẽ có thêm 4 nhà máy nữa và đến 2017-201 sẽ có 60 nhà máy.

Khi ngành đường phát triển mạnh ở Thái Lan, nhu cầu giống mía bức xúc, riêng Công ty Mitr Phol đã xây Trung tâm Đổi mới và nghiên cứu cây mía Mitr Phol từ năm 1997 để phục vụ khoa học nông nghiệp cho 5 nhà máy đường của mình. Tiến sĩ R. Saravanan, khoa học gia cao cấp của Công ty Mitr Phol, cho biết trung tâm này phục vụ cho 20.000 nông hộ trồng 300.000 ha mía. Trung tâm có 60 chuyên viên lo từ việc sưu tập giống, chọn cây bố mẹ để lai tạo, chọn giống tại các vùng mía, nhất là nghiên cứu các biện pháp nông học để tăng năng suất mía và chữ đường, bảo đảm sản xuất của công ty đồng thời nâng cao lợi tức của dân trồng mía. Những giống mía của Mitr Phol tạo ra có tên bắt đầu bằng chữ MP. Công ty Đường Mitr Phol đang sản xuất 2,8 triệu tấn đường/năm (thứ 5 thế giới) đồng thời sản xuất ra 162 MWh điện cùng 800 triệu lit ethanol.

Còn ở châu Phi thì Nam Phi là nước sản xuất đường lớn nhất với một tổ chức rất căn cơ. Chính phủ Nam Phi đã thành lập Viện Nghiên cứu Mía Nam Phi (SASRI) từ năm 1925. Đến năm 2012, Viện SASRI đã phổ biến 53 giống mía, trong đó 45 giống do viện lai tạo, 8 giống nhập từ Ấn Độ và một số nơi khác. Hiện nay Nam Phi có 23.130 nông dân trồng mía trên tổng diện tích 400.000 ha, sản xuất được 19 triệu tấn mía và 2,7 triệu tấn đường từ 13 nhà máy đường.

***

Nhìn lại mình, giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: “Việt Nam không có gì đóng góp khoa học cho ngành sản xuất mía thế giới. Khi phát triển ngành mía đường trên các địa bàn trong nước thì chúng ta không có đủ dữ kiện khoa học cụ thể của từng vùng trồng mía để giúp cho nông dân trồng mía sản xuất có lợi cao”.

Theo giáo sư Xuân, đoàn Việt Nam đã thấy được những khiếm khuyết về mặt khoa học, từ lai tạo, chọn giống cho từng vùng trồng mía khác nhau, đến các kỹ thuật quản lý đồng ruộng bảo đảm cây mía có năng suất cao và chữ đường cao. Giai đoạn cạnh tranh mãnh liệt sẽ đến khi cam kết trong WTO sẽ cho nhập khẩu tự do đường từ các nước, nhất là Thái Lan.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị: “Nhà nước cũng như các công ty đường của Việt Nam cần đầu tư kinh phí để thiết lập các chương trình nghiên cứu cây mía Việt Nam từ các viện, trường đại học sẵn có tại các vùng sinh thái, và cần thiết lập Viện Nghiên cứu Mía có đầu tư đích đáng, đồng thời cần cải tiến công cuộc đào tạo cán bộ ngành mía đường”. 


Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

GS-TS. Võ Tòng Xuân: “Phải cải cách và đổi mới mạnh hơn”




Năm nay 72 tuổi, GS-TS Võ Tòng Xuân – hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo, vẫn nóng bỏng những thao thức làm cho nông dân giàu lên và đổi mới được sự nghiệp giáo dục, như hồi còn làm việc ở đại học Cần Thơ, đại học An Giang…


GS-TS Võ Tòng Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo ở Châu Đốc, An Giang. Lúc nhỏ ông lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học đến khi thành tài. Ông đã từng đi bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Thế mà một ngày đầu tháng 4-1975, trong khi nhiều người rời đất nước, ông quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án tiến sĩ nông học ở Nhật.

* Xác định mục đích sống cho đời mình 

Còn nhớ, trong một căn phòng làm việc chật chội ở Đại học Cần Thơ hồi năm 1985, giáo sư Xuân nói: 

- Anh nghĩ coi, nông dân mình, hễ trời sụp tối là phủi sơ hai bàn chân khô sình đất, leo lên giường. Trong lúc đó, ở các nước tiên tiến, nông dân họ đi giày trong nhà, ngồi trước ti vi, lò sưởi hoặc đến các câu lạc bộ nông trang. Mà chắc chắn là họ không anh hùng hơn dân tộc mình, tài nguyên của họ không giàu hơn của mình. 

Rồi ông lại đăm chiêu: 

- Cây lúa ĐBSCL còn bề bộn công việc vây quanh nó. Lúa mùa, đất ngập mặn, nhiễm phèn, trình độ dân trí… Làm sao để tìm ra được giống lúa thích hợp kèm theo các kỹ thuật tương ứng? Tôi thao thức nhiều về những vùng đất hoang lớn ở đồng bằng này, mà nông dân thì họ bỏ đi, bám sống ven quốc lộ với tỷ lệ sinh đẻ quá cao, cứ như phó mặc cho số phận.

Trước đó, những năm 1975-1977, người ta hay gặp ông và nhiều đồng nghiệp cùng hàng trăm sinh viên Đại học Cần Thơ, lặn lội qua hàng ngàn héc ta ruộng lúa cháy rụi vì giặc rầy nâu, băng qua những cánh rừng tràm xơ xác vì thuốc khai hoang thời chiến tranh, những đồng cỏ năn dày mịt, hoang vắng mênh mông. Khi thì lội bì bõm, khi thì lắc lư trên chiếc xuồng nhỏ hoặc ngồi nghêu ngao trên những mui tàu đò; lúc đi xe đạp, lúc chạy xe gắn máy hay đeo cửa một chuyến xe đò nào đó trên các tuyến hương lộ đồng bằng.

Mười năm đầu sau ngày hòa bình 1975, hoạt động khoa học của GS-TS Võ Tòng Xuân, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, chỉ nhằm một hướng: phát triển nông thôn. Ông đã linh động vượt qua nhiều thử thách trong cơ chế bao cấp lúc đó để làm cho được mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất. Ông tâm sự: 

- Sự giàu có của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua làm tôi nghĩ đến dân mình - những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó tôi đã xác định mục đích sống cho đời mình: phải đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu như dân các nước tiên tiến. Cách cơ bản nhất, theo tôi, là phải đào tạo con người có tri thức và lý tưởng để cùng tham gia phát triển đất nước. 


Giáo sư Võ Tòng Xuân và đại úy Nguyễn Văn Trọng tại Nông trường Động Cát (Quân khu 9) năm 1985 với cây tràm được sạ đại trà trên những cánh đồng phèn.
Ảnh: DAVID CARLING


* Đóng cửa trường ra đồng cứu lúa

Nhớ lại cái thời cả nước thiếu gạo, ĐBSCL bị dịch rầy nâu, Đại học Cần Thơ tạm đóng cửa để ra đồng cứu lúa, ông kể:

- Đó là một quyết định táo bạo. Trong lúc ruộng lúa cao sản của hàng trăm ngàn nông dân bị thiệt hại vì rầy nâu, không còn gạo để ăn mà phải ăn thân cây chuối xắc mỏng, biện pháp hữu hiệu nhất và ít tốn kém nhất là sử dụng giống lúa kháng rầy nâu phủ kín đồng bằng. Cách thực hiện cũng phải phù hợp với thực tế. Chiến thắng của nông dân ĐBSCL đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều thán phục. 

Đây là một sự phối hợp lực lượng rất độc đáo. Từ 5 gram hạt giống lúa IR36 gởi trong một bao thơ từ Viện Lúa Quốc tế ở Philippines, tôi và anh Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của IR36, sau đó nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống. Lúc đó giặc rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản trồng giống lúa cũ TN73-2 và IR26. Hàng trăm ngàn bà con nông dân điêu đứng; nhiều người bán hết cả tủ thờ để đầu tư trừ rầy nâu nhưng vẫn thất bại, phải cột xuồng nối đuôi nhau đi sang các tình Sóc trăng, Bạc liêu, Cà Mau để mua gạo ăn. Tôi đề nghị ban giám hiệu cho đóng cửa trường trong 2 tháng để chúng tôi cho sinh viên đem phổ biến giống lúa mới IR36 kháng rầy để cứu nông dân. Chú Bảy Phạm Sơn Khai, Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ đã đồng ý cho thực hiện. Hơn 2.000 sinh viên nông nghiệp và sư phạm, sau 2 ngày được huấn luyện cấp tốc 3 phương pháp: sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy, và cấy lúa 1 tép/buội, đã ra quân dưới sự hướng dẫn của cán bộ Khoa Trồng trọt đến tất cả các địa phương đang có rầy nâu xuất hiện. Mỗi sinh viên mang 1 kí lúa giống IR36 để cấy ra 1.000 mét vuông, trái với tập quán của nông dân là phải cần đến 8-10 kí lúa giống. Cán bộ nông nghiệp ở các huyện, xã trong tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ bố trí cho từng sinh viên đến ruộng của nông dân đang gặp hại để chuẩn bị trồng giống lúa IR36 theo kỹ thuật mới. 

Ba tháng sau, tất cả các ruộng IR36 chuẩn bị được gặt, nông dân phải ra đồng ngủ giữ lúa để không bị ăn cắp giống. Bà con đổi lúa giống cho nhau và tiếp tục nhân giống kiểu 1 tép/buội như sinh viên đã hướng dẫn, và chỉ trong hai vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, đánh đuổi giặc rầy nâu, chấm dứt thảm họa của nông dân”. 
          
Nhìn lại công cuộc đổi mới về kinh tế của đất nước, giáo sư Xuân nhận xét:

- Cũng con người này, đất nước này, nhờ có thay đổi chính sách một chút là có cải cách, có đổi mới. Từ một đất nước thiếu thốn đủ thứ, phải ăn gạo theo tem phiếu… trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, dân mình đã khá hơn xưa. Nhưng, đến giờ đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo và thua thiệt. Cái chính của thời hội nhập là Nhà nước mình phải dám thay đổi thêm chính sách, cải cách và đổi mới mạnh hơn thì chúng ta mới có thể thắng được cái nghèo.

* Lấy người học làm trung tâm

Trăn trở về giáo dục, ông nói:

- Sản phẩm giáo dục của nước ta còn nhiều hụt hẫng so với các nước tiên tiến. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng hệ thống giáo dục Việt Nam chưa phải là nơi tạo động lực tối hảo cho sự nghiên cứu và phát triển đất nước và chưa làm được nơi ươm mầm cho các tài năng xuất chúng của quốc gia. 

Đổi mới giáo dục sẽ phải bắt đầu từ bậc phổ thông, lần lên đến bậc đại học, trong đó sự đổi mới phương pháp đào tạo tại đại học sư phạm đóng vai trò then chốt. Nhưng rất tiếc là Nhà nước chưa thấy sự cần thiết đó. Và như thế chúng ta sẽ càng làm chậm đi tiến trình đổi mới. Hệ thống đào tạo của Việt Nam hiện nay, từ chương trình đào tạo quá nặng nề - có quá nhiều môn học lý thuyết, nhiều môn học không quan trọng cho ngành chuyên môn, gấp đôi thời gian lên lớp so với sinh viên các nước khác, đến cách dạy chủ yếu vẫn là đọc – chép, vì dạy theo kiểu mới như “lấy người học làm trung tâm” sẽ bị cháy giáo án, cho nên không phát huy được tính sáng tạo, suy nghĩ độc lập của người học. Trong khi đó, nhất là đối với những sinh viên xuất sắc, nhu cầu học cấp bách những kỹ năng cao cấp ngày càng tăng, nhưng bị hệ thống giáo dục kìm hãm, không phát huy được. Mọi sinh viên phải chờ nhau cùng đi lên chầm chậm, người muốn đi nhanh không có cách gì để đi trước được. Trong khi đó, hệ thống giáo dục ở các nước chung quanh Việt Nam đều đã chuyển từ lâu. 
              
Còn đây là tâm sự của giáo sư Võ Tòng Xuân với thanh niên: 

- Thanh niên ngày nay có thể bị mất phương hướng phấn đấu khi thấy những biểu hiện xã hội hiện nay. Nhiều em phân vân tự hỏi mình phấn đấu học giỏi làm gì khi tiềm năng đất nước rất giàu đẹp, hàng bao nhiêu người không cần học hành gì mà vẫn làm giàu nhờ biết cách sử dụng của cải của người khác? Nói thế chứ chúng ta không thể bắt chước người vi phạm mà cũng vượt đèn đỏ khi đến nút giao thông. Thanh niên chúng ta không nên buông trôi theo cách sống “chụp giựt” mà cần nên là một cá nhân kiểu mẫu để góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, tri thức thông thái trong tương lai. Phải có ước mơ là mình sẽ làm gì để góp phần xây dựng xã hội ấy, phải thích cái ước mơ ấy, tức là phải có cái tâm với nó. 

Để thực hiện, trước nhất và cơ bản nhất là phải học thật và học giỏi, không học tắt để lên lớp hoặc để lấy bằng cấp. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc khó khăn, càng phải có nghị lực vượt khó, luôn tìm cơ hội để phát huy trong mọi hoàn cảnh, không để mình bị trói buộc bởi những trở ngại. Như thế thì thanh niên sẽ có tri thức và kỹ năng, từ đó mới có nhiều sáng kiến thực hiện ước mơ của mình. Nhưng thế chưa đủ. Có tâm và trí rồi, thanh niên phải dũng cảm tìm cách thực hiện những sáng kiến của chính mình để làm giàu và đồng thời tạo của cải giúp ích xã hội. Trong quá trình thực hiện ý tưởng ước mơ, thanh niên còn phải trong sạch, liêm chính, không tráo trở, gạt gẫm và tham nhũng với bất cứ ai. Tóm lại, người thanh niên mới của thời đại phải có “tâm, trí, dũng, liêm.”    


♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121107/gs-ts-vo-tong-xuan-phai-cai-cach-va-doi-moi-manh-hon.aspx

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Dân khúc buồn



Khúc ca dao / Hát một mình / Ta ru ta / Cả mảnh thinh không buồn / Tạ tình người / Đoạn thơ suông / Cứa lòng nhau / Gió lạnh suồng sã cây. Tự tình với bài thơ Dân khúc bằng hai khổ lục-bát-rơi ấy, nhà thơ Vĩnh An như muốn chạm vào cái điệu buồn sinh tử của một câu Kiều: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. 




Không dưng mà anh để dành bài Những chuyện bình thường vào cuối tập thơ với những câu sầu não như vầy: Đi qua năm tháng nước lã khí trời / Gạo chợ nước sông cùng cực / Mùi tiền đăng quang làm chuẩn mực /…Gọi em lột dùm xác ve sầu. Trước đó, trong bài Thú nhận, anh viết: Nơi cánh đồng tận cùng cuống rạ /… Em treo tôi trên sợi tơ óng ả / Không thể đứng yên / Không thể lao về phía gió /… Đêm muộn màng / Tôi gọi khẽ và rơi.

Dân khúc còn có nhiều bài lục bát buồn hiu “những điều trông thấy” kiểu như vậy. Trong bài Gởi một buổi chiều: Bỗng dưng chiều ngã vào đêm / Người dưng vuột miệng hẹn tìm người dưng. Trong bài Trời mưa tháng sáu: Yêu đời đi dọc cơn mưa / Trắng tay từ độ mới vừa xa em. Hay trong bài Những người thương phải xa nhau: Những người thương phải xa nhau / Nên ngàn sóng cứ xô vào đá xanh / Yêu hoài dẫu rất mỏng manh / Lúc gần gũi, lúc đã thành người dưng. Để rồi: Chợt gần mà cũng chợt xa / Chẳng còn em, chẳng còn ta, chẳng còn (Vét tình).

Và khi quay trở về nhà, theo vợ đi chùa lễ Phật, người đàn ông nhìn lại mình: Đã hai màu tóc trên đầu / Chợt vụng dại với mấy câu nguyện thầm / …Cắm nhang xong nắm bàn tay / Nghe nhoi nhói mấy vết chai đàn bà (Theo em lễ Phật đầu năm).


Trong tập Dân khúc của nhà thơ Vĩnh An (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh), còn có một chùm thơ hai-ku 4 bài. Đọc hai bài này, tôi hiểu được lòng tác giả: Làm giáo chức nửa đời / Cha làm thày con đi bán sách / Cha phủi bụi thơ con (Cha); Những nỗi đau người khác / Ám ảnh cuộc sống và giấc mơ / Thì ra của chính mình (Thi sĩ)   


♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121106/dan-khuc-buon.aspx

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

GPD giữa đồng


Đọc tập thơ GPD của nhà thơ Ngô Vĩnh Nguyên (NXB Văn hóa – Văn nghệ, quý III-2012) dễ thấy mệt, đúng như tác giả viết ở bài Đục trong tùy bút: đọc thơ mệt hơn đi cày / mồ hôi trong / lòng đục. Mệt mà thấm, vì đã cày xong; và không ai hiểu ruộng bằng chính người cày.



Không vần điệu, tác giả GDP cày sâu cuốc bẩm cánh đồng cuộc đời như bác sĩ làm phẫu thuật nội soi để nhìn cho rõ “cái bên trong” giữa thời hiện đại. Thí dụ anh không nhìn giá trị GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) theo cách hiểu quen thuộc là tổng sản phẩm nội địa tính bằng tiền. Bởi xây một nhà máy giữa đồng, có thể đem lại công ăn việc làm cho nông dân nhưng đồng thời cũng có thể góp sức tàn phá môi trường hoặc gây những hệ lụy thương đau khác cho con người. Đây cũng là điều mà xã hội học hiện đại đang đặt ra cho cách tính GDP. Ngô Vĩnh Nguyên thử tính GDP không bằng tiền bạc - bài thơ gọn 4 câu:

Tổng hạnh phúc quốc gia
Chín chia ba bằng ba
Nhà/cửa không rầm rầm sập
Ta/mùi thịt ôi đi xa


Ấy là cách tính bằng “một chữ tình”, như tác giả tâm sự trong bài Trái chiếng mở màn tập thơ: Lời mọn / hoa quả vườn nhà / chưa thông chưa tinh / nương một chữ tình / mời anh mời chị / đọc lấy thảo. Trong 83 bài của tập thơ GDP, có 32 bài 3 câu, một bài 2 câu và nhiều bài ngắn khác tác giả mời ta “đọc lấy thảo” kiểu như vậy. Đọc và ngẫm nghĩ, thấy “có lý”, vì dù nói về cảnh nhưng rốt lại như là cày xới nội tâm mình. Thí dụ: dìm nhau xuống bùn / người hóa sen / ta lấm (Sen); hoặc xem ti vi cảnh sóng thần, anh viết bài thơ Bầu bí: sóng thần đi / ân tình bầu bí / ở lại. Hay có lần anh nhìn trăng như vầy: dưới trăng / suối tóc lai láng / gương lược khóc than (Nguyệt)

Lại có bài thơ dài tới 71 câu như bài Những cơn ho cổ điển tác giả kể câu chuyện có thật về một người cựu tù Côn Đảo “đã thao thức cùng đau nhức” viết cả ngàn trang sách trong những “cơn ho cổ điển người già”. Để rồi, cuốn sách đó trở thành một bút ký ầu ơ siêu thực / đưa hồn đồng đội trở lại cố hương như hai câu thơ kết thúc: Tổ quốc giữ được tên / mật truyền những cơn ho cổ điển.

Là một nhà báo sống giữa đồng bằng này (anh tên thật là Ngô Thanh Hòa, quê Trà Vinh và đang làm việc ở báo Trà Vinh), nhưng sáng tác văn học của Ngô Vĩnh Nguyên như là sự cất công đi tìm kiếm những căn nguyên cuộc sống. Tập truyện ngắn Hậu Sida (1990) và tập thơ Tro (1991) của anh cũng chung một nguồn chảy ấy. Dường như nghề báo (luôn đòi hỏi trung thực và chính xác) đã giúp anh thêm “khó tánh” như vậy chăng...

Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121030/gdp-giua-dong.aspx

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Nguyễn Ngọc Tư - Một nhà văn viết về thân phận con người



Sau những chuyến đi bụi khắp xứ sở, có chuyến lang thang Tây Bắc rồi lên cột cờ Lũng Cú một mình, chị lại về với Cà Mau, lặng lẽ viết. Sách của chị được tái bản nhiều và được dịch ra tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Thụy Điển. Và cho tới giờ, tôi thấy điều mà chị nói khi nhận Giải thưởng Văn học ASEAN hồi tháng 9-2008 tại Thái Lan về văn chương của mình, vẫn vậy.


Ảnh: Trương Công Khả


Khi đó, chị nói ngắn, chưa đầy hai phút: “Tôi hay nghĩ về sức mạnh của những giọt nước mắt. Chúng trong trẻo, giản dị nhưng lại gây rung cảm sâu sắc. Những tối, trên bản tin truyền hình, tôi nhìn thấy một em bé, hay một phụ nữ ở xứ sở xa xôi nào đó đang khóc, vì chiến tranh, vì bạo lực, hay vì thiên tai… và những giọt nước mắt lay động bất cứ ai nhìn thấy chúng, bất chấp biên giới, màu da, thể chế chính trị, ngôn ngữ hay những cách biệt văn hóa hác. Tôi nghĩ, nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt, hay gần giống như thế, bởi văn học vẫn còn rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước những biến cố của cuộc đời, tôi luôn ao ước những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước mắt.  Khi ấy, trong lòng các bạn, tôi không còn là cô gái Việt Nam viết về Việt Nam, mà là một nhà văn viết về thân phận con người, như các bạn”.

Nhân vật kỳ cục nhất của văn học thế giới

Hồi đó, Cánh đồng bất tận đã được dịch sang tiếng Hàn và theo người dịch, nhà thơ Ha Jea Hong, trả lời điện thoại với chúng tôi khi anh đang đi chơi ở Cà Mau, là “sách bán chạy lắm và đã được tái bản”. Sau đó anh đã đưa tác giả và ba bạn văn Việt Nam khác sang Hàn Quốc dự giao lưu với bạn đọc tiếng Hàn về cuốn truyện này. Về phần mình, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Tôi nhận được ở anh một tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết, một sự thấu hiểu, đồng cảm lớn giữa người viết và người đọc”.

Giữa tháng 2-2012, Dagens Nyheter, một tờ báo lớn của Thụy Điển, đã đăng bài của giáo sư Stefan Jonsson đọc tuyển tập tuyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư do Tobias Theander dịch sang tiếng Thụy Điển (http://www.dn.se/dnbok/bokrecensioner/nguyen-ngoc-tu-falt-utan-slut) . Vị giáo sư chuyên nghiên cứu về dân tộc và là nhà phê bình văn học của tờ báo này, cho rằng đây là những truyện ngắn hoàn hảo từ Việt Nam ngày nay. Ông viết: “Ở Thụy Điển, cuộc hiện đại hóa lớn đã đánh vỡ hệ thống nông thôn tự lực, đồng thời mở cho thế giới vào. Với Tư, điều tương ứng là cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài đã làm dân Cà Mau thấy rõ vị trí của mình trên thế giới”. Theo ông, “Trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện một thế giới duyên dáng, không cưỡng lại được, và tuyệt vọng” rồi cho biết: “Trong lời bạt, Tobias Theander giải thích tại sao nhiều người ở Việt Nam thương Tư, thảo luận về Tư. Tư không sắp đặt, chỉ kể lại chuyện nghiện rượu, mại dâm, áp bức phụ nữ. Và chính vì các truyện ngắn không cố gắng mang tính giáo dục, tri lại, chúng mô tả thẳng thắn mọi vấn đề, thì các nhân vật của Tư có vẻ càng anh hùng hơn khi đấu tranh để khắc phục các vấn đề này”. Giáo sư Stefan Jonsson phát hiện: “Hơn nữa, ở đây có một trong những nhân vật kỳ cục nhất của văn học thế giới, con vịt xiêm Cộc. Có lẽ, vai trò của nó là đại diện cho Phật”. 

Ở Mỹ, giáo sư Trần Hữu Dũng thuộc Đại học Wright State còn lập hẳn một “tủ  sách Nguyễn Ngọc Tư” trong trang web của mình (http://www.viet- studies.info/NNTu/index.htm). Đây là nơi đang lưu giữ nhiều nhất tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư và ý kiến của bạn đọc. Có lần, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông nói: “Trong văn chương Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta, ở khắp mọi phương trời, tìm lại được cái quê hương đích thực trong tâm tưởng, những tình tự ngủ quên trong lòng mình, những kỷ niệm mà mình tưởng như không ai chia sẻ”. Một lần khác, ông trả lời một bạn đọc trang web ấy, rằng: “Có rất nhiều người, từ mọi nơi trên thế giới, viết mail cảm ơn tôi về tủ sách Nguyễn Ngọc Tư. Có những em sinh viên còn rất trẻ, cũng có những người trạc tuổi tôi. Nhiều người xa quê hương đã lâu, người chỉ mới đây, người ở Hà Nội, người ở Cần Thơ. Có điều lạ là đa số đều cho tôi biết là họ đã… khóc khi đọc truyện của cô. Nhưng đó là những giọt nước mắt thương yêu, êm đềm”.

Sau chuyến về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư, giáo sư Trần Hữu Dũng kể: “Đến Cà Mau, tôi mới thấy sự gắn kết của Nguyễn Ngọc Tư với con người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật trưởng thành nhưng của một người rất trẻ. Đó là cái nhìn của kẻ đã sống qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một người sinh ra sau chiến tranh. Đó là cái nhìn của một người chân chất và trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về những mặt bất toàn của hiện tại”. Rồi ông trả lời một độc giả: “Mỗi lần về nước tôi thích giao du với các bạn trẻ. Ở họ, và nhất là ở những người như Nguyễn Ngọc Tư, tôi thấy tương lai một nước Việt Nam làm tôi vui và tin tưởng”. Tôi lại hỏi: “Theo ông thì văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ hòa mình với thế giới này như thế nào?”. Vị giáo sư kinh tế mê văn học đưa ra một ý kiến hơi lạ: “Tại sao lại phải dịch văn Nguyễn Ngọc Tư ra tiếng nước ngoài? Tại sao không nói với người nước ngoài rằng chúng ta có một nhà văn tuyệt vời là Nguyễn Ngọc Tư (và nhiều người khác nữa), nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn (và đó sẽ là diễm phúc cho anh, tin tôi đi!) thì anh phải ... học tiếng Việt! Như vậy có phải là hợp lý hơn không”.

Vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm


Ảnh: Huỳnh Kim


Còn với Nguyễn Ngọc Tư, dường như càng nổi tiếng thì chị càng lặng lẽ. Cuối năm 2010, phim Cánh đồng bất tận đạt doanh thu 17 tỉ đồng cùng lúc tập truyện Khói trời lộng lẫy tái bản ngay sau tuần lễ đầu phát hành và tác giả phải về Sài Gòn dự giao lưu ra mắt sách – thế nhưng Nguyễn Ngọc Tư lại bộc bạch: “Đi giao lưu ngại thật. Thấy người ta đông tôi kinh hãi lắm, nói chẳng ra ngô ra khoai, nhất là phải nói về những chuyện mà mình không quan tâm mấy, như thể chưa từng có trong đầu mình vậy”. Trước nhiều lời chúc mừng phim Cánh đồng bất tận thành công là nhờ truyện phim hay, chị nói: “Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm, tôi không vơ lấy doanh thu rực rỡ của phim làm vinh dự của mình được. Từ khi đứa con tinh thần đó ra đời, người ta đã mặc cho nó một cái áo khác, sống với một tinh thần khác”. Cánh đồng bất tận kể chuyện nông thôn, nhưng cả sách, kịch và phim thì chưa được nhiều nông dân thưởng thức. Tôi băn khoăn hỏi chị về chuyện này thì chị nói: “Tôi không nghĩ viết về nông dân là để giới hạn cho người nông dân đọc. Cách nghĩ đó giống như tôi soi gương mỗi ngày và nhìn mặt mình hiện lên trên đó mỗi ngày. Người khác ngắm tôi, nhìn nhận tôi bằng cái nhìn của họ thì thú vị hơn chứ. Một vài cuốn sách mà để anh hiểu người nông dân hơn, để những giới khác quan tâm đến họ hơn, yêu thương họ hơn, với tôi đã là một tham vọng lớn rồi”.

Giờ đây cũng vậy, dù tiểu thuyết Sông được tái bản ngay trong tuần lễ đầu phát hành (lên 11.000 bản) và cuộc giao lưu ra mắt sách ở Hà Nội rộn ràng đến mấy, Nguyễn Ngọc Tư vẫn không thích nói nhiều về chuyện đã qua. Chị lại lặng lẽ ngồi vào bàn viết, viết báo Tết, viết văn và làm thơ. Thơ của chị cũng buồn như văn của chị. Nỗi buồn ám ảnh hơn. Như những giọt nước mắt.


 Mời đọc thêm tại Báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121028/nguyen-ngoc-tu-mot-nha-van-viet-ve-than-phan-con-nguoi.aspx

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Gió trên đồng ù ù thổi




Để hoàn thành chuyên luận “Thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX” (NXB Văn học, quý 2-2010), thầy giáo Nguyễn Kim Châu đã đọc tham khảo và trích dẫn từ 113 tác phẩm văn học cổ kim tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung. Sự khảo sát kỹ càng ấy, dường như đã để lại dấu ấn trong 12 truyện ngắn mà anh cho in thành tập “Gió trên đồng” (NXB Văn hóa - văn nghệ, quý 3-2012). Đó là cái cốt cách “ý tại ngôn ngoại” của thơ tứ tuyệt phả vào những trang văn xuôi này. Lại nghĩ, tác giả như muốn làm ngọn gió; lặng lẽ len qua gần 10 thế kỷ thơ tứ tuyệt của cha ông thời phong kiến để rồi lồng lộng thổi qua bao số phận lớp cháu con ngày hôm nay đang khai khẩn đất phương Nam. 



Dù đang sống ở nông thôn hay ra chốn thị thành, hầu hết những nhân vật trong Gió trên đồng thường có nội tâm riêng của những phận người hay dằn vặt lương tâm. Để rồi, dù tác giả không miêu tả hết ra, ta vẫn hiểu được rằng, lòng người vẫn còn đó, mặc cho giông gió cuộc đời đang ù ù thổi đến. Thí dụ đọc đoạn này trong truyện Gió trên đồng, ta có thể đoán được chuyện gì đã xảy ra chăng: “Y trừng mắt như ra lệnh khiến thị hoảng hốt thò tay cầm lấy tiền rồi lò dò ra ngoài lều. Y ngồi phệt xuống chõng, thở hắt ra, lắng tai nghe tiếng dầm khuấy nước trong cái tĩnh lặng của đất trời sau cơn mưa. Lòng y quặn thắt một nỗi buồn”.

Nguyễn Kim Châu lấy nghề dạy học làm chính (anh là tiến sĩ ngữ văn ở Đại học Cần Thơ), lặng lẽ viết truyện ngắn gởi đăng báo (đã được tặng Giải Truyện ngắn hay của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam) và không tham gia hội đoàn văn nghệ nào.

Trân trọng tác phẩm văn chương này, nhà văn Dạ Ngân đã viết lời giới thiệu sách, nhấn mạnh về tác giả - người con của đồng bằng sông Cửu Long: “Sinh ra và lớn lên, học hành và thành danh đều ở Cần Thơ, không khó hiểu khi tiến sĩ – nhà văn Nguyễn Kim Châu quanh quẩn và sống chết với miền đất nắng táp mưa sa của mình. Không thể yêu cầu sự bứt phá giọng điệu hay thủ pháp ở một người vẫn xem viết văn là việc của tay trái. Xác quyết âm thầm, dung dị, chân thực và thuyết phục, thì Nguyễn Kim Châu đã làm được tất cả những điều đó. Gần hai mươi năm cầm bút mà đến giờ mới có tập truyện đầu tay đã là khá muộn nhưng chậm mà sâu, chậm mà vững và, cũng có nghĩa, chậm mà bền… Đồng bằng nhiều gió chứ không phẳng lặng như người ta tưởng. Biết về nó thì sẽ thấy gió đồng cũng khi thế này khi thế khác, gió sông cũng lúc đầy lúc vơi như nhịp nước mỗi ngày. Trên hết, đấy là một vùng đất với rất nhiều ký ức đặc sắc và hiện tại ngổn ngang, vì vậy, miền gió của Nguyễn Kim Châu thật đáng để đồng hành”.

♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121023/gio-tren-dong-u-u-thoi.aspx

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Sinh nhật ở mũi Cà Mau


Em cắt bánh sinh nhật Sài Gòn ở mũi Cà Mau
Cơn bão tháng mười ngoài biển Đông nghiêng mình gió mưa một trận
Bạn đồng hành nâng ly rượu
Mừng dòng sông bất tận gặp biển khơi
Nơi mà cây mắm mọc rễ ngược lên trời
Lặng lẽ xuyên sình lầy mở đất
Để cây đước mọc sau giữ đất
Chùm rễ đước nhón chân ôm ấp
Những rừng đước hân hoan tất bật
Không hay rừng mắm đang đi
Không hay rừng mắm nghĩ gì
Trái mắm âm thầm trôi theo phù sa sông Cửa Lớn
Trôi theo tình yêu nẩy mầm đất mới
Trời phương Nam xa xôi buồn hiu
Trái đước lao mình cắm phập
Mọc xuống
Đất Cà Mau

Rừng mắm gieo tình yêu đất
Rừng đước ngỏ lời cầu hôn

Anh ra đi
Lặng lẽ U Minh
Lặng lẽ Cần Thơ
Lặng lẽ Sài Gòn
Giọt rượu cuối cùng mừng sinh nhật
Thấm tận đáy rừng





♥ Mời đọc thêm tại báo Cần Thơ:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=186&id=117032

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Sáu mươi năm… phù du


Sáng tác từ năm 14 tuổi (1966), năm nay tròn tuổi 60, cậu học trò Châu Phú - An Giang năm xưa “nhìn lại mình” bằng một tập thơ 37 bài viết trong vòng ba năm nay, với một thanh âm bàng bạc: phù du. Cũng lạ, đây là chuyện hiếm thấy ở Trịnh Bửu Hoài trong số 48 tác phẩm đã xuất bản của anh gồm thơ và văn xuôi. Bởi bao nhiêu năm rồi, thơ Trịnh Bửu Hoài được nhớ nhiều ở cái cốt nhẹ nhàng tươi thắm những giai điệu tình yêu, quê hương, bằng hữu.




Anh mở đầu tập thơ: Ta sinh vào cõi phù du / Nên mãi đi tìm vĩnh cửu / Một kiếp trần gian chẳng đủ / Chớp mắt đã là trăm năm… Thì ra đời quá mênh mông / Ta tự làm mình bẩn chật / Đứng giữa bao la trời đất / Sống hoài chẳng hết phù du trong bài Phù du - như muốn gởi đi một câu hỏi tìm lời chia sẻ về ý nghĩa cuộc đời.  

Đó là một cuộc sống hiện đại mà Một ngày trôi qua ngỡ như bình lặng (trong bài Thứ sáu ngày bảy tháng tám năm lẻ chín) nhưng anh lại nhìn thấy Người giàu kẻ mạnh thống trị trên thương trường, chính trường, đạo đức và từ thiện / Người nghèo kẻ yếu đang co ro trong khí hậu, môi trường, tình trường và bất ổn / Có những người đang đi xuôi trong nghịch lý / Có những người đang đi ngược trong đạo lý… để rồi Vẫn cứ đi trong cõi tàn phai / Cho đến khi hóa thành hạt bụi.

Nhưng mà hạt bụi ấy không cầm lòng được, khi gặp một người con gái đồng hương xa xứ: Mưa bay mưa bay rừng rơi nước mắt… Quán trống người che không kín nổi / Ngọn gió hoang mù đêm phương xa / Tay chạm vào tay thêm bối rối / Chợt ấm hồn nhau nỗi nhớ nhà (Gặp đồng hương ở Dầu Tiếng).

Bởi vì phù du không phải là vô nghĩa. Vẫn đọng lại sau những chuyến đi dài xuyên đất nước của anh: Sông thì rộng mà lòng ta nhỏ hẹp… Trăm năm đi chưa hết một dòng đời (Cùng em đi dọc sông Tiền). Hoặc: Qua sông đầy thương cánh lục bình trôi / Bến cũ không còn ai đến tiễn / Lòng ta chín một màu hoa điên điển / Trời như vàng đến tận cõi mênh mông / Ta giấu mình trong sương trắng tàn đông… (Mùa hoa vàng).

Để rồi khép lại “kỉ niệm sáu mươi năm cuộc đời”, Trịnh Bửu Hoài lạc quan viết bài thơ Tinh sương chiều và chọn làm tên cho cả tập - với lòng khát khao trở lại cuộc sống ban đầu: Như dòng sông trôi / Buông mình đi mãi / Bỗng dưng ngoái lại / Đã miệt mài xa / Bóng chiều dần qua / Bầy chim về tổ / Nụ hoa vụt nở / Thèm chút tinh sương…   


♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121016/sau-muoi-nam…-phu-du.aspx

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Khách thương hồ ở lại


Sau Khóc hương cau (truyện ngắn), Công tử Bạc Liêu – sự thật và giai thoại (biên khảo) và Đạo gác cu miệt vườn (bút ký), nhà văn Phan Trung Nghĩa vẫn “cắm sào” ở lại quê nhà Bạc Liêu để cho ra mắt tiếp tập truyện ký Khách thương hồ (NXB Văn hóa - văn nghệ TP.HCM, quí III-2012) với 25 câu chuyện mà ai đang xa xứ miền Tây, lỡ đọc xong rồi, như nghe vọng lên một tiếng gọi thầm: “ôi, quê hương yêu dấu!”.



Lối kể chuyện của Phan Trung Nghĩa chơn chất mà buồn thương; chuyện nào cũng gợi nhớ hình ảnh quê nhà sông nước với bao thế hệ nông dân mang dòng máu “trọng nghĩa, khinh tài” của cha ông đi khai phá đất phương Nam. Như là chính tác giả bộc bạch trong Mùa rẹm hội: “Tôi có trọn vẹn một tuổi thơ là nông dân. Con rẹm, con cá, ngọn rau… ở vùng đồng chua nước mặn đã nuôi tôi nên vóc nên hình. Thế nên tôi quý yêu, kính trọng cái vùng đất Nam bộ giàu sản vật nức tiếng của ngày xưa”.
Là nhà báo, anh lang bạt khắp đồng bằng sông Cửu Long và kể lại những “câu chuyện quê mùa” bằng tâm hồn của một nhà văn. Tỉ như: “Trên dòng sông Bạc Liêu, trăng tháng Mười bàng bạc, từng đoàn ghe xuồng nối đuôi nhau kéo về. Tiếng quẫy nước, tiếng khua chèo, tiếng hát hò hòa lẫn với tiếng những con vạc ăn đêm đánh thức những dòng sông lạnh vắng. Tiếng hò của ai đó cất lên: “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn / Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông”… Khách thương hồ cứ theo dòng nước lũ của sông Tiền qua sông Hậu, rồi xuống Ngã Năm, Ngã Bảy để vào Bãy Xàu, Cổ Cò mà về Bạc Liêu, Cà Mau… Những vùng đất miệt Hậu Giang nổi tiếng phèn chua nước mặn với câu ca: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn / Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma” với những xóm nhà thưa thớt, đìu hiu, bỗng trở nên đông vui, nhộn nhịp” (Khách thương hồ).

Hay như trong Gió chướng lại về, sau khi da diết nhớ những sản vật mà mùa gió chướng đem về cho nông dân nghèo mỗi năm, Phan Trung Nghĩa kết thúc câu chuyện: “Tôi ao ước có tiền, tôi sẽ làm một gian trưng bày những dụng cụ nhà nông như cây cày, cây trục, cái ách trâu, cái vòng gặt, cây cù nèo, cây phảng… Phía sau nhà tôi chất một đống rơm và sau nữa là một ruộng lúa nhỏ được cấy những giống lúa mùa muộn… để tôi tặng bạn bè đi xa của tôi cái không gian của ký ức, tặng những người trẻ tuổi một điều mà họ chưa từng trông thấy, là: Ngày xưa, ông bà cha mẹ ta đi khai hoang lập ấp, làm ra hạt lúa khó khăn đến chảy máu mắt! Họ sống một cuộc sống vô cùng vất vả! Và niềm mơ ước nhỏ nhoi, đơn sơ của họ là mong chờ những mùa gió chướng hằng năm lại về”.

Những câu chuyện của anh, cứ vậy, dễ chạm vào nỗi niềm xa xứ của con người. Ta như muốn làm khách thương hồ lang bạt nhưng vẫn ham cắm sào đậu lại để nghe ai kể tiếp những chuyện: vườn xưa, mắm đồng một thuở, miền chim hát, cá kèo nổi như mù u rụng, tết quê, anh đi giăng câu, mùa tát đìa, nếp nhà xưa, những mùa lúa đã xa, tản mạn về ba khía, chái bếp nhà quê, chòm nhà giữa ruộng…

* Mời đọc thêm tại Báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121009/khach-thuong-ho-o-lai.aspx

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Thời gian của Lê Chí trôi như dòng sông


Nhà thơ Lê Chí vừa cho ra mắt tập thơ Thời gian, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Năm nay đã ngoài bảy mươi với gần chục tập thơ, từ thời kháng chiến, nhà thơ Lê Chí làm Thời gian rất kỹ. Anh đã dành nửa năm trời tuyển chọn hơn trăm bài thơ sáng tác trong vòng hai chục năm qua, gởi bạn bè “nhờ góp ý”. Cuối cùng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cùng quê Cà Mau của anh, giúp chọn lại còn 40 bài.



Đặc sánh từng giọt sự thật đầy nỗi niềm của một người đi ra từ chiến tranh và đi vào hòa bình cùng đất nước, Thời gian chầm chậm mà tinh tế và mê mải trôi, như một dòng sông. Ở đó, dù:
Sen vẫn trắng và hồng thuở ấy
Em khuấy dầm tan giấc chiêm bao
  (Nhớ đồng)

Nhưng:
Trái đất đang nóng dần lên
Sông suối nước mình chừng như đã cạn
  (Nhẩm đếm từng ngày)

Và dẫu cho:
Đêm đêm lắng nghe hồn gọi
Con người như có như không
  (Hồn gọi)

Nhà thơ quê hương Đất Mũi vẫn chiêm nghiệm:
Tiếng cười khẽ trong đêm gieo hạt
Kỳ vọng mùa xanh
  (Thời gian)

Trong dòng chảy đó, một đêm, nhà thơ chợt giật mình tự vấn:
Bao nhiêu đêm quấn mình trong phố
Mất hút rừng xưa thoang thoảng ánh đèn
Thuở vượt dốc men theo con đường nhỏ
Quên rất nhiều gương mặt thân quen
  (Tiếng xưa)

Để rồi, khi sông đã gặp biển, dòng thời gian của cuộc hành trình gần trọn một đời người ấy, đọng lại:
Mê mải sóng trùng khơi trắng xóa
Cầm san hô ngỡ đãi ra vàng


Bạc tóc
Tôi tìm tôi trên biển
Bão tố mênh mang trôi dạt phương nào
  (Tự bạch)

Khép lại tập thơ, vẫn còn nhớ ở trang bìa gấp, tác giả Thời gian nhỏ nhẹ đề từ, như là lời nhắn của con sông quê hương:
Những câu thơ
Như dấu chấm trên đường
Mưa nắng
Trở về với đất




* Mời đọc thêm:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&p=0&id=115755
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120925/dong-song-va-thoi-gian.aspx

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư




Nguyễn Ngọc Tư giao lưu tại Hà Nội, 18-9-2012
Từ bản thảo đầu tiên“Muôn dặm ly giang” gởi bạn bè đọc cách nay bốn tháng đến “Ngàn dặm sông” và tuần này chính thức ra mắt với tên “Sông”, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - theo như tác giả nói “đã được sửa nhiều, khoảng 50%”.
 
 
 
“Sông” là câu chuyện của một lớp người trẻ hiện đại đi tìm cội nguồn và ý nghĩa tồn tại của mình ngay trên chính quê hương mình. Không hề nhắc tới chủ thuyết nhân sinh nào, nhưng với sức tưởng tượng như phù sa của dòng sông mẹ, tác giả để cho từng nhân vật trôi đi trong một thực tại đầy hư ảo của kiếp người với ám ảnh “tồn tại hay không tồn tại, đó mới là vấn đề”. “Sông” cũng hoàn toàn không “có hậu” như câu chuyện“Cánh đồng bất tận” của mình hồi năm 2005; cũng vì vậy Nguyễn Ngọc Tư nhắn: “Phải chậm rãi đọc”.
 
Tiểu thuyết Sông & tác giả tại Hànội 18.9
 
 
Đây là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư sau 16 tập truyện ngắn và tản văn, kể từ năm 2000. Sách dày 230 trang, giá 70.000 đồng, do Nhà xuất bản Trẻ và Sài Gòn Media ấn hành.
 
Tư tại Hà nội, 18-9
 


(Tin này đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn 20-9-2012)

Ảnh: Cao Mạnh Tuấn

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Chuyện hai người


Hai cô gái trẻ đẹp và một người đàn ông trung niên ngồi chỗ lưng chừng núi nhìn ra biển bàn “chuyện hai người”.
Một cô đang yêu, một cô vừa có chồng và người đàn ông đã có vợ con. Họ quy ước với nhau là chỉ nói về trải nghiệm hoặc suy ngẫm của mình chứ không bình luận gì cả.

 



Câu hỏi họ đặt ra: “Có phải muốn có tình yêu và hôn nhân bền vững thì hai người phải nên hòa thành một?”.
Cô gái vừa có chồng kể:
- Ông xã em thích nhậu nên hay lai rai mỗi ngày sau khi tan sở. Em biết là ông ấy chỉ nhậu với bạn bè nhưng đôi khi nhậu về trễ thấy ổng hơi là lạ. Cho nên lúc đầu em chỉ nhắc là anh nhậu vừa thôi để giữ gìn sức khỏe và đừng có về trễ, vì mình vẫn nghĩ đó là niềm vui riêng của chồng, mình phải tôn trọng. Nhưng càng về sau, em hay nghĩ lung tung. Rủi mà ổng không chỉ lai rai với bạn bè mà còn đi “tăng hai, tăng ba” gì đó nữa thì sao? Thế là em “bắt buộc” ổng không được về nhà trễ như vậy nữa. Ổng cũng nghe nhưng đôi lúc cũng về trễ và thấy hổng có vui vì cái sự bắt buộc của mình. Như vậy, nếu chồng chịu “hy sinh” thú vui riêng để hòa mình với vợ thì chỉ có vợ vui, còn chồng miễn cưỡng và ngược lại. Vậy hai người nên “hòa thành một” làm sao đây? Còn nếu không “hòa thành một” thì mạnh ai nấy sống hay sao?
Cô gái đang yêu nói:
- Ai cũng có “cái tôi” to đùng. Theo em, có những cái chỉ là thế giới riêng của mỗi người, có những cái khác nên biết chia sẻ với nhau. Chuyện gì chia sẻ với nhau được thì coi như là đã “hòa thành một”. Nhưng khó nhất là có nhiều cái mình không biết được đâu là ranh giới và càng khó hơn là mình không làm được. Những lúc đó thường là cãi nhau hoặc giận nhau và ai cũng nói “em phải thế này” hoặc “anh phải thế kia”, vì ai cũng thấy mình đúng. Kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần “cái tôi” ấy thì rất dễ chia tay nhau.
Rồi cô đúc kết:
- “Yêu nhau là không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” cần được sửa lại cho hợp với thời nay: “Yêu nhau là phải biết nhìn nhau và cùng nhìn về một hướng”.
Người đàn ông trung niên nhìn ra mặt biển êm đềm dưới chân núi, kể:
- Bà xã tôi thích xem phim bộ trên ti vi mà không thích xem thời sự, còn tôi thì ngược lại. Tôi hay nhắc bà xã nên xem thời sự cho biết tin tức mỗi ngày. Thường thì bà xã im lặng hoặc đôi khi có mở chương trình thời sự xem qua. Một hôm, khi nghe tôi nhắc, bà xã mới nhẹ nhàng hỏi lại: “Vậy chớ em có kêu anh phải xem phim bộ cho vui hông?”. Trời đất, câu hỏi nhẹ re vậy mà tôi không biết trả lời làm sao, vì ngẫm nghĩ thấy bà xã vừa có lý vừa có tình, còn mình chỉ có lý mà thiếu tình.
Nghe chuyện của người đàn ông, cả hai người con gái đẹp cùng “à” lên, chợt cô gái có chồng la lên: “Có lý quá hén!”. Nhưng chỉ một giây sau, cô ấy lại nói: “Nhưng mà em không để cho ông xã em tự do đi nhậu hoài như vậy đâu!”.


 

* Mời đọc thêm trên Báo Phụ nữ TPHCM:
http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/goc-dan-ong/chuyen-hai-nguoi/a73335.html