Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Giải bài toán giống lúa IR 50404

GS.TS Bùi Chí Bửu
Vụ lúa hè thu năm nay, nhiều nơi bà con nông dân ĐBSCL vẫn thích gieo sạ giống lúa IR 50404. Có nơi làm gần 30% diện tích, có nơi lên tới 40% diện tích trong khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo chỉ nên làm 10% diện tích vì giống này cho gạo phẩm cấp thấp, khó cạnh tranh với gạo xuất khẩu cùng cấp của Ấn Độ. Chúng tôi đã phỏng vấn GS.TS BÙI CHÍ BỬU, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, xoay quanh chuyện này…

* Thưa Giáo sư, vì sao giống lúa IR 50404 vẫn được nông dân sản xuất nhiều?
- GS.TS BÙI CHÍ BỬU: Giống lúa IR 50404 được nông dân sản xuất nhiều năm qua trên diện rộng vì giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, 90-95 ngày khi gieo sạ thẳng; năng suất cao, dễ canh tác, nhẹ phân; khả năng quang hợp nhanh nên không bị lép; có thị trường cho nhà sản xuất bún, bánh tráng… Nhưng nhược điểm của giống lúa này là gạo có hàm lượng amylose cao nên cứng cơm và độ bạc bụng lớn không thích hợp với thị hiếu quốc tế; dễ bị gãy khi xay chà làm tỷ lệ gạo nguyên thấp, nhất là canh tác trong vụ hè thu; và giá trị thương phẩm rất thấp.
Giống IR 50404 tồn tại trong sản xuất một cách không mong muốn là câu chuyện dài của lúa gạo ĐBSCL. Khi nền nông nghiệp phát triển theo chiều rộng, có nghĩa là chúng ta phát triển nhiều về số lượng thì năng suất và sản lượng được nhấn mạnh hàng đầu. Chiến lược xuất khẩu gạo “trên cơ sở hạt lúa” bị xem nhẹ mà phổ biến là xuất khẩu “trên cơ sở hạt gạo” với chuỗi giá trị được phân ra quá nhiều công đoạn. Gạo ngon Jasmine, OM 4900 bị đánh đồng giá trị với gạo phẩm cấp thấp IR 50404, OM 576.
  
Ra thị trường thì thương lái trộn lẫn nhiều mẫu gạo làm mình không biết chắc đó là giống lúa gì. Chúng tôi là nhà chuyên môn về giống lúa nhưng khi ra chợ vẫn không thể phân biệt gạo đang bán xuất xứ từ giống lúa nào; với tên lạ hoắc qua hàng chục mẫu gạo ghi trên nhãn như gạo Đài Loan, gạo Mỹ, gạo Thái hương lài, gạo Lựa v.v… Nhưng cái lỗi này không phải do bà con nông dân.

* Như vậy liệu mô hình cánh đồng mẫu lớn đang làm có giúp thay đổi được thói quen sản xuất này hay không?
- Mô hình cánh đồng mẫu lớn là bài tập ban đầu để doanh nghiệp thay đổi chiến lược xuất khẩu gạo ngay từ hạt lúa. Có nghĩa là nông dân được giúp đỡ từ trên đồng ruộng, đến lúc thu hoạch, xử lý sau thu hoạch một cách bài bản. Giấc mơ thương hiệu gạo Việt chắc chắn sẽ thành hiện thực. Cái cốt lõi của vấn đề chính là tổ chức lại sản xuất từ qui mô nông hộ nhỏ thành trang trại lớn, hợp tác hóa hiện đại.
Bây giờ là lúc nông nghiệp Việt Nam chuyển mình sang phát triển theo chiều sâu. Có nghĩa là chất lượng cao và tính cạnh tranh của nông sản lớn là yếu tố quyết định đến sự giàu nghèo của bà con nông dân.

* Nhưng sao ta không xuất khẩu gạo IR 50404 với giá cạnh tranh với Ấn Độ?  
- Gạo phẩm cấp thấp có thị trường lớn trên thế giới, nhưng tính chất cạnh tranh khá quyết liệt khi kho dự trữ gạo đã tăng trên 140-160 triệu tấn/năm. Mà khả năng lưu kho của ta hiện chưa tới 2 triệu tấn/năm. Trong khi gạo lưu thông trên thị trường quốc tế ở mức trên dưới 30 triệu tấn/năm. Bây giờ Ấn Độ, Myanmar và các nước khác vào cuộc, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh giá. Đây chỉ là lý do trước mắt. Về lâu dài, Việt Nam phải xuất khẩu gạo phẩm cấp trung bình - cao mới giúp cho nông dân cải thiện bài toán thu nhập thấp từ rất nhiều năm qua. Nghĩa là nếu mãi xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp thì nông dân vẫn tiếp tục nghèo.

* Vậy nhà khoa học có bảo đảm đủ các giống lúa tốt hơn thay cho giống IR 50404 không?
- Chúng ta có bộ giống lúa mới thay thế IR 50404, đáp ứng yêu cầu thị trường mới, hấp dẫn về giá và tăng thu nhập cho nông dân thực sự; chứ không phải xuất khẩu chỉ tăng thu nhập cho doanh nghiệp vì không có sự phân phối lại một cách công bằng thì nông dân nghèo vẫn nghèo. Đó là giống OM 4900 (gạo thơm), OM 6162, OM 6161 cho vùng Tây sông Hậu, chịu hạn, OM 6677 cho vùng đất phèn, OM 4498, OM 6976 cho vụ hè thu vốn rất kén giống và chịu mặn; giống OM 7347 (Cần Thơ 1) rất thích hợp cho vùng Cần Thơ nhờ phẩm chất gạo trắng hạt dài hơn hẳn Pathum Thani 1 của Thái Lan, hoặc bộ giống ST của Sóc Trăng. Đây mới là thế mạnh của hạt gạo Việt Nam.


* Sắp thu hoạch vụ hè thu 2012, rồi lại chuyển sang một vụ lúa mới, Giáo sư có khuyến cáo gì với bà con nông dân không?
- Nếu có lời khuyên cho bà con nông dân, tôi xin nói rằng bà còn nông dân hãy mạnh dạn đổi mới giống lúa mới đang được Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo cho từng mùa vụ, cho từng chân đất, để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, để luôn luôn được an tâm với bốn chữ “trúng mùa, được giá”.
 
* Xin cảm ơn Giáo sư.


* Mời xem thêm tại Báo Cần Thơ:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=72&id=107124

Không có nhận xét nào: