Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Khi người đồng bằng bỏ quê...

Vừa qua, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Thích ứng với biến đổi khí hậu và vấn đề di cư ở ĐBSCL”. Đồng chủ trì hội thảo này, TS LÊ ANH TUẤN, thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, đã trả lời phỏng vấn TBKTSG. Ông nói:


TS Lê Anh Tuấn



- ĐBSCL hiện nay đã không còn là nơi mưa thuận gió hòa nữa rồi. Theo cảnh báo của nhiều nghiên cứu, một phần ba diện tích đồng bằng sẽ bị ngập khi nước biển dâng cao 1 mét. Tác động do biến đổi khí hậu và nước biển dâng là lớn vì đây là khu vực có mật độ dân cư cao, vùng đồng bằng này có địa hình thấp và phẳng, nằm ở hạ nguồn của một lưu vực sông lớn là sông Mê kông và có hai mặt tiếp giáp với biển. Mấy năm gần đây, xu thế nhiệt độ gia tăng, mưa bão bất thường, hận hán, xâm nhập mặn, sạt lở và các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với cường độ và tần số cao hơn đã đe dọa các hoạt động sản xuất nông thuỷ sản, gây nhiều hạn chế cho sinh kế của người dân, tài nguyên và môi trường suy thoái nhanh hơn. Khó khăn, bất ổn về sản xuất và xu thế thu hẹp diện tích canh tác làm hiện tượng di cư tăng lên.

* TBKTSG: Hiện trạng di cư này có gì khác thường không, thưa ông?

- TS LÊ ANH TUẤN: Số liệu điều tra cho thấy đang có nhiều dòng di cư của người dân nghèo đến các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Các dòng di cư phổ biến ở Việt Nam là từ miền Bắc vào miền Nam, từ các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên xuống các vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ và từ vùng nông thôn đồng bằng lên các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Theo kết quả phân tích thống kê của Viện Phát triển Bền vững Nam bộ (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam), ĐBSCL có số lượt người dân dịch chuyển lao động và cư trú cao nhất nước, phân lớn họ ra đi từ nông thôn và ¾ số dân di cư này đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ kiếm việc làm tại các khu công nghiệp.

* TBKTSG: Các chuyên gia IOM và UNDP đều cho rằng vấn đề này chưa được nhận thức đúng, cả ở người dân và chính quyền các cấp?



Nông dân nghèo ở Đồng Tháp mưu sinh trong mùa lũ 2011

- Người dân và chính quyền địa phương cũng đã có một số nhận thức chung về tình hình di cư tăng cao hiện nay nhưng chưa đầy đủ. Vài năm qua, một số nhà khoa học từ trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, Viện Phát triển bền vững Nam bộ và một số tổ chức phi chính phủ như OXFAM, CARE, IOM… đã tiến hành một số điều tra và nghiên cứu hiện trạng di cư và tái định cư của người dân ĐBSCL nhưng thực sự là chưa theo kịp thực tế.

* TBKTSG: Thưa ông, nếu tình trạng di dân ra ngoài ĐBSCL vẫn tiếp diễn mạnh do tác động của biến đổi khí hậu thì hệ quả ở nơi đến và cả nơi bỏ đi sẽ ra sao?


- TS LÊ ANH TUẤN: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng có thể là một tác nhân đẩy mạnh them tình trạng di cư do sự thu hẹp diện tích cư trú và gây khó khăn cho canh tác cũng như làm gia tăng sự suy thoái môi trường. Cường độ di cư có thể gia tăng đột biến khi có thiên tai lớn hoặc gia tăng đều đặn tương ứng với các diễn biến lâu dài của biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường. Người dân nông thôn bỏ quê lên thành thị, nếu không có kiểm soát sẽ gây ra một loạt vấn nạn cho các thành phố lớn như làm phá vỡ các quy hoạch hiện hữu, gia tăng sự quá tải ở các dịch vụ và hạ tầng công cộng như giao thông, bệnh viện, trường học, cơ sở việc làm,… khiến bộ mặt đô thị ngày càng nhếch nhách, ô nhiễm, bất ổn hơn nếu không có một biện pháp can thiệp lớn từ chính quyền.

Trong khi đó, tại nơi người dân bỏ đi sẽ rơi vào tình trạng thiếu lao động nông nghiệp và sản xuất đình trệ. Một số người dân nông thôn sau khi bán hết ruộng vườn lên thành thị nhưng không trụ lại được do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và vốn liếng, kể cả những xung đột do khác biệt thói quan và tập quán, có thể lại phải quay trở về quê cũ và sinh sống bằng cách khai thác và xâm chiếm các nguồn tài nguyên còn lại.

* TBKTSG: Riêng với các cụm, tuyến dân cư, khu tái định cư tránh lũ, sạt lở... đối với di cư tại chỗ, theo ông cần cải thiện điều gì?

- TS LÊ ANH TUẤN: Hơn một thập niên qua, tại các vùng ngập lũ và sạt lở ở ĐBSCL đã xây dựng nhiều cụm, tuyến dân cư và khu tái cư. Tuy nhiên, một số cụm và khu tái định cư đã không thành công do sự đầu tư và quan tâm không đúng mức trong việc tái định cư. Người dân vào các khu tái định cư có thể gặp khó khăn hơn trong cuộc sống và sinh kế trong khi chi phí cho gia đình nhiều hơn.

Nhưng cũng có nhiều chương trình định cư thành công như ở Hố Gùi (Cà Mau) do Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sỹ tài trợ và triển khai. Nhờ có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng và việc lập kế hoạch triển khai khoa học và hợp lý theo điều kiện thực tế, đến nay cuộc sống của người dân ở khu định cư khá ổn định và vệ sinh môi trường được bảo đảm tốt hơn. Các thiết kế nhà cửa và công trình phúc lợi cũng đã được thiết kế và chọn lựa vật liệu xây dựng phù hợp chống lại các bất lợi về tự nhiên như phèn, mặn, nhiệt độ cao và gió mạnh. Chương trình này tuy không phải là hoàn hảo, lý tưởng nhưng được đánh giá là mô hình tái định cư tốt nhất hiện nay ở vùng ven biển ĐBSCL.

 
* TBKTSG: Vậy thì cần làm sao để giảm bớt vấn nạn di cư này?


- TS LÊ ANH TUẤN: Tái định cư và ổn định sinh kế người dân phải là một trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư. Trước mắt, tất cả các vùng tái định cư đã được xây dựng cần đánh giá một cách khoa học, so sánh lại một cách tổng thể hơn nhằm rút ra các bài học và đề xuất biện pháp cải tiến. Về lâu dài hơn, chính quyền cần chủ động nghiêm túc lắng nghe ý kiến của người tái định cư và phải mạnh dạn tiếp tục đầu tư kinh phí hợp lý hơn một cách liên tục cho các chương trình kiên cố hoá nhà cửa, đầu tư nhiều hơn các công trình công cộng và phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm tại chỗ, cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường…


Biến đổi khí hậu gây sạt lở ngày càng nhiều ở ĐBSCL



Điều quan trọng không kém là tìm các giải pháp hạn chế tình trạng di cư, có thể phần nào giúp người dân tiếp tục “sống chung với biến đổi khí hậu”. Việc ứng phó chung phải có cả biện pháp công trình và biện pháp phi công trình. Các chương trình của chính phủ, cộng đồng và các tổ chức quốc tế nên tập trung vào việc duy trì bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường nước, sử dụng tài nguyên thiên nhiên khôn ngoan có ý nghĩa thực tế rất lớn để bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai, sinh cảnh, chuỗi thực phẩm và sinh kế của người dân. Trong quy hoạch phát triển kinh tế, không nên tập trung các khu công nghiệp cần nhiều lao động vào các thành phố lớn mà nên phân tán ra ở các vùng nông thôn ĐBSCL, dù có thể làm tăng một số chi phí đầu tư và nhân lực, nhưng xét một cách tổng thể và lâu dài vẫn có nhiều lợi ích hơn trong giảm thiểu sự suy thoái môi trường, rủi ro về xã hội và hạn chế được tình trạng di cư đông người.

* TBKTSG: Viện Ngiên cứu Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ sẽ cùng các tổ chức quốc tế và các địa phương làm gì để cùng lo chuyện này?

- Bước đầu, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu trường Đại học Cần Thơ phối hợp với IOM và UNDP tổ chức hội thảo này. Hội thảo đã quy tụ nhiều nhà khoa học và chuyên gia từ các viện trường và các tổ chức quốc tế, các ban ngành cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự các tỉnh ĐBSCL để nhìn nhận và đánh giá các vấn đề khá cụ thể như số liệu và mô hình di cư, cách thức người dân ĐBSCL ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề suy thoái môi trường như thế nào, các chiến lược về sinh kế và thích ứng chủ yếu để đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu ở mức độ cá nhân và cộng đồng ở khu vực. Hội thảo cũng xác định các thách thức và vấn đề cần nghiên cứu cho các năm sau.

Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu đang có kế hoạch hợp tác với IOM và UNDP để tiến hành các dự án lớn hơn để nghiên cứu và tiến hành cho các biện pháp hữu hiệu thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ vấn đề di cư ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Hy vọng qua các dư án với sự trợ giúp của nhiều chuyên gia, các địa phương ở ĐBSCL sẽ nhận được nhiều lợi ích thực tế, đặc biệt là việc cải thiện sinh kế của người dân nghèo, hạn chế các tổn thất do thiên tai và biến đổi khí hậu, giảm nhẹ các áp lực tiêu cực do di cư thiếu kế hoạch lên các các đô thị và các khu công nghiệp lớn, bảo vệ tốt hơn môi trường và tài nguyên thiên nhiên và kiểm soát tốt hơn các tệ nạn và bất công xã hội.


• Mời xem thêm tại TBKTSG Online:


http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/78197/


Không có nhận xét nào: