Tại buổi sinh hoạt CLB Văn học - Hội Nhà văn TP.Cần Thơ vào chủ nhật tuần trước (27.1), bạn bè văn nghệ đã “cho ra mắt” tập thơ “Hạc” của nhà thơ Lê Chí (do NXB Hội Nhà văn cấp phép) vừa mới lấy từ nhà in về. Tác giả, như một ông già hiền lành, từ đầu tới cuối chỉ ngồi yên lặng ở cuối hội trường, lâu lâu nheo mắt cười.
Người dẫn chương trình nói:
- Tết Quý Tỵ này, anh Lê Chí, nhà thơ cầm tinh Nhâm Thìn, lên tuổi 74. Anh đón tết bằng tập thơ “Hạc”, sau tập “Thời gian” phát hành năm ngoái. Anh Lê Chí không xin kinh phí từ quỹ hỗ trợ sáng tác của Hội Nhà văn mà tự in tập thơ này; tốn hết gần 15 triệu đồng để in 600 cuốn. Do vậy, đề nghị các bạn hãy mua sách ủng hộ nhà thơ trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay. Và xin chú ý, ở bìa kép có ghi rõ số điện thoại và email của Lê Chí (0918.012.308; chilebs@gmail.com) trên con số giá bìa là 50.000 đồng. Để nhờ các bạn giới thiệu với bạn bè ở xa.
Mọi người vỗ tay chia sẻ cách “tiếp thị thơ” này và nhiều người liền mua thơ rồi lật ra xem. Không đợi ý kiến của bạn văn, người dẫn chương trình nói tiếp:
- Anh Lê Chí đã chọn ra 40 bài thơ trong số gần 100 bài anh viết mấy năm nay, từ những chuyến đi ở nhiều nơi trong nước và sau bao suy tư về thế thái nhân tình. Bạn có thể gặp lại Điện Biên Phủ, Phú Quốc, hòn Đá Bạc, Thất Sơn… với những ưu tư thời cuộc. Đêm thức cùng hoa nở hay khắc khoải nghe tiếng tắc kè, anh viết “Độc thoại hoa” và “Tiếng tắc kè”. Sống một mình lặng lẽ, dù có gắn cái chuông ngoài cổng nhưng “nhiều lúc ngỡ mình ở đảo”. Giáp tết năm nào, xem tivi gặp người đàn bà bán hàng rong trên phố phường Hà Nội, anh viết bài thơ “Gánh hàng rong” với mấy câu kết: Hà Nội rồi sẽ không còn những gánh hàng rong/ tranh Đông Hồ khuyết đi một góc/ tiếng rao khuya xa vắng ngậm ngùi. Thương những chiếc xe ba gác của người nghèo ở Sài Gòn, Cần Thơ… không còn nữa, anh viết bài thơ “Cổ tích bây giờ”, có những câu như vầy: Nước mắt mồ hôi/ đổi từng chén gạo/ cái chữ nhiều khi nhờ đó nẩy mầm. Rồi có một lần rời Cần Thơ về với quê nhà Cà Mau: Quê tôi vẫn như ngày ấy/ chiếc xuồng bơi theo dấu câu hò/ bông sậy xám bông bồn bồn cũng xám/ người đi xa nghe đất dặn dò…
Thấy có một bài thơ đặt tựa là “Hạc về” và một bài khác tựa là “Hạt”, trong khi lời đề từ ở đầu sách là Chỉ có rễ/ là không rời đất/ lặng lẽ/ đời xanh, một bạn văn hỏi: “Vậy sao tác giả không đặt tựa tập thơ là Hạt như thông điệp ở đầu sách?”. Câu hỏi này được người dẫn chương trình giới thiệu sách bữa ấy trả lời - mà nghe xong cảm nhận như “số phận” của tập thơ phải là như vậy.
Chuyện này do chính nhà thơ Lê Chí kể. Số là anh Lê Chí gởi email bản thảo tập thơ mang tên là “Hạt” về Sài Gòn, nhờ nhà thơ Đỗ Trung Quân vẽ bìa và phụ bản. Hai tháng sau, anh Lê Chí nhận được email hồi âm, như các bạn thấy trên bìa sách hôm nay. Đỗ Trung Quân vẽ chữ “Hạc” làm tên tập thơ; đứng tựa vào đó là bức tranh vẽ một cây đời mọc xanh tươi một người con gái đẹp. “Hạc” kể chuyện đàn chim hạc đã trở về, còn “Hạt” là bài thơ nói về nguồn cội sinh thành. Dường như Đỗ Trung Quân muốn kết hai chuyện này thành một cái duyên. Và Lê Chí đã đồng tình.
Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên ngày 5-2-2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130205/hac-cua-hat.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét