Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Tản mạn bên bến Ninh Kiều



Chiều cuối năm, ngồi ở công viên bến Ninh Kiều của Cần Thơ, nghe dòng âm thanh cuộc sống náo nức quanh mình, lòng dậy lên một vài điều hy vọng…




Ảnh: Xuân Hoàng

1.

Hy vọng trong năm 2013, nếu có những hội thảo, hội nghị liên quan tới đề tài biến đổi khí hậu và nước biển dâng như đã làm trong năm, có thể giúp cho nhiều người hiểu và sống với chuyện này thiết thực hơn. Năm 2012, ngay tại bến Ninh Kiều này, trong những hội trường tươm tất của khách sạn Golf, khách sạn Ninh Kiều… nhiều nhà khoa học và không ít giới chức chính quyền vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cảnh báo về môi trường ĐBSCL sau 100 năm nữa. Rằng khi đó, theo dự báo, nếu nước biển dâng một mét, một nửa diện tích ĐBSCL sẽ chìm trong biển nước.   


Ảnh: Duy Khương


Mà 100 năm nữa thì lâu lắm. Còn hiện nay, chỗ tôi ngồi ngắm hoàng hôn đang xuống ngoài sông Hậu kia, vào mùa triều cường trong năm, có bữa nước đã ngập gần đầu gối. Lúc đó, nhiều con đường lớn ở quận Ninh Kiều trông như những dòng kinh, riêng khu dân cư mới ở trung tâm thương mại Cái Khế bên kia cầu Ninh Kiều thì khá giống một vùng… đất ngập nước (wetland) mà giới khoa học thường nhắc tới. Lạ là khu này mới mọc lên mươi năm nay khi mở rộng đô thị Cần Thơ. Quy hoạch, xây dựng trong thời hiện đại mà cái cốt nền thì dường như “thua xa” cái cốt nền của chợ cổ Cần Thơ xây cách nay hơn 100 năm. Bằng chứng là khi đó, chợ cổ Cần Thơ ở bên này không bị ngập như bên kia.

Không thể hy vọng là tới mùa nước nổi hay những tháng triều cường năm 2013, nội ô Cần Thơ khô ráo hơn. Nhưng hy vọng là trong cảnh ngập này, không còn phải nghe những lời giải thích chung chung là “do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng” hoặc “do đô thị Cần Thơ đang lún dần vì quá cũ” (?). Cũng hy vọng là nếu còn những cuộc họp về chuyện này thì nhiều vị đại diện chính quyền các cấp nên ngồi lại với các nhà khoa học lâu hơn chớ không chỉ tới đọc lời chào mừng xong rồi… rút. Để có thể hiểu chuyện, cùng nhau mổ xẻ nó rồi tìm cách giúp người dân “chung sống” hoặc phòng ngừa với những tác hại nhãn tiền ở ngay hôm nay. Bởi trong hệ thống chính trị hiện hành của đất nước, những chuyện lớn và tác động sát sườn tới đời sống xã hội như vậy, nếu chính quyền “chỉ dự hội thảo” thì rốt cuộc giới khoa học cũng “bó tay”.   

2. 

Tết này Cần Thơ không có “đường hoa” như dự tính ban đầu, hồi tháng Mười. Nghe tin này, nhiều người thấy tiếc nhưng cũng có nhiều người nhẹ lòng. Tiếc vì có đường hoa xuân kiểu đường hoa Nguyễn Huệ thì cũng vui và có thể làm rộn ràng thêm phố phường ngày Tết. Nhẹ lòng vì nhiều bà con nhà vườn lo “cái nồi cơm” hoa kiểng ngày Tết của mình có thể bị ảnh hưởng, nhất là nơi dự tính lấy làm “đường hoa” do bị cấm kinh doanh. Và nhiều người lo hơn khi biết cần phải chi trên 6 tỉ đồng (dù là tiền vận động tài trợ) để làm đường hoa. Bởi kinh tế nước nhà (chớ không riêng Cần Thơ) năm 2012 quá khó khăn; số tiền đó để góp với ngân sách lo cho người nghèo được ấm lòng ngày Tết, chắc sẽ tốt hơn. 


Ảnh: Xuân Hoàng
    

Thế là vào một ngày cuối năm, UBND thành phố Cần Thơ đã họp với đại diện nhiều doanh nghiệp và báo giới, cho hay, dừng làm “đường hoa” nhưng thay bằng dự án làm “đường đèn nghệ thuật Cần Thơ”. Có một “phố tỏa sáng Cần Thơ” mừng năm mới bằng hiệu ứng nghệ thuật từ ánh sáng điện minh họa cho chủ đề “Cần Thơ xưa và nay” (lấy hoa đào và hoa mai làm nền), kéo dài từ giao lộ Quang Trung nối đại lộ Hòa Bình tới cổng trụ sở UBND thành phố Cần Thơ. Vẫn phải vận động các doanh nghiệp, ngân hàng tài trợ hơn 2 tỉ đồng và tốn thêm điện, dù xài đèn led là chính. Riêng những người đề xuất ý tưởng này thì nhấn mạnh, “cố gắng làm đẹp hơn cho người Cần Thơ trong dịp Tết”.


Ảnh: Xuân Hoàng


Hy vọng là những lo toan ấy sẽ cộng hưởng được với niềm vui của bao người trên những con đường hoa Tết truyền thống vốn có từ bao đời nay ở Cần Thơ. Như ở chợ hoa xuân bến Ninh Kiều, chợ hoa xuân đường Hoàng Văn Thụ - hồ Xáng Thổi, hoa xuân chợ nổi Cái Răng… Hay như ở những chợ hoa rộn ràng sắc màu đồng quê dài theo nhiều khu phố, làm cho đời sống ven đô không xa cách mấy với nội đô. Ở những chợ hoa này, có thể gặp lại người làm vườn từ nhiều nơi ở ĐBSCL như Sa Đéc của Đồng Tháp hay Cái Mơn, Chợ Lách của Bến Tre…


Ảnh: Xuân Hoàng

Ảnh: Xuân Hoàng

Ảnh: Xuân Hoàng


Ảnh: Xuân Hoàng

Và trước phút giao thừa, trên những lề đường đầy hoa ấy, có thể gặp nụ cười của một mẹ già hay của một chàng trai, cô gái vừa bán được một nhành mai hay một giỏ cúc vàng để có thêm chút tiền kịp về nhà đón Tết. Có được nhiều nụ cười của người nghèo, nhất là của bà con nông dân, trong cái Tết mà nền kinh tế đang chồng chất khó khăn như năm nay, đó mới thực là cái đẹp của ngày Xuân.   

* Bài này đã đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn số Tất niên (31-1-2013)              

Không có nhận xét nào: