Lục lọi tủ sách, gặp lại một số tập thơ tuyển của các tỉnh ĐBSCL. Nhiều nhất được làm vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày đất nước thống nhất (30.4.2005) và hầu hết sách được mang tựa có con số 30 như 30 năm thơ An Giang, Long An thơ 30 năm…, riêng Cà Mau thì tựa sách là Cà Mau thơ.
Tất cả, do hội văn học nghệ thuật tỉnh tuyển chọn rồi xin giấy phép ở một NXB để ấn hành, số lượng từ 500 - 1.000 cuốn, sách dày 300 - 400 trang, in bìa cứng và đa phần không đề giá bán.
Do được làm kỹ từ những ban biên soạn riêng với thời gian tuyển chọn dài, thường trong vòng 1 năm, nên các tuyển tập thơ này tập hợp được nhiều bài thơ tâm huyết viết về quê hương đất nước của các tác giả không chỉ ở trong tỉnh mà ở khắp cả nước. Đọc lại những tuyển tập này, có thể hình dung diện mạo thơ riêng của mỗi tỉnh trong suốt mấy mươi năm chiến tranh và hòa bình. Và cũng dễ gặp một chữ Tình của những người con đất Việt từ mọi phương trời đến với những vùng đất riêng ở phương Nam tổ quốc. Trong đó, có những bài thơ được nhiều người nhớ, như Phương Nam khúc ca trôi dạt của khóm lục bình (Đynh Trầm Ca), Mũi Cà Mau (Xuân Diệu), Đất Viên An (Nguyễn Bá), Lời ru con cò biển (Nguyễn Duy), Tiễn bạn (Trịnh Bửu Hoài), Con tem quân đội (Đinh Thị Thu Vân), Bên cửa sổ (Song Hảo), Hát về con mương nhỏ (Thu Nguyệt)…
Như ở tuyển tập thơ Long An, gồm 142 bài thơ của 81 tác giả - nói như lời người làm sách: “81 tác giả thơ trong 30 năm, mỗi người một giọng điệu, một góc thể hiện, có thể có những phong cách riêng và có thể có những dòng chảy cảm xúc trùng lắp, nhưng trên hết, đó là những cảm xúc đẹp. Cảm xúc đẹp, đó chính là tiêu chí của chúng tôi khi tuyển chọn tập thơ này”. Và tuy là “có những những ước mơ thực tế và có những ước vọng mơ hồ”, nhưng người tuyển thơ kỳ vọng “tập thơ sẽ khiến ta yêu thêm tháng ngày ta đang sống, tha thiết hơn với từng nhân dáng quanh đời, rồi từ đó, ta sẽ nhận ra mình, rõ hơn và sâu hơn”.
Với An Giang, hội văn nghệ tỉnh cho biết lý do 51 tác giả được tuyển vào tập thơ này: “Những cuộc thi, trại sáng tác được liên tục tổ chức và phát hiện nhiều tài năng, bổ sung mỗi ngày một đông đảo, phong phú, đa dạng cho lực lượng sáng tác ở An Giang. Trong đó, thơ An Giang là một thế mạnh với những cây bút nối tiếp nhau trưởng thành, khẳng định vị trí của mình trong nền văn học cả nước… Thơ An Giang đã giới thiệu được tình cảm, đời sống, quê hương, con người An Giang đến với các vùng đất nước”. Cuối tập sách, còn có chân dung in màu của 51 tác giả, trong đó có những cái tên quen thuộc trong làng thơ như Võ Thành An, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Đình Chiến, Hồ Thanh Điền, Nguyễn Lập Em, Nguyễn Thị Trà Giang, Trịnh Bửu Hoài, Lam Hồ, Lê Thanh My, Ngô Nguyên Nghiễm, Anh Sắc, Phạm Nguyên Thạch, Trương Công Thuốt, Trần Thế Vinh…
Riêng Cà Mau, ngoài 294 trang thơ của 89 tác giả, sách còn dành 20 trang, in phụ lục tóm tắt tiểu sử tác giả. Đây cũng là tuyển tập thơ tỉnh góp mặt khá đông nhà thơ có tên tuổi trong nước từng đến với Cà Mau hoặc quê ở Cà Mau: Hoài Anh, Nguyễn Bá, Ngô Cang, Lê Đình Cánh, Phạm Ngọc Cảnh, Huy Cận, Cao Thoại Châu, Hoàng Minh Châu, Trúc Chi, Lê Chí, Dương Trọng Dật, Xuân Diệu, Nguyễn Duy, Nguyễn Bạch Dương, Hồ Thanh Điền, Trinh Đường, Phạm Thường Gia, Trần Vạn Giã, Bảo Định Giang, Lê Giang, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Hưng Hải, Thanh Hải, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Hoa, Trịnh Bửu Hoài, Xuân Hoàng, Vũ Hồng, Văn Công Hùng, Lê Thị Kim, Vũ Đình Liên, Phù Sa Lộc, Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhuận Minh, Trần Hữu Nghiễm, Trần Hội Nhân, Lê Minh Nhựt, Lưu Xông Pha, Phạm Hữu Quang, Xuân Quỳnh, Xuân Sách, Tạ Văn Sỹ, Phạm Nguyên Thạch, Trúc Thông, Anh Thơ, Đàm Thị Ngọc Thơ, Trần Nhật Thu, Nguyễn Trọng Tín, Hưởng Triều, Vương Trọng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Hải Tùng, Việt Chung Tử, Bằng Việt, Trần Thế Vinh, Hoài Vũ…
Sao Cà Mau lại “hấp dẫn” thiên hạ đến như vậy? Nhà thơ Xuân Diệu đã “trả lời” cho câu hỏi này từ tháng 10.1960; trong bài Mũi Cà Mau, có 2 câu mà nay gần như đã thành ca dao: Tổ quốc tôi như một con tàu / Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau.
Hay nói như trong lời mở của người làm sách: “Cà Mau rất xa. Nhưng Cà Mau cũng rất gần. Thật gần. Bởi khó vùng đất nào có được cái may mắn thành nơi hội tụ tình cảm của cả nước đậm đặc đến như vậy. Là người Việt Nam, ai cũng mong một lần được đặt chân đến Cà Mau, chạm tới bãi phù sa sóng sánh của chót mũi tận cùng đất nước. Lớp lớp phù sa có hồn ấy đã làm cho biết bao người xúc động… Bạn bè về với Cà Mau cũng chính là về với lòng mình. Lạ lùng thay, để giãi bày tình cảm sâu xa, chừng như không còn cách nào khác, người ta phải trông cậy vào thơ”. ■
Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130618/gan-xa-tho-dong-bang.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét