Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Đọc lại Đoàn Giỏi



Xin được trích tình cờ ở trang 129 trong bộ sách dày gần 900 trang này:



“Tía nuôi tôi ngồi tựa lưng vào một gốc cây ngái, nhồi thuốc lá vào tẩu. Con chó săn trung thành bao giờ cũng nằm bảo vệ bên chân chủ. Thằng Cò bưng vò nước ra, ngửa cổ kề miệng vào vò uống ừng ực. Bỗng nó đặt vò xuống, thúc vào lưng tôi:

- Đố mày biết con ong mật là con nào?

Hỏi xong, nó đưa tay trỏ lên phía trước mắt. Tôi đảo mắt nhìn khắp nơi vẫn không thấy gì. Rừng cây im lặng quá. Một tiếng lá rơi lúc này cũng có thể khiến người ta giật mình. Lạ quá, chim chóc chẳng nghe con nào kêu. Hay vẫn có tiếng chim ở một nơi xa lắm, vì không chú ý mà tôi không nghe chăng?

Cao quá đầu tôi một với tay, có những chấm đen không nhúc nhích. Đó là những con ruồi xanh đang bay đứng. Óng ánh lướt những lá bông súng dưới vũng kia là con chuồn chuồn bay ngang với những cánh mỏng và dài. Bé như hạt khế, cứ lắc lư lắc lư từ đất nhoi lên, đáp vào một cành ngải khô trên đầu tía nuôi tôi là điệu bay của con mối cánh.

- Chịu thua mày đó! Tao không thấy con ong mật đâu cả”.

Bàng bạc trong cuốn tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi là những cảnh tình như vậy đó. Của miền Tây Nam bộ, những năm 1945 sau khi thực dân Pháp quay lại chiếm Nam bộ. Chuyện về cuộc đời phiêu bạt của thằng An mà tới dòng cuối ở trang 259 là hình ảnh này: “Tôi cúi đầu chào tía nuôi tôi, chào má nuôi tôi, gởi lời chúc thằng Cò mau mạnh, rồi xốc lại con dao găm và quả lựu đạn đeo bên thắt lưng, rướn người nhảy phóc xuống thuyền”. Nghĩa là tuy viết về bối cảnh chiến tranh nhưng những câu chuyện nghĩa tình với cốt cách riêng của con người phương Nam, vùng đất phương Nam đã được nhà văn Đoàn Giỏi mô tả hết sức chân phương, tài hoa và ấn tượng.

Đất rừng phương Nam đã được nhiều bạn đọc ở miền Trung, miền Bắc say mê như cùng khám phá hành trình tiền nhân đi khai phá và giữ gìn mảnh đất trời Nam. Truyện này được tái bản nhiều lần từ sau năm 1957, được dịch ra một số tiếng nước ngoài, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và được chuyển thể thành phim Đất phương Nam (do Hãng phim Truyền hình TP.HCM sản xuất năm 1997).

Ngoài Đất rừng phương Nam nổi tiếng nhất, nhà văn Đoàn Giỏi còn những tác phẩm có tiếng vang về phương Nam như: Rừng đêm xào xạc, Cá bống mú, Tê giác trong ngàn xanh, Tiếng gọi ngàn. Vào năm 2005, NXB Văn hóa - Thông tin đã đưa những tác phẩm này vào bộ Đoàn Giỏi tuyển tập, bên cạnh 17 truyện ngắn, ký sự và biên khảo - mà chỉ cần đọc tựa, ta đã thấy tò mò muốn đọc tiếp: Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn, Thiện Dần đánh cọp, Sự tích núi Trái Vải, Chuyến xe thổ mộ ngày giáp tết, Chú bé Hà Nội và con ó lửa trên Đồng Tháp Mười, Vài nét về cá sấu, Vài nét về cá mập, Con bạch tuộc khổng lồ, Ngựa thần, Chuyện về con voi, Tổ tông nhà hổ, Rồng hay là rắn biển?, Người và đất Cà Mau, Bước đường khai phá, Người và đất Đồng Tháp, Cuộc truy tầm kho vũ khí.

Nhà văn Đoàn Giỏi (1925 - 1989) quê ở Tiền Giang. Ông sáng tác từ năm 17 tuổi với tác phẩm đầu tiên Nhớ cố hương đăng ở Tạp chí Nam kỳ. Làm bộ tuyển tập này, NXB Văn hóa - Thông tin đã trân trọng viết trong lời giới thiệu: “Các tác phẩm của ông không chỉ thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa số phận của người dân với vận mệnh của đất nước, mà trong cái rộng lớn là Tổ quốc, ông còn thể hiện một cách tinh tế, nhuần nhuyễn, hòa quyện trong đó cảnh sinh hoạt, phong tục, tập quán, cảnh sắc thiên nhiên và nhất là tính cách và tâm hồn của người Nam bộ… Với vốn sống phong phú về vùng đất phương Nam, với niềm say mê, tìm tòi, khám phá, những tác phẩm của ông luôn sống cùng thời gian, để lại cho người đọc sự trong trẻo, hồn nhiên và cái cao cả trong tình người. Phải nói rằng Đoàn Giỏi là cây viết về thiên nhiên Nam bộ hay nhất từ trước tới nay”. ■


Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130625/doc-lai-doan-gioi.aspx

Không có nhận xét nào: