(TBKTSG Online) - Cho dù đã có nhiều đổi mới về cả hạ tầng giao thông, cảng biển, cơ cấu kinh tế... nhưng Cần Thơ vẫn chưa thể là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như mục tiêu mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã xác định.
Cuối ngày hôm nay (23-12), kết luận hội nghị của Chính phủ về việc xây dựng TP Cần Thơ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (ban hành ngày 17-2-2005), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Vai trò của TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL vẫn còn giá trị như Nghị quyết 45 đã xác định. Và chúng ta vẫn phải thực hiện tiếp các nội dung mà Quyết định 366 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2009 nhằm thực hiện nghị quyết này”.
Trước đó, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư thành ủy TP Cần Thơ, tỏ ra bức xúc: “Rất buồn là Cần Thơ lên thành phố đã 10 năm rồi mà đến giờ một số bộ ngành gởi công văn vẫn ghi gởi “tỉnh Cần Thơ” và cơ chế chính sách cho TP Cần Thơ thì không khác các tỉnh trong vùng”.
Quang cảnh hội nghị |
Vào đầu giờ sáng nay, sau khi nhắc lại tinh thần Nghị quyết 45 (xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia; là thành phố cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mekong; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế - văn hóa; là đầu mối giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn quan trọng về quốc phòng an ninh của ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hỏi: “Các trung tâm này đã hình thành thế nào? Hình hài ra sao? Cần Thơ tự thấy mình đã trở thành trung tâm chưa?”, rồi nói tiếp: “Vai trò của các bộ ngành ở đây rất quan trọng; nếu không có cơ chế chính sách của trung ương thì rất khó thực hiện Nghị quyết 45. Các bộ phải thấy được trách nhiệm của mình”.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Lê Hùng Dũng quả quyết: “Trở thành thành phố loại 1 trước năm 2010, các trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, y tế giáo dục, khoa học công nghệ đặt ra trong Nghị quyết 45 đang dần hình thành”. Tuy vậy, ông Dũng đã nêu rõ nhiều hạn chế của TP Cần Thơ khi phát triển theo tinh thần nghị quyết này, trong đó có bốn điểm yếu: môi trường đầu tư, kết cấu hạ tầng, liên kết vùng ĐBSCL và chất lượng nguồn nhân lực.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho rằng, sau 10 năm, TP Cần Thơ nay đã cơ bản liên thông cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không với các tỉnh ĐBSCL, với TP.HCM và cả nước qua những công trình quốc lộ, cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng biển Cái Cui…
Nhiều đại biểu không đồng tình với ý kiến này, cho rằng nhiều tuyến đường quốc lộ chưa thông, cảng Cái Cui không hoạt động bao nhiêu vì cửa Định An bồi lắng, tàu 5.000 tấn không vào được, hàng hóa ĐBSCL chủ yếu phải về TPHCM để xuất khẩu; còn sân bay quốc tế Cần Thơ thì vắng khách vì chỉ mới nối với vài tỉnh, thành trong nước.
Ông Thế cho biết tới giữa năm 2017, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống sẽ xong; thời điểm đó, cũng sẽ xong công trình kênh Quan Chánh Bố, tàu 10.000 – 30.000 tấn sẽ ra vào sông Hậu tới Cần Thơ, An Giang… Về đường cao tốc nối Cần Thơ với TP.HCM, ông Thế thông báo: “Hôm qua, bộ đã chọn được nhà đầu tư. Đầu năm 2015, chúng tôi sẽ khởi động lại dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ở giai đoạn 1. Còn đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ dự kiến đến tháng 6-2015 bắt đầu nhưng lại đang thiếu 4.000 tỉ đồng, mới có 2.000 tỉ từ nguồn xã hội hóa”.
Cầu Cần Thơ, một trong những công trình quan trọng giúp giao thông giữa Cần Thơ và các tỉnh dễ dàng hơn. Ảnh: TL. |
Riêng về sân bay Cần Thơ, ông Thế cho rằng Vietnam Arlines thiếu chính sách cạnh tranh về giá nên không chịu mở đường bay mới trong khi VietJet Air lại thành công khi mở hai đường bay nối Cần Thơ với Hà Nội và Đà Nẵng.
Phó ban Kinh tế trung ương, ông Lê Vĩnh Tân, nói: “Cần Thơ vẫn chưa bảo đảm vai trò là động lực phát triển của ĐBSCL. Trước đây, khi có cầu Mỹ Thuận, đồng bằng hi vọng sẽ cất cánh, giờ có thêm cầu Cần Thơ, rồi sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng biển quốc tế Cái Cui, đồng bằng vẫn chưa cất cánh được. Cả ĐBSCL chưa có dự án FDI lớn nào đạt tới một tỉ đô la. TP Cần Thơ chưa có cơ chế chính sách thu hút đầu tư và liên kết hiệu quả”.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tự nhận rằng, “Bộ Công Thương còn chậm giúp TP Cần Thơ xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để Cần Thơ phát triển theo Nghị quyết 45”.
Về đề nghị của TP Cần Thơ thành lập Viện Công nghệ sinh học, đại diện Bộ Khoa học – công nghệ cho biết sẽ xây dựng Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ ĐBSCL tại Cần Thơ trên cơ sở nâng cấp hai cơ sở công nghệ sinh học ở trường Đại học Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bùi Văn Ga không khuyến khích TP Cần Thơ tiếp tục đề xuất lập ba trường đại học công mới cho ngành kiến trúc, luật và ngoại ngữ vì hiện nay “việc tuyển sinh đã bão hòa” và “nên xã hội hóa để có trường mới”. Thay vào đó, ông Ga báo tin: “Tuần rồi, bộ đã kí với JICA của Nhật Bản dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ lên chuẩn quốc tế, đầu tư vào 5 ngành rất cần cho ĐBSCL là kĩ thuật công nghệ, công nghệ sinh học, nông nghiệp, thủy sản và môi trường”. Ông Ga nói, dự án này trị giá 106 triệu đô la Mỹ, trong đó có 90 triệu đô vay ODA của Nhật, và: “Rất mong Chính phủ ủng hộ, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao vùng ĐBSCL thông qua dự án này”.
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nói: “Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, hướng tới, Cần Thơ sẽ điều chỉnh cơ cấu kinh tế là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp chất lượng cao”. Ông Mẫn cho biết khu vực dịch vụ ở Cần Thơ những năm qua tăng 15,4%/năm; riêng năm 2014, tới giờ đã tăng 16,4%.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý với định hướng này, nhưng nói rõ: “Năm năm tới thì được nhưng 10 năm tới, Cần Thơ vẫn phải hướng đến công nghiệp; phải ứng dụng khoa học kĩ thuật chất lượng cao vào sản xuất nếu không muốn thua thế giới”.
Riêng với dự án Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ (dự án đầu tiên ở Việt Nam về loại hình này) do hai chính phủ Việt – Hàn đầu tư nhằm tăng giá trị xuất khẩu hàng nông, thủy sản và cơ khí cho cả vùng ĐBSCL (dự kiến hoạt động vào quí 1 năm 2015), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu: “Bộ Công Thương chủ trì đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng chính phủ duyệt”.
____________________________________
Đã đăng TBKTSG Online 23-12-2014:
http://www.thesaigontimes.vn/124423/Can-Tho-can-lam-nhieu-hon-neu-muon-cat-canh.html