Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Báo Sài Gòn Tiếp Thị ra bộ mới



Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ tiếp tục xuất bản và số đầu tiên của bộ mới sẽ ra mắt vào ngày 3-3 sau số cuối cùng của bộ cũ phát hành vào ngày 28-2. 

Ngày 28-2, UBND TP.HCM đã công bố giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông ký ngày 26-2, cho phép nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tiếp tục xuất bản Sài Gòn Tiếp Thị, mỗi tuần 3 số vào thứ Hai, thứ Tư. thứ Sáu. Cùng ngày 26-2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quyết định thu hồi giấy phép trước đây của Sài Gòn Tiếp Thị bộ cũ với lý do: “Cơ quan chủ quản báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện về tài chính”. 
Ông Nguyễn Xuân Minh, quyền Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị bộ cũ trả lời báo Thanh Niên Online (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140228/bao-sai-gon-tiep-thi-bo-moi-ra-sap-ngay-3-3-chia-se-cua-nguoi-trong-cuoc.aspx): “Nợ cũ 50 tỉ đồng quá lớn”.
Cơ quan chủ quản của Sài Gòn Tiếp Thị bộ cũ là Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, nay cơ quan chủ quản mới là Sở Công thương TP.HCM. Tòa soạn của báo đặt tại số 35 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM, trụ sở của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bà Trần Thị Ngọc Huệ, Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho biết Sài Gòn Tiếp Thị bộ mới sẽ tiếp tục công việc của đội ngũ những người đã thực hiện ấn phẩm này trong 19 năm qua. “Tên tuổi của Sài Gòn Tiếp Thị gắn với đội ngũ những người khai sinh và gầy dựng tờ báo từ năm 1995 và Sài Gòn Tiếp Thị đã luôn được bạn đọc tin cậy và đón nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh đó”, bà Huệ nói.





░░░░░░░░░

GS.TS VõTòng Xuân – quyền Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ:

“Chào Mừng Sài Gòn Tiếp Thị trở về với Saigon Times Group!”



Sau một thời gian lịch sử báo Sài Gòn Tiếp Thị, dưới sự lãnh đạo của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư  TPHCM, đã đem đến cho độc giả những thông tin bổ ích về các loại hàng hóa sản xuất trong nước và những ý kiến có tính cách định hướng về những sự kiện kinh tế của nhiều thành phần tham gia trong thị trường Việt Nam, bắt đầu từ hôm nay, Sài Gòn Tiếp Thị lại được trở về với cái nôi đầu tiên của mình – Saigon Times Group

Tôi rất nhất trí với nhận định của Tổng Biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn Trần Thị Ngọc Huệ là công tác tiếp thị sẽ không chỉ giới hạn trong khung mua sắm, sử dụng hàng hóa tiêu dùng mà còn bao gồm những sản phẩm tinh thần. Tôi thấy rằng tại Việt Nam mặc dù Sài Gòn Tiếp Thị trong thời gian đã tổ chức bình chọn những sản phẩm tiêu dùng để trao cho những danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhưng người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm với những cơ sở khoa học đã giúp đưa đến những kết luận của nhóm bình chọn. Từ đó suy rộng ra, cần đánh giá chất lượng của từng sản phẩm một cách rất khoa học để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong việc chọn lựa hàng “Made in Vietnam” một cách chính xác.  

Vì vậy, mặc dù chúng ta luôn hô to khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nhưng người ta chỉ dùng hàng nào mà chất lượng đảm bảo nhất nhờ kinh nghiệm sau một thời gian sử dụng mà thôi. Tại những thị trường lớn như Hoa Kỳ, người ta có tạp chí Consumer Reports - Báo cáo cho người tiêu dùng (www.consumerreports.org/) xuất bản hàng tháng dạng báo in từ năm 1936 và trực tuyến từ gần 15 năm nay, đưa đến cho người tiêu dùng các kết quả thử nghiệm đánh giá độc lập của mình trong các phòng lab uy tín, vừa giúp cho người tiêu dùng quyết định chọn món hàng vừa túi tiền của mình. Không chỉ thế, từ báo, còn giúp cho các nhà sản xuất phải luôn thành thật trong các qui trình tạo ra sản phẩm, không lường gạt người tiêu dùng.  

Tôi nghĩ rằng vẫn còn lâu chúng ta mới tiến đến trình độ của Consumer Reports nhưng với tờ Sài Gòn Tiếp Thị ở trong hệ Saigon Times Group, độc giả sẽ có những thông tin chính xác hơn nữa về chất lượng hàng hóa; và các nhà sản xuất sẽ có một nhịp cầu hiệu quả nhất đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng●


░░░░░░░░░


PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ:



“Tôi ủng hộ sự kết nối này”

Nhiều năm qua, cả hai tờ báo Thời báo Kinh tế Sài GònSài Gòn Tiếp Thị được nhiều người trong giới doanh thương, các nhà giáo, nhà khoa học và nhiều người dân đón nhận như là một trong những kênh thông tin và định hướng kinh tế, tiêu dùng và xu thế thời sự xã hội. 

Nội dung và hình thức của cả hai tờ báo đều rất hấp dẫn, sát với thực tế và hình ảnh rất bắt mắt cho người đọc. Bản thân tôi, dù bận rộn đến đâu, cũng không bỏ qua các kỳ phát hành của cả hai tờ báo. 

Tôi cũng đã lưu trữ nhiều bài viết trong hai tờ báo này. Khi có cơ hội và mong muốn chia sẻ ý kiến và trao đổi thông tin, tôi vẫn cố gắng viết và gởi bài cho các tờ báo này như một trong các địa chỉ truyền thông tin cậy và đứng đắn. 

Trong bối cảnh sút giảm lượng người đọc và cạnh tranh với các nguồn thông tin khác như Internet, báo điện tử, vô tuyến truyền hình, truyền thanh… việc hai tờ Thời báo Kinh tế Sài GònSài Gòn Tiếp Thị bộ mới kết nối nhau cũng là một hướng chiến lược linh hoạt nhằm hạn chế những khó khăn và củng cố thế mạnh của cả hai tờ báo. 
  
Bản thân tôi tiếp tục ủng hộ các ấn phẩm của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn với sự kết nối của báo Sài Gòn Tiếp Thị bộ mới●



░░░░░░░░░


Ông Nguyễn Thái Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty May Tây Đô:

“Trở về mái nhà xưa”




Khi trở về với nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tức là trở về mái nhà xưa, theo tôi đó là chuyện bình thường. Sài Gòn Tiếp Thị bộ mới, về nội dung và hình thức, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn chuyên viết về tầm vĩ mô, nay viết về vi mô chắc là cũng còn phải cố gắng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và người xem.  

Vui nhưng cũng có cái lo, vì anh em báo Sài Gòn Tiếp Thị cũ bây giờ đang đứng trước khó khăn, phải tìm việc làm mới.

Chúc Sài Gòn Tiếp Thị bộ mới giữ được cái hồn của Sài Gòn Tiếp Thị đã cùng đồng hành với doanh nghiệp nhiều năm qua và sẽ có nhiều cái mới hay hơn●


░░░░░░░░░

Cúm giá cầm và bài báo của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư


Mấy tuần nay cả nước như lên cơn sốt vì dịch cúm gia cầm. Tới giờ, đã có 21 tỉnh, thành bị nhiễm dịch và đã có hơn 70.000 con gia cầm bị tiêu hủy. Dịch năm nay nặng hơn mọi năm, lại bị nguy cơ lây lan thêm từ Trung Quốc và Campuchia. Báo chí dồn dập thông tin về thực trạng này kèm nhiều giải pháp phòng chống dịch.

Lặng lẽ phía sau câu chuyện này, là nỗi lòng của người nông dân nghèo nuôi gia cầm. Nỗi lòng này, nhìn từ phía Nhà nước, có thể chia sẻ với ý kiến của TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia về chính sách nông nghiệp, từng trả lời trên báo Sài Gòn Tiếp thị: “Nông dân hy sinh quá nhiều! Cái chúng ta lấy đi từ nông nghiệp, nông thôn quá lớn so với trả lại cho họ”. Còn nhìn từ người trong cuộc, người nông dân nghèo, chợt nhớ tới bài báo “Đi qua những cơn bão khô” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau. Bài báo này chị gởi đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ tháng 4-2004, cách nay đã 10 năm. Giờ đọc lại, có những nỗi niềm còn y nguyên đó, nó chỉ khác tên người tên đất theo dòng thời sự dịch cúm giá cầm mấy tuần nay. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng là người đã có nhiều bài viết đầy cảm xúc về thân phận người nông dân đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị lâu nay.

Chuyện kể trong bài báo:

Nhà anh Nguyễn Văn Lập bên kinh Xóm Cống, Ấp 7, An Xuyên. Gió lồng lộng thốc vào, vách lá rách tả tơi, ngửa cổ thấy lốm đốm trời. Coi kỹ, chỉ có bộ ván đằng trước, chỗ dùng để tiếp khách là lành lặn. Chị vợ áy náy vì nỗi nghèo của mình nên bối rối phân trần, "Tính nuôi vịt để cất lại cái nhà…". Hành trình từ cái nghèo vừa vừa đến nghèo xác xơ nhanh như một cơn mơ, một cơn gió, một cái phủi tay... Không đất để thế chấp vay vốn ngân hàng, phải vay nóng của hàng xóm, từ hơn trăm con, anh gầy dựng được 700 vịt thịt. Dịch cúm gia cầm ập đến, đàn vịt của anh bị tiêu huỷ sau Tết. Bây giờ anh xuống kinh giăng lưới bắt cá phi, cá chốt bán kiếm tiền mua gạo, nuôi hai đứa con thơ. Cái đói nghèo làm cho đôi tay anh quen để ngửa trên đầu gối, đôi tay trắng như xương ở tuổi gần bốn mươi. Anh cười buồn, "Người ta hay nói, thiếu nợ thì bán nhà trả, mà nhà tôi bán cũng hỏng ai mua". "Bây giờ chợp mắt là thấy bầy vịt, lồm cồm bò dậy thì nhớ tới nợ nần tứ giăng, thiệt”, chị vợ chắc lưỡi, “Khổ hỏng biết sao mà nói".

Trong bài, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết:

Hôm trước, tôi đọc một phát biểu của một quan chức Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rằng "nông dân Việt Nam như những người đi biển trên chiếc thuyền rách nát", tôi vỗ đùi khen, cha chả, ông này không biết có viết văn không, sao mà ví von hay quá chừng. Hay. Và chính xác. Nhất là khi dịch cúm gia cầm đi qua như một cơn bão khô, người nông dân đau xót mà không khỏi ngơ ngác. Ngơ ngác đến lặng đi. Nhiều người đặt ra câu hỏi, "chừng nào mới có bảo hiểm những rủi ro cho nông dân, tại sao người nông dân lại là người thiệt thòi, người chịu nhiều tác động của cuộc sống nhất?". Đặt ra vậy thôi, thấy xót ruột quá thì hỏi vậy chứ câu trả lời này chưa có. Nên bà con nghèo hoài, nghèo không phải vì bê trễ làm ăn, không phải vì đánh bài đánh số, mê ăn nhậu, nghèo chỉ vì những rủi ro không lường trước. Nghèo vì mình là nông dân”.

Vâng, đã 10 năm rồi, bài báo này vẫn còn nóng bỏng.


░░░░░░░░░


Không có nhận xét nào: