Trong số gần 30 tác phẩm văn học và điện ảnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Đất lửa mang đậm yếu tố lịch sử - xã hội Nam bộ. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tay ông viết ở rừng U Minh năm 1952, mãi tới sau khi ông tập kết ra Bắc, Đất lửa mới được công bố lần đầu ở Hà Nội vào năm 1963. Đến nay, tác phẩm này đã được tái bản nhiều lần và được dịch sang tiếng Đức. Gần đây, NXB Trẻ, khi cho ra đời tủ sách “Mỗi nhà văn - một tác phẩm”, đã chọn Đất lửa cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Trước đó, nhà thơ Lê Đạt, khi viết lời giới thiệu Đất lửa ở lần tái bản thứ ba vào năm 1995 của NXB Hội Nhà văn, đã nhấn mạnh: “Người ta thường nói nhiều đến tính chiến đấu và lịch sử của Đất lửa”. Rồi nhận xét: “Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Quang Sáng tiềm ẩn một chất kháng sinh khá mạnh chống lại bệnh cuồng tín”. Nhà thơ Lê Đạt còn cho rằng chính tình yêu quê hương miền Tây Nam bộ của Nguyễn Quang Sáng với “tiếng sóng vỗ của con sông Cửu Long dữ dội và bao dung” đã “tạo nên nhạc nền ray rứt của tiểu thuyết Đất lửa”.
Trọn tiểu thuyết Đất lửa đã dành tới 336 trang để kể lại câu chuyện chỉ xảy ra có một ngày đêm trong bối cảnh của những năm 1945 -1954 ở làng Mỹ Long Hưng, nay là Mỹ Luông thuộc H.Chợ Mới, An Giang, cũng chính là quê nhà của tác giả. Frank Gerke, khi dịch tiểu thuyết này sang tiếng Đức vào năm 2011, đã nói rằng tác giả đã mô tả “một cách trung thực những sự kiện xảy ra ở một làng Nam bộ thời kỳ đầu chiến tranh chống Pháp”.
“Như nhiều làng miền Tây Nam bộ thời đó, trong làng Mỹ Long Hưng có nhiều thành phần, phe nhóm khác nhau. Làng vốn là vùng đất của đạo Hòa Hảo đồng thời cũng là nơi có phong trào cách mạng, người dân trong làng ngày đó có nhiều quan điểm khác nhau về thực dân Pháp, về người cộng sản... Từ đó dẫn đến sự xung đột giữa các thế lực, thậm chí ngay trong họ hàng và giữa bạn bè”. Frank Gerke đã khái quát câu chuyện Đất lửa như vậy và nhận xét: “Theo tôi, Đất lửa là một trong những tiểu thuyết Việt Nam thành công nhất ra đời sau Chiến tranh thế giới lần 2. Đó là một tiểu thuyết về lịch sử Nam bộ, về chiến tranh và cách mạng, về những khó khăn và xung đột mà người Nam bộ phải trải qua và khắc phục. Đó là lý do tôi chọn Đất lửa để dịch sang tiếng Đức”.
Còn nhà văn Nguyễn Quang Sáng thì kể: “Tiểu thuyết Mùa gió chướng của tôi đã được dịch sang tiếng Nga và một số truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Nay được biết Frank Gerke đang dịch Đất lửa của tôi, tôi đã đưa anh về nơi của tiểu thuyết Đất lửa, bên bờ sông Tiền; anh có dịp tiếp xúc với bà con ở đây, càng đi anh càng hiểu sâu sắc hơn tính cách người Nam bộ, tính cách của nhân vật”.
Văn trong Đất lửa, dù có mô tả những giằng xé chồng chất tâm can nhiều nhân vật giữa những cảnh dầu sôi lửa bỏng hay kể chuyện tình yêu đôi lứa, đều đượm buồn, một điệu buồn âm ỉ cháy. Thí dụ ở trang 13, tả nhân vật chánh, Tư Trịnh sau thời gian bỏ làng đi hồi sau khởi nghĩa 1940: Mấy năm sau, ông già Tư Trịnh ấy trở về, người khác hẳn: tóc dài chấm đến lưng, râu cằm che mất cả cổ. Lão mặc quần áo màu dà, áo luôn luôn cài cúc. Ông về một mình. Còn hai đứa con nhỏ thì bị chết ở tận làng Hòa Hảo trong năm bị dịch tả.
Cái điệu buồn ấy nó thấm đẫm đến tận cuối cùng cuốn tiểu thuyết mang cái tên dữ dội là Đất lửa:
Mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt. Mưa dập tắt những ngôi nhà còn đang cháy. Mưa thấm lạnh những nền nhà nóng bỏng. Mưa tắm mát cho những khu vườn và cỏ cây. Mưa lạnh những con người không nhà.
Mưa mù mịt và dầm dề….
Bài đã đăng tại:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140225/nho-dat-lua.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét