Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014
Cô liêu với ĐẢO
Đảo, tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (NXB Trẻ, quý 1/2014) được in tới 15.000 bản và là một trong những cuốn sách bán chạy trong số hơn 200.000 đầu sách dự Hội chợ sách 2014 ở TP.HCM tuần rồi.
Vẫn là “hơi văn” của Nguyễn Ngọc Tư, từ thuở Cánh đồng bất tận (2005), không khó nhận ra. Nhưng hồn cốt 17 truyện ngắn của Đảo lần này, không thênh thang cảm xúc như gió trên đồng ngày nào, mà dồn nén, tinh tế, sâu hun hút, phức tạp, đôi khi là bí hiểm như cõi lòng con người ta. Đa phần nhân vật của Đảo, vẫn là những số phận con người có gốc nông dân và nghèo khó. Họ tồn tại trong một xã hội của thế giới hiện đại, mà đường đi thì vừa chật chội những libido (ham muốn tình dục) vừa đan xen đủ món trò đời.
Có lẽ vì thế mà Đảo của Nguyễn Ngọc Tư lần này được tiết chế và tiết kiệm quá tay, từ hình thức tới nội dung. Đúng như lời rao của NXB ở bìa bốn tác phẩm này: “17 truyện ngắn không thể ngắn hơn. Có thể nói đó là những bài thơ viết bằng văn xuôi về số phận của những con người tranh đấu trong tuyệt vọng để được nhìn thấy. Những truyện ngắn cho thấy dường như Nguyễn Ngọc Tư đang ra khỏi hiện thực của những cánh đồng để tìm đến vùng hỗn mang tâm trí con người”.
Khoảng 5 năm trước, đọc nhiều tản văn đăng báo của Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Nguyên Ngọc có nói với người viết bài này rằng, “Lạ là Tư còn trẻ mà suy ngẫm lại trầm ngâm sâu sắc như người già”. Giờ đây, trong Đảo, còn là sức tưởng tượng của một kẻ mất ngủ mà ở đó, đôi khi thấm đẫm câu ca dao của người xưa, Thức khuya mới biết đêm dài…
Thí dụ như với truyện Đảo, thật tội tình, cả với người mình ôm ấp mà mình cũng không biết họ là ai. Truyện có hai nhân vật chánh, một cô gái làng chơi và một người đàn ông mù trên một đảo hoang, họ gặp nhau trong vài ngày ngắn ngủi. Cô gái được gọi tên là quà không viết hoa (ví như món quà) nhưng lại là hóa thân của những Đào, Phượng, Châu… từng mấy kiếp ăn sương. Người đàn ông thì mù lòa từ nhỏ nhưng lại có tên là Sáng. Họ tự nguyện đến với nhau như những số phận lưu đày bị libido đốt cháy. Nhưng họ không gắn bó được cùng nhau mà phải xa rời nhau trong cô liêu. Truyện kết như vầy: “Tiếng máy nổ của chiếc ghe câu chìm dần vào giữa bao đợt sóng rã rời. Những ngày sắp tới sẽ động lắm đây, Sáng cảm giác những cột sóng phủ lấy người mình, vô phương chạy trốn. Coi như là mơ, nhưng gói sao cũng không vừa. Cô ta nói sẽ sinh con là thiệt hay chơi? Nếu thiệt thì làm gì đây khi cả cái tên người đàn bà đó ông còn không biết chắc”.
Đó là nhân vật của Đảo. Còn với tác giả, Nguyễn Ngọc Tư đã “tự bạch” như vầy: “Hơn một nửa Đảo là những truyện ngắn dưới 2.000 chữ, như là một cách thể nghiệm viết nén chặt. Là tô đậm nỗi cô đơn của con người bằng nhiều vết mực khác nhau, giày đi xéo lại. Chung mái nhà, chung giường, chung tiếng rên, nhưng mỗi người là một hòn đảo, một mảnh bom. Là tiếng thét câm của những con người không được nhìn thấy, nghe thấy”.
* Bài đã đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn 3-4-2014.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét