Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Một thời nội chiến


Đi hội chợ sách TPHCM mới đây, mua được cuốn sách này ở gian hàng của công ty Nhã Nam và NXB Tri Thức, nơi in ấn và phát hành sách. Cái tựa sách “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802” như thôi thúc phải đọc nhanh, dù cuốn sách dày gần 500 trang, để xem điều gì của lịch sử nước nhà thời ấy còn rọi bóng tới ngày nay. 


Nó nằm ngay ở lời mở đầu của tác giả, nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường: “Hậu bán thế kỷ XVIII là một trong những giai đoạn rối ren nhất và cũng là một trong những giai đoạn hiếm hoi mà người Việt sau khi chịu được cơn chuyển mình, thấy đất nước lớn mạnh hơn, dồi dào sinh lực hơn ngày trước. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, biến cố tàn Lê, mạt Trịnh, sự phục hồi của họ Nguyễn, tất cả đầy sinh động, hấp dẫn, khiến cho người đương thời vội vã ghi chép, người sau kiên nhẫn lục lọi làm nên những tổng hợp chuyên biệt, khoa học mà chúng ta chú ý ở đây”.   

Và tác giả đã “kiên nhẫn lục lọi” từ 65 thư tịch tiếng Việt, tiếng Pháp, chữ Hán cùng nhiều nguồn tư liệu khác trên khắp thế giới trong mấy trăm năm nay để “kể lại” câu chuyện nội chiến này của đất nước với ba phần chính: Sự tan rã ở Nam Hà (1771-1785); Sự tan rã ở Bắc Hà và phản ứng dội ngược khi Tây Sơn bành trướng (1785-1789); Giai đoạn thanh toán Nguyễn – Tây Sơn (1789-1802).

Khép sách lại, bao hình ảnh bi tráng của hơn 30 năm phân tranh ấy như vẫn hiện lên. Từ Tây Sơn khởi nghĩa đến đất Gia Định và chúa tôi nhà Nguyễn; rồi kỹ thuật Tây phương rụt rè bước vào chiến tranh Nam Hà đến chiến thắng Tây Sơn trước viện binh Xiêm La; rồi cuộc chiến tranh tiêu diệt họ Trịnh; Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh và đại thắng quân Thanh; rồi Nguyễn Ánh cầu viện phương Tây đến cái chết của Nguyễn Huệ… Kết thúc chương cuối, “Tổng quan về lịch sử chấm dứt phân tranh”, tác giả viết: “Cho nên phải nói rằng những thừa hưởng của quá khứ, của trận chiến kết thúc phân tranh, đậm hay lạt, nhiều hay ít rồi sẽ hợp với những điều kiện mới nảy sinh để bắt đầu lịch sử Việt Nam. Đất nước sẽ càng ngày càng phức tạp hơn để theo những biến động thế giới mà bước vào thời cận đại với Gia Long”.

Trong ba phần phụ lục, có Những bức thư Nôm của Nguyễn Ánh do giáo sĩ Cadière sưu tập; Nhật ký hành quân trong chiến trận Nguyễn – Tây Sơn và đặc biệt là phần ba, tác giả dành hẳn 42 trang để trả lời câu hỏi “Tại sao Tây Sơn?” như một chuyên luận có tựa đề đầy suy tư: “1771-1802 một thế hệ, trong vô thức, đi tìm vượt thoát vòng kiềm thúc của truyền thống khu vực”.

Xin chia sẻ với người làm sách ở lời nhận xét in ở bìa bốn: “Thoát khỏi sự ràng buộc bắt nguồn từ những định kiến và lập trường chính trị, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 đã dựng lại chi tiết bàn cờ quyền lực nửa cuối thế kỷ 18. Những liên minh và đối địch, tạm thời hay lâu bền dựa trên căn bản quyền lợi thiết thân được tái hiện sinh động: những giáo sĩ thừa sai và các nhà buôn Tây phương, các thế lực ngoại bang Xiêm La và Mãn Thanh, nhà Lê – Trịnh thời mạt diệp và những vị hoàng thân chạy loạn… Vượt lên trên hết là gương mặt hai đối thủ lớn nhất của thời đại: Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh”.

Tác giả, nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường, quê gốc Bình Định, sinh ở Nha Trang; hiện sống tại Westminter, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả của: “Thần, người và đất Việt”, “Một khoảnh Việt Nam Cộng hòa nối dài”, “Những bài dã sử Việt”, “Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945)”, “Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt: Một lối nhìn khác”… 



* Bài đã đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn 8-5-2014
(trang 45)

Không có nhận xét nào: