(TBKTSG Online) - Hơn 100 đại biểu từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ và một số tỉnh lân cận đã tham dự để “nghe là chính” (vì thiếu thời gian thảo luận) tại hội thảo “Phổ biến về cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia”.
Dệt may là một trong những ngành mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế khi gia nhập AEC. Ảnh: Quốc Hùng. |
Hội thảo này do do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU –MUTRAP) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức sáng nay (10-6) tại Cần Thơ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Cẩm Tú, AEC dự kiến sẽ ra đời vào cuối năm 2015, được coi là bước ngoặt đánh dấu tiến trình hội nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Đại diện Bộ Công thương cho rằng AEC sẽ đưa nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên ASEAN thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư thống nhất, tạo ra thị trường chung với dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ.
Là thành viên ASEAN, Việt Nam đang đặt mục tiêu hội nhập AEC thành ưu tiên hàng đầu trong cải cách thể chế và các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cho kịp với thời điểm này.
Các diễn giả của Bộ Công thương đã trình bày các cam kết của Việt Nam về thương mại, dịch vụ và đầu tư trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia; phân tích nhiều về lợi ích, cơ hội, khó khăn và thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu và rộng trong ASEAN.
Các phân tích này tập trung nhiều hơn về các dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí trong đất liền, trên biển và thềm lục địa; dịch vụ viễn thông, phân phối, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, in ấn.
Đại diện Tổng cục Thuế giới thiệu những quy định cụ thể về khung thời gian cắt giảm thuế, so sánh mức thuế ưu đãi năm 2014 và được miễn trừ đối xử tối huệ quốc (MFN) trong mỗi FTA đối với một số mặt hàng như thủy sản, sản phẩm xay xát, tinh bột, lúa mì, xà phòng, máy thiết bị cơ khí, động cơ điện, máy phát điện…
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) còn hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng quy tắc xuất xứ ưu đãi khi xuất hàng sang thị trường ưu đãi thuế quan.
Trả lời TBKTSG Online, ông Lê Chánh Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang - doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh thuốc tây với 3.000 công nhân, năm 2013 doanh thu hơn 3.000 tỉ đồng và 1,2 triệu đô la Mỹ - nói: “Thật ra Dược Hậu Giang không bỡ ngỡ với những quy định này vì đã tự học lâu nay để hội nhập. Tuy nhiên những nội dung được giới thiệu lần này vẫn luôn bổ ích và cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp”.
Theo Bộ Công thương, từ năm 2004 tới nay, ASEAN đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc – New Zealand và Ấn Độ. Năm 2008, Việt Nam còn ký Hiệp định Đối tác kinh tế với Nhật Bản, Hiệp định FTA song phương với Chile. Hiện nay Việt Nam đang đàm phán các FTA với EU, Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhastan), Hiệp định RCEP gồm các nước ASEAN+6, Hàn Quốc, Khối Thương mại tự do châu Âu (Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Iceland) và Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình dương (TPP).
Bài đã đăng tại TheSaigonTimes.vn
http://www.thesaigontimes.vn/116083/Doanh-nghiep-DBSCL-tim-hieu-ve-Cong-dong-kinh-te-ASEAN.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét