Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Tìm cơ hội quảng bá sản phẩm đặc trưng ĐBSCL


Bài và ảnh: Lạc Long

Mặc trời nắng nóng, hơn 160.000 lượt khách đã đến với lễ hội bánh dân gian Nam bộ 2015 và tham quan các sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL của CLB Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL (MekongSP Club) suốt từ ngày 27-4 đến 1-5-2015.
Nhiều bạn trẻ tìm hiểu sản phẩm đặc trưng tại gian hàng CLB MekongSP
Biểu diễn đổ bánh xèo tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2015 ở Cần Thơ

Ngày khai mạc lễ hội này, tại một gian hàng của MekongSP, ông Nguyễn Văn Nam, một khách tham quan đến từ Trà Ôn (Vĩnh Long), nhận xét: “Tôi đã nghe về câu lạc bộ này lâu nay, nhưng hôm nay đi hội bánh, thấy sản phẩm và cách trưng bày hay, có thể giúp hộ kinh doanh có một nơi làm đại diện, giới thiệu sản phẩm rộng hơn tới khách hàng ở những sự kiện lớn như vầy”.

Nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống vùng ĐBSCL hợp tác giao thương, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường mới để tăng thêm giá trị gia tăng, Câu lạc bộ MekongSP đã đặt hai gian hàng trưng bày sản phẩm của hơn 50 doanh nghiệp hội viên với gần 100 sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL tại lễ hội bánh dân gian Nam bộ năm nay.

Ngoài việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp hội viên CLB MekongSP tham gia gian hàng tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ 2015 cũng tìm thêm dịp trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều đơn vị khác về quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, cách tiếp thị… để đáp ứng tốt hơn thị hiếu ngày càng khó tính của người tiêu dùng.

Còn nhớ hôm 28-10-2014, khi Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ chính thức khai trương CLB MekongSP, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết ĐBSCL hiện có khoảng 300 cơ sở/doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm truyền thống với hơn 1.200 mặt hàng đặc trưng, từ các sản phẩm nuôi trồng tự nhiên, đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến…

Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh rằng, dù các sản phẩm đặc trưng này được đánh giá là ngon, có giá trị dinh dưỡng (thực phẩm chế biến); có chất lượng và mang tính nghệ thuật (hàng thủ công mỹ nghệ) nhưng giá trị kinh tế còn hạn chế.

Về nguyên nhân, theo nghiên cứu của VCCI Cần Thơ, việc chế biến các mặt hàng này chủ yếu ở dạng sơ chế; sản xuất lại quy mô nhỏ lẻ; hình thức trình bày, bao bì sản phẩm không bắt mắt; khâu tiếp thị, quảng bá còn đơn điệu, tẻ nhạt…

Do vậy, theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ kiêm Chủ nhiệm CLB MekongSP, sự ra của CLB MekongSP là điều kiện giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp kết nối, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giao thương và mở rộng kênh bán hàng. “Ngoài ra, tham gia vào CLB MekongSP, nhân viên của doanh nghiệp sẽ được đào tào, huấn luyện cách nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, kỹ năng bán hàng”, ông Lam nói.

Cũng theo ông Lam, trước mắt Mekong SP Club sẽ hoàn thiện bộ máy hoạt động và xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm đặc trưng theo hướng phải đồng bộ về chất lượng đối với các sản phẩm trong cùng một nhóm ngành. Khách hàng quan tâm về sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL có thể tìm hiểu thông qua website: www.mekongsp.com. Trước mắt, website sẽ hỗ trợ khách hàng bằng ngôn ngữ tiếng Việt, trong năm 2015, hỗ trợ thêm tiếng Anh và tiếng Nhật.

Đến nay, CLB MekongSP có hơn 80 cơ sở, doanh nghiệp là hội viên chính thức, được chia theo 3 nhóm ngành hàng, gồm thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, đan thêu, vải lụa, tranh gạo…); thực phẩm (bánh dân gian, thực phẩm chế biến, gia vị nấu, rượu cổ truyền, nước giải khát…) và sản phẩm mang tính tự nhiên (gạo thơm, các loại trái cây, tiêu, ca cao, rau củ...).

Chiều ngày bế mạc lễ hội, tại gian hàng thứ hai của MekongSP, chúng tôi thấy nhiều bạn trẻ tìm hiểu xuất xứ của các sản phẩm khá quen thuộc của ĐBSCL như bánh tráng Tuyết Mai, bánh tráng Lệ Hằng, tương hột Phước Khang, xà lách son an toàn Thuận An, bún – bánh phở Ba Khánh (Vĩnh Long); mật ong Hương rừng tràm U Minh (Cà Mau), trà & rượu Kim Bình, bánh tết lá cẩm Chín Cẩm (Cần Thơ), rượu Thanh Long (Long An), mắm Bà Giáo Khỏe (An Giang)… Bạn Trương Thị Trinh quê ở Hậu Giang, cựu sinh viên Đại học Cần Thơ, nói: “Ước gì các sản phẩm đặc trưng của miền Tây Nam bộ này vô được các siêu thị trong cả nước nhiều hơn nữa”.

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 4 với chủ đề “Bánh dân gian Nam bộ hướng đến hội nhập” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ từ ngày 27-4 đến 1-5, thu hút trên 120 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước đến từ TP Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Hà Nội, và ba doanh nghiệp đến từ Pháp, Nhật, Hàn Quốc. Tại Lễ hội, có hơn 100 loại bánh dân gian và 50 món ăn đặc sản vùng miền trong nước và ngoài nước cùng nhiều hoạt động khác như thi làm bánh, trò chơi dân gian…

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, lễ hội nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng được làm từ gạo, nếp và sau gạo như bột gạo, bột nếp, các loại rau, củ, quả, ngũ cốc… của vùng đất Nam bộ; góp phần nâng cao giá trị thương phẩm của hạt gạo và ngũ cốc, đem lại giá trị tăng cao hơn cho người dân vùng ĐBSCL.

Báo cáo bế mạc lễ hội vào tối ngày 1-5, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch TP Cần Thơ, phó trưởng Ban tổ chức lễ hội, cho biết lễ hội đã thu hút hơn 160.000 lượt khách tham quan, doanh thu 1,77 tỉ đồng. 

 * Đã đăng báo Sài Gòn Tiếp thị 4-5-2015:

 




Không có nhận xét nào: