(TBKTSG Online)- Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn đã khởi công tại ấp Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) vào chiều nay, 4-9.
Bến tàu tại đảo Lại Sơn. Ảnh: Đình Hoàng |
Chủ đầu tư của dự án này là Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC).
Đây là công trình có đoạn đường dây 110kV trên không vượt biển dài nhất Việt Nam, 24,5 km, lần đầu tiên được xây dựng trên vùng biển Kiên Giang, do Công ty cổ phần Thái Bình Dương thi công.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVN SPC, đây là dự án nằm trong chuỗi dự án cấp điện cho 6.800 hộ dân bảy xã đảo của tỉnh Kiên Giang là Hòn Heo, Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), Hòn Đốc (thị xã Hà Tiên), Lại Sơn, An Sơn và Nam Du (huyện Kiên Hải), Hòn Thơm (huyện Phú Quốc) với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỉ đồng. Chuỗi dự án này được đầu tư theo ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2015-2016), EVN SPC sẽ xây dựng đường dây 110 kV An Biên - Lại Sơn 43,9 km, lưới điện và trạm biến áp trên đảo Lại Sơn để cấp điện cho 1.956 hộ dân, vốn đầu tư 468 tỉ đồng.
Giai đoạn 2 (2016-2018), với kinh phí 514 tỉ đồng, chủ đầu tư sẽ xây dựng các tuyến đường dây 22 kV vượt biển, lưới điện trung hạ áp, trạm biến thế, lắp đặt công tơ cho người dân trên các xã Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương), xã Tiên Hải (Hà Tiên) và xã Hòn Thơm (huyện Phú Quốc).
Giai đoạn cuối từ 2018-2020 là xây dựng các tuyến đường dây 22 kV vượt biển và lưới điện trung hạ thế, trạm biến thế trên các xã đảo An Sơn và Nam Du thuộc quần đảo Nam Du với kinh phí 623 tỉ đồng
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án này nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển; đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.
Thủ tướng cho rằng việc cung cấp điện ổn định cho các xã đảo từ hệ thống điện quốc gia thông qua cấp điện áp 110 kV, 22 kV là phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, kích thích đầu tư, tăng trưởng kinh tế, giảm bớt và tiến tới ngừng sản xuất điện bằng máy phát điện diesel nhỏ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển đảo Kiên Giang.
Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào dịp 30-4-2016,.
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố của cả nước có biển, với bờ biển dài 200 km; có 143 đảo nổi, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống, tạo nên 5 quần đảo giàu tiềm năng kinh tế. Ngoài huyện đảo Phú Quốc được cấp điện lưới quốc gia từ tháng 2-2014 bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển Hà Tiên - Phú Quốc dài 56 km; xã đảo Hòn Tre (Trung tâm hành chính của huyện đảo Kiên Hải) được cấp điện lưới quốc gia từ ngày 1-2-2015 bằng đường dây 22 kV trên không vượt biển Thổ Sơn - Hòn Tre dài 13 km; các xã đảo còn lại đang sử dụng nguồn phát điện diesel tại chỗ, hạn chế về năng lực cung cấp điện, chi phí phát điện rất cao và không thân thiện với môi trường.
Theo ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Lại Sơn là xã đảo lớn nhất, đông dân cư nhất của huyện Kiên Hải, cách thành phố Rạch Giá khoảng 65 km về phía Tây; khoảng cách gần nhất với đất liền là đến khu vực Xẻo Nhàu, huyện An Minh (khoảng 25 km). Hoạt động kinh tế chính của Lại Sơn là khai thác, chế biến và nuôi trồng hải sản. Đảo Lại Sơn bắt đầu sử dụng điện nguồn diesel từ năm 2001.
Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/135278
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét