Sau năm 1990, báo Tuổi Trẻ lập tổ đặc phái viên tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt tại Cần Thơ, mở màn cho các văn phòng đại diện sau này của báo tại các vùng kinh tế trong cả nước. Trước năm 1985, khi còn là bộ đội Quân khu 9, tôi đã cộng tác với báo Tuổi Trẻ rồi làm đặc phái viên tại ĐBSCL cho tới ngày xuất ngũ,1996. Hai câu chuyện sau đây, như những kỉ niệm khó quên về ĐBSCL, trong quãng thời gian ấy.
“Chuyện nghề & chuyện người” |
1.
Trong bài “Về đâu chất xám miền Tây?” (báo Tuổi Trẻ Xuân 1992), có một đoạn như thế này: “Hồi cuối năm về Minh Hải, tôi nhận được một thông tin buồn: tỉnh không cho Đài Phát thanh - truyền hình Minh Hải phát bài nói của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt tại Đại hội Đảng bộ tỉnh vòng 2. Ông Võ Văn Kiệt đã nhận xét thẳng những nguyên nhân ảnh hưởng sự phát triển của Minh Hải, trong đó có việc Minh Hải chưa biết trọng dụng chất xám: “Theo những thông tin mà tôi được biết thì cán bộ ở đây chưa được sử dụng tốt: sử dụng trái ngành nghề, cán bộ tập trung quá nhiều ở cơ quan tỉnh, một số ít lại chưa có việc làm, nhiều bất hợp lí kéo dài, đãi ngộ chưa thỏa đáng, thậm chí có một số trường hợp hẹp hòi, thành kiến… Một đất nước muốn phát triển, không thể không trọng dụng những trí thức, trọng dụng nhân tài, cả chuyên gia trong nước và ngoài nước”.Hồi đó, tôi đã chuyển từ lính pháo binh sang làm phóng viên báo Quân khu 9 được sáu năm. Trước đó, báo và đài địa phương có “rao”, mời mọi người đón nghe / xem bài nói ấy. Nhưng tới ngày đại hội, không thấy báo chí thông tin gì. Biết lí do, tôi đã mở đầu bài báo như vậy - chỉ với một thôi thúc: góp sức đổi mới nhiều hơn cho miền Tây Nam bộ thời đó.
Chuyện ấy của Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu), giờ đây thậm chí còn nóng hơn và báo chí lâu nay phê phán mạnh hơn nhiều. Vậy mà hồi đó nó là “chuyện sóng gió” trong làng báo, mà người tạo ra sự kiện cấm đoán ấy lại là ông bí thư tỉnh ủy Minh Hải lúc bấy giờ. Và, với tư cách khu ủy viên Quân khu 9, ông đã yêu cầu Quân khu 9 điều tra động cơ tôi viết bài ấy cho báo Tuổi Trẻ. Báo Quân khu 9 đã cử người đi Minh Hải tìm hiểu và xác nhận đó là sự thật. Tuy nhiên, tôi vẫn bị “hành” rất mệt mấy tháng liền vì đã cộng tác “tự do” với báo chí ngoài quân đội. Còn với báo Tuổi Trẻ thì anh Nam Đồng, lúc đó là phó Tổng biên tập, đã tính cử người về Minh Hải làm việc để “bảo vệ đặc phái viên” nhưng sau lại thôi vì tỉnh Minh Hải không chính thức “kiện” báo Tuổi Trẻ.
2.
Lụt lội ở miền Tây không giống như ở miền Trung quê tôi. Quê Quảng Nam của tôi, tới mùa lũ lụt, chỉ cần qua một đêm nước dâng tràn bờ sông Thu Bồn, là đã thấy "đỉnh lũ" và bao nhiêu cảnh tang thương kéo dài hàng tháng trời. Mùa lụt lội ở miền Tây, dân địa phương kêu là mùa nước nổi. Con nước từ sông Mêkông tràn đồng Campuchia rồi tràn qua biên giới Tây Nam và... lừ đừ tràn ngập ruộng đồng các tỉnh trong vùng từ hai dòng sông Tiền, sông Hậu, kéo dài vài tháng. Các tỉnh ở thượng nguồn ngập trước, An Giang, Đồng Tháp, Long An... rồi tới Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang. Năm lụt lớn, thậm chí mấy tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau cũng bị nước tấn công.Tôi nhớ nhất kỉ niệm tác chiến trong mùa nước nổi tháng 9-1991. Hôm đó vào đầu tuần, báo Tuổi Trẻ nhờ tôi "làm gấp" một bài khi hay tin nước đã tràn đồng mấy huyện đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Tôi đón xe đò tới Châu Đốc vào quãng 11 giờ trưa. Nhìn cảnh nước đã lé đé bờ sông thị xã và mênh mông trước mặt, tôi tạt vào bưu điện Châu Đốc fax về Sài Gòn (lúc đó chưa có e-mail) đề nghị tòa soạn cho "rao" trước trên báo Tuổi Trẻ hôm sau, mời bạn đọc đón xem phóng sự trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật bài “Lũ lụt ở hướng An Giang".
Sau đó, tôi vọt qua huyện An Phú, cùng mấy anh ở huyện đội chạy vỏ lãi khắp nơi, chỗ nào cũng mênh mông đồng nước, không biết đâu là sông Tiền, sông Hậu, đâu là ruộng vườn trước đó. Thích nhất là gặp được một đám cưới trên hai chiếc vỏ lãi đang ngược lên biên giới. Giữa trùng trùng nước lụt đỏ ngầu phù sa, bà con mình vẫn thảnh thơi che dù đỏ, dù xanh, rộn ràng mâm lễ đi rước dâu bằng vỏ lãi.
Tối bữa đó trời mưa tầm tã, tôi về tới Sài Gòn khoảng gần 11 giờ khuya, ghé nhà anh Trần Ngọc Châu (Tổng Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ) và thức viết xong bài phóng sự kèm với chùm ảnh né lũ, kịp sáng bữa sau gửi Tuổi Trẻ Chủ Nhật như đã hứa. Đoạn chót bài báo ấy như vầy:
“Hơn một giờ trưa, chúng tôi về tới ngã ba sông Hậu. Châu Đốc vẫn rộn ràng. Lũ từ thượng nguồn vẫn đổ về, hợp với dòng kinh Vĩnh An bên hướng Đồng Tháp qua, đang cuồn cuộn tràn về hạ lưu sông Hậu, qua đất An Giang, Hậu Giang một cách lặng lẽ đầy bí ẩn những tai ương, bất hạnh. Dẫu biết đây là con lũ sau một chu kì 84-91, tôi vẫn nao nao khi nhớ về câu hò xưa của cô gái An Giang: Hò… ơ. Con nước mênh mông trổ vàng bông điên điển / Anh có thương em thì cứ ở đây chớ can chi phải xuống biển lên rừng…
Nếu cô gái An Giang xưa biết được bây giờ những cánh rừng đại ngàn ở đầu nguồn các con sông bị tàn phá ra sao, hẳn là cô không dám ghẹo chàng trai xa xứ ấy bằng tâm hồn minh mông nước nổi của người con gái xứ đồng bằng như vậy”.
Bài đã đăng in sách “Chuyện nghề & chuyện người” NXB Trẻ nhân kỉ niệm 40 năm thành lập báo Tuổi Trẻ (2-9-1975 – 2-9-2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét